Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại mặt trận Điện Biên Phủ (kỳ II)
... Tại sở chỉ huy lâm thời, Đảng ủy Mặt trận hội ý lần đầu, nghe dự kiến kế hoạch của tham mưu về cách đánh chiến dịch. Qua ý kiến trao đổi, các đồng chí Đảng ủy viên đều thấy trong điều kiện địch đang trong thế phòng ngự dã chiến, công sự chưa củng cố, ta cần đánh ngay. Theo dự kiến kế hoạch của tham mưu thì ta sẽ sử dụng toàn bộ lực lượng, chia làm nhiều hướng, đánh cùng một lúc, có sự chi viện và hợp đồng của lựu pháo và cao xạ pháo. Chiến dịch sẽ bắt đầu bằng một trận pháo binh cấp tập dữ dội gây tổn thất nặng cho pháo binh và máy bay địch đỗ trên sân bay. Tiếp đó, các mũi đột kích của bộ binh từ các hướng sẽ thọc sâu vào chia cắt tập đoàn cứ điểm. Riêng mũi đột kích từ hướng tây sẽ đánh thẳng vào sở chỉ huy và trung tâm thông tin của địch, tạo nên sự rối loạn trong tung thâm phòng ngự của chúng, rồi từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào… Với phương châm đánh nhanh, giải quyết nhanh như vậy, ta có khả năng tiêu diệt toàn bộ quân địch, giành thắng lợi trong ba đêm hai ngày.
Tuy chưa có ý kiến phát biểu trong lần hội ý đầu tiên này nhưng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tự hỏi: Đánh như vậy liệu có mạo hiểm không, có chắc thắng không? Ông hình dung nhiều trận đánh sẽ diễn ra ban ngày, trên một địa hình trống trải, bằng phẳng, bằng phẳng hơn nhiều so với chiến trường trung du năm xưa. Với so sánh lực lượng giữa ta và địch như hiện nay, liệu ta có thể huy động toàn bộ lực lượng để tiêu diệt hàng vạn tên địch trong tập đoàn cứ điểm trong vài ba ngày? Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp hiểu rất rõ trình độ đánh công sự vững chắc của các đại đoàn dưới quyền chỉ huy của ông. Với binh lực nhiều hơn địch gấp nhiều lần trong mỗi trận đánh công kiên, bộ đội cũng chỉ mới đủ trình độ tiêu diệt một tiểu đoàn Âu Phi trong công sự vững chắc trong một trận đánh diễn ra vào ban đêm và phải kết thúc và lui quân trước khi trời sáng để tránh phi pháo địch.
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tranh thủ trao đổi với cố vấn thì ý kiến Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh cũng đồng tình với cố vấn Mai Gia Sinh là nên đánh sớm, khi địch còn đứng chân chưa vững. Để lâu, chúng tiếp tục tăng quân và củng cố công sự, ta sẽ không đánh được và như vậy không còn thời cơ tiêu diệt địch.
Tổng tư lệnh không tin đánh như vậy có thể giành được thắng lợi nhưng vì là người mới đến, chưa có cơ sở để bác bỏ ngay phương án mà tập thể Đảng ủy lên trước hàng tháng đã lựa chọn, lại được sự đồng tình của Đoàn cố vấn. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì ở xa, không thể dùng điện đài để xin ý kiến về một vấn đề tuyệt mật như thế này, mà biên thư thì không kịp. Với ý thức của người luôn tôn trọng tập thể và để khỏi lãng phí thời gian, ông đồng ý để tham mưu triệu tập hội nghị cán bộ và phổ biến kế hoạch tác chiến để các đơn vị tranh thủ triển khai chuẩn bị chiến đấu.
Nội dung cơ bản của kế hoạch tác chiến theo phương châm đánh nhanh giải quyết nhanh được phổ biến trong hội nghị cán bộ họp vào ngày 14 tháng 1 năm 1954 là:
- Tập trung tuyệt đối ưu thế binh hỏa lực đột phá từ phía tây, đánh nhanh, đánh thẳng vào trung tâm Mường Thanh, có sự hợp đồng giáp công từ phía bắc và phía đông, buộc địch đối phó trên nhiều hướng.
- Trong bước đầu, nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở trung tâm Mường Thanh và những cứ điểm ở phía tây và tây bắc.
- Sang bước thứ hai, giải quyết bộ phận địch còn lại ở phía đông, đông bắc và phía nam.
- Thời gian tác chiến dự kiến ba đêm hai ngày.
- Thời gian hoàn thành việc kéo pháo vào trận địa là chiều 19 tháng 1 để đúng 17 giờ hôm sau có thể nổ súng.
Tại hội nghị, sau khi nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt của chiến dịch, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nêu lên những điều kiện thuận lợi của ta, động viên cán bộ, chiến sĩ giữ vững quyết tâm - kể cả trong trường hợp tình hình địch thay đổi. Ông chỉ rõ: Hiện nay, tình hình địch chưa có gì thay đổi lớn nhưng không phải hoàn toàn không có khả năng thay đổi. Chúng ta cần nắm vững tình hình địch để một khi có biến hóa thì kịp thời và chủ động xử lý. Ông nhấn mạnh để mọi người đánh giá đúng và không xem nhẹ những cố gắng và cách đối phó sắp tới của địch, thấy hết những khó khăn của ta và có biện pháp khắc phục, tránh chủ quan, đơn giản. Ông phân tích: Trong một chiến dịch quy mô lớn nhất của quân đội ta từ trước đến nay, chúng ta chưa có kinh nghiệm phối hợp nhiều binh chủng nên không tránh khỏi những khó khăn về chiến thuật (như chiếm lĩnh trận địa, hợp đồng động tác giữa các đơn vị và binh chủng, chiến đấu liên tục, phòng không, phòng pháo, phòng cơ giới, đảm bảo chỉ huy kịp thời thông suốt và ăn khớp trong những tình huống diễn biến nhanh chóng và phức tạp, nhất là trong tung thâm). Ông động viên cán bộ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, trước mắt là tập trung lực lượng hoàn thành gấp đường kéo pháo vào trận địa dã chiến. Trả lời thắc mắc của cán bộ vì sao dùng sức người kéo pháo, ông giải thích: Không phải chúng ta không có xe kéo pháo, nhưng pháo lớn lần đầu xuất trận, ta chủ trương dùng sức người kéo pháo để giữ bí mật hoàn toàn đến giờ nổ súng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá cao không khí phấn khởi của cán bộ tham dự hội nghị, nhất là khi biết có lựu pháo 105mm và cao pháo 37mm tham gia chiến dịch. Một thói quen của ông khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới là thường gợi ý đến cán bộ nói lên những khó khăn có thể gặp phải, cùng nhau đề xuất phương hướng và biện pháp khắc phục. Lần này cũng vậy. Và ông thấy mọi người đều thể hiện quyết tâm rất cao, không một ý kiến đề xuất khó khăn hay đề nghị thay đổi nhiệm vụ chiến đấu, càng không có một ý kiến “bàn ngang”, có chăng chỉ là hỏi thêm cho rõ nhiệm vụ được giao. Gạn hỏi, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ (Đơn vị đảm nhiệm mũi thọc sâu vào sở chỉ huy trong tung thâm Mường Thanh) cũng không có ý kiến đề nghị gì với Bộ chỉ huy chiến dịch.
Bằng một linh tính nhạy bén của người đã trải qua nhiều năm già dặn kinh nghiệm cầm quân, Tổng tư lệnh cảm thấy đây là một hiện tượng không bình thường, rất đáng quan tâm(1). Dù lúc này chưa đồng tình với cách đánh nhanh nhưng tại hội nghị phổ biến nhiệm vụ, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không hề lộ điều suy nghĩ của mình. Ông ân cần dặn mọi điều để cán bộ biết phương hướng khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ theo phương hướng kế hoạch đã phổ biến. Về phần mình, ông xác định cần tiếp tục suy nghĩ để nắm chắc tình hình thực tế hơn nữa và tìm thêm những yếu tố có thể dẫn đến giành thắng lợi bằng cách đánh nhanh hay không.
Sau hội nghị, Chỉ huy trưởng chỉ thị cho Phó trưởng ban Quân báo Cao Pha hướng dẫn bộ phận trinh sát thường xuyên bám sát tình hình địch; giao cho Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Phạm Kiệt theo dõi tình hình chuẩn bị đường sá và việc kéo pháo vào trận địa; chia sẻ với Chánh văn phòng Nguyễn Văn Hiếu những suy nghĩ của mình để cùng ông cân nhắc thêm về cách đánh. Hằng ngày, ông dành nhiều thời gian lên điểm cao phía sau sở chỉ huy (khi đó đã chuyển về Nà Tấu) tự mình dùng ống nhòm quan sát địch trên cánh đồng Mường Thanh.
Thời gian lặng lẽ trôi và thêm một ngày là một ngày các cứ điểm của địch thêm rắn. Rõ ràng là để đánh nhanh, vấn đề là thời gian, là chạy đua với địch để hoàn thành càng sớm càng tốt công tác chuẩn bị. Càng tranh thủ được thời gian càng hạn chế khả năng địch tăng quân và củng cố thế phòng ngự. Ông vui mừng khi nhận được báo cáo Đại đoàn 308 đã hoàn thành việc mở rộng con đường kéo pháo dài 15 ki-lô-mét, rộng 3 mét, vượt thời gian dự kiến. Ra hiện trường, thấy con đường kéo pháo rải dài trên một địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao, vực sâu, ông trao đổi và động viên cán bộ Đại đoàn 312 (đơn vị đảm nhiệm kéo pháo) cố hoàn thành nhiệm vụ đưa pháo an toàn vào trận địa trong ba đêm theo kế hoạch.
Vì sao việc kéo pháo gặp khó khăn? Đó là do cơ quan tham mưu chưa có kinh nghiệm cho nên đường kéo pháo ở thực địa khác xa đường vạch trên bản đồ, cả về chiều dài lẫn độ dốc. Dự kiến độ dốc lớn nhất cũng chỉ chừng 30 đến 40 độ nhưng trên thực địa có đoạn đường dốc tới 60 độ. Điều đó giải thích vì sao sau một tuần, Bộ chỉ huy chiến dịch phải quyết định lui ngày N đến chiều 25 tháng 1, vậy mà đến chiều 23 trên trận địa hướng bắc mới chỉ đưa vào được 6 khẩu, tức mới đạt một nửa kế hoạch. Trong khi đó dân công chuyển đạn pháo chưa được bao nhiêu, vì đạn nặng, đường dốc.
Trong cuộc hội báo chiều 23-1, tham mưu báo cáo binh lực địch đã tăng lên hơn 10 tiểu đoàn, công sự và hệ thống phòng ngự không ngừng được củng cố vững chắc hơn, nhất là các cụm cứ điểm vành ngoài, như Gabrielle (trên điểm cao Độc Lập phía bắc) hay cụm cứ điểm Căng Na. Lui xuống phía nam, từ một cứ điểm biệt lập Hồng Cúm (Isabelle) đã phát triển thành một cụm cứ điểm mạnh và trở thành Phân khu nam, có sân bay dự bị và trận địa pháo riêng có thể yểm trợ cho Phân khu trung tâm. Các điểm cao phía đông vẫn là hướng địch mạnh hơn cả. Ngoài số pháo cối cỡ lớn (chừng 50 khẩu), đã thấy một số xe tăng xuất hiện trên cánh đồng.
Từ trận địa pháo, ông Phạm Kiệt gọi điện về cho biết, không những pháo chưa vào hết mà ông còn lưu ý Bộ chỉ huy rằng các khẩu pháo vào tới trận địa đều đang phơi mình trên bãi trống, rất dễ bị máy bay và pháo binh địch phá hủy. Trong một lần nói chuyện điện thoại với Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn, Tổng tư lệnh được biết ông Tấn đang nghiên cứu tổ chức chiến đấu thế nào để bộ đội có thể đột phá liên tục ba phòng tuyến địch từ phía bắc xuống, qua các cụm cứ điểm đồi Độc Lập, Bản Kéo, Căng Na để vào khu vực sân bay và tiếp tục phát triển vào tung thâm địch. Ông Tấn nói với Tổng tư lệnh: Tình hình tuy khó khăn nhưng xin hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Lời hứa khiến Tướng Giáp suy nghĩ: Rõ ràng là 312 cần được sự giúp đỡ của trên. Ông không quên vừa được nghe tham mưu báo cáo Đại đoàn này đã trải qua 6 đêm liền kéo pháo mà mới tiến được 12 ki-lô-mét. Thêm một suy nghĩ đến với Tổng tư tệnh về vấn đề sức khỏe của bộ đội trước ngày nổ súng.
… Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự kiến trước khi chiến dịch mở màn sẽ phái Phó trưởng ban Quân báo Mặt trận xuống cùng đi với Đại đoàn 312, bám sát các mũi tiến quân của bộ binh, quân ta tiến đến đâu cố gắng bắt tù binh để khai thác tình hình phía trong của địch đến đấy, tạo điều kiện để Đại đoàn nắm chắc tình hình địch trong quá trình phát triển vào tung thâm. Ông suy nghĩ về nhận xét của Chánh Văn phòng nói rằng, nhìn chung toàn mặt trận lúc này công tác chính trị tư tưởng mới chỉ dừng lại ở việc củng cố quyết tâm mà chưa đi vào giải quyết những vướng mắc cụ thể về tổ chức chỉ huy và thực hành chiến đấu như thế nào. Chỉ cần dẫn một trường hợp của Đại đoàn 308 ở hướng tây, hướng đột kích chủ yếu của chiến dịch. Trên hướng này, quân ta không gặp những cứ điểm trên các điểm cao như các Đại đoàn 316, 312, nhưng bộ đội không có địa hình ẩn nấp, không những phải tiến công tiêu diệt các cứ điểm trên cánh đồng rộng có hàng rào dây thép gai và bãi mìn bao bọc, mà còn phải đối mặt với những trận phản kích của bộ binh địch có máy bay, pháo binh, xe tăng yểm trợ trên một địa hình bằng phẳng.
Do đài kỹ thuật của sở chỉ huy phát hiện bọn địch thông báo cho nhau về ngày giờ nổ súng của ta, lại nhân chưa tìm được lời giải của bài toán về cách đánh nên Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định lui thời gian mở màn chiến dịch thêm 24 giờ, tức đến chiều 26 tháng 1. Ông cần có thêm thời gian để tiếp tục suy nghĩ.
Ngày 26 tháng 1 đã tới cũng là thời điểm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trải qua 12 đêm ngủ không trọn giấc. Điều trăn trở không chỉ vì những lời Cụ Hồ dặn rằng, chiến dịch này rất quan trọng, chỉ được đánh thắng, không chắc thắng thì không đánh, mà còn vì trách nhiệm trước xương máu của bộ đội. Ba phần tư lực lượng cơ động chiến lược của Bộ Thống soái đã dồn lên chiến trường này. Nếu chiến dịch không thắng, hơn bốn đại đoàn chủ lực bị thương vong lớn thì tiền đồ cuộc kháng chiến sẽ ra sao, vị thế của đoàn ngoại giao ta tại Giơ-ne-vơ sẽ thế nào?
Tổng tư lệnh biết rằng lúc này ở các đơn vị mọi việc chuẩn bị cho trận đánh đã căn bản hoàn tất, cả về động viên chính trị tư tưởng đến biện pháp tổ chức chiến đấu theo phương hướng đánh nhanh. Bộ đội đang chờ lệnh ra vị trí xuất phát tiến công. Chỉ khoảng 10 giờ đồng hồ nữa, tiếng súng mở màn chiến dịch sẽ nổ.
(Còn nữa)
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại mặt trận Điện Biên Phủ (Kỳ I)  (09/04/2009)
Đối thoại với các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu  (09/04/2009)
Kỷ niệm xưa tiếp thêm động lực  (09/04/2009)
Ðiện Biên Phủ - nơi hội tụ sức mạnh của cả nước  (09/04/2009)
Vài nét về Điện Biên Phủ  (09/04/2009)
Câu chuyện về thắng - thua hay bồ câu - diều hâu  (09/04/2009)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên