Phiên họp thứ Tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội
Chiều 17-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về luận các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước... trong các Báo cáo mà Chính phủ trình tại phiên làm việc buổi sáng.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, các ý kiến nhận định, bước vào triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá các báo cáo của Chính phủ cũng như các báo cáo thẩm tra được chuẩn bị công phu; nghiêm túc nhìn nhận tình hình; đánh giá toàn diện những mặt đạt được, những hạn chế tồn tại và đề ra nhiều giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài; đề nghị trong kế hoạch năm 2017, Chính phủ cần tiếp tục tập trung vào những vấn đề mà trong triển khai thực hiện thời gian qua vẫn còn những hạn chế như vấn đề về nợ công, nợ xấu, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tái cơ cấu nông nghiệp, phòng chống tham nhũng; tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ công quyền...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị cần tiếp tục quan tâm đến tính ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế theo hướng nhanh và bền vững, trong đó đặc biệt quan tâm đến chất lượng tăng trưởng và công tác bảo vệ môi trường; kiên quyết không “xuê xoa” trong vấn đề về môi trường khi thẩm định và triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cũng đề nghị cần phải có đánh giá toàn diện hơn nữa về đầu tư công, chỉ ra những mặt được, những hạn chế còn tồn tại, đề ra những giải pháp hiệu quả trong đầu tư công, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, dàn trải gây thất thoát và lãng phí.
Về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá mặc dù có lác đác một vài quy định trong Luật quản lý nợ công và Luật đầu tư công nhưng toàn bộ quy trình quyết định bao gồm quy trình chấp nhận, tiêu chí chấp nhận, tính công khai minh bạch, quản lý sử dụng ODA như thế nào vẫn nằm nhiều ở các quy định tại nghị định. Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, “để quản lý chặt, hiệu quả nguồn ODA cần có văn bản, chí ít cũng ở mức pháp lệnh chứ để như hiện nay là chưa ổn”. Nhấn mạnh nếu không quản lý chặt lĩnh vực này thì sẽ đẩy nợ lên cao nữa, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ có báo cáo với Quốc hội về tất cả những khiếm khuyết của quản lý và sử dụng ODA trong thời gian qua.
Liên quan đến vấn đề về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017, nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục bám sát các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư và chi thường xuyên nguồn ngân sách Nhà nước đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Bảo đảm việc hỗ trợ thực hiện một số chương trình, dự án lớn, đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cần quan tâm cơ cấu lại các khoản chi ngân sách Nhà nước, có lộ trình thực hiện giảm dần chi thường xuyên trên tinh thần chi tiêu tiết kiệm; rà soát cắt bỏ dần một số nhiệm vụ chi tiêu công không hiệu quả, không cần thiết. Một số ý kiến đề xuất cần mở rộng thêm việc áp dụng chế độ khoán xe công và một số lĩnh vực khác để tăng cường tiết kiệm, giảm áp lực chi tiêu công.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu ngân sách Nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu, trốn thuế, chống nợ đọng tiền thuế để tăng thu ngân sách. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình, quản lý chặt chẽ vồn đầu tư xây dựng cơ bản.
Điều hành phiên thảo luận, phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015, cho rằng giai đoạn vừa qua chưa đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra đến năm 2015 cơ bản hoàn thành cơ cấu ngành, vì thế, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; thống nhất việc sẽ có Nghị quyết để tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế trên cả 3 mặt: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh Tờ trình và dự thảo Nghị quyết trong đó làm rõ mô hình kinh tế, đưa ra cơ cấu kinh tế và mục tiêu để tái cơ cấu, trong đó đề nghị rà soát một số mục tiêu có tính khả thi chưa cao...
Về kinh tế - xã hội năm 2016 và dự kiến năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát lại, đánh giá thêm tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2016 kể cả các mục tiêu cụ thể để căn cứ vào đó xác định chính xác nhiệm vụ năm 2017. Báo cáo của Chính phủ cần chú ý tới các vấn đề về giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội, thất nghiệp, xóa đói, giảm nghèo...
Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nhiệm kỳ 2016 - 2019 và thông qua nghị quyết về nhân sự Ban Thư ký Quốc hội và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội./.
Chủ tịch nước gặp mặt cựu chiến binh Đường Hồ Chí Minh trên biển  (17/10/2016)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 10-10 đến ngày 16-10-2016)  (17/10/2016)
Đoàn công tác của Bộ Chính trị làm việc tại tỉnh Sóc Trăng  (17/10/2016)
Thừa Thiên - Huế khánh thành Bia chiến công 11 cô gái sông Hương  (17/10/2016)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 10 đến ngày 16-10-2016)  (17/10/2016)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên