Khơi dậy tiềm năng, phát huy giá trị truyền thống, huy động nguồn lực phát triển bền vững tỉnh Bến Tre
TCCS - Ngày 21-11-2023, tại tỉnh Bến Tre, Trường Chính trị tỉnh Bến Tre phối hợp cùng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam và Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ đồng tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh: “Khơi dậy tiềm năng, phát huy giá trị truyền thống, huy động nguồn lực phát triển bền vững tỉnh Bến Tre”.
Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Thường trực phụ trách Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre; Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre; Cao Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bến Tre; TS Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam; PGS, TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Tham dự hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre và 120 chuyên gia, nhà khoa học.
Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, được hình thành bởi ba cù lao gồm: cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh trên bốn nhánh sông lớn là sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Ba Lai và sông Cổ Chiên hướng ra Biển Đông, đường bờ biển kéo dài trên 65km. Diện tích tự nhiên của tỉnh hơn 2.394 km2. Toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính bao gồm 1 thành phố và 8 huyện với dân số khoảng 1,3 triệu gười. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều danh nhân xuất chúng như danh nhân thế giới Nguyễn Đình Chiểu, nhà giáo Võ Trường Toản, nhà giáo Phan Văn Trị, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, nữ tướng Nguyễn Thị Định, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát… Văn hóa Bến Tre hình thành đa dạng, phong phú, đặc sắc, có nhiều di tích trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 4 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, 56 di tích cấp tỉnh; nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống, văn minh sông nước độc đáo. Nói đến Bến Tre là nói đến quê hương của phong trào Đồng Khởi đã đi vào lịch sử cách mạng hào hùng với đội quân tóc dài huyền thoại. Chính truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng vẻ vang đã hun đúc hình thành đức tính riêng có của người Bến Tre: kiên cường, yêu nước, cần cù, sáng tạo, trung hậu, nghĩa tình, khát vọng vươn lên.
Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, với phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI quyết tâm hiện thực hóa khát vọng vươn lên sánh vai với các tỉnh trong khu vực và cả nước; dù trong điều kiện gặp nhiều khó khăn chung như dịch bệnh COVID-19, suy thoái về kinh tế, biến đổi khí hậu, hạn mặn, sạt lở bờ sông, xâm thực bờ biển…, nhưng Đảng bộ và nhân dân Bến Tre luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Riêng năm 2023, tỉnh Bến Tre đã thực hiện các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến thời điểm hiện nay, có 17/24 chỉ tiêu đạt và vượt, 1/24 chỉ tiêu xấp xỉ đạt, 6/24 chỉ tiêu chưa đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2023; ước đến cuối năm 2023 có 3/20 chỉ tiêu đạt và vượt; 10/20 chỉ tiêu sắp xỉ đạt; 4/20 chỉ tiêu đạt trên 50%; 3/20 chỉ tiêu đạt dưới 50% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết, đề án về phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức lại sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh; tập trung phát triển kinh tế biển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và có bước tăng trưởng tích cực.
Nhiều hoạt động đối ngoại được triển khai hiệu quả; năm 2023, đã tổ chức thành công “Tọa đàm xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch” giữa tỉnh Bến Tre và đại sứ Việt Nam tại các nước; tổ chức hai đoàn xúc tiến đầu tư tại Vương quốc Thái Lan và Nhật Bản. Phối hợp với chính quyền tỉnh Ehime (Nhật Bản) triển khai các nội dung đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác; hỗ trợ các nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu chào mừng, đồng chí Hồ Thị Hoàng Yến nhấn mạnh, hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời điểm Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đang tập trung thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu năm 2023, cũng như chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; là dịp để phân tích các lợi thế, tiềm năng của địa phương, các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Bến Tre cần được phát huy; qua đó đề ra các giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần thực hiện thắng Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị khóa XIII, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát biểu đề dẫn, TS Phùng Ngọc Bảo cho rằng, gần 40 năm thực hiện đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa và tiếp nối những thành quả của những nhiệm kỳ trước, phát huy tâm huyết, trí tuệ và sự đóng góp của bao thế hệ lãnh đạo, nhân dân tỉnh nhà, kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đã có những bước chuyển tích cực, khá toàn diện, rút ngắn được khoảng cách tụt hậu với khu vực và cả nước. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Bến Tre xác định: “Phấn đấu xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030”. Qua nửa nhiệm kỳ, kinh tế - xã hội của địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI vẫn còn một số hạn chế, như chỉ số GRDP còn khoảng cách khá lớn so với mục tiêu đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, nhiều chỉ tiêu đạt dưới 50% so với nghị quyết…
Do đó, Ban Tổ chức hội thảo mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý đánh giá đúng thành tựu, cũng như chỉ ra hạn chế, nhận diện đúng tình hình, xác định đúng các đột phá chiến lược, để tỉnh Bến Tre tiếp tục phát triển trong thời gian tới; đặc biệt là, làm thế nào để đưa tỉnh sớm trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Bằng trách nhiệm, tâm huyết của mình với quê hương Đồng Khởi, các nhà quản lý, nhà khoa học đã tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh một số vấn đề trọng tâm: (i) Những giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống cách mạng của tỉnh Bến Tre; (ii) Nguồn lực tạo động lực phát triển bền vững cho tỉnh Bến Tre hiện nay; (iii) Cơ chế, chính sách cùng các giải pháp để tỉnh Bến Tre phát triển bền vững.
Hội thảo khoa học “Khơi dậy tiềm năng, phát huy giá trị truyền thống, huy động nguồn lực phát triển bền vững tỉnh Bến Tre” cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý với gần 120 báo cáo khoa học, trong đó Ban tổ chức đã chắt lọc 83 tham luận để biên tập, đăng vào kỷ yếu và có 9 đại biểu trình bày tham luận trực tiếp, nội dung tập trung bàn thảo các vấn đề chính:
Một là, làm rõ hơn về những giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống cách mạng của tỉnh Bến Tre; phẩm chất, cốt cách của con người quê hương Đồng Khởi đã kiên cường, anh dũng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày nay đoàn kết, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đưa tỉnh Bến Tre phát triển nhanh, bền vững.
Hai là, phân tích nguồn lực, tiềm năng của tỉnh Bến Tre trong phát triển hiện nay; thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh trong đổi mới, hội nhập và phát triển; vai trò chủ thể của hệ thống chính trị thúc đẩy thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội; thực trạng và giải pháp thu hút, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; liên kết, thu hút nguồn lực từ các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Ba là, đề xuất các cơ chế và định hướng chiến lược, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển; các thiết chế, định chế tài chính, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế nhằm phát huy giá trị và tiềm năng, lợi thế đặc thù của địa phương; xây dựng và phát triển thương hiệu Bến Tre gắn với đô thị sinh thái thông minh, bản sắc; chuỗi đô thị sinh thái gắn với tài nguyên và vị trí địa lý, lợi thế sẵn có ở các khu vực tiếp giáp sông, biển và hệ sinh thái tự nhiên; thu hút hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra các mô hình kinh tế thông minh, phát triển nhanh và bền vững cho địa phương.
Phát biểu kết luận, đồng chí Trần Ngọc Tam nhấn mạnh, các tham luận, ý kiến thảo luận, trao đổi của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạch địch chính sách… tại hội thảo đã gợi mở, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách cùng các giải pháp thiết thực, qua việc khơi dậy tiềm năng, phát huy giá trị truyền thống, huy động tối đa nội lực gắn với tranh thủ ngoại lực để sớm đưa tỉnh phát triển bền vững. Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ chắt lọc một số bài viết có giá trị lý luận, thực tiễn cao để đăng trên các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản; biên tập lại các tham luận phục vụ cho xuất bản sách chuyên khảo; đồng thời, khẩn trương hoàn thiện báo cáo đề xuất gửi các cơ quan chức năng, góp sức cùng địa phương thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt là hiện thực hóa mục tiêu “phát triển Bến Tre về hướng đông, huy động và sự dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội” mà Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh đã đề ra./.
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050  (21/11/2023)
Lãnh đạo Ban Biên tập, Đảng ủy cơ quan Tạp chí Cộng sản chúc mừng ban lãnh đạo, cán bộ, giảng viên một số trường, học viện nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam  (18/11/2023)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay