Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 10 đến ngày 16-10-2016)

Nhân Hòa (tổng hợp từ TTXVN, TCCSĐT, Chinhphu.vn)
23:51, ngày 17-10-2016
TCCSĐT - Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Chủ tịch nước gặp gỡ những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng nghe báo cáo về tình hình Biển Đông; Bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại Thừa Thiên-Huế; Diễn đàn Nông dân Việt Nam: Nhiều vấn đề bức thiết từ thực tiễn; Khắc phục mưa lũ tại miền Trung và ứng phó khẩn cấp bão số 7… là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra sự thịnh vượng của quốc gia

Một trăm doanh nhân tiêu biểu năm 2016 đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Cúp Thánh Gióng.

Phát biểu của tại Lễ phát động phong trào thi đua với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” tối 11-10, nhân kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhấn mạnh: Doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm và sự thịnh vượng của quốc gia.

Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Ngày 11-10-2016, tại thành phố Cần Thơ, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Hội thảo này trong khuôn khổ triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Theo đó, mục tiêu tổng quát được đề ra trong tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam là: Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa gạo làm cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu. Phấn đấu đến năm 2030, lợi nhuận cho người trồng lúa hàng hóa bảo đảm trên 30% tổng thu; vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận 100%; giảm tổn thất sau thu hoạch còn 6%; giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính so với hiện nay; 50% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, 30% gạo xuất khẩu là gạo thơm và gạo đặc sản.

Chủ tịch nước gặp gỡ những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Chiều 13-10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi tiếp Đoàn đại biểu dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm lần thứ IV phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2011 - 2016.

Tham gia đoàn có 90 đại biểu là Anh hùng Lao động, hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi của các hội cựu chiến binh địa phương trên cả nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng và biểu dương những thành tích xuất sắc mà Hội Cựu chiến binh Việt Nam, các cựu chiến binh đã đạt được trong thời gian qua. Kết quả phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” và những thành tích to lớn của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong 5 năm qua đã góp phần giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tô thắm truyền thống anh hùng vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch nước cũng đề nghị Hội Cựu chiến binh và các cấp Hội cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành có các giải pháp hỗ trợ hội viên, nhất là về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển các mô hình gia trại, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ đăng ký thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm;...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn các cựu chiến binh tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tăng cường đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội; quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ các thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, các đối tượng chính sách và những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Cùng với đó là tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm và các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả, thành tích to lớn hơn nữa.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng nghe báo cáo về tình hình Biển Đông

Ngày 13-10 - ngày làm việc thứ năm của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Trung ương làm việc tại Hội trường.

Buổi chiều, Trung ương nghe hai báo cáo chuyên đề: Về tình hình Biển Đông gần đây và chủ trương, biện pháp của ta; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Một số đặc trưng, tác động và hàm ý chính sách đối với Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Bộ Chính trị điều hành Hội nghị.

Sẽ xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản với các trường đại học

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9-2016, Chính phủ đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Theo đó, Chính phủ thống nhất chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Cụ thể, các trường đại học được giao quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính và tăng cường trách nhiệm giải trình, quy định rõ về kiểm định chất lượng.

Các trường cũng phải nêu rõ cơ chế học bổng để bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao cho con em hộ nghèo, đối tượng chính sách.

Cùng với việc thực hiện tự chủ ở các trường đại học sẽ giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản.

Mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (hội đồng trường) tương tự như đã thực hiện đối với đổi mới doanh nghiệp nhà nước.

Hội đồng trường là cấp có thực quyền và phải phân định rõ trách nhiệm của hội đồng trường với ban giám đốc (hiệu trưởng, hiệu phó), bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đẩy mạnh thực hiện công khai, dân chủ, tôn trọng quyền của tập thể cán bộ, giảng viên.

Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các quy định của Luật Giáo dục Đại học, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các luật có liên quan để quy định phù hợp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết.

Bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Sáng 14-10, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu Hội nghị đã đạt được. Các nội dung lớn là:

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Đổi mới mô hình tăng trưởng - Nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu; Hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân; Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Thực hiện 4 nhóm công việc cụ thể.

Về nội dung thứ tư, Tổng Bí thư chỉ rõ: Cái mới của lần này là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", trong đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.

Trung ương thống nhất phải tiến hành đồng bộ nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm về: giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; cơ chế, chính sách; kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái.

Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm". Rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận.

Đại học Bách khoa Hà Nội đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai

Sáng 15-10-2016, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1956-2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trân trọng gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Điểm lại chặng đường 60 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá, đi cùng với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo, trường luôn giữ vai trò tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đổi mới công nghệ, gắn với nhu cầu thực tế trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm: Triển khai tốt Đề án thí điểm đổi mới quản lý theo cơ chế tự chủ, đổi mới mô hình quản trị theo mô hình các trường đại học tiên tiến của khu vực và trên thế giới; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, bám sát định hướng chiến lược phát triển khoa học-công nghệ của đất nước và nhu cầu của xã hội, nhất là trong những lĩnh vực công nghệ trọng điểm, mang tính liên ngành, đóng vai trò then chốt; Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ có uy tín của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đồng thời phải chú trọng xây dựng môi trường giáo dục đại học thân thiện, lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách, văn hóa giao tiếp, ứng xử chuẩn mực ở sinh viên.

Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm, năng lực quản lý, coi đây là lực lượng nòng cốt, quyết định chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại Thừa Thiên-Huế

Chiều ngày 15-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đã vào Thừa Thiên-Huế để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới và mưa lũ xảy ra tại các tỉnh miền Trung.

Tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của Thừa Thiên-Huế trong ứng phó với mưa lũ những ngày qua, từ đó hạn chế thiệt hại về người và tài sản.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, cần khẩn trương huy động mọi phương tiện, lực lượng, bằng mọi biện pháp tiếp cận những khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt; tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho nhân dân, nhất là những người dân chưa kịp sơ tán tại các khu vực bị ngập sâu, không để người dân bị đói, khát; tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn đang mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải bảo đảm tốt công tác vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh khi nước rút. Bên cạnh đó, Huế cần có các giải pháp để bảo vệ các công trình, di tích, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khách du lịch.

Bằng mọi cách bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho dân

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đưa ra trong cuộc họp đêm 15-10 với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình về các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ.

Trong ngày 16-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Quảng Bình nói chung, các tỉnh miền Trung tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ với cố gắng cao nhất để tìm kiếm người mất tích đồng thời thăm hỏi, chia sẻ, động viên, giúp đỡ gia đình những người thiệt mạng, mất tích, bị thương.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng cứu trợ cho những gia đình bị thiệt hại, gặp nhiều khó khăn với mục tiêu không để bất kỳ một người dân nào bị thiếu đói.

Diễn đàn Nông dân Việt Nam: Nhiều vấn đề bức thiết từ thực tiễn

Sáng 16-10 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016 với chủ đề “Nông dân toàn cầu - Từ tư duy đến hành động”.

Tại diễn đàn, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, thành quả đạt được của giai cấp nông dân, của ngành nông nghiệp Việt Nam trong 30 năm đổi mới đất nước là rất đáng tự hào và cần được ghi nhận xứng đáng. Tuy nhiên, để có thể bắt nhịp và đáp ứng tốt những yêu cầu ngày càng khắt khe của hội nhập sâu rộng, chúng ta cũng cần nghiêm khắc nhìn nhận, đánh giá và phân tích những hạn chế, yếu kém trong cả nhận thức, tư duy và hành động trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề chính như: Bối cảnh hội nhập và những yêu cầu đặt ra đối với người nông dân Việt Nam; điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của người nông dân Việt Nam trước các điều kiện, yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế; vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các mặt hàng nông sản Việt Nam cả cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; vai trò, trách nhiệm của người nông dân, Hội Nông dân Việt Nam trong việc sản xuất nông nghiệp bảo đảm vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khắc phục mưa lũ tại miền Trung và ứng phó khẩn cấp bão số 7

Ngày 16-10, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc khắc phục mưa lũ tại miền Trung và ứng phó khẩn cấp bão số 7, gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ; các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Lao động-Thương binh và Xã hội; Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cần tích cực, chủ động ứng phó với bão số 7

Chiều 16-10, ngay sau khi kết thúc chuyến công tác để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại 4 tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp để chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 7 có tên quốc tế là Sarika.

Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Tham gia trực tuyến là lãnh đạo UBND các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương ven biển, đặc biệt là các tỉnh miền Trung khẩn trương chuẩn bị ứng phó với bão, khắc phục hậu quả lũ lụt với ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn cho người dân.

Thủ tướng mong Đại học Quốc gia là nơi tiên phong khởi nghiệp

Sáng 16-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội. Thủ tướng yêu cầu: "Tôi đề nghị giáo dục đại học nói chung và đối với Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng cần phải đổi mới mạnh mẽ nhất, cùng với các giải pháp quyết liệt nhất".

Thủ tướng cho rằng Đảng, Nhà nước xác định cùng với khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo phải đi trước một bước để tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. “Hôm qua, tại hội nghị toàn quốc về giảm nghèo bền vững, tôi đã nói rằng nếu tất cả con em chúng ta đều cắp sách đến trường, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thì tương lai không xa sẽ giảm nghèo tốt và bền vững, còn ngược lại, nếu con em tiếp tục bỏ học với tỷ lệ cao như ở vùng cao, vùng sâu thì sẽ tiếp tục đói nghèo”, Thủ tướng nhấn mạnh vị trí mang tính đột phá của giáo dục đào tạo. Trong giáo dục đào tạo thì bậc đại học gần với đầu ra, gần với thị trường lao động và mục đích của giáo dục đại học là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

"Vì vậy, tôi đề nghị giáo dục đại học nói chung và đối với Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng cần phải đổi mới mạnh mẽ nhất, cùng với các giải pháp quyết liệt nhất", Thủ tướng yêu cầu./.