TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2014), ngày 03-10, tại Bảo tàng Hà Nội, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “60 năm Giải phóng Thủ đô - Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển”. Tới dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Dự Hội thảo còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và Hà Nội; hơn 300 nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học của Hà Nội và cả nước; đại diện 5 tổ chức quốc tế gắn bó mật thiết với Hà Nội là UNESCO, UNDP, Jica, World Bank, Ile de France.

Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ, sâu sắc và tòan diện về sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước; làm rõ thành tựu, sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trong suốt 60 năm bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô, nhất là trong gần 30 năm đổi mới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ: 60 năm qua, các thế hệ người Hà Nội đã lập nên nhiều chiến công vang dội, nhiều thành tựu đáng tự hào trong đấu tranh, xây dựng và phát triển. Hà Nội trở thành niềm tin yêu của nhân dân cả nước, được thế giới tôn vinh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Đồng chí nhấn mạnh: bước vào thời kỳ đổi mới, Hà Nội đã vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng phù hợp với đặc thù của Thủ đô với những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội sáng tạo, đưa Hà Nội trở thành một trong hai đầu tàu kinh tế lớn của cả nước. Từ sau khi mở rộng địa giới hành chính (từ năm 2008 đến nay), Hà Nội tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật, tòan diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 9,5%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình của cả nước. Quan hệ, mối liên kết với các tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm trong nước; quan hệ đối ngoại, giao lưu hợp tác với thủ đô các nước, các tổ chức quốc tế ngày càng được mở rộng và tăng cường. Đồng chí cho rằng trong những năm tới, Hà Nội phải phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục… tòan diện, bền vững, cơ bản trở thành Thủ đô công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, giàu đẹp, văn minh, trở thành một trung tâm ngày càng có uy tín ở khu vực và quốc tế.

Với những thành tựu to lớn đã đạt được, Thủ đô Hà Nội đã vinh dự được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” (năm 1999), được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng” năm 2000, ba lần nhận Huân chương Sao Vàng vào các năm 1984, 2004, 2010…

Hơn 70 tham luận của các nhà khoa học thuộc nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan văn hóa, khoa học, kỹ thuật đã khẳng định: Thủ đô Hà Nội trước hết là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm quyền lực và đầu não của đất nước, tiếp theo là một trung tâm phát triển về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, một trung tâm giao lưu quốc tế, trong đó trung tâm văn hóa là nét đặc trưng và tiêu biểu. Hà Nội có thể không đứng đầu cả nước về kinh tế, công nghiệp,… nhưng sau vai trò trung tâm chính trị, phải là trung tâm văn hóa tiểu biểu của cả quốc gia - dân tộc... Hà Nội, với vị thế Thủ đô có nghĩa vụ làm trọn vai trò đại diện cho cả nước trong việc giao tiếp với nước ngoài. Mỗi người dân Hà Nội phải trở thành một đại sứ trong hoạt động đối ngoại nhân dân, đem lại hình ảnh đẹp trong con mắt khách nước ngoài, khắc ghi một ấn tượng đẹp về đất nước và con người Việt Nam…

Bà Ka-thơ-rin Mu-lơ Ma-rin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội với tham luận “Hà Nội - Thành phố của hòa bình, văn hóa và di sản” đã dành những tình cảm đặc biệt cho Hà Nội.

Nhìn chung, các tham luận đã tập trung vào 4 nội dung chính:

Một là, lịch sử đấu tranh anh dũng của quân, dân Thủ đô trong kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1946 - 1954); thời kỳ tiếp quản và những năm đầu xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa (năm 1954 - 1965); kháng chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1965 - 1975).

Hai là, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đòan thể của Hà Nội; thực trạng kinh tế - xã hội của Thủ đô 60 năm qua và các đề xuất phát triển bền vững theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau; quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước cũng như mối quan hệ đối ngoại của Hà Nội với quốc tế.

Ba là, về phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ của Thủ đô trong 60 năm qua và những định hướng để phát huy tiềm năng trong lĩnh vực này thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bốn là, vấn đề quy hoạch và quản lý đô thị Hà Nội.

Sáu mươi năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã rất coi trọng việc phát huy truyền thống văn hiến - anh hùng - hòa bình và hữu nghị; vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu to lớn và vẻ vang, xứng đáng với vị trí là trung tâm của cả nước./.