V, U hay L?

Nhân Đăng
11:53, ngày 25-03-2009

TCCS ĐT - Đối với các nhà phân tích, có ba kịch bản khác nhau. Thứ nhất, cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra theo hình chữ V, tức là một sự sụp đổ nhanh, nhưng tiếp sau đấy sẽ là một cuộc phục hồi nhanh tương tự. Thứ hai, cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra theo hình chữ U, tức là sụt nhanh rồi chờ một thời gian mới tăng trở lại. Thứ ba, kịch bản tồi tệ nhất là chữ L, tức là sụt nhanh rồi bị tê liệt trong một thời gian dài và chưa biết thời điểm khởi sắc.

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đang trên đà xuống dốc.

Bộ mặt của kinh tế thế giới trong hơn một năm nay ngày càng thêm u ám. Sức tàn phá của “cơn bão” là dữ dội, trước hết, ở các nước phát triển và cả ở các nước đang phát triển. Nó gây nên sự đổ vỡ trong hệ thống ngân hàng, làm ngừng trệ các hoạt động đầu tư và thương mại toàn cầu, thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng của nạn thất nghiệp và đưa đến sự suy thoái toàn diện về kinh tế, nghiêm trọng hơn cả là ở các nền kinh tế đầu tàu như Mỹ, Nhật Bản, EU, …

Đánh giá cuộc khủng hoảng này, các nhà phân tích có những chỗ đứng và cách nhìn khác nhau. Điều dễ nhất trí là quy mô và mức độ tàn phá của nó lớn hơn bất cứ cuộc khủng hoảng nào từng xảy ra trong một thế kỷ qua, trừ cuộc đại suy thoái trong thập kỷ 30 của thế kỷ trước. Những gì đã diễn ra trong cuộc đại suy thoái lần trước nay đều được tái hiện lại, có điều nền kinh tế toàn cầu ngày nay đã lớn lên gấp nhiều lần nền kinh tế của gần một thế kỷ trước, cho nên tổn thất do nó gây ra cũng sẽ lớn hơn gấp nhiều lần.

Chỗ khác nhau là ở nhận định về hồi kết. Những người lạc quan dự báo cuộc khủng hoảng sẽ rơi đến đáy vào năm 2009 và có thể kéo dài đến đầu năm 2010. Những người ít lạc quan dự đoán nền kinh tế toàn cầu chỉ có thể phục hồi ít nhất là sau vài ba năm, thậm chí năm, bảy năm hay mười năm nữa. Vậy là đối với các nhà phân tích, có ba kịch bản khác nhau. Thứ nhất, cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra theo hình chữ V, tức là một sự sụp đổ nhanh, nhưng tiếp sau đấy sẽ là một cuộc phục hồi nhanh tương tự. Thứ hai, cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra theo hình chữ U, tức là sụt nhanh rồi chờ một thời gian mới tăng trở lại. Thứ ba, kịch bản tồi tệ nhất là chữ L, tức là sụt nhanh rồi bị tê liệt trong một thời gian dài và chưa biết thời điểm khởi sắc.

Các nhà thư pháp, với bàn tay tài hoa của mình, có thể biến hoá các hình chữ V, chữ U hay chữ L theo trí tưởng tượng của họ. Nhưng các nhà hoạch định chính sách thì không thể làm như thế. Diễn biến cuộc khủng hoảng phụ thuộc vào các nhân tố khách quan đã sản sinh ra nó đồng thời cũng phụ thuộc vào tác động chủ quan của những giải pháp do các nhà nước và các giới hoạch định chính sách đề ra.

Theo ước định của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đã ngốn mất 50 nghìn tỉ USD trên thế giới, trong số này, các nước châu Á, không kể Nhật Bản, đã mất trắng 10 nghìn tỉ. Các tổ chức tài chính - kinh tế hàng đầu thế giới như Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) đều liên tục đưa ra những dự báo của mình, nhưng dự báo sau thường phủ định dự báo trước. IMF, hồi tháng 11-2008, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2009 sẽ là 2,2%, đến tháng 1-2009, rút xuống còn 0,5%, vào giữa tháng 3 vừa qua lại là từ -1,0% đến -0,5%. WB cũng không lạc quan hơn.

Để “giải cứu” và vực dậy nền kinh tế của mình, Mỹ, nơi khởi phát “cơn bão” rồi từ đó lan ra khắp toàn cầu, là người trước tiên đưa ra những giải pháp kích thích khá ấn tượng. Nhưng cả hai gói giải pháp khẩn cấp gần 1.500 tỉ USD cho đến nay vẫn chưa ngăn chặn được đà xuống dốc của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Nhật Bản, EU và nhiều nước khác cũng đưa ra nhiều gói giải pháp gồm hàng nghìn tỉ USD nhưng hiệu lực và hiệu quả còn chưa rõ ràng.
 
Ở Mỹ, các ngành kinh tế xương sống đều tiếp tục suy giảm, phải thu hẹp sản xuất và sa thải công nhân. Đến tháng 2-2009, số người thất nghiệp đã chiếm đến 8,1% lực lượng lao động cả nước. Dự báo, GDP của nước này trong 2010 sẽ giảm 12% so với dự kiến trước đây và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên mức 2 con số. Bản thân Tổng thống B.Ô-ba-ma cũng thừa nhận rằng ông không thể quả quyết nền kinh tế đang lâm vào suy thoái như thế nào và liệu nước Mỹ có khả năng phục hồi vào cuối năm nay hay không.

Thế giới đang tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của các gói kích cầu. Người thì bảo các gói kích cầu mà các chính phủ đưa ra hiện nay là “quá nhỏ” và “quá chậm”, không đủ liều lượng để làm chuyển đổi tình hình. Ý kiến khác lại cho rằng vấn đề chủ yếu hiện nay là phải thiết lập cơ chế kinh tế và thương mại thế giới mới, cải tổ cơ cấu tài chính vốn bất hợp lý đã là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay.

Hội nghị cấp cao nhóm G20 họp vào tháng 4 sắp tới, chắc chắn sẽ phải đưa ra những kiến giải của mình. Điều đáng quan tâm là quan điểm về giải pháp giữa các nước chủ chốt vẫn còn khác nhau. Trong khi Mỹ, được Anh hậu thuẫn, muốn chính phủ các nước chi tiêu nhiều hơn nữa để đưa nền kinh tế thoát khỏi trì trệ, thì phần lớn các nước EU, nhất là Đức và Pháp, lại từ chối đề nghị “bơm” thêm tiền để vực dậy các thị trường tài chính mà đòi điều chỉnh, sửa đổi các kế hoạch kích thích, giúp hệ thống tài chính thế giới minh bạch hơn và được điều tiết tốt hơn.

Phải chăng hãy còn quá sớm để trả lời câu hỏi cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới sẽ diễn ra theo hình chữ V, chữ U hay chữ L?