“Toàn cầu hóa và những vấn đề phát triển”
TCCS ĐT - Hội thảo quốc tế về “Toàn cầu hóa và những vấn đề phát triển” được tổ chức thường niên tại Cu-ba theo sáng kiến của Hiệp hội các nhà kinh tế và kế toán Cu-ba và Hiệp hội các nhà kinh tế Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê từ năm 1999.
Hội thảo lần thứ XI với chủ đề “Toàn cầu hóa và những vấn đề phát triển” diễn ra từ ngày 2 đến 6-3-2009, với sự tham dự của 1.500 đại biểu đại diện cho 52 nước và nhiều tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế và khu vực. Hội thảo tập trung vào hai chủ đề lớn là cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, thách thức đối với khu vực Mỹ La-tinh và các giải pháp đối với vấn đề phát triển bền vững. Vấn đề xã hội, môi trường, hội nhập, chủ nghĩa tập thể, nhân quyền và các phong trào xã hội cũng là những nội dung được bàn đến ở Hội nghị này.
Đề cập những khó khăn, thách thức mà khu vực Mỹ La-tinh đang phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, Tổng thống Hôn-đu-rát cho rằng, giá trị thực thời gian qua đã bị các nước tư bản thổi phồng gấp 8 lần, gây ra tình trạng “kinh tế ảo” và “tăng trưởng bong bóng” (GDP thực toàn cầu là 50 ngàn tỉ USD, song GDP ảo lên tới 400 ngàn tỉ USD).
Kêu gọi Mỹ La-tinh liên kết cả về chính trị và kinh tế để đối phó với tình trạng khủng hoảng, Tổng thống Cộng hòa Đô-mi-ni-ca cho rằng, chỉ cần 5% số tiền cam kết cứu trợ các ngân hàng vừa qua (tổng số là 8 ngàn tỉ USD) có thể giúp toàn thế giới giải quyết được nạn đói nghèo.
Về nguyên nhân khủng hoảng tài chính toàn cầu, giáo sư Ét-mun Pheo (nhận giải Nô-ben kinh tế năm 2007) với tham luận “Chủ nghĩa vị tha và trách nhiệm xã hội – mặt tốt và mặt xấu” đã cho rằng, nguyên nhân khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay không chỉ do giới tư bản tài phiệt gây nên mà còn xuất phát từ lỗi của chính những người đi vay mua nhà không đủ khả năng thanh toán.
Dựa trên hệ thống tỷ giá tiền tệ quốc tế, tiến sỹ Rô-bớt Măn-đeo (nhận giải Nô-ben kinh tế năm 1999) trong bài thuyết trình “Các cuộc khủng hoảng tài chính và hệ thống tiền tệ quốc tế” cho rằng, nguồn gốc khủng hoảng do lỗi lãnh đạo các định chế tài chính Mỹ và thế giới đã kiểm soát không tốt hệ thống tỷ giá. Tiến sỹ Rô-bớt En-gờn (nhận giải Nô-ben kinh tế năm 2003) trình bày phương thức dự đoán ảnh hưởng của thị trường tài chính theo mô hình ARCH (độ co giãn biên độ giao dịch của thị trường chứng khoán), mô phỏng tiến triển tiếp theo của thị trường tài chính dựa trên độ lên xuống của số tiền gốc bỏ ra đầu tư tại một thời điểm.
Trong khi đó, đại diện các thể chế tài chính quốc tế (Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới…) phát biểu cầm chừng, không đi thẳng vào vấn đề, chỉ coi đây là vấn đề chung của cả thế giới và kêu gọi các nước nói chung và các nước Mỹ La-tinh nói riêng cùng tham gia chống khủng hoảng.
Quan điểm của các đoàn tham gia nói chung và các đoàn của khu vực Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê nói riêng đều nhất trí cho rằng, cuộc khủng hoảng này là cuộc khủng hoảng cơ cấu - thể chế gắn liền với cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng môi trường sinh thái, khủng hoảng các giá trị văn hóa - đạo đức. Đây là cuộc khủng hoảng toàn diện của chủ nghĩa tư bản thế giới và cuộc khủng hoảng này còn trầm trọng hơn cả cuộc đại khủng hoảng 1929-1933 (thời kỳ dân số thế giới sống ở vùng nông thôn với kinh tế tự túc, tự cấp, ít bị ảnh hưởng và tác động đến toàn nhân loại). Gốc rễ của cuộc khủng hoảng này chính là việc Mỹ áp đặt chủ nghĩa tự do mới về kinh tế tại khu vực và trên toàn thế giới.
Khắc phục cuộc khủng hoảng hiện nay, các nhà kinh tế mác-xít và cánh tả Mỹ La-tinh tập trung vào các giải pháp sau:
- Đẩy mạnh cuộc đấu tranh đòi thiết lập một trật tự kinh tế thế giới mới công bằng, bình đẳng, hợp lý; bảo đảm sự tham gia bình đẳng của tất cả các quốc gia có chủ quyền trên toàn thế giới, không phân biệt giàu - nghèo, lớn - nhỏ.
- Thúc đẩy cuộc đấu tranh nhằm thiết lập các tổ chức và cơ cấu tài chính, thương mại quốc tế mới công bằng và hợp lý, bảo đảm sự bình đẳng của mọi quốc gia trên thế giới.
- Phát động cuộc đấu tranh đòi xóa nợ nước ngoài cho tất cả các nước đang phát triển.
- Kêu gọi liên kết khu vực, hình thành thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng riêng, thậm chí thiết lập một đồng tiền chung cho toàn khu vực Mỹ La-tinh (đồng Sucré).
- Tăng cường hợp tác Nam - Nam trên tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau để đương đầu với cuộc khủng hoảng, tiến tới thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội không còn người bóc lột người.
- Phát động cuộc đấu tranh đòi hủy bỏ các căn cứ quân sự (hiện có trên 800) của Mỹ và các nước tư bản đế quốc trên toàn thế giới, bắt đầu bằng cuộc đấu tranh của Ê-cu-a-đo đòi hủy bỏ căn cứ quân sự của Mỹ tại đảo Man-ta vào năm 2009.
Hội nghị đã thông qua Thông điệp Cuộc gặp gỡ lần thứ XI về “Toàn cầu hóa và những vấn đề phát triển” gửi lên Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc, kêu gọi nỗ lực nghiên cứu cụ thể và rõ ràng những tác động của khủng hoảng tài chính đối với kinh tế thế giới hiện này, xây dựng một trật tự tài chính thế giới mới trong cuộc gặp thượng đỉnh của 192 Nguyên thủ quốc gia thành viên của Liên hợp quốc sẽ được tổ chức vào tháng 6-2009./.
“Toàn cầu hóa và những vấn đề phát triển”  (20/03/2009)
Nước Pháp trước những cuộc biểu tình rộng khắp  (20/03/2009)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Ðới Bỉnh Quốc  (20/03/2009)
Kinh tế một số nước và vùng lãnh thổ châu Á có thể hồi phục vào năm 2010  (20/03/2009)
Tiết kiệm hơn 16,4 tỉ đồng nhờ hiến máu tình nguyện  (20/03/2009)
Triển vọng xuất khẩu  (20/03/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên