Những nét mới của phong trào phản toàn cầu hóa hiện nay
Phong trào phản toàn cầu hóa hiện nay đang có nhiều chuyển biến mới và mang nhiều sắc thái mới, nhưng tính tích cực vẫn là sắc thái chính. Bằng tính chất này, phản toàn cầu hóa đang góp phần quan trọng vào việc xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng và tốt đẹp hơn.
Về cơ sở xã hội
Ở các nước tư bản phát triển, cơ chế của "xã hội dân sự" chính là cơ sở pháp lý cho sự ra đời các các tổ chức phi chính phủ (NGO) - thành viên nhiệt tình nhất của phong trào phản toàn cầu hóa ở các nước này. Xét về địa vị xã hội, nhóm xã hội trung lưu cùng với công nhân thành thị hiện chiếm số đông tại nhiều nước phát triển là những nhóm hạt nhân của phong trào phản toàn cầu hóa.
Ở các nước đang phát triển, cơ sở xã hội của phong trào này đa dạng hơn: họ có thể là tầng lớp "trung sản" chịu nhiều thua thiệt trong cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia khổng lồ; họ cũng có thể là các tầng lớp dân nghèo bị toàn cầu hóa kinh tế gạt ra khỏi vòng xoáy của nó và hiện đang chịu nhiều hậu quả tiêu cực về việc làm, đời sống, môi trường...; tầng lớp trí thức tiến bộ trong nhiều trường hợp, cũng là "ngòi nổ" cho hoạt động phản toàn cầu hóa.
Nhìn vào chiều sâu của quan hệ lợi ích, không thể phủ nhận vai trò của một chủ thể lớn trong toàn cầu hóa, đó là các nhà nước, các chính phủ. Tùy theo lợi ích của mình mà họ tán thành hay phản đối toàn cầu hóa, như nhận xét của cựu Tổng thống Mỹ B. Clin-tơn: "... mầm mống của sự phản đối toàn cầu hóa nằm ngay trong mỗi hệ thống chính trị, tại các quốc gia phát triển cũng như đang phát triển"[1]. Theo đó mà phong trào phản toàn cầu hóa có thêm đồng minh. Những năm đầu thế kỷ XXI, ở khu vực Mỹ La-tinh, quá trình chống lại "chủ nghĩa tự do mới" - vốn là một mặt trái của toàn cầu hóa kinh tế, đã nảy sinh hiện tượng các đảng cánh tả "lên ngôi" ở 9 quốc gia trong khu vực. Tất cả các chính phủ cánh tả ở Mỹ La-tinh đều xác định xu hướng thoát khỏi sự khống chế của Mỹ, bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia dân tộc và sát cánh với phong trào phản toàn cầu hóa. Hội nghị "Toàn cầu hóa và những vấn đề của sự phát triển" do Cu-ba đăng cai; Diễn đàn Xã hội thế giới do các NGO Bra-xin khởi xướng... đang là những nơi để các nước Mỹ La-tinh phối hợp với nhiều phong trào xã hội dân sự chống lại "chủ nghĩa tự do mới", chống lại sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc...; ở phương diện này, có thể xem là phong trào phản toàn cầu hóa đã "kết nạp" thêm những thành viên mới, khác với truyền thống phi chính phủ của nó.
Về mục tiêu đấu tranh
Nhóm mục tiêu thường trực của phong trào phản toàn cầu hóa hiện nay thường tập trung vào những mặt trái, thách thức và hệ quả tiêu cực của toàn cầu hóa trên các lĩnh vực tiêu biểu sau:
Về kinh tế, quá trình toàn cầu hóa hiện nay mang tính bất bình đẳng, "không đối xứng". Tiến trình này do các nước tư bản phát triển và các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia phát động trước hết là vì lợi ích của mình. Những ưu thế về vốn, khoa học - công nghệ, thị trường và đặc biệt là khả năng áp đặt thể chế thương mại đó được họ triệt để lợi dụng. Họ bắt ép các nước đang phát triển phải nuốt "những viên thuốc đắng" như chấp nhận cải cách thể chế, chấp nhận những "luật chơi" không bình đẳng, kéo theo những cuộc tranh chấp, kiện tụng thương mại triền miên. Khoảng cách giàu - nghèo trong từng nước và giữa các nước cũng đang tăng lên. So sánh hai thời điểm 1980 và 2005, nếu mức tăng trưởng bình quân đầu người ở các nước giàu là 2% một năm thì 40 nước nghèo nhất thế giới có mức tăng trưởng bằng 0%. Châu Phi rộng lớn với hơn 900 triệu người sinh sống, mức thu nhập ngày nay còn thấp hơn năm 1960. Rõ ràng, sự phân phối lợi ích trong toàn cầu hóa hiện nay là không công bằng. Theo đó, đấu tranh vì một trật tự kinh tế thế giới công bằng hơn là mục tiêu thường trực của phong trào phản toàn cầu hóa.
