Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 25-5-2009 đến 31-5-2009)
1. Hội nghị Cấp cao doanh nghiệp thế giới về biến đổi khí hậu
Ngày 24-5, tại Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch) diễn ra hội nghị chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao về chống biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới tại nước này. Tham dự “Hội nghị Cấp cao doanh nghiệp thế giới về biến đổi khí hậu” có khoảng 700 đại biểu là đại diện cho các doanh nghiệp lớn của thế giới như các tập đoàn dầu khí BP, Tập đoàn viễn thông Siemens, Tập đoàn tin học Intel, Pepsico, Ericsson... và các chuyên gia về khí hậu. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun kêu gọi các chủ doanh nghiệp và các chính phủ cùng nỗ lực hành động ngay lập tức nhằm đảm bảo tương lai của nhân loại. Ông Ban Ki-mun nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần đi đầu trong nỗ lực nhằm biến đổi nền kinh tế thế giới thành một nền kinh tế sạch hơn, xanh hơn và bền vững hơn. Hội nghị Cấp cao về chống biến đổi khí hậu diễn ra ở Cô-pen-ha-ghen tháng 12 năm nay đặt mục tiêu tới năm 2012 sẽ đạt được một hiệp ước mới về chống tình trạng ấm dần lên của trái đất.
2. CHDCND Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân
Ngày 25-5-2009, CHDCND Triều Tiên chính thức thông báo đã tiến hành thành công vụ thử hạt nhân trong lòng đất, và cho biết, vụ thử lần này là “một phần của các biện pháp nhằm hỗ trợ chính sách ngăn chặn hạt nhân để tự vệ". Đây là vụ thử hạt nhân lần thứ hai của CHDCND Triều Tiên, sau vụ thử hồi tháng 10-2006. Chỉ một ngày sau đó, ngày 26-5-2009, Hàn Quốc quyết định tham gia Sáng kiến chống phổ biến vũ khí hạt nhân (PSI) do Mỹ đề xuất. Là thành viên tham gia PSI, Hàn Quốc sẽ cùng các quốc gia - thành viên khác tiến hành bắt giữ và khám xét tàu thuyền của các nước bị nghi là vận chuyển các loại nguyên vật liệu liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đáp lại, CHDCND Triều Tiên coi hành động này của Hàn Quốc là "lời tuyên chiến"; đồng thời tuyên bố, Bình Nhưỡng rút khỏi Hiệp định đình chiến mà họ đã từng ký hết với Xơ-un năm 1953 và sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ bằng sức mạnh quân sự đối với bất kỳ hành động nào của phía Hàn Quốc bắt giữ hoặc khám xét tàu thuyền của CHDCND Triều Tiên.
3. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Xéc-gây Láp-rốp tới Trung Đông
Ngày 25-5-2009, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergey Lavrov) kết thúc chuyến thăm Trung Đông với sứ mệnh thúc đẩy vai trò của Nga trong tiến trình hòa bình ở khu vực này, cũng như củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác với thế giới Hồi giáo. Trước thềm chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, Mát-xcơ-va ủng hộ tiến trình giải quyết cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông bằng các biện pháp hòa bình và lập trường của Nga luôn coi các quốc gia Hồi giáo là những đồng minh trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, cực đoan tôn giáo. Ngoại trưởng La-vrốp thăm Xy-ri và tham dự khóa họp thứ 36 Hội đồng Ngoại trưởng Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) với chương trình nghị sự trọng tâm là tìm cách thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông đang bị đình trệ và cuộc đối thoại Pa-le-xtin - I-xra-en trong bối cảnh các phe phái Pa-le-xtin mâu thuẫn sâu sắc. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngoại trưởng La-vrốp cũng trao đổi với các đồng cấp A-rập về khả năng Nga tổ chức Hội nghị hòa bình Trung Đông tại Mát-xcơ-va trong năm nay.
4. Kết thúc cuộc họp thường kỳ Hội đồng Nga - NATO cấp đại sứ
Ngày 27-5, cuộc họp thường kỳ Hội đồng Nga - NATO cấp đại sứ tại Brúc-xen (Bỉ) đã kết thúc. Ông Rô-gô-gin cho rằng, việc thảo luận các quan điểm chiến lược về an ninh của mỗi bên giúp hai bên tính đến lợi ích của nhau tốt hơn trong chiến lược an ninh của mình, đây là sự khởi đầu mới cho cuộc đối thoại chính trị giữa hai bên trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng nhau. Ông Rô-gô-gin thông báo, hai bên đang chuẩn bị cho cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Hội đồng Nga - NATO kể từ sau cuộc xung đột Nam Ô-xê-ti-a. Cuộc họp này dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới, với nhiệm vụ hoàn tất tiến trình bình thường hóa đối thoại chính trị giữa hai bên, bị gián đoạn sau cuộc chiến ở Nam Ô-xê-ti-a.
5. Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 17 ASEAN - EU (AEMM) kết thúc
Ngày 28-5-2009, với chủ đề "Đối tác ASEAN-EU vì hòa bình, tăng trưởng kinh tế và phát triển", Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 17 ASEAN-EU (AEMM) đã kết thúc tốt đẹp tại thủ đô Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), với sự tham dự của đại diện đến từ 10 nước ASEAN và 27 nước thành viên EU, đại biểu Ban Thư ký ASEAN và Ủy viên châu Âu (EC). Trọng tâm của hội nghị lần này là tăng cường hợp tác giữa ASEAN và EU, thảo luận về tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu hiện nay, các vấn đề khác của khu vực và quốc tế. Các bộ trưởng tham dự hội nghị đã cùng chia sẻ đánh giá rằng, từ Hội nghị AEMM-16 và Hội nghị cấp cao kỷ niệm năm 2007 đến nay, quan hệ đối thoại và hợp tác ASEAN-EU có nhiều tiến triển quan trọng với kết quả cụ thể đạt đựơc trong việc thực hiện Kế hoạch hành động về quan hệ đối tác tăng cường ASEAN-EU được thông qua tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm hồi tháng 11-2007 tại Xinh-ga-po. Các bộ trưởng ASEAN và EU đã thông qua Chương trình công tác cho giai đoạn 2009-2010 với nhiều hoạt động và dự án hợp tác cụ thể.
6. Thủ tướng Nga V.Pu-tin cảnh báo cuộc xung đột khí đốt mới giữa Nga và U-crai-na.
Ngày 29-5-2009, Thủ tướng Nga V.Pu-tin kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp U-crai-na thanh toán hóa đơn gas của nước này để tránh một cuộc tranh cãi mới về khí đốt. Theo quy định, U-crai-na sẽ phải thanh toán tiền khí đốt cho Nga vào ngày 7-6-2009. Tuy nhiên, các cuộc hội đàm cho thấy có thể có vấn đề trong thực hiện các cam kết tài chính này, vì thế các nguồn cung cấp khí đốt của Nga tới các khách hàng châu Âu có nguy cơ bị phá vỡ. Hiện Nga chưa sẵn sàng cấp cho U-crai-na 5 tỉ USD các khoản thanh toán trước cước phí vận chuyển gas trong vòng 5 tới 7 năm.
7. G8 hợp tác chống khủng bố, cướp biển
Ngày 30-5, kết thúc hai ngày họp ở thủ đô Rôm (I-ta-li-a), các bộ trưởng tư pháp và nội vụ nhóm 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới gồm Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ca-na-đa, I-ta-li-a, Nhật Bản và Nga (G8) đã nhất trí các biện pháp nhằm tăng cường cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, chống tội phạm có tổ chức, nhập cư bất hợp pháp và chống nạn hải tặc. Tuyên bố chung của hội nghị khẳng định, khủng bố và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh, sự cai trị của luật pháp cũng như sự ổn định về kinh tế trên thế giới. Hội nghị cũng chú ý vấn đề tội phạm trên mạng trong bối cảnh các vụ trộm trên mạng gia tăng đang đe dọa an ninh tài chính quốc tế và quyền sở hữu trí tuệ. Tuyên bố nhấn mạnh tất cả các biện pháp chống khủng bố phải tôn trọng nhân quyền, vấn đề cư trú và luật pháp quốc tế. Ngăn chặn là biện pháp quan trọng, trong khi hợp tác giữa các nước G8 và trong cộng đồng quốc là yếu tố cốt yếu để tăng cường hiệu quả của các chiến lược chống khủng bố. Theo các bộ trưởng, trong thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, các nước cần chia sẻ các dữ liệu nhạy cảm về phần tử khủng bố và các kênh thông tin của chúng, đặc biệt trên internet./.
*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 18-5-2009 đến 24-5-2009)
Chủ động phòng ngừa lạm phát đi kèm suy giảm kinh tế  (01/06/2009)
Chủ động phòng ngừa lạm phát đi kèm suy giảm kinh tế  (01/06/2009)
Người cao tuổi và Luật Người cao tuổi  (01/06/2009)
Người cao tuổi và Luật Người cao tuổi  (01/06/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay