TCCSĐT - Ngày 18-10-2016, tại thành phố Cần Thơ, Vụ Địa phương III (Ủy ban Dân tộc) phối hợp với Vụ Dân tộc - Tôn giáo (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ) và Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý về đất sản xuất và hiệu quả chuyển đổi nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nam Bộ”.

Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Địa phương III (Ủy ban Dân tộc) Huỳnh Thị Sômaly, nhấn mạnh: Hội thảo này được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp vào Đề cương báo cáo tổng hợp tình hình đất sản xuất và hiệu quả việc chuyển đổi nghề vùng dân tộc thiểu số Tây Nam Bộ do Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi thực hiện. Hội thảo tập trung tham vấn ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề trong đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua; đề xuất, kiến nghị các giải pháp bổ sung, hoàn thiện các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đất sản xuất và nâng cao hiệu quả chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nam Bộ trong tình hình mới.

Trên địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ hiện có khoảng 27 dân tộc cùng sinh sống. Thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng Tây Nam Bộ đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chương trình, đề án nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Trong đó, đặc biệt là việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; giải quyết những vướng mắc, bức xúc cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, nhất là ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo trong dân tộc thiểu số vùng Tây Nam Bộ đã giảm từ mức 40% vào những năm 2000, đến nay còn khoảng 13%; tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội duy trì ổn định; kinh tế - đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo, việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ đất sản xuất và giải quyết việc làm (cụ thể là Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg, ngày 09-6-2008, của Thủ tướng Chính phủ “Về một số chính sách hỗ trợ, giải quyết đất ở, đất sản xuất hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2006-2010” và Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg, ngày 20-5-2013, của Thủ tướng Chính phủ “Về một số chính sách hỗ trợ, giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015”) đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ở nhiều địa phương hiện nay, trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến, xu hướng tích tụ ruộng đất ngày càng tăng, chính quyền đang gặp khó khăn khi không còn quỹ đất sản xuất, đất ở để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn. Bên cạnh đó, giá hỗ trợ đất theo chủ trương hiện hành thấp hơn nhiều so với giá thực tế, khiến nhiều hộ khi được hỗ trợ cũng không đủ điều kiện để có đất sản xuất. Ngày càng có nhiều người dân tộc thiểu số phải rời làng quê, bỏ nghề nông đi nơi khác tìm việc làm với tính chất lao động phổ thông, thu nhập thấp, không ổn định. Trong khi đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung, cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, mới dừng lại ở những nghề bình thường, chưa chú trọng đào tạo nghề chính quy để tạo ra đội ngũ thợ lành nghề, có tay nghề cao. Vì thế, việc chuyển đổi từ nghề nông sang các nghề khác trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Thực trạng này dễ dẫn đến những hệ quả, tác động bất lợi về an ninh, trật tự, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nam Bộ.

Các đại biểu dự hội thảo nhất trí đề xuất Vụ địa phương III - Ủy ban Dân tộc và Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi - Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cần chú trọng một số vấn đề sau trong quá trình khảo sát, thực hiện báo cáo tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nam Bộ:

- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, không nên thực hiện các chính sách riêng rẽ, nhỏ lẻ về kinh tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nam Bộ mà nên có chính sách chung cho cả vùng, trong đó có chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số nên chú trọng vào các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế,…

- Trung ương nên có cơ chế cho các địa phương linh hoạt trong việc triển khai các dự án đầu tư để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế của địa phương (cụ thể là linh hoạt trong việc quyết định mức giá hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề).

- Trong công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh đào tạo các nghề phổ thông, đơn giản cần hướng mạnh sang đào tạo nghề chuyên sâu, đào tạo có địa chỉ, đào tạo theo nhu cầu, tăng cường liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp để bảo đảm cho người đã qua đào tạo có việc làm ổn định ngay sau khi tốt nghiệp.

- Tăng cường giáo dục, tuyên truyền giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao ý thức tự học tập để nâng cao kiến thức, tự lực vươn lên và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh; không thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước./.