TCCSĐT - Sáng ngày 24-5-2017, tại Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Vận dụng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII của Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị vào nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị trong các trường công an nhân dân”.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các nhà khoa học, chuyên gia của Học viện Cảnh sát, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Tài chính, Đại học văn hóa… và một số cơ quan báo chí đến dự và đưa tin. Đồng chí Thiếu tướng, GS, TS. Nguyễn Văn Nhật, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát chủ trì Hội thảo.

Hơn 70 bản tham luận gửi tới Ban Tổ chức Hội thảo cùng 9 ý kiến phát biểu đều tập trung phản ánh khá toàn diện, sâu sắc về những nội dung chủ yếu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, từ đó đề ra những yêu cầu cấp bách trong nghiên cứu, giảng dạy các môn lý luận chính trị trong các trường đại học nói chung và các trường công an nhân dân nói riêng, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Hội thảo đề cập đến những nội dung chủ yếu:

Một là, Hội thảo tiếp tục khẳng định và thống nhất nhận thức về sự cần thiết phải quán triệt nghiêm túc những nội dung cốt lõi của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị trong tình hình hiện nay, khi bối cảnh trong nước và quốc tế có những biến đổi mau lẹ, tác động không nhỏ đến tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng. Nghị Quyết khẳng định quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; từ đó đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hai là, trong thời gian qua, tình hình chính trị thế giới, khu vực diễn biến rất phức tạp, đầy bất trắc và khó lường. Trong nước, các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá về chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động, thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Tác động mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế ngày càng bộc lộ rõ và gay gắt. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng với sự xuống cấp về các giá trị văn hóa, đạo đức, tình trạng phân cực giàu nghèo, khiếu kiện đông người có xu hướng ngày càng tăng.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Từ đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Trong đó, việc nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực trí tuệ, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên là nội dung cốt lõi để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Từ đó, đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển cán bộ, đảng viên. Trong đó, công tác đào tạo, xây dựng lực lượng công an nhân dân là một bộ phận của công tác trên, góp phần xây dựng lực lượng công an nhân dân ngày càng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

Ba là, yêu cầu vận dụng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII của Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị vào nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị trong các trường đại học nói chung và các trường công an nhân dân nói riêng. Xuất phát từ những yêu cầu trong tình hình mới, cần quán triệt một cách sâu sắc và vận dụng hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII của Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị vào nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị. Theo đó, phải thay đổi, cải tiến, bổ sung nhận thức, nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị sao cho học viên, sinh viên nắm chắc các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không mơ hồ, dao động trước các luồng thông tin trên mạng In-tơ-nét, cung cấp cho các em nhận thức thấu đáo, kiên định, lòng tin và bản lĩnh trước những cám dỗ tầm thường để thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng và nhân dân giao phó. Để làm tròn trách nhiệm cao cả đó, đội ngũ giảng viên, trước hết phải có phương pháp luận khoa học đúng đắn, trình độ, năng lực chuyên môn tốt, có tình yêu dành cho quê hương, đất nước và trách nhiệm với lịch sử để nắm bắt kịp thời những diễn biến tâm tư, tình cảm của sinh viên, học viên; giải thích một cách thấu đáo những vấn đề mà sinh viên đặt ra, hoàn thành tốt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng công an nhân dân; phát triển và hoàn thiện lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội; đưa vị thế của Học viện Cảnh sát nhân dân trong các học viện, trường công an nhân dân nói riêng, trong hệ thống giáo dục đại học của nước ta nói chung ngày càng được nâng cao./.