Các nhà kinh tế thế giới nhấn mạnh rằng trái ngược với những cuộc khủng hoảng trước đây, trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra, các thị trường mới nổi ít bị tác động và có sự cân bằng tốt hơn, trong khi nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và các nước Tây Âu lại đang phải vật lộn hết cơn khủng hoảng này đến cơn khủng hoảng khác.

Nhận định trên được đưa ra sau hội nghị thống đốc các ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính của các cường quốc hàng đầu trên thế giới tại thủ đô Oa-sinh-tơn, Mỹ, để tìm cách đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng trên toàn cầu.

Ông A-lếch Pa-tơ-lit (Alex Patelis), trưởng bộ phận kinh tế quốc tế của tập đoàn tài chính Merrill Lynch thừa nhận các vai trò đã bị đảo ngược trong nền kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế mới nổi - vốn là những nhân tố điển hình trong việc tạo ra những rắc rối trong nền kinh tế toàn cầu - nay lại đóng vai trò là những người cho vay. Một trật tự tài chính thế giới mới có thể sẽ sớm diễn ra do những tác động của cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tuần trước, bên lề cuộc họp hàng năm giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Oa-sinh-tơn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hen-ri Pao-xơn (Henry Paulson) cũng đã đưa ra một tín hiệu rõ ràng về một trật tự tài chính thế giới mới.

Theo các nhà phân tích kinh tế, với việc Trung Quốc và các thị trường châu Á khác cung cấp phần lớn lượng tiền mặt để giữ cho nền kinh tế Mỹ ổn định, sự suy thoái kinh tế vừa qua ở Mỹ và châu Âu có thể phát đi một tín hiệu về việc tái cơ cấu một trật tự kinh tế thế giới mới tại những thể chế như WB và IMF.

Chủ tịch WB Rô-bớt Dôi-e-líc (Robert Zoellick) cũng đã ủng hộ một cách mạnh mẽ về một "nhóm điều phối chỉ đạo" lớn hơn bao gồm các quốc gia sẽ thay thế sự thống trị của các cường quốc phương Tây tại WB và IMF.

Các nhà phân tích cho rằng sự nổi lên của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác không có gì là đáng ngạc nhiên. Trong hơn hai thế kỷ qua, Mỹ và châu Âu đã thực hiện bá quyền về văn hóa, chính trị và kinh tế và nay kỷ nguyên đó đang bước vào hồi kết./.