Không chỉ có thương mại đa phương
Những hiệp định thương mại tự do dường như đi ngược lại với nguyên tắc không phân biệt đối xử vốn là hòn đá tảng của WTO. Thế nhưng, nhiều nước vẫn sẵn sàng chấp nhận những luật lệ và quy định ở cấp song phương hoặc ở cấp khu vực và dù có phần miễn cưỡng, WTO vẫn chấp nhận sự tồn tại và tăng trưởng của các hiệp định này chỉ với yêu cầu "được thông báo kịp thời".
Sự gia tăng các hiệp định thương mại song phương và khu vực
Thương mại là một biểu tượng của toàn cầu hóa với cả mặt tích cực và tiêu cực. Hiện nay, cần phải phát triển những công cụ để chế ngự và khai thác toàn cầu hóa, bảo đảm cho cả các nước phát triển và đang phát triển cùng được hưởng lợi.
Một trong những công cụ để chế ngự toàn cầu hóa là hệ thống thương mại đa phương, tức WTO, hiện nay đang xúc tiến vòng thương lượng bắt đầu từ năm 2001 tại Đô-ha mang tên "Nghị trình phát triển Đô-ha". Nghị trình này được cho là nhằm cân đối lại hệ thống thương mại thế giới vì lợi ích của các nước đang phát triển[1], thông qua mở rộng thị trường hơn nữa và được bổ sung bằng những luật lệ mới được coi là tương thích với thực tiễn của thương mại trong thế kỷ XXI.
Tính đến tháng 12-2006, ngoại trừ Mông Cổ chưa tham gia hiệp định thương mại khu vực nào, có tất cả 368 hiệp định thương mại khu vực hay song phương đã thông báo theo quy định của Điều XXIV của GATT 1947 hoặc GATT 1994. |
Song song với tiến triển của hệ thống đa phương là sự hình thành và phát triển của những hiệp định thương mại ưu đãi do một số thành viên WTO ký kết riêng với nhau. Những hiệp định này đã có từ thời GATT (Hiệp định chung về thuế quan và thương mại), tiếp tục với WTO và "nở rộ" khi vòng đàm phán Đô-ha bị đình hoãn vô thời hạn vào tháng 7-2006. Tính đến tháng 12-2006, ngoại trừ Mông Cổ chưa tham gia hiệp định thương mại khu vực nào, có tất cả 368 hiệp định thương mại khu vực hay song phương đã thông báo theo quy định của Điều XXIV của GATT 1947 hoặc GATT 1994. Trong số này, 292 hiệp định đã được thông báo cho WTO sau khi tổ chức này ra đời vào tháng 1-1995; 22 theo Điều khoản khả thể và 54 theo Điều V của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS). Tuy nhiên, chỉ có 215 hiệp định đang có hiệu lực. Nếu tính cả số có hiệu lực nhưng không thông báo, số đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực, số đang thương lượng và số đang ở giai đoạn đề nghị, con số hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và khu vực dự kiến thực thi sẽ xấp xỉ 400 vào năm 2010. Trong số đó, 90% là hiệp định thương mại và 10% là liên hiệp thuế quan.
Sức hấp dẫn của các hiệp định song phương và khu vực
Thứ nhất, có thể kết thúc đàm phán song phương (hay khu vực) nhanh hơn. Về phương diện kinh tế cũng như về phương diện chính trị, ai cũng mong muốn có được kết quả chóng vánh. Song, thực tế cho thấy, càng nhiều đối tác tham gia đàm phán, càng có thêm nhiều đòi hỏi, càng khó đạt được đồng thuận. Hiệp định thương mại châu Mỹ (FTAA), được coi như một sự mở rộng của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), khởi đầu từ năm 1992 và dự kiến có hiệu lực vào năm 2005, do nhiều nguyên nhân đến nay vẫn bế tắc, chủ yếu xoay quanh những bất đồng về vai trò của Hoa Kỳ.
Thứ hai, do có sự tương đồng và chia sẻ những giá trị chung, hiệp định song phương (hay khu vực) có thể bao quát các lĩnh vực thường khó tìm được tiếng nói chung tại diễn đàn đa phương rộng lớn như đầu tư, cạnh tranh, tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường v.v...
Thứ ba, nhiều FTA[2] gần đây hàm chứa những yếu tố chính trị hoặc địa - chính trị. Đối với một số nước đang phát triển, thương thảo với các cường quốc phát triển thường là để giành được những ưu đãi đặc biệt, hỗ trợ phát triển và những lợi ích phi thương mại khác lớn hơn so với những cam kết trong khuôn khổ WTO. Các nước phát triển cũng thu được những lợi ích đáng kể.
Ví dụ: Hiệp định thương mại tự do Xin-ga-po - Hoa Kỳ đã loại bỏ phần lớn thuế quan và có kế hoạch trong vòng từ 3 đến 10 năm không còn đánh thuế đối với một số sản phẩm đặc biệt theo một lộ trình được thỏa thuận. Từ khi hiệp định có hiệu lực vào năm 2004, xuất khẩu của Hoa Kỳ tăng 25%; có thặng dư thương mại 5,5 tỉ USD với Xin-ga-po. Sau 3 năm Hiệp định thương mại tự do Hoa Kỳ - Chi-lê có hiệu lực, 97% hàng hóa Chi-lê được miễn thuế khi vào thị trường Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng tăng xuất khẩu sang Chi-lê từ 3,9 tỉ USD năm 2004 lên 5,2 tỉ USD năm 2005. Thương mại giữa hai nước tăng 133% so với cùng kỳ năm 2003. Năm 2005, một năm sau ngày Hiệp định thương mại tự do Hoa Kỳ - Ô-xtrây-li-a có hiệu lực, nhập khẩu của Ô-xtrây-li-a tăng từ 1,6 tỉ USD lên 15,8 tỉ USD, giúp tạo thặng dư cho Hoa Kỳ 8,4 tỉ USD.
Theo các chính giới Hoa Kỳ, thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này chủ yếu là do năng suất và sản lượng tăng nhưng nhu cầu của nước ngoài lại thu hẹp, đồng thời tiết kiệm tư nhân và thuế lại giảm, nên các BTA rất quan trọng để lập lại cán cân thương mại cho Mỹ. Theo các con số chính thức, 26 quốc gia ký BTA với Hoa Kỳ chiếm tới 52% xuất khẩu của nước này. Theo Văn phòng Đại diện thương mại Hoa Kỳ, kể từ khi Hoa Kỳ ký với I-xra-en Hiệp định thương mại tự do song phương đầu tiên vào năm 1985, đến 2005 Hoa Kỳ đã ký hoặc đang xúc tiến đàm phán với 26 nước.[3]
RTA (hay FTA, PTA) được thành lập như thế nào?
Khi một thành viên WTO tham gia một thỏa thuận hội nhập khu vực theo đó thành viên này dành cho các thành viên khác trong RTA những điều kiện thương mại thuận lợi hơn các thành viên WTO khác, thì thành viên đó đã xa rời nguyên tắc chỉ đạo không phân biệt đối xử nêu trong Điều I của GATT và Điều II của GATS. Tuy nhiên, các thành viên WTO vẫn có thể gia nhập các RTA (hay FTA, BTA, PTA) theo những điều kiện đặc biệt dưới đây:
- Điều XXIV của GATT, từ đoạn 4 đến đoạn 10 (như được làm rõ trong Nhận thức các diễn giải Điều XXIV của GATT 1994) cho phép các liên hiệp thuế quan và các khu vực thương mại tự do liên quan đến mậu dịch hàng hóa được thành lập và hoạt động;
- Theo cái gọi là Điều khoản khả thể (như Quyết định 1979 về đối xử khác biệt và ưu đãi hơn với các nước đang phát triển) cho phép những thỏa thuận thương mại ưu đãi về buôn bán hàng hóa giữa thành viên các nước đang phát triển;
Sau 3 năm Hiệp định thương mại tự do Hoa Kỳ - Chi-lê có hiệu lực, 97% hàng hóa Chi-lê được miễn thuế khi vào thị trường Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng tăng xuất khẩu sang Chi-lê từ 3,9 tỉ USD năm 2004 lên 5,2 tỉ USD năm 2005. Thương mại giữa hai nước tăng 133% so với cùng kỳ năm 2003... |
- Điều V của GATS chế định việc ký kết RTA trong khu vực thương mại dịch vụ đối với các nước phát triển cũng như đang phát triển.
Ngoài ra, đối với các chương trình ưu đãi không mang tính phổ quát, thành viên cần xin được một đặc miễn (waiver) đối với các quy pháp WTO. Những đặc miễn này phải được sự chấp thuận của đa số (3/4) thành viên WTO. Một số ví dụ hiện hữu là hiệp định Hoa Kỳ và các nước Ca-ri-bê (CBERA), hiệp định Ca-na-đa miễn thuế không đòi tương nhượng với đa số các nước Ca-ri-bê (CARIBCAN) và Hiệp định đối tác EC - ACP (các nước châu Phi, Ca-ri-bê và Thái Bình Dương phần lớn là thuộc địa cũ của các nước châu Âu).
RTA tăng cường sức mạnh của hệ thống thương mại đa phương?
Xét về bản chất, RTA mang tính phân biệt đối xử, là sự xa rời nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) của hệ thống thương mại đa phương gắn liền với nguyên tắc không phân biệt đối xử. Vì thế, theo P. La-my, các hiệp định song phương hay khu vực không thể thay thế hiệp định đa phương vì nó có bốn điều hạn chế then chốt dưới đây:
Một là, việc ký kết các hiệp định thương mại ưu đãi có thể thúc đẩy thêm sự phân biệt đối xử tác động tiêu cực đến tất cả các đối tác thương mại. Những nước đứng ngoài cố gắng ký với một nước trong khối để tránh bị loại trừ. Châu á là một ví dụ khi cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và ấn Độ đều muốn ký kết với ASEAN. Tuy nhiên, theo P. La-my, các ưu đãi càng mở rộng càng mất ý nghĩa.
Ngày 10-6-2007, tại Diễn đàn kinh tế quốc tế được tổ chức ở Xanh Pê-téc-bua (Nga), Tổng thống V. Pu-tin phê phán WTO là một thí dụ rõ ràng về những cơ cấu đã tỏ ra lỗi thời, phi dân chủ và cứng nhắc, chỉ chú tâm đến lợi ích của một số thành viên. Ông đề nghị thành lập một tổ chức mậu dịch tự do khu vực Âu - Á dựa trên kinh nghiệm của WTO. |
Hai là, các hiệp định song phương không thể giải quyết các vấn đề mang tính tổng quát hơn, như quy pháp về xuất xứ, chống phá giá, trợ cấp nông nghiệp và ngư nghiệp v.v... nổi lên trong các cuộc đàm phán của vòng Đô-ha.
Ba là, sự nở rộ của RTA làm phức tạp thêm môi trường thương mại, tạo nên một mớ bòng bong những quy pháp, luật lệ "trống đánh xuôi kèn thổi ngược".
Bốn là, ngoài những nước lớn thuộc diện đang phát triển và nhiều tiềm năng như Trung Quốc, ấn Độ, Bra-xin, đa số các thành viên nhỏ yếu rõ ràng bị thua thiệt khi thương thảo tay đôi với các siêu cường thương mại.
Lập trường của WTO đối với RTA
Như đã nói trên, GATT trước đây và WTO hiện nay thừa nhận quyền có điều kiện của các thành viên thành lập các RTA và tùy mức độ cần thiết có thể gác lại một số nghĩa vụ đối với WTO. Tuy nhiên, các thành viên này phải: 1- Tránh những tác động xấu đối với các thành viên khác: không được nâng rào cản thương mại đối với các nước thứ ba (ngoài khối). Điều này không khó về phương diện thuế quan nhưng không dễ đối với luật xuất xứ hay tiêu chuẩn hàng hóa. 2- RTA không được dẫn tới đánh thuế các thành viên WTO khác vì đó sẽ là phân biệt đối xử; với Liên hiệp thuế quan thì phải hài hòa chính sách ngoại thương của các thành viên và có sự đền bù cho các nước không phải là thành viên. 3- Phải loại bỏ thực sự tất cả thuế và các quy định mang tính hạn chế thương mại.
Do tính chất phức tạp của thương mại khu vực, song phương nên các thành viên WTO đồng ý đưa vấn đề này vào để thương thảo trong Nghị trình phát triển Đô-ha. Tuy nhiên, các nước vẫn tìm cách thúc đẩy các hiệp định thương mại khu vực hoặc song phương. Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đều tìm cách lập lại quan hệ với các thuộc địa cũ và khu vực ảnh hưởng để khai thác tài nguyên, mở mang thị trường, khơi nguồn lao động. Trong khi đó, Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với châu Phi; Ấn Độ với các nước Nam Á; Bra-xin với các nước Mỹ La-tinh. Các nước đang phát triển đang đoàn kết lại để bảo vệ quyền lợi cả trong WTO và trong các tổ chức thương mại song phương và khu vực (hợp tác Nam - Nam).
[1] Có nghĩa là thừa nhận hệ thống này có những nội dung không có lợi cho các nước đang phát triển
[2] Được dùng đồng nghĩa trên đại thể với PTA, BTA hoặc RTA (hiệp định thương mại ưu đãi, hiệp định thương mại song phương, hiệp định thương mại khu vực)
[3] Lợi ích của thương mại, USTR, tháng 6-2006
Thành ủy Hải Phòng lãnh đạo tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước  (05/10/2007)
Bàn về cải cách chính quyền nhà nước ở địa phương  (05/10/2007)
Xuất khẩu của nước ta khi là thành viên của WTO  (05/10/2007)
Bàn về cải cách chính quyền nhà nước ở địa phương  (05/10/2007)
Kinh tế Thủ đô 9 tháng đầu năm 2007  (05/10/2007)
Việt Nam là một đối tác quan trọng của Pháp  (04/10/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay