Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại mặt trận Điện Biên Phủ (Tiếp theo và hết)
... Sau một đêm thức trắng, sáng hôm sau (26 tháng 1), với nắm ngải cứu buộc trên đầu, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp sang gặp Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh. Ông thẳng thắn nói lên những suy nghĩ của mình hơn 10 ngày qua, nêu lên những khó khăn về chiến thuật mà bộ đội ta chưa có điều kiện khắc phục và khẳng định đánh nhanh không bảo đảm thắng lợi. Cuối cùng ông nói rõ ý định tạm hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại từ đầu để đánh theo phương châm đánh chắc, tiến chắc.
Sau này được biết, chính ông Vi Quốc Thanh cũng đã trải qua những ngày đêm trăn trở trước tình hình địch đã thay đổi. Nay thấy người trực tiếp chịu trách nhiệm về kết quả chiến dịch chủ động nêu ý kiến quyết định thay đổi cách đánh, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc cũng đồng tình cho rằng, đánh nhanh là mạo hiểm, không bảo đảm thắng lợi. Hai người bạn, hai người đồng chí dễ dàng nhất trí chỉ sau nửa giờ trao đổi.
Trong buổi họp Đảng ủy Mặt trận ngay sáng hôm đó, Bí thư Võ Nguyên Giáp thấy lúc đầu mỗi đồng chí Đảng ủy viên đều có lý do để bảo vệ ý kiến của mình, mà đều là những ý kiến không thuận. Có đồng chí nhấn mạnh: Bộ đội đã sẵn sàng xuất kích, một ví dụ là ở Đại đoàn 312, Chính ủy Trần Độ đã trịnh trọng làm lễ trao cờ Quyết chiến quyết thắng cho đơn vị mũi nhọn. Khí thế bộ đội rất mạnh. Nay bỗng nhận được lệnh tạm ngừng tiến công, thu quân, thu pháo, liệu có tạo nên một sự hẫng hụt về tư tưởng hay không? Bí thư Đảng ủy Võ Nguyên Giáp nhắc lại tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4, nhắc lại lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đề nghị các đồng chí Đảng ủy viên hãy vì trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và quân đội, hãy trả lời một câu hỏi cốt lõi lúc này là đánh như vậy có 100% chắc thắng hay không?
Trải qua vài giờ trao đổi với tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm cao, cuối cùng tập thể Đảng ủy cũng thấy rằng thay đổi kế hoạch tác chiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vận tải tiếp tế khi mùa mưa đến, nhưng không thể vì những khó khăn trở ngại do chiến dịch có thể kéo dài mà chọn một cách đánh không bảo đảm thắng lợi. Và một khi chiến dịch đã “sượng” thì còn phải đối mặt với biết bao nhiêu vấn đề phức tạp mà lúc này chưa hình dung hết được. Đảng ủy nhất trí cho rằng, thay đổi phương châm tác chiến là một quyết tâm rất lớn, là thể hiện cụ thể sự quán triệt tư tưởng chỉ đạo đánh chắc thắng của Trung ương. Kết thúc buổi họp, Bí thư Đảng ủy Võ Nguyên Giáp yêu cầu từng thành viên trong Đảng ủy phải làm cho ba cơ quan Mặt trận bộ và cấp lãnh đạo các Đại đoàn đồng tâm nhất trí thay đổi cách suy nghĩ và hành động cho phù hợp với tình hình mới. Ông sẽ thay mặt Đảng ủy báo cáo và đề nghị Trung ương động viên hậu phương dốc toàn lực cùng bộ đội ở tiền tuyến khắc phục mọi khó khăn để giành thắng lợi trọn vẹn cho chiến dịch.
Ngay sau đó là mệnh lệnh kéo pháo ra và lui quân về vị trí tập kết, đồng thời là lệnh cho Đại đoàn 308 bất ngờ hành quân lật cánh sang hướng Thượng Lào, phá sập hành lang chiến lược sông Nậm Hu làm cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ càng bị cô lập và buộc tướng Na-va phải tiếp tục điều quân từ đồng bằng lên đối phó.
Từ cuối tháng 4-1954, sau hai đợt tiến công của ta, quân Pháp trên cánh đồng Mường Thanh đã ở vào tình thế hết sức nguy ngập trên một không gian chừng một ki-lô-mét vuông. Mọi ý đồ đưa quân từ ngoài vào hòng giải vây cho đồng bọn trong tập đoàn cứ điểm đều không còn khả năng thực hiện.
