Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2007 - 2010, ngân sách Trung ương sẽ đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, tạo việc làm cho khoảng từ 6 - 6,4 triệu lao động, trong đó 320.000 lao động sẽ đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ trưởng Bô Laođộng thương binh và Xã hộiLê Bạch Hồngcho biết các cơ chế, chính sách sẽ được bổ sung để khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, thu hút nhiều lao động. Đặc biệt, Bộ cùng với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng và trình Chính phủ đề án dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên, nhằm tăng ít nhất 150.000 chỗ làm việc mới hàng năm thông qua các chính sách tín dụng, ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất, các trang trại, làng nghề truyền thống và hộ gia đình.
Dự kiến, đến năm 2010, ba trung tâm giới thiệu việc làm ở ba vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam và các sàn giao dịch việc làm thường xuyên tại cơ sở, các tỉnh và thành phố cũng sẽ được xây dựng nhằm phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động và kết nối cung cầu lao động.
Một giải pháp không kém phần quan trọng đó là tăng cường đầu tư phát triển dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động theo yêu cầu của thị trường. Với nguồn vốn đầu tư cho dạy nghề, chiếm khoảng 10-12% tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục-đào tạo vào năm 2010, ngành sẽ dành phần lớn cho việc nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo.

Ngành lao động đề ra mục tiêu, đến năm 2010 cả nước sẽ có khoảng 270 trường trung cấp, 90 trường cao đẳng và 750 trung tâm dạy nghề; mỗi năm sẽ có khoảng 1,5-2 triệu người được đào tạo nghề, trong đó người được đào tạo có trình độ trung cấp và cao đẳng nghề chiếm khoảng 25-30%.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2001-2005, cả nước đã có 6,6 triệu người được đào tạo nghề, tăng bình quân hàng năm 6,5%; tạo việc làm cho trên 7,5 triệu lao động, tăng 25% so với giai đoạn 1996-2000; 375.000 lao động được đưa đi làm việc tại trên 40 nước và vùng lãnh thổ. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 6,28% năm 2001 xuống còn 5,15% năm 2006.