TCCSĐT - Ngày 18-10-2016, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch tổ chức Hội thảo “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam vì sự phát triển bền vững”. Đến dự Hội thảo có TS. Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản; đồng chí Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam... Đến dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hội thảo nhằm triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; chương trình hành động của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, đồng thời hướng tới chào mừng Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10-11), thu hút trí tuệ, tâm huyết, đóng góp ý kiến của nhà khoa học, nhà quản lý, đội ngũ doanh nhân, từ đó tìm ra những giải pháp thiết thực đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu rõ tầm quan trọng mà văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân trong quá trình Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới kinh tế năm 1986, là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO năm 2006, là thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015 và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bên cạnh những yếu tố như sản phẩm thị trường, công nghệ, năng lực kinh doanh,... văn hóa doanh nghiệp được coi là một nguồn lực, là “yếu tố vàng” quyết định sự thành công của các doanh nghiệp.

50 tham luận được gửi tới từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý của nhà nước, các doanh nghiệp, đã tập trung phân tích những vấn đề chính sách, những vấn đề lý luận, các mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân ở Việt Nam, các điển hình thành công, bài học kinh nghiệm về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân trong nước và quốc tế; thực trạng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân ở Việt Nam hiện nay, văn hóa doanh nhân trước thách thức hội nhập quốc tế; giải pháp, phương hướng xây dựng văn hóa, doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

PGS, TS. Đoàn Minh Huấn sau khi phân tích môi trường trong nước đã chỉ ra 4 yếu tố hạn chế phát triển văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam: Đó là vị trí địa lý, yếu tố truyền thống dân tộc trọng nông; nền kinh tế thị trường phát triển giai đoạn chưa đầy đủ; vai trò của hiệp hội trong sản xuất tiêu dùng chưa đủ mạnh và định hướng giáo dục về nhân cách và lối sống còn nhiều hạn chế. Vì thế, chúng ta đang thiếu và chưa định hình được một nền văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đủ mạnh trước thách thức của tự do hóa thương mại trong cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, PGS, TS. Đào Duy Quát cho rằng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân phải trở thành hệ điều tiết của mỗi doanh nghiệp vào doanh nhân. Yêu cầu văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam phải bám sâu vào truyền thống văn hóa dân tộc, để xây dựng nên hệ giá trị để phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa dân tộc trước những thách thức mới của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phân tích yếu tố dân tộc, mặt tích cực và mặt hạn chế của diện mạo văn hóa dân tộc Việt Nam, đưa ra những kết luận sâu sắc trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam, phải trải qua một quá trình lâu dài phát triển sản xuất kinh doanh vừa cọ xát trong làm ăn buôn bán, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại mới hình thành được bản chất và diện mạo văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời vừa phải phát huy vai trò của doanh nghiệp tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới và vai trò không thể thiếu được của nhà nước để tạo môi trường kinh doanh và thể chế mới trong phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và môi trường.

Phát biểu tại Hội thảo, các đại diện của các doanh nghiệp Vingroup, FPT, Viettel đều khẳng định sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước) đều có nguồn gốc từ di sản văn hóa, tinh thần khởi nghiệp, tôn trọng luật pháp và thượng tôn pháp luật trong lao động. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong một chặng đường dài thành lập - xây dựng và phát triển rút ra bài học kinh nghiệm tạo nên sức mạnh và thành công chính là các giá trị văn hóa và khát khao đóng góp cho sự phát triển của đất nước và lòng tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

Tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá với sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, nhiệt tình của các đại biểu, các nhà khoa học, các doanh nhân đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta đã tiếp thu được những kinh nghiệm mới, thiết thực; nhận diện được vị trí, vai trò của văn hóa doanh nghiệp, chỉ ra những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, từ đó có những định hướng tiếp theo trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân vì sự phát triển bền vững của đất nước./.