Đánh giá tình hình bộ đội trong đợt tiến công vừa qua, Tổng tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp quan tâm đến một hiện tượng không bình thường, nhất là trong một số cán bộ khi tiến đánh các điểm cao phía đông. Đó là những biểu hiện tiêu cực như ngại hy sinh gian khổ, chấp hành mệnh lệnh không nghiêm, cá biệt có cán bộ bỏ nhiệm vụ giữa trận đánh. Bí thư Đảng ủy Võ Nguyên Giáp suy nghĩ về cách triển khai Nghị quyết ngày 19-4-1954 của Bộ Chính trị mà ông mới nhận được(1). Ông biết rằng cùng chịu trách nhiệm với ông về chiến dịch quan trọng này là những đồng chí thân thiết đã cùng ông chung lưng đấu cật từ những ngày đầu của sự nghiệp vũ trang khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng. Vấn đề đặt ra là, với tinh thần trách nhiệm trước toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, phải động viên các đồng chí cùng nhau nhìn thẳng vào sự thật, khẳng định nhất thiết phải khắc phục bằng được những tồn tại về tư tưởng trước khi bước vào đợt ba, kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch, giành toàn thắng cho chiến dịch.
Ngày 27-4, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Võ Nguyên Giáp triệu tập các Bí thư Đảng ủy Đại đoàn và các đồng chí phụ trách ba cơ quan Tham mưu, Chính trị và Hậu cần mặt trận tiến hành một đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt trong ba ngày, từ 27 đến 29. Mục đích đợt sinh hoạt này nhằm cùng nhau kiểm điểm và chấn chỉnh tư tưởng chỉ đạo, chủ yếu là khắc phục tư tưởng hữu khuynh tiêu cực tồn tại ngay trong những người chịu trách nhiệm chủ yếu về kết quả cuối cùng của chiến dịch.
Với tinh thần “dĩ công vi thượng”(2), Tổng tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp đã động viên mọi người thẳng thắn phê bình, tự phê bình trong cuộc họp Đảng ủy mở rộng, nhằm khắc phục tư tưởng hữu khuynh tiêu cực trước khi bước vào đợt ba của chiến dịch.
Sau hai ngày từng đồng chí tự kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị và thư của Tổng bí thư Trường Chinh, ngày 29-4 Bí thư Đảng ủy Võ Nguyên Giáp đọc báo cáo kết luận. Sau khi tổng hợp nội dung kiểm điểm của từng người tham gia hội nghị, bản báo cáo tập trung phân tích những tồn tại trong tư tưởng cán bộ và khẳng định đó là trở ngại chủ yếu trên bước đường tiến tới giành thắng lợi trọn vẹn cho chiến dịch.
Bản báo cáo nhấn mạnh: Hiện nay, trong cấp ủy đại đoàn, trung đoàn và tiểu đoàn đang tồn tại tư tưởng hữu khuynh tiêu cực và đó là đối tượng đấu tranh chủ yếu của chúng ta trong lúc này. Đồng chí Võ Nguyên Giáp lý giải: Tư tưởng hữu khuynh tiêu cực là tư tưởng thù địch, chống lại tư tưởng cách mạng của Đảng, ngăn cản quân đội hoàn thành nhiệm vụ. Tư tưởng đó biểu hiện dưới nhiều hình thức. Một là, dao động, sợ khó, sợ khổ, sợ hy sinh, sợ thương vong, sợ tiêu hao mệt mỏi, thiếu tinh thần khắc phục khó khăn, tinh thần tích cực tiêu diệt địch, tinh thần đấu tranh với những sai lầm của bản thân và của đồng chí, đồng đội. Hai là, chủ quan khinh địch, chủ quan tự mãn, quan liêu đại khái, biểu hiện trong khi chấp hành nhiệm vụ chiến đấu, thiếu tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh, không tôn trọng và kiên trì chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Kết quả là không nhiệm vụ nào thực hiện được đầy đủ và đúng thời gian như quy định. Ba là, không nắm chắc chính sách cán bộ, chấp hành kỷ luật không nghiêm, không chú trọng phát triển đảng và dựa vào tổ chức đảng để động viên và lãnh đạo bộ đội chiến đấu. Chính vì tư tưởng hữu khuynh tiêu cực tồn tại ngay trong hàng ngũ cán bộ trung, cao cấp cho nên chỉ thị mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch bị cản trở, không quán triệt được xuống cấp dưới nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành nhiệm vụ của bộ đội.
Bằng một giọng chân thành và thẳng thắn, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Võ Nguyên Giáp nói với các Bí thư Đảng ủy các Đại đoàn có mặt trong hội nghị: Các đồng chí có trách nhiệm rất lớn nhưng các đồng chí không phân biệt trách nhiệm của từng cấp nặng nhẹ khác nhau như thế nào. Ngay trong bản tự kiểm điểm của các đồng chí, tuy đã tương đối thành khẩn nhưng các đồng chí còn nói nhiều đến những hiện tượng hữu khuynh, tiêu cực trong đơn vị mà không đi sâu vào tư tưởng hữu khuynh tiêu cực ngay trong Đảng ủy Đại đoàn và ngay ở bản thân các đồng chí. Như vậy, chứng tỏ tinh thần tự phê bình bôn-sê-vích, tinh thần đấu tranh với những sai lầm còn thiếu ở ngay trong bản thân Đảng ủy Đại đoàn. Đó cũng là một biểu hiện cụ thể của tư tưởng hữu khuynh tiêu cực. Điều đó có nghĩa là, đối với những biểu hiện thực tế nhất, cụ thể nhất và nghiêm trọng nhất của tư tưởng hữu khuynh tiêu cực đã không được các đồng chí vạch ra trong bản kiểm thảo của mình. Các đồng chí không phân rõ trách nhiệm, chỉ phê phán một cách qua loa xong chuyện, nhận lỗi của mình nhưng lại biện bạch và đổ lỗi cho cấp trên.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến tư tưởng hữu khuynh tiêu cực tồn tại nghiêm trọng trong Đảng và trong quân đội là do thiếu sự giáo dục và đấu tranh nội bộ. Yêu cầu cụ thể và trực tiếp đối với công tác lãnh đạo trong chiến dịch này là phải kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực nhằm phát huy bằng được tinh thần tích cực cách mạng và nâng cao quyết tâm chiến đấu để tiêu diệt toàn bộ quân địch, giành thắng lợi trọn vẹn cho chiến dịch. Ông nhấn mạnh: Thái độ của chúng ta đối với quân địch ở Điện Biên Phủ như thế nào thì thái độ đấu tranh của chúng ta đối với tư tưởng hữu khuynh tiêu cực cũng phải kiên quyết như thế, tức là phải đấu tranh triệt để, tìm nó ở tất cả những nơi nó có thể ẩn náu, bài xích phê phán đến cùng, không nhân nhượng, không thỏa hiệp, không dung túng, không dĩ hòa vi quý. Dĩ hòa vi quý là tự do chủ nghĩa, là không tha thiết với thắng lợi của quân đội, với lợi ích của Đảng.
Sau đó bản báo cáo nêu lên phương hướng và biện pháp triển khai công tác lãnh đạo để đợt sinh hoạt chính trị đột xuất này đạt được kết quả thiết thực, tạo nên một chuyển biến mới về chính trị tư tưởng, làm cho kết quả của cuộc hội nghị này không những chỉ đặt cơ sở cho những thắng lợi sắp tới trong chiến dịch này mà còn đánh dấu một bước tiến bộ quan trọng trong quá trình khắc phục tư tưởng hữu khuynh tiêu cực trong hàng ngũ của Đảng và của quân đội.
Tổng tư lệnh chiến dịch kết thúc bài phát biểu bằng những lời tâm huyết: Là những đồng chí chịu trách nhiệm trước Đảng chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình thành khẩn và nghiêm chỉnh đối với những tư tưởng sai lầm, phải tiến hành đấu tranh nội bộ để đi tới đoàn kết nhất trí, làm cơ sở để mở rộng cuộc đấu tranh phê bình và tự phê bình nhằm xây dựng, tăng cường niềm tin tưởng và phấn khởi, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong toàn quân, đoàn kết vì mục đích tối cao của chiến dịch này là tiêu diệt toàn bộ quân địch, đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đến thắng lợi trọn vẹn.
Đêm 29-4, trong không khí lạc quan và tin tưởng của mỗi thành viên tham dự hội nghị, đồng chí Võ Nguyên Giáp giữ các Bí thư Đảng ủy Đại đoàn ở lại hướng dẫn cụ thể biện pháp triển khai đợt sinh hoạt chính trị ở các đơn vị, trao đổi và góp ý kiến về phương hướng lãnh đạo sắp tới, nhất là biện pháp khắc phục những khó khăn của đơn vị khi bước vào đợt chiến đấu cuối cùng.
Như sau này việc tổng kết kinh nghiệm công tác chính trị trong quân đội đã đánh giá, đợt sinh hoạt chính trị đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực ở Mặt trận Điện Biên Phủ là một thành công điển hình, một mẫu mực về công tác chính trị tư tưởng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
* * *
Từ những bài học rút ra khi nghiên cứu nhân vật lịch sử Võ Nguyên Giáp thông qua một sự kiện cụ thể là chiến dịch Điện Biên Phủ, có thể khái quát thành mấy điểm nổi bật sau đây về phẩm chất cách mạng của đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Đó là trách nhiệm chính trị của người cầm quân. Cụ thể, đó không chỉ là trách nhiệm trước nhân dân, trước tiền đồ của sự nghiệp kháng chiến mà trực tiếp trong chiến dịch này là trách nhiệm trước sinh mạng của chiến sĩ. Như Thượng tướng Trần Văn Trà nhận xét: Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bao giờ cũng đứng trên quan điểm cốt tử là giành thắng lợi nhưng phải hạn chế cao nhất sự hy sinh xương máu của chiến sĩ. Ông không bao giờ chủ trương giành thắng lợi bằng mọi giá. Chính vì thế mà đã có người ví Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một cây đại thụ rợp bóng nhân văn.
Đó là tinh thần quả cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngay trong thời điểm thử thách vừa quyết liệt vừa nhạy cảm như ngày 26-1-1954, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp vẫn vững tin vào cách suy nghĩ của mình để đưa ra một quyết định táo bạo. Quyết định đó không chỉ đơn thuần xuất phát từ kinh nghiệm cầm quân hay chỉ dựa trên tinh thần tích cực cách mạng, mà còn dựa trên cơ sở phân tích bằng một tư duy khoa học phù hợp với quy luật phát triển của cuộc chiến tranh cách mạng cũng tức là phù hợp với điều kiện cụ thể của chiến trường Điện Biên Phủ.
Đó là cách xử lý đúng đắn trong quan hệ giữa "cái tôi" với tập thể lãnh đạo mà ông là người chủ trì. "Cái tôi" đó hết sức tôn trọng ý kiến của tập thể nhưng trước hết là tôn trọng sự thật khách quan, tôn trọng thực tế về tương quan lực lượng và về khả năng chiến đấu của bộ đội. Nếu ý kiến của tập thể không phù hợp với thực tế khách quan thì "cái tôi" đó sẵn sàng chờ đợi nhưng không nghe theo một cách thụ động vô trách nhiệm, mà kiên trì đấu tranh thuyết phục để tập thể chấp nhận chân lý trên cơ sở công nhận thực tế khách quan trên chiến trường.
Đó là tác phong thực sự cầu thị, sâu sát, bám chắc thực tế làm cơ sở để hạ quyết tâm đúng đắn đồng thời cũng là cơ sở để thuyết phục tập thể Đảng ủy và Đoàn cố vấn. Sở dĩ Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thuyết phục được tập thể thay đổi cách suy nghĩ không phải vì ông dùng sức ép về quyền lực để áp đặt, mà vì ông dựa vào tình hình cụ thể về địch và khả năng của bộ đội mà ông nắm rất chắc trải qua 12 ngày đêm trăn trở, thao thức để vừa theo dõi vừa phân tích. Ông cũng đánh giá đúng tinh thần trách nhiệm và đánh giá đúng phẩm chất cũng như năng lực các đồng chí trong Đảng ủy và tin rằng, bằng cách đưa ra những dẫn chứng cụ thể khi thảo luận dân chủ cởi mở, phân tích lý lẽ giữa một bên là yêu cầu đánh chắc thắng với một bên là tính chất mạo hiểm của cách đánh nhanh thì sẽ tạo cho tập thể Đảng ủy có cơ sở để cùng nhau đi đến sự đồng thuận.
(1) Đặt lợi ích chung lên trên. Đó là lời dạy của Cụ Hồ khi giao nhiệm vụ cầm quân cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mười năm trước đó.
(2) Sau khi nhận báo cáo về kết quả đợt 2 chiến dịch và những tồn tại khi bước vào đợt 3, Bộ Chính trị họp và ra nghị quyết động viên toàn dân hậu phương dốc sức chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ giành thắng lợi cuối cùng. Đồng thời Bộ Chính trị chỉ thị cho Đảng ủy Mặt trận phải củng cố quyết tâm, đề cao tinh thần trách nhiệm, triệt để chấp hành mệnh lệnh, vượt qua mọi khó khăn, giành toàn thắng cho chiến dịch.
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại mặt trận Điện Biên Phủ (kỳ II)  (09/04/2009)
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại mặt trận Điện Biên Phủ (Kỳ I)  (09/04/2009)
Đối thoại với các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu  (09/04/2009)
Kỷ niệm xưa tiếp thêm động lực  (09/04/2009)
Ðiện Biên Phủ - nơi hội tụ sức mạnh của cả nước  (09/04/2009)
Vài nét về Điện Biên Phủ  (09/04/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển