Báo chí thời kỳ hội nhập: Lắm cơ hội, nhiều thách thức!

Lê Trần Nguyên Huy Phó Tổng biên tập Nhà báo và Công luận
15:06, ngày 07-04-2017

TCCSĐT - Báo chí, truyền thông hiện đại đang phát triển trong những điều kiện hết sức thuận lợi nhưng vẫn còn nguy cơ, thách thức. Có thể ví những thách thức ấy như những cây cầu mong manh, mà người làm báo, nếu không vững tâm, bền chí, sẽ khó đi trọn hành trình trong thời đại kỹ thuật số.

Nhiều đòi hỏi trong thế giới phẳng

Những năm qua, cùng với sự phát triển không ngừng của nhiều loại hình báo chí, nhất là báo chí điện tử, với đa dạng các phương thức giao tiếp, trao đổi thông tin trên facebook, blog, blogger, con người, xã hội hằng ngày, hằng giờ được thụ hưởng một khối lượng thông tin khổng lồ. Thế giới phẳng trở thành khái niệm khá quen thuộc với mỗi người. Điều ấy hàm chứa một thông điệp - không thể dấu được thông tin cho dù con người rất giỏi bảo mật thông tin bằng công nghệ tinh xảo của mình.

Thời kỳ hội nhập đang đặt ra những đòi hỏi, thách thức mới đối với người cầm bút. Làm sao để chuyển tải các vấn đề, sự kiện một cách nhanh nhất đến với bạn đọc trong một thế giới bùng nổ thông tin? Làm sao để nhìn ra sự thật cuối cùng trong vô vàn thông tin khác nhau về cùng một sự kiện, một vấn đề? Làm sao để giữ cho ngòi bút của mình không bị uốn cong trước những cám dỗ, cạm bẫy của tấm lưới cơ hội, trục lợi giăng ra hòng thay đổi sự thật?

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các phương tiện truyền thông hiện đại đang là công cụ tốt nhất để truyền tải một lượng thông tin khổng lồ đến với công chúng. Đây vừa là thuận lợi, vừa là thách thức đối với những người làm báo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề đặt ra cho các nhà báo là phải trả lời ba câu hỏi: Viết cái gì? Viết cho ai? Và viết như thế nào?

Cần lắm bản lĩnh, lương tâm và trách nhiệm

Hơn bao giờ hết, người làm báo phải giữ vững được bản lĩnh của mình, phải có kiến thức và kỹ năng tốt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Cùng với đó là nhận thức tốt hơn nữa về vai trò xã hội của người làm báo, gắn lương tâm và trách nhiệm của người làm báo với lợi ích của cộng đồng, của dân tộc và loài người tiến bộ.

Cùng một sự kiện, vấn đề xảy ra trong đời sống xã hội nếu không chủ động thông tin rất có thể báo chí chính thống sẽ rơi vào tình trạng “lép vế” với báo “không chính thống”, nhất là trước những thông tin trên các trang mạng xã hội. Việc tiếp cận, thụ hưởng thông tin từ nhiều kênh khác nhau cũng đặt ra một vấn đề: kênh thông tin nào tin cậy hơn, thông tin trước hay sau? Đương nhiên, nếu thông tin chậm, nhất là báo nào không có thông tin thì sẽ khó phát huy ảnh hưởng của mình.

Trong những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, yếu tố cạnh tranh thông tin càng trở nên gay gắt. Bấy lâu nay, quan niệm của người làm báo cho rằng, chất lượng, sức mạnh thông tin nằm ở chỗ chủ thể thông tin là ai, là cơ quan báo chí nào đăng, phát. Nhận xét ấy có lý nhưng chưa đủ. Quan điểm của bạn đọc đã có sự chuyển dịch theo lứa tuổi, học vấn, cương vị xã hội. Thực tế ấy cũng là thách thức không nhỏ đối với những người làm báo.

Độc giả tìm đến các phương tiện báo chí trước hết là để tìm kiếm thông tin và trong những thông tin đó thì thông tin thời sự luôn đóng vai trò quan trọng. Từ khi báo điện tử xuất hiện, thông tin đã phần nào cập nhật hơn so với báo chí truyền thống. Thông tin trên báo điện tử ngày nay không phải là hằng ngày mà nó được cập nhật hằng giờ, thậm chí là chỉ ít phút… Vấn đề đặt ra cho mỗi nhà báo là phải làm thế nào để xử lý những thông tin trước khi đưa lên mặt báo một cách nhanh nhất, chính xác nhất nhưng phải mang tính định hướng dư luận xã hội tốt nhất. Để làm được điều đó, nhà báo luôn cần sự nhạy cảm trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Một thông tin nhanh nhạy, chính xác có sức lan tỏa nhanh, nhận được sự đồng tình lớn của dư luận xã hội đó là những thông tin tốt, đúng định hướng.

Sự lưu hành những thông tin xấu, bất lợi, có tính chất tiêu cực đối với những giá trị văn hóa, giá trị nhân văn truyền thống cũng đang là một nguy cơ của toàn cầu hóa thông tin. Cùng với dòng chảy những thông tin có giá trị tốt, toàn cầu hóa cũng đồng thời với việc mở cánh cửa kiểm soát của các quốc gia cho những thông tin tiêu cực, bất lợi, trái với những giá trị đích thực và các truyền thống bản địa tốt đẹp. Đặc biệt hệ quả là sự đổ bộ xô bồ của mọi loại thông tin, từ những thông tin không chính xác, thông tin ác ý… đến những thông tin với những âm mưu thủ đoạn chống phá chính trị, dẫn đến sự nhiễu loạn, làm mất phương hướng của dư luận xã hội, tác động tư tưởng tiêu cực, bất lợi cho sự ổn định chính trị - xã hội.

Toàn cầu hóa thông tin đã bị một số nhóm đối tượng lợi dụng để can thiệp vào các vấn đề, các tiến trình, các sự kiện chính trị - xã hội, phục vụ cho những mục đích chính trị, vụ lợi. Đây là hiện tượng khá phổ biến và cũng dễ nhận thấy trong đời sống chính trị quốc tế hiện đại. Các thông tin được đưa ra không còn mang ý nghĩa thiết thực, khách quan tới công chúng mà mang nặng âm mưu chính trị, cạnh tranh quyền lực. Nguồn thông tin này thường được khai thác từ cả hai phía: bên ngoài quốc gia và ngay cả trong nội bộ quốc gia. Nguồn thông tin bên ngoài bao gồm thông tin quốc tế, những luận điểm, quan niệm, giá trị từ bên ngoài. Nguồn thông tin bên trong là sự khai thác ngay từ những vấn đề, sự kiện, những ý kiến tâm tư của nội bộ xã hội, thông thường được phản ánh rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng được sửa chữa, được hướng theo chiều hướng nhận thức phù hợp với mục đích đưa thông tin.

Báo chí Việt Nam là nền báo chí cách mạng, mọi hoạt động của báo chí đều phải nhằm mục đích là phục vụ công tác tuyên truyền quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước. Sự nhạy cảm của các nhà báo chính là cách xử lý thông tin, điều này phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, nhận thức xã hội và kinh nghiệm./.