Về chính trị - xã hội, mặt trái của toàn cầu hóa còn là sự tăng lên nhiều thách thức đối với nền độc lập, chủ quyền quốc gia, làm xói mòn quyền lực của nhà nước dân tộc; làm sâu thêm cuộc khủng hoảng mô hình phát triển; làm bùng phát các tranh chấp lãnh thổ, các mâu thuẫn xung đột tôn giáo, dân tộc, nạn khủng bố, vấn đề an toàn trật tự xã hội... Đây là những "căn bệnh dễ lây lan" với mọi quốc gia. Bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, bảo vệ những thể chế chính trị với bản sắc riêng cũng là giữ gìn những công cụ để bảo vệ đắc lực lợi ích của mỗi cá nhân công dân - những con người tuy nhỏ bé nhưng không hề vô giá trị bởi đã biết tổ chức lại thành phong trào. ý thức ấy theo thời gian đang rõ dần trong phong trào phản toàn cầu hóa.
Về văn hóa - tư tưởng, âm mưu của các nước đế quốc thông qua toàn cầu hóa để "diễn biến hòa bình", gieo rắc những "giá trị dân chủ phương Tây" và áp đặt hệ tư tưởng tư sản "thông qua sự bá quyền về ý thức hệ, và buộc mọi người phải chấp nhận..."[2] đang tác động tiêu cực đến nền chính trị - xã hội của nhiều nước. Đáp lại để bảo vệ những chân giá trị của một thế giới vốn tồn tại và vận động theo nguyên lý thống nhất trong đa dạng, phản toàn cầu hóa về văn hóa - tư tưởng cũng là một trận tuyến.
Về hình thức, biện pháp và sự tập hợp lực lượng
Hình thức tổ chức của phong trào phản toàn cầu hóa hiện nay chủ yếu được tổ chức theo mô hình hoạt động của xã hội công dân, với đặc điểm: các phong trào được tập hợp theo những vấn đề lợi ích cụ thể của từng nhóm xã hội như chống chiến tranh - xung đột vũ trang, đòi việc làm, chống phân biệt đối xử, bất công trong phát triển; đấu tranh vì một trật tự thế giới mới, chống ô nhiễm môi trường, ngăn chặn nguy cơ thảm họa sinh thái...
Khác với các phong trào quần chúng thời "chiến tranh lạnh", phong trào phản toàn cầu hóa hiện nay dường như ít gắn với các đảng phái chính trị. Tính nhân dân, tính tự nguyện, ý thức trách nhiệm công dân (thậm chí có cả những tổ chức theo đuổi lý tưởng "công dân thế giới") và nhất là những điểm tương đồng về lợi ích... đã tạo nên sự gắn kết mới này. Đặc điểm này không có nghĩa giữa phong trào phản toàn cầu với các tổ chức đảng phái chính trị tích cực khác không có sự kết hợp hành động. Thực tế đã chứng minh, trong những trường hợp này, kết quả đạt được của phong trào đã vượt hơn cả sự mong đợi, "bước ngoặt Xi-a-tơn" là một ví dụ.
Tổ chức của phong trào thường theo quy mô nhỏ, trên nguyên tắc tự nguyện, ít có sự ràng buộc; tôn trọng và khuyến khích tính sáng kiến của mỗi thành viên theo cơ chế bình đẳng không cử lãnh đạo chính thức. Tiêu biểu là các tổ chức đấu tranh vì hòa bình và chống gây chiến xâm lược; chống lại những mặt trái của toàn cầu hóa vì công bằng bình đẳng trong phát triển; phản đối xu hướng tư nhân hóa của nhiều chính phủ; hoạt động nhân đạo, đấu tranh bảo vệ môi trường; đấu tranh vì quyền con người và vì tiến bộ xã hội... Các lực lượng đó thường khá đa dạng về tổ chức, tôn chỉ và phương thức hành động.
Các tổ chức phi chính phủ chính là biểu hiện tập trung của hình thức này. Những phản ứng kịp thời, đồng loạt của NGO ở nhiều nước để ngăn chặn một đoàn tàu chở chất thải hạt nhân, những cuộc chiến tranh Mỹ gây ra ở Cô-xô-vô, I-rắc; để chống lại một chủ trương tư nhân hóa một ngành kinh tế nào đó, hay để chống lại một cuộc họp của WTO... đã cho thấy tính tổ chức cao của phong trào. Ví dụ điển hình là tháng 11-1999, cuộc biểu tình phản đối một phiên họp của WTO tại Xi-a-tơn (Mỹ) đã lôi cuốn 700 tổ chức và hơn 40.000 người, bao gồm những người phản toàn cầu hóa, công nhân, sinh viên và các nhóm tôn giáo... áp lực lớn của cuộc đấu tranh đã khiến cho hội nghị này phải dừng lại.
Các hoạt động phản toàn cầu hóa đó được điều phối tốt và có khả năng tập hợp lực lượng nhanh chóng, đông đảo nhờ sự phát triển của in-tơ-nét, giao thông hiện đại và tự do đi lại giữa nhiều nước. Các nhà tổ chức đã biết khai thác các công cụ thông tin hiện đại, thậm chí lập ra những kênh truyền hình và phát thanh độc lập để tập hợp quần chúng bằng nhiều khẩu hiệu đấu tranh phù hợp với lợi ích của họ. Các hoạt động phản đối toàn cầu hóa đã diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau từ bài viết, ấn phẩm, diễn thuyết, hội thảo, hội nghị, biểu tình, đình công... thậm chí, một số nơi đã có cả xô xát bạo lực. Ngoài ra, phản toàn cầu hóa còn tổ chức được nhiều nhóm nòng cốt và huy động được nhiều nguồn tài chính cho hoạt động.
Sắc thái chính trị của phong trào
Mặc dù vẫn tuyên bố "trung lập về chính trị", "phi đảng phái, phi chính trị", nhưng thực tế phong trào lại là lực lượng tham chính tích cực, có vị thế và ảnh hưởng to lớn.
Chống chủ trương tư nhân hóa của một chính phủ tư sản vì quyền lợi của người lao động, hiển nhiên là một hành động chính trị, vì nó đã động chạm tới "tín điều thiêng liêng nhất" của chủ nghĩa tư bản. Hầu hết các phong trào phản toàn cầu hóa đều có "tiếng nói" có trọng lượng trong đời sống chính trị ở nhiều nước và trên trường quốc tế. Nhiều NGO đã thực sự là một thế lực chính trị lớn. Năm 2000, lần đầu tiên, Diễn đàn Đa-vốt đã mời đại diện NGO của 15 nước tới dự. Tại "Diễn đàn thiên niên kỷ các tổ chức phi chính phủ" (2001), do Liên hợp quốc tổ chức ở Niu-oóc, có đại biểu của hơn 1.000 NGO đến từ hơn 100 nước. Tổng thư ký Liên hợp quốc thừa nhận: "Không thể đạt được hòa bình và thịnh vượng nếu không có sự tham gia của các chính phủ, cộng đồng các nhà kinh doanh và xã hội công dân".
Trong điều kiện cụ thể, những mục tiêu xã hội mà phong trào hướng tới cũng đã vượt qua tôn chỉ phi chính trị. Chẳng hạn Diễn đàn "Vì một trật tự thế giới mới" của các nước Mỹ La-tinh đã có ảnh hưởng xã hội rất lớn và trong nhiều sự kiện nó đã mang sắc thái chính trị, vì thực chất, chống toàn cầu hóa bất công hiện nay là chống chủ nghĩa tư bản bành trướng ra toàn cầu. Đối tượng bị phản đối cũng được định danh rõ ràng, đó là các tổ chức xuyên quốc gia, các quyết sách sai lầm, bất công của IMF, WB và WTO... Một số cuộc biểu tình ở châu Âu, châu Á, khu vực Mỹ La-tinh còn chĩa mũi nhọn công kích trực diện vào chủ nghĩa bá quyền Mỹ. Liên tục trong nhiều năm gần đây, thường diễn ra các hoạt động phản toàn cầu bên thềm Hội nghị Thượng đỉnh G8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước lớn...
Hiệu ứng xã hội của phong trào phản toàn cầu hóa cũng mang màu sắc chính trị khá rõ, đặc biệt là khi nó kết hợp được với các vấn đề giai cấp và dân tộc. Cuộc đấu tranh vì một trật tự thế giới mới công bằng hơn đã có nhiều tiến bộ khi kết hợp được với phong trào công nhân và công đoàn. Điển hình là các cuộc phản kháng WTO tại Xi-a-tơn vào mùa thu năm 1999 và mùa hạ năm 2000 - được coi là "một bước ngoặt lịch sử của cuộc đấu tranh toàn cầu". Các tổ chức công đoàn của Mỹ và những người cánh tả đã sát cánh cùng phong trào phản toàn cầu hóa trong những cuộc biểu tình phản đối toàn cầu hóa của chủ nghĩa tư bản. Họ đã khẳng định rằng "chỉ có đưa ra một hệ tư tưởng phản đối bá quyền về phương cách quản lý xã hội và sự tự tổ chức của các phong trào quần chúng, thì mới có thể cứu được hành tinh này thoát khỏi các chính sách tàn phá của một hệ thống dựa trên lòng tham, mới bảo vệ, nâng cao đời sống và điều kiện làm việc của đại đa số những người đang phải chịu đọa đày bởi lòng tham đó"[3].
Phản đối chạy đua vũ trang, chống quân sự hóa vũ trụ đã làm chùn tay nhiều cuộc phiêu lưu quân sự của chủ nghĩa đế quốc; phong trào đấu tranh chống chiến tranh xâm lược của Mỹ và đồng minh tại Cô-xô-vô, I-rắc... đã có tác dụng cảnh tỉnh lương tri, liên kết xã hội rất lớn. Nhiều tổ chức như Hòa bình xanh đã tham chính thật sự và có đại biểu tại các nghị viện. Tác dụng vượt qua ý nghĩa xã hội của các phong trào phản toàn cầu hóa cho thấy, trong đời sống hiện đại thật khó tách bạch đâu là xã hội và đâu là chính trị - xã hội.
Song, cũng cần thấy tính phức tạp, tính hai mặt của xu hướng dần mang sắc thái chính trị này. Mặt tích cực là nó chống lại những quyết sách đối nội phản động hay chống lại một đường lối đối ngoại cực hữu của nhiều chính phủ hiện đang đại diện lợi ích của tập đoàn tư bản. Các nhà nghiên cứu phương Tây thường gọi đó là xu hướng "thiên tả". Mặt tiêu cực là hoạt động của một số NGO bị chủ nghĩa đế quốc lợi dụng. Thông qua hoạt động của NGO, các nước đế quốc cài cắm những ý đồ chính trị để áp đặt ý thức hệ tư sản, hoặc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền... để gây mất ổn định chính trị ở nhiều quốc gia.
Nhiều sự thay đổi nhưng không phải tất cả đều tốt đẹp
Ở phương diện tích cực, biện pháp hành động đã có những biểu hiện quyết liệt hơn. Phong trào phản toàn cầu hóa thường sử dụng biện pháp đấu tranh trong khuôn khổ của pháp luật hiện hành, phi bạo lực, nhưng trong một số trường hợp, nó đã vạch mặt và chống lại chính sách của chính phủ tư sản mạo danh lợi ích quốc gia để mưu lợi cho các tập đoàn tư bản. Nhiều nơi đã có cả một hệ thống truyền thông độc lập và phi thương mại. Biểu tình, bãi công đã có lúc chuyển hóa thành xung đột chống lại toàn cầu hóa kiểu chủ nghĩa thực dân mới. Đã nhiều năm qua, trước thềm hội nghị Đa-vốt (Thụy Sỹ), ở bên trong là các nguyên thủ, chính khách của các nước lớn họp nhau để tính chuyện "làm ăn", thì ngoài đường phố, phong trào phản toàn cầu hóa cũng tập trung hàng chục nghìn người đủ mọi quốc tịch để chống lại.
Hiện nay, nhiều chính phủ các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu á và khu vực Mỹ La-tinh, nơi mà "quyền lực bị thu hẹp, chính phủ bị mất chức năng" cũng đã bắt đầu tham gia phản toàn cầu hóa. Họ chống lại cuộc thôn tính quyền lực từ những công ty xuyên quốc gia, từ những nước lớn và chống lại những thể chế bất công của toàn cầu hóa. Cách thức tham gia phản toàn cầu hóa của những chủ thể này cũng đặc thù, không xuống đường biểu tình, mà bằng tác động của luật pháp để ngăn chặn những thái quá của thị trường toàn cầu, chống khuynh hướng chạy theo hiệu quả kinh tế tối đa và chủ nghĩa quốc gia ích kỷ... Các chính phủ thường sử dụng những biện pháp phi thuế quan như tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường và nhất là tăng cường quyền lực cai trị và tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước... để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh kinh tế - tiền tệ, bảo vệ môi trường, bảo vệ thông tin quốc gia và chống các hành vi trục lợi... Không chỉ chống lại tư bản độc quyền phương Tây trong toàn cầu hóa kinh tế mà còn chống lại cả những mưu mô toàn cầu hóa về chính trị - văn hóa - xã hội. Hiện tượng này sẽ ngày một rõ hơn và sẽ là một yếu tố góp phần quan trọng cho việc định tính phong trào phản toàn cầu hóa tương lai.
Ở phương diện tiêu cực, cuộc đấu tranh chống mặt trái của toàn cầu hóa ở một số nước đang phát triển đôi khi trở thành cuộc đấu tranh "bài ngoại". Đối với nhiều người dân ở Mỹ La-tinh và châu Phi, toàn cầu hóa kinh tế xuất hiện giống như một dạng tái thực dân hóa. Lẽ ra thủ phạm đích danh phải là chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân nhưng họ lại gán cho toàn cầu hóa sự thất vọng, oán hận vì nghèo đói, chiến tranh và bệnh tật. Phản ứng này là lẽ tự nhiên, nhưng nếu chỉ thấy những mặt tiêu cực của toàn cầu hóa và chống nó một cách cực đoan thì lại là phản văn minh, ngăn cản tiến bộ xã hội.
Điều tương tự cũng diễn ra ở các nước phát triển song từ một chiều cạnh khác. Phản toàn cầu hóa ngày nay là mối quan tâm của chính người dân các nước tư bản phát triển vì nó cũng liên quan tới những lợi ích thiết thực của họ. Một thống kê gần đây cho biết: 74% người Pháp, 65% người I-ta-li-a, 59% người Đức, 57% người Mỹ cho rằng quá trình toàn cầu hóa có những tác động tiêu cực đối với vấn đề công ăn việc làm của họ. Về vấn đề việc làm trong toàn cầu hóa, 49% số người Anh cho rằng việc mở cửa biên giới là tích cực đối với vấn đề tạo việc làm trong khi 39% cho rằng đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thất nghiệp. 80% số người dân EU và 82% số người Mỹ cho rằng, các tập đoàn đa quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất của quá trình tự do hóa thương mại[4].
Tại châu Âu và Bắc Mỹ đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình và cả những hành động ngăn chặn các công ty đầu tư ra nước ngoài, tán thành việc xiết chặt hơn luật nhập cư, kì thị chủng tộc... Đôi khi vì những lý do này mà phản toàn cầu hóa lại mang tính tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi hoặc chủ nghĩa sô-vanh nước lớn.
[1] Sau Xiatơn: một chủ nghĩa quốc tế mới?, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, tr 234
[2] Sđd, tr 130
[3] Sđd, tr 131
[4] Thông tấn xã Việt Nam: Tin thế giới, ngày 13-12- 2006
Liên hợp quốc trong bối cảnh quốc tế mới  (05/10/2007)
Không chỉ có thương mại đa phương  (05/10/2007)
Thành ủy Hải Phòng lãnh đạo tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước  (05/10/2007)
Bàn về cải cách chính quyền nhà nước ở địa phương  (05/10/2007)
Xuất khẩu của nước ta khi là thành viên của WTO  (05/10/2007)
Bàn về cải cách chính quyền nhà nước ở địa phương  (05/10/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay