Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, thu hút tiềm năng toàn xã hội góp phần vào sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước. Kết quả bước đầu của tiến trình này đã góp phần tạo ra động lực mới cho sản xuất, kinh doanh trong sự phát triển của kinh tế Hải Phòng. Tuy nhiên, thời gian tới, Hải Phòng phải nỗ lực hơn nữa để tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả mong đợi.

1 - Những kết quả quan trọng bước đầu

Qua hơn 5 năm quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 9 khóa IX về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Hải Phòng có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng bước đầu.

Thành phố đã cải tiến việc xác định giá trị doanh nghiệp, đa dạng hóa hình thức bán cổ phần, làm cho lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động thấy rõ hơn nhiệm vụ và lợi ích trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, từ đó tự giác tích cực thực hiện chuyển doanh nghiệp sang hình thức cổ phần. Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà các Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 đề ra được tuân thủ và thực hiện; nhất là chấp hành đúng các quy định của pháp luật về cổ phần hóa. Tốc độ thực hiện cổ phần hóa được đẩy nhanh rất nhiều so với trước; thời gian chuyển doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần giảm, từ 15 tháng đến 24 tháng xuống chỉ còn từ 7 tháng đến một năm. Năm 2005, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc cổ phần hóa số doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn, như nhiệm vụ đề ra cho giai đoạn 2001- 2005. Đến nay, 89 doanh nghiệp đã có phương án cổ phần được phê duyệt, thực hiện; trong đó, có 78 doanh nghiệp hoàn thành việc chuyển sang công ty cổ phần được từ một năm. Số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa từ sau Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX tăng mạnh (82 doanh nghiệp), gấp hơn 6 lần số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trong suốt 10 năm trước (1992 - 2002).

Các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, số cổ đông là người lao động giữ cổ phần chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cổ phần của doanh nghiệp (chiếm 44,5% tổng vốn điều lệ). Tại các doanh nghiệp có cổ phần của Nhà nước, cổ đông nhà nước nắm giữ 34,3% tổng vốn điều lệ (trong số 95 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, có 85 doanh nghiệp có cổ phần nhà nước, trong đó 14 doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối). Bước đầu, cổ phần hóa đã huy động được thêm 138,7 tỉ đồng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh (bằng 21,5% tổng vốn điều lệ các doanh nghiệp cổ phần). Nhiều doanh nghiệp cổ phần đã đổi mới, hiện đại hóa công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế (ISO, HACCP). Hầu hết các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đều trở nên năng động; giảm được chi phí, nhất là chi phí quản lý; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đa dạng hóa sản phẩm. Trong số các doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa được một năm trở lên, chỉ có 2 doanh nghiệp (chiếm 2,6%) hoạt động chưa ổn định, làm ăn còn thua lỗ; hầu hết các doanh nghiệp đã chia lãi cổ tức từ 10% trở lên, cá biệt có hơn 10 doanh nghiệp chia lãi cổ tức trên 20%.

Trong quá trình cổ phần hóa, giá trị tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp được đánh giá sát đúng hơn, vừa góp phần hạn chế sự thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, vừa tạo cơ sở để tài sản, vốn nhà nước được sử dụng hiệu quả hơn. Các chế độ, chính sách đối với người lao động, nhất là về cổ phần ưu đãi và trợ giúp lao động dôi dư đã được thực hiện khá đầy đủ, kịp thời. Các tổ chức cơ sở đảng, các đoàn thể như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, nhìn chung tiếp tục hoạt động và phát huy vai trò trong tất cả các doanh nghiệp cổ phần (97% số doanh nghiệp cổ phần hóa có tổ chức đảng). Tại nhiều doanh nghiệp cổ phần không còn cổ phần của Nhà nước, nhiều đảng viên vẫn giữ các vị trí then chốt (đảng ủy viên tham gia Hội đồng quản trị: 90,5%; Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng thời là bí thư chi bộ: 52,4%).

2 - Những chủ trương của Đảng bộ thành phố chỉ đạo tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

a - Cổ phần hóa gắn với nâng cao hiệu quả doanh nghiệp

Thành ủy Hải Phòng coi việc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa gắn chặt với tổng thể quá trình sắp xếp, đổi mới, phát triển nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Đây chính là việc tiếp tục quá trình chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước ở Hải Phòng từ nhiều năm trước. Ngay sau Hội nghị Trung ương 3 khóa IX, Đảng bộ Hải Phòng chỉ đạo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thành phố khẩn trương rà soát lại phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã có, theo tinh thần Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg, ngày 24-4-1998, của Thủ tướng Chính phủ, để xây dựng phương án cổ phần hóa trong đề án sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước thành phố giai đoạn 2001 - 2005. Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20-2-2002, “Về thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp tại Hải Phòng”; qua đó cụ thể hóa một bước bằng các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và giải pháp theo hướng vận dụng linh hoạt, sát hợp với tình hình thực tế và đặc điểm của Hải Phòng. Sau một năm triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Thành ủy đã sơ kết và ra Thông báo kết luận số 159-TB/TU, ngày 26-3-2003, đề ra các giải pháp bổ khuyết, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Thành ủy.

Ngày 17-3-2004, Thành ủy ban hành Chương trình hành động số 25-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, cụ thể hóa thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Nghị quyết Trung ương 9 khóa IX, đẩy nhanh tiến độ và mở rộng diện doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa. Chương trình đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến giữa năm 2005 hoàn thành cơ bản việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Hải Phòng.

Thành ủy Hải Phòng tập trung lãnh đạo tháo gỡ những vướng mắc về nhận thức, trách nhiệm và hạn chế về lực lượng, những nguyên nhân chính cản trở, làm chậm tiến độ cổ phần hóa; khắc phục những lệch lạc làm ảnh hưởng không tốt tới mục tiêu cổ phần hóa và những tiêu cực phát sinh trong tiến trình này.

Trước tình hình người lao động do dự, e ngại vì sợ mất việc làm, giảm thu nhập; một bộ phận cán bộ quản lý, nhất là một số giám đốc doanh nghiệp sợ mất chức, quyền, lợi ích không chính đáng; hoặc thiếu trách nhiệm, thiếu kiên quyết thực hiện chủ trương của Đảng về cổ phần hóa; Thành ủy chỉ đạo tăng cường đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về cổ phần hóa, về nội dung Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9, về những kinh nghiệm thành công, những lợi ích mang lại cho người lao động, cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Tiếp theo, giao chỉ tiêu kế hoạch cổ phần hóa hằng năm cho từng ngành, đơn vị. Để đẩy nhanh tiến độ một cách đúng hướng, Ban Thường vụ Thành ủy ra Thông báo chỉ đạo "Sớm có biện pháp chế tài tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nói và làm theo Nghị quyết của cán bộ, đảng viên, trước hết là những người trực tiếp triển khai thực hiện Nghị quyết. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên nói và làm không đúng, không phù hợp Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết 04-NQ/TU. Kiên quyết thay thế những giám đốc doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc đề án sắp xếp doanh nghiệp".

b - Sắp xếp đội ngũ cán bộ phù hợp

Để khắc phục sự thiếu hụt lực lượng chuyên môn trong tiến hành cổ phần hóa, nhất là đối với việc xác định giá trị doanh nghiệp, lập đề án cổ phần cho các doanh nghiệp, Ban Thường vụ Thành ủy ra Nghị quyết 04-NQ/TU, quyết tâm tiến hành "Kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp thành phố và các ngành, các doanh nghiệp, bảo đảm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo toàn diện, đồng bộ...”. Theo đó, tăng cường cán bộ, chuyên gia đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác sắp xếp doanh nghiệp và cổ phần hóa. Kiên quyết điều động, bố trí một số cán bộ lãnh đạo, chuyên viên từ các ngành, cơ sở để tăng cường cho bộ phận chuyên trách, sử dụng một số cán bộ có năng lực, tín nhiệm đã nghỉ hưu làm chuyên gia trong công tác này (cả ở thành phố và các sở); đồng thời, có chế độ và chính sách để động viên cán bộ, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tất cả các sở, ban, ngành, thành viên của Ban Chỉ đạo. Bên cạnh đó, tăng cường mở các lớp tập huấn bồi dưỡng tất cả cán bộ của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thành phố và cán bộ ở các sở, ngành và doanh nghiệp nhà nước làm công tác cổ phần hóa nhằm trang bị những kiến thức cần thiết để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy.

Đồng thời, Thành ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố huy động các doanh nghiệp có chuyên môn, các định chế tài chính trung gian (như Công ty cổ phần chứng khoán, Bảo Việt, Công ty cổ phần chứng khoán Hải Phòng, Công ty kiểm toán AASC...) làm tư vấn cổ phần hóa và xác định giá trị doanh nghiệp. Lãnh đạo Hải Phòng hiểu tính năng động, kinh nghiệm, năng lực quản lý, năng lực tài chính, thị trường tương xứng của doanh nhân có vai trò quyết định đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp. Vì thế, để đảm bảo doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động hiệu quả, vốn cổ phần nhà nước được sử dụng hiệu quả hơn, Thành ủy đã chỉ đạo việc lựa chọn, huy động những cá nhân, đơn vị thực sự có năng lực, trình độ vượt trội, kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh cao để ưu tiên bán cổ phần.

Quan tâm tạo điều kiện để doanh nghiệp sau cổ phần hóa nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập kinh tế quốc tế, Thành ủy Hải Phòng đã chủ trương để doanh nghiệp cổ phần cũng thuộc diện được thành phố hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế, xây dựng thương hiệu...

Để ưu tiên cho đầu tư phát triển, Hải Phòng chủ trương không tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước không bảo đảm tính ổn định. Đồng thời, chúng tôi cũng chủ trương chưa đưa ngay vào diện cổ phần hóa những doanh nghiệp đang thực hiện các công trình đầu tư lớn, những doanh nghiệp đang là đối tác liên doanh đầu tư nước ngoài, hoạt động hiệu quả, ổn định.

c - Theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cổ phần hóa

Thành ủy Hải Phòng chú trọng tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thường trực các cấp ủy, các ban của Thành ủy đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết Thành ủy về cổ phần hóa. Hằng quý, hằng năm đều định kỳ sơ, tổng kết, bổ khuyết công tác chỉ đạo. Để lãnh đạo kịp thời và sâu sát tiến trình cổ phần hóa, Thành ủy đã giao Ban Kinh tế Thành ủy và Ban Tổ chức Thành ủy tham gia Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp thành phố, qua đó trực tiếp hướng dẫn thực hiện các chủ trương của Đảng và nhiệm vụ của Đảng bộ thành phố.

Ủy ban Nhân dân thành phố có chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, thông báo kết luận của Thành ủy, xác định rõ các đầu mối, ngành, đơn vị thực hiện và giao chỉ tiêu cụ thể về cổ phần hóa cho các ngành, đơn vị đó.

Thành ủy Hải Phòng tập trung sức mạnh nâng cao vai trò các tổ chức cơ sở đảng tại doanh nghiệp, cử lãnh đạo cấp ủy doanh nghiệp tham gia Ban Chỉ đạo cổ phần hóa của doanh nghiệp; đồng thời, chú trọng duy trì, củng cố và phát huy vai trò của các tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Thông báo 159 của Thành ủy nêu rõ: "Chú trọng việc xây dựng mô hình tổ chức đảng phù hợp, đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng và các đoàn thể ở doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có cổ phần nhà nước".

Chúng tôi xác định rõ, cần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế, không để tư nhân thâu tóm toàn bộ cổ phần doanh nghiệp sau cổ phần hóa, nhưng việc xác định giá trị doanh nghiệp và cách thức bán cổ phần rất phức tạp vì bên cạnh bảo đảm lợi ích của Nhà nước, có sự đan xen lợi ích cục bộ của tập thể doanh nghiệp và lợi ích của một bộ phận cán bộ, công chức, nên dễ xảy ra tiêu cực xâm hại đến quyền lợi của Nhà nước, người lao động và tạo mầm mống xung đột tranh chấp giữa các cổ đông. Do đó, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo đa dạng, đồng bộ các biện pháp để phấn đấu tính sát, đúng, đủ giá trị doanh nghiệp nhà nước đưa ra cổ phần hóa. Nghị quyết 04-NQ/TU đã chủ trương "Việc xác định giá trị doanh nghiệp phải được thực hiện nghiêm, đúng đắn, sát thực tế, gắn với thị trường, bảo đảm nhanh, thuận tiện, theo đúng quy định để chống thất thoát tài sản nhà nước. Cần phải có kế hoạch triển khai cụ thể, khẩn trương thực hiện việc đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi có quy định mới của Chính phủ, trước hết đối với doanh nghiệp có lợi thế vị trí mặt bằng trong nội đô, ở vị trí có giá trị quyền sử dụng đất cao. Khuyến khích thực hiện đấu thầu công khai, bán cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước và bán qua các công ty tài chính đầu tư trên thị trường vốn”. Thông báo 159-TB/TU cũng đã bổ khuyết chỉ đạo "áp dụng ngay các biện pháp tính giá trị doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê sát với thực tế. Thí điểm và nhân rộng việc đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp ở những nơi thích hợp. Công khai hóa các đề án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thực hiện thí điểm, tổng kết và triển khai nhân rộng việc bán đấu giá cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa ra bên ngoài; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò các cơ quan chức năng trong kiểm tra, giám sát quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chống thất thoát tài sản của Nhà nước".

Bên cạnh đó, Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo giữ vững cổ phần nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa. Nghị quyết 04-NQ/TU đã nêu rõ "Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không được biến thành tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, do đó bảo đảm tỷ lệ cổ phần của Nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa một cách thích hợp, doanh nghiệp có quy mô càng lớn, sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì tỷ lệ cổ phần của Nhà nước càng lớn, tuy nhiên không chiếm tỷ lệ cổ phần chi phối đối với doanh nghiệp nhà nước không thuộc diện Nhà nước cần giữ cổ phần chi phối". Nhờ đó, Hải Phòng đã căn bản khắc phục được tình trạng trước khi có Nghị quyết Trung ương 3, những doanh nghiệp nhà nước có lợi nhuận thường được bán hết cổ phần cho tư nhân. Trước việc tư nhân mua thu gom cổ phần từ người lao động và đòi hỏi Nhà nước bán hết cổ phần, thậm chí đặt điều kiện chỉ thực hiện đầu tư phát triển doanh nghiệp sau khi Nhà nước không còn cổ phần, đưa doanh nghiệp cổ phần thành doanh nghiệp tư nhân có xu hướng ngày càng lan rộng, Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo giải quyết những vấn đề nảy sinh sau cổ phần hóa, tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo cổ phần hóa không phải là tư nhân hóa, thực hiện bán cổ phần lần đầu cần giữ lại tối thiểu 51% cổ phần của Nhà nước ở những doanh nghiệp nhà nước có vốn từ 5 tỉ đồng trở lên và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi.

3 - Những nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo để tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đạt hiệu quả

Đại hội X của Đảng chỉ rõ những nhiệm vụ của tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: “Khẩn trương hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước theo hướng hình thành loại hình công ty nhà nước đa sở hữu, chủ yếu là các công ty cổ phần... Đẩy mạnh và mở rộng diện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước..., nhằm tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế quản lý năng động, để vốn nhà nước được sử dụng có hiệu quả và ngày càng tăng lên...”[1].

Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Thành ủy, công tác cổ phần hóa ở Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tiếp tục thực hiện tiến trình cổ phần hóa theo định hướng Đại hội X của Đảng, thực tiễn đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết để nâng cao hiệu quả lãnh đạo tiến trình cổ phần hóa của Thành ủy.

Trong cuối quý 3 và đầu quý 4 năm 2007, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục sơ kết 5 năm thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, bổ khuyết nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới theo hướng:

1 - Hoàn thiện các quy định, điều lệ của doanh nghiệp cổ phần, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, cơ chế quản lý và cơ chế kiểm soát, giám sát đối với Ban Giám đốc điều hành, hoạt động của doanh nghiệp cổ phần để ngăn ngừa hữu hiệu và xử lý được tốt các tranh chấp giữa các đồng chủ sở hữu doanh nghiệp cổ phần, góp phần phát triển hiệu quả, bền vững.

2 - Xây dựng quy chế về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ đãi ngộ, tiêu chuẩn của cán bộ được Nhà nước cử làm chủ đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp; của các tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp cổ phần để vừa thiết thực đóng góp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, vừa bảo vệ được quyền lợi chính đáng của cổ đông nhà nước và cổ đông là người lao động, hài hòa với lợi ích của các cổ đông khác. Có biện pháp để duy trì cổ phần của người lao động trong doanh nghiệp cổ phần...

3 - Xác định rõ chủ trương đối với các cổ phần của nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần, bán tiếp cổ phần thế nào để vừa bảo đảm hiệu quả, lợi ích của Nhà nước và để thực hiện đúng cổ phần hóa không là tư nhân hóa. Hoàn thiện phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần để tiếp tục phát hành cổ phiếu.

4 - Đổi mới cơ chế nhằm đưa đầy đủ giá trị quyền thuê đất, sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp. Có chủ trương, phương thức tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà đối tác là nhà đầu tư nước ngoài. Hoàn thiện cơ chế và các thủ tục pháp lý về đất đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa đang kế thừa sử dụng mà chưa tính giá trị quyền thuê đất, quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa.
 

[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 232