TCCSĐT - Ngày 23-5-2017, Việt Nam và Tây Ban Nha kỷ niệm tròn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Qua những thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ song phương thực sự có những bước phát triển mạnh mẽ và mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Hiện cả hai bên đang tăng cường, làm sâu sắc thêm quan hệ “Đối tác chiến lược hướng tới tương lai”.

Hiểu nhau qua năm tháng

Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 23-5-1977, quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố và mở rộng, đặc biệt kể từ khi Tây Ban Nha mở Phòng Thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 3-1997) và lập Đại sứ quán thường trú tại Hà Nội (tháng 11-1997), còn Việt Nam lập Đại sứ quán tại Tây Ban Nha vào tháng 6-2002. Mới đây nhất, tháng 01-2017, Tây Ban Nha mở Phó Lãnh sự quán tại Thành phố Đà Nẵng. Hai bên thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp cao và đoàn ngoại giao sang thăm lẫn nhau.

Các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước đã góp phần tăng cường quan hệ chính trị song phương cũng như hợp tác trong các lĩnh vực khác, thông qua việc ký kết nhiều hiệp định. Với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam khẳng định luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Tây Ban Nha, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Tây Ban Nha mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với khu vực Đông Nam Á. Tây Ban Nha cũng thể hiện quyết tâm mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU); xác định Việt Nam là đối tác quan trọng và là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại theo hướng tập trung tăng cường quan hệ với các nước châu Á - Thái Bình Dương, coi trọng củng cố quan hệ với các đối tác truyền thống; phát triển các mối quan hệ giúp bảo đảm lợi ích an ninh và kinh tế của Tây Ban Nha.

Tháng 12-2009, nhân chuyến thăm chính thức Tây Ban Nha của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, lãnh đạo hai nước đã nhất trí thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược hướng tới tương lai”, trong đó khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt để thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài và ổn định giữa hai nước. Đây được coi là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước tiến mới sâu sắc và toàn diện trong quan hệ giữa hai nước. Tây Ban Nha cũng là nước đầu tiên trong EU thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam kể từ năm 2009.

Không chỉ hợp tác trong khuôn khổ song phương, những năm qua, Việt Nam và Tây Ban Nha còn phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hợp tác ASEAN - EU, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn đối tác nghị viện Á - Âu (ASEP),… Tây Ban Nha coi trọng quan hệ hợp tác toàn diện và tin cậy đối với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới; ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2024 và ủng hộ Đại sứ Phạm Sanh Châu ứng cử vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2017 - 2021; ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, trên cơ sở tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước phát triển tốt đẹp. Ngoài việc trao đổi những vấn đề trong công tác lập pháp, giám sát, Việt Nam và Tây Ban Nha còn trao đổi kinh nghiệm và thông tin liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy của Quốc hội, các ủy ban; trình tự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ giữa các ủy ban; các vấn đề liên quan đến bộ máy giúp việc của các ủy ban trong Quốc hội mỗi nước. Hai bên cũng tích cực mở rộng tiếp xúc lãnh đạo cấp cao và các cơ quan của Quốc hội, nhất trí phối hợp có hiệu quả trong các lĩnh vực trên các diễn đàn nghị viện quốc tế.

Không ngừng phát triển hợp tác

Song song với quan hệ chính trị - ngoại giao, việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược hướng tới tương lai giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, giao lưu văn hóa, du lịch, quốc phòng, địa phương... ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.

Trong lĩnh vực thương mại, hiện Tây Ban Nha là bạn hàng quan trọng của Việt Nam trong khi Việt Nam là một trong các đối tác thương mại chủ yếu của Tây Ban Nha ở châu Á. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Tây Ban Nha trong nhiều năm qua không ngừng gia tăng, với tốc độ tăng bình quân khoảng 15%/năm. Trong đó, năm 2008 đạt 1,16 tỷ USD; năm 2009: 1,16 tỷ USD; năm 2010: 1,33 tỷ USD; năm 2011: 1,813 tỷ USD; năm 2012: 2,78 tỷ USD, năm 2013: 2,215 tỷ USD; năm 2014: 2,92 tỷ USD(1); năm 2015: 3 tỷ USD(2); năm 2016: 2,9 tỷ USD(3).

Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha chủ yếu các mặt hàng, như giày dép, cà phê, cao su, hàng dệt may, sản phẩm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, hạt tiêu, hạt điều... Các sản phẩm Việt Nam nhập khẩu từ Tây Ban Nha, gồm: máy móc, thiết bị phụ tùng, tân dược, hóa chất, sắt, thép, nguyên phụ liệu dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, vải, thức ăn gia súc... Hàng hóa, sản phẩm của Tây Ban Nha được nhiều người Việt Nam tin dùng.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Tây Ban Nha hiện có 39 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 35,9 triệu USD, đứng thứ 14/19 nước EU có vốn FDI vào Việt Nam và đứng thứ 57/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực gốm sứ, gạch men sứ, tấm cách điện và sản xuất túi xách. Đáng chú ý là dự án sản xuất men sứ và thuốc màu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (3,6 triệu USD), dự án về cải tạo nâng cấp hệ thống đèn biển (3 triệu USD), dự án sản xuất vật liệu cách nhiệt cao cấp tại tỉnh Vĩnh Phúc (2,4 triệu USD). Các doanh nghiệp Tây Ban Nha đang quan tâm đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng lớn tại Việt Nam, kể cả hình thức hợp tác đối tác công - tư (PPP). Xu hướng đầu tư này phù hợp và góp phần thúc đẩy chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.

Trong hợp tác phát triển, Tây Ban Nha là một trong số các nước châu Âu dành viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn cho Việt Nam. ODA của Tây Ban Nha dành cho Việt Nam tăng theo từng năm, tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên, như: nâng cao năng lực cơ quan nhà nước, nâng cao đời sống con người, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, bảo vệ môi trường và khu sinh quyển, hợp tác văn hóa song phương, bình đẳng giới. Đến nay, hai bên đã ký kết và đang thực hiện ba nghị định thư tài chính, cụ thể là: năm 1994 - 1996: 80 triệu USD; năm 1997 - 2000: 102 triệu USD; năm 2001 - 2003: 135 triệu USD. Tháng 02-2008, hai bên ký kết Chương trình hợp tác tài chính lần thứ tư, theo đó Tây Ban Nha cam kết cung cấp cho Việt Nam khoảng 80 triệu ơ-rô vốn ODA giai đoạn 2008 - 2010, ưu tiên vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, năng lượng, thông tin liên lạc, quản lý nước và 3 triệu ơ-rô viện trợ không hoàn lại để các công ty của Tây Ban Nha giúp Việt Nam thực hiện các loại hồ sơ của dự án mà hai bên thỏa thuận.

Hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước tuy vẫn tập trung chủ yếu vào các hoạt động đào tạo về ngôn ngữ nhưng đã có những bước phát triển khích lệ. Trong giai đoạn 1998 - 2010, Tây Ban Nha đã cấp khoảng 180 suất học bổng cho Việt Nam. Tháng 9-2001, Trung tâm đào tạo tiếng Tây Ban Nha “Cervantes” thuộc Đại học Ngoại ngữ Hà Nội chính thức được khai trương và đi vào hoạt động. Tháng 9-2002, bộ môn tiếng Tây Ban Nha cũng được thành lập tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Đến năm 2005, Khoa tiếng Tây Ban Nha được thành lập tại Đại học Hà Nội với sự hỗ trợ của Tây Ban Nha về cơ sở vật chất và giảng viên giảng dạy. Tiếp đó, năm 2007, Chương trình trao đổi văn hóa, giáo dục, nghiên cứu khoa học, thanh niên và thể thao giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Tây Ban Nha được ký kết, trong đó thống nhất chương trình trao đổi hoạt động giáo dục cho các năm 2007 - 2009.

Hợp tác văn hóa - nghệ thuật giữa Việt Nam và Tây Ban Nha được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua phối hợp tổ chức nhiều chương trình hoạt động có ý nghĩa, như trao đổi các đoàn biểu diễn nghệ thuật, liên hoan phim, triển lãm tranh, ảnh, tem thư về đất nước và con người nhằm quảng bá hình ảnh và nâng cao hiểu biết về Việt Nam tại Tây Ban Nha, cũng như về Tây Ban Nha tại Việt Nam. Với việc Hiệp định hợp tác văn hóa, giáo dục và khoa học Việt Nam - Tây Ban Nha (tháng 6-2005), Chương trình trao đổi văn hóa, giáo dục, nghiên cứu khoa học, thanh niên và thể thao Việt Nam - Tây Ban Nha (tháng 01-2007) được ký kết, hợp tác văn hóa giữa hai nước càng có thêm điều kiện thắt chặt hơn nữa, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Các trường đại học của Tây Ban Nha, như Trường Alcalá de Henares, Trường Valladolid cũng có một số thỏa thuận hợp tác tại chỗ với các trường đại học của Việt Nam.

Du lịch là lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng và là kênh quan trọng gắn bó quan hệ thường xuyên giữa nhân dân hai nước. Là đất nước nằm trên bán đảo I-bê-ri-a phía Tây Nam châu Âu, Tây Ban Nha là một trong những quốc gia có nền văn hóa đặc sắc trên thế giới. Văn hóa Tây Ban Nha cùng với nhiều lễ hội nổi tiếng, trở thành sự quan tâm, điểm đến du lịch mong muốn của nhiều du khách trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngược lại, Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa, bờ biển dài gần 3.000km, ẩm thực đặc sắc, con người thân thiện, đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách, trong đó có du khách Tây Ban Nha. Những năm gần đây, khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2015, khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam đạt khoảng 53.000 lượt, tăng 28% so với năm 2014(4). Đặc biệt, năm 2016, Việt Nam đã đón hơn 57.000 lượt khách Tây Ban Nha, tăng 29% so với năm 2015(5).

Có thể nói, về tổng thể, mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Tây Ban Nha ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Tuy nhiên theo đánh giá từ nhiều phía, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư cũng như văn hóa - giáo dục, quốc phòng… giữa hai nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của hai nước. Mặt khác, nhiều cơ chế hợp tác giữa hai nước chưa phù hợp, cần phải được hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước giao lưu phát triển kinh tế - thương mại. Bên cạnh đó, ngoài những yếu tố khách quan, như tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, yếu tố chủ quan như thiếu hụt thông tin chuyên sâu về thị trường, sự cách trở về địa lý, sự khác biệt về chế độ chính trị - xã hội và ý thức hệ, sự khác biệt về văn hóa, tâm lý, thói quen, cũng khiến mối quan hệ hợp tác chiến lược đã được thiết lập giữa hai bên chưa đạt được những bước tiến như mong muốn.

Triển vọng mối quan hệ

Nhìn lại quan hệ Việt Nam - Tây Ban Nha trong 40 năm qua có thể thấy, với sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, với nhu cầu hợp tác để cùng phát triển trong bối cảnh tiến trình hội nhập đầy năng động, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Tây Ban Nha có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hơn nữa trong tương lai, vì thịnh vượng chung của hai nước, hai dân tộc, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới.

Một là, hợp tác Việt Nam - Tây Ban Nha phù hợp với bối cảnh quốc tế và tình hình mới của thế giới, với xu thế toàn cầu hóa và xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch kinh tế sang phía Đông cùng với sự phát triển năng động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hai là, Tây Ban Nha có thể chia sẻ những lợi thế của một nước công nghiệp có kinh nghiệm phát triển hàng trăm năm với Việt Nam - một nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ba là, hai nước đều có chung lợi ích trong các tổ chức quốc tế và khu vực, như WTO, ASEM, ASEAN - EU, IPU, ASEP,...

Bốn là, Tây Ban Nha đang tập trung tạo nhiều cơ hội kinh doanh hơn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc củng cố và mở rộng thêm nhiều mối quan hệ với các nước, như Trung Quốc, Nhật Bản, Phi-líp-pin…; bước phát triển trong quan hệ thương mại và đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Năm là, cộng đồng người Việt Nam ở Tây Ban Nha là cầu nối góp phần thúc đẩy việc mở rộng và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

Đối với Việt Nam, qua quá trình mở rộng các quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại với Tây Ban Nha cũng rút ra được những kinh nghiệm ban đầu để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của mình. Để có thể đứng vững và mở rộng thị phần trên thị trường Tây Ban Nha trong bối cảnh xu thế bảo hộ thương mại trên thế giới có xu hướng gia tăng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tính cạnh tranh và đa dạng hóa các chủng loại hàng xuất khẩu, chú trọng vào các mặt hàng thuộc về thế mạnh và phải tuân thủ đúng quy định, tiêu chuẩn của Tây Ban Nha về an toàn, độ bền, trọng lượng, chất liệu, chất lượng của sản phẩm. Đồng thời, cần nâng cao tính chuyên môn của các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, thiết lập mạng lưới quan hệ hữu hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin thương mại nhanh và chính xác cho các doanh nghiệp…

Là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tây Ban Nha cũng có nhiều tập đoàn bán buôn và bán lẻ với hệ thống phân phối trên toàn khu vực châu Âu cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới. Thêm vào đó, Tây Ban Nha cũng là đất nước rất đa dạng về chủng tộc và văn hóa dẫn đến đa dạng về nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần kết hợp tốt hơn nữa với cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam tại Tây Ban Nha để tiến hành nghiên cứu thị trường, lựa chọn những mặt hàng tiềm năng phù hợp với năng lực của mình, trên cơ sở đó xác định chiến lược kinh doanh, chiến lược tiếp cận thị trường, tìm ra phương thức xúc tiến thương mại phù hợp nhất với ngành hàng, mặt hàng cụ thể của mình. Mặt khác, công tác thông tin, quảng bá hình ảnh về một đất nước Việt Nam đổi mới, mở cửa, có những thế mạnh về các chủng loại hàng hóa hấp dẫn và phù hợp với thị trường Tây Ban Nha là một việc cần thiết để thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp và công ty Tây Ban Nha.

Bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và năng lượng hướng tới mục tiêu xây dựng một thế giới xanh, sạch, đẹp và an toàn là một yêu cầu cấp thiết đang đặt ra trong quá trình phát triển bền vững. Tây Ban Nha là một trong những quốc gia phát triển mạnh về khoa học - công nghệ cũng như ứng dụng thành công những thành tựu kỹ thuật hiện đại vào việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu, như bảo vệ môi trường, cải tạo tự nhiên và khắc phục những vấn đề ô nhiễm khí quyển do mặt trái của toàn cầu hóa gây ra. Đó cũng đang là những vấn đề Việt Nam phải đối mặt trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển đất nước. Vì vậy, việc mở rộng quan hệ, tăng cường tiếp xúc, trao đổi những kinh nghiệm trong xử lý những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm sẽ thực sự hữu ích cho cả hai nước./.

-------------------------------------------

(1) Xem: http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/cn_vakv/euro/nr040819111831/ns160516091802

(2) Xem: Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp Tây Ban Nha vào Việt Nam nhiều hơn, http://thutuong.chinhphu.vn/Home/Tao-moi-dieu-kien-de-doanh-nghiep-Tay-Ban-Nha-vao-Viet-Nam-nhieu-hon/201612/25777.vgp

(3) Xem: Việt Nam là đối tác quan trọng của Tây Ban Nha tại khu vực, http://baoquocte.vn/viet-nam-la-doi-tac-quan-trong-cua-tay-ban-nha-tai-khu-vuc-42499.html

(4) Xem: Việt Nam - Tây Ban Nha: Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực du lịch, http://enternews.vn/viet-nam-tay-ban-nha-day-manh-hop-tac-trong-linh-vuc-du-lich-104286.html

(5) Xem: Khách Tây Ban Nha yêu thích Việt Nam vì là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, https://sdl.thuathienhue.gov.vn/?gd=4&cn=97&tc=1517