Bàn giải pháp đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Tin, ảnh: Lâm Quân
00:12, ngày 26-10-2013
TCCSĐT - Đó là chủ đề Hội thảo khoa học do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Long An tổ chức vào ngày 25-10-2013 tại thành phố Tân An, tỉnh Long An. Mục đích của Hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp thiết thực để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Tham dự và chỉ đạo Hội thảo gồm có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An; PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và GS, TS. Trương Giang Long, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Dự Hội thảo còn có các đồng chí: Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; PGS, TS. Nguyễn Tấn Phát, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; cùng đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy khu vực phía Nam và đông đảo các nhà khoa học, quản lý, nghiên cứu quan tâm đến lĩnh vực này.

 
 Đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Mai Văn Chính nhấn mạnh: Hội thảo nhằm tập hợp được nhiều ý kiến đánh giá từ thực tiễn của các nhà quản lý, các nhà khoa học đối với việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thông qua việc chỉ rõ những hạn chế và nguyên nhân, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp để thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Đảng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Báo cáo Đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Nên, nêu rõ: Nghị quyết của Đảng chính là ý chí, là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và mục tiêu khi nghị quyết được ban hành để hiện thực hóa trong đời sống xã hội là hướng đến làm cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Những năm qua, việc ban hành và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng từng bước sát với thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân, mang lại nhiều kết quả hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan và sát đúng vấn đề này, chúng ta nhận thấy, việc ban hành, cũng như tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống còn không ít khó khăn, hạn chế do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu các đại biểu tham dự Hội thảo cần chú trọng làm rõ thực trạng, nguyên nhân và tìm ra giải pháp cơ bản nhằm đánh giá thực trạng việc ban hành nghị quyết, quá trình triển khai thực hiện nghị quyết và đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện nghị quyết; từ đó đề xuất giải pháp phù hợp để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Trên tinh thần đó, với 15 ý kiến trong tổng số gần 50 tham luận được trình bày tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung luận giải, làm rõ hơn những mặt được, ưu điểm trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém: từ công tác chuẩn bị xây dựng đến ban hành nghị quyết; công tác tổ chức học tập, quán triệt; công tác triển khai thực hiện, thể chế hóa nghị quyết trong thực tiễn và công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện nghị quyết.

Ý kiến của PGS, TS. Nguyễn Tấn Phát, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo; TS. Hoàng Văn Lễ, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí “Sổ tay Xây dựng Đảng”, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Dương Quốc Xuân, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và nhà báo Tống Thế Gia, nguyên Trưởng Cơ quan thường trực Báo Nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Trong thời gian qua, Đảng ta ban hành nhiều nghị quyết, trong khi các cấp ủy, chính quyền cấp dưới khi tiếp cận để cụ thể hoá các nghị quyết của cấp trên thông qua các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện đã gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do năng lực, trình độ cán bộ của các cơ quan tham mưu còn hạn chế. Góp phần lý giải nguyên nhân của sự ra đời nhiều nghị quyết trong thời gian qua, nhà báo Tống Thế Gia cho rằng: ngành nào cũng muốn có chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và xem đó như “cây gậy” để “đi cho vững”. Đồng quan điểm về vấn đề này, GS, TS. Trương Giang Long đặt vấn đề: Tại sao trong giai đoạn hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đang ra sức thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng tại sao chúng ta chưa thể hiện rõ việc học theo Bác cách xây dựng và ban hành nghị quyết?

Với góc nhìn của những nhà quản lý, sâu sát thực tiễn, các đồng chí: Dương Quốc Xuân, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Phạm Phú Dũng, Hàm Vụ trưởng, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; PGS, TS. Trương Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Tấn Kiệt, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long và đồng chí Đinh Ngọc Lâm, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An khẳng định: Hầu hết nghị quyết của Đảng khi được ban hành là rất đúng và trúng. Tuy nhiên việc tổ chức thực hiện đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống còn không ít khó khăn, hạn chế do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Một trong nhiều nguyên do là, mỗi nghị quyết có rất nhiều nội dung quan trọng, nhưng kế hoạch, thời gian tổ chức học tập, triển khai lại ngắn, thiếu khoa học; lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên có nơi chưa thể hiện đúng vai trò của mình được Đảng giao phó, nên việc chuyển tải nội dung của nghị quyết không tạo được sự chú ý của người nghe, trong khi, ý thức học tập nghị quyết của một số cán bộ, đảng viên chưa cao.

Theo đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Để hạn chế đến mức thấp nhất những sai lầm, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên, thì công tác kiểm tra, giám sát có vai trò hết sức quan trọng. Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần thiết thực và có hiệu quả trong việc giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Do vậy, hằng năm cấp ủy các cấp chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Đảng, nhằm kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới trong việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng.

 
 PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản kết luận Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, đó là: Khi xây dựng và ban hành nghị quyết phải nhận diện rõ, đúng và trúng vấn đề, phải xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân, của xã hội; xây dựng và ban hành nghị quyết phải trên cơ sở khoa học, sát với thực tiễn. Trong học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, cần nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của từng cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên. Cùng với việc chú trọng đến chất lượng, số lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chuyên sâu, Đảng, Nhà nước cần điều chỉnh hợp lý chế độ phụ cấp đối với đội ngũ này, nhất là đối với những báo cáo viên kiêm chức, tuyên tuyền viên chuyên sâu ở các địa bàn khó khăn, phức tạp. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt chuyên mục “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”; sáng tạo trong việc lồng ghép những nội dung của nghị quyết vào các hoạt động văn hoá, văn nghệ để tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Cần chú trọng việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng thành các quy định của pháp luật, thành các chương trình hành động sát hợp với thực tiễn của các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị, địa phương. Thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Đánh giá sát đúng thực tiễn để rút ra những bài học kinh nghiệm, chỉ rõ được nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, phát hiện và nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả, những điển hình tiên tiến để biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định: Hội thảo đã diễn ra khẩn trương, tích cực, các ý kiến phát biểu cũng như những bài tham luận tại Hội thảo đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị, tinh thần trách nhiệm cao. Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã thống nhất rằng, một nghị quyết sát đúng khi ban hành và triển khai trong thực tiễn chắc chắn sẽ phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo nên sức mạnh tổng hợp cũng như phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Ngược lại, một nghị quyết chưa sát với thực tiễn sẽ ảnh hưởng đến quá trình lãnh đạo, hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội và mất mát lớn nhất là mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Thông qua Hội thảo, chúng ta đã đề xuất nhiều giải pháp khả thi, thể hiện qua 7 nhóm trọng tâm, đó là: 1. Việc xây dựng và ban hành nghị quyết của Đảng phải phù hợp với thực tiễn và lợi ích chính đáng của nhân dân. Trước khi ban hành nghị quyết phải được thẩm định nội dung, phù hợp với quy luật khách quan, phải từ cuộc sống, hợp với lòng dân, dự báo đúng và trúng, tránh duy ý chí. Giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa việc ra nghị quyết và việc thực hiện nghị quyết trong cuộc sống. 2. Tổ chức học tập, quán triệt thực hiện nghị quyết của Đảng hiệu quả, thiết thực, để nghị quyết của Đảng thật sự “thấm” và “ngấm” vào trong nhận thức và hành động của mối cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. 3. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền. 4. Chủ động, sáng tạo trong việc thể chế hóa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn, đây là khâu có vai trò đặt biệt quan trọng. 5. Làm tốt việc tập hợp lực lượng, phát huy tổng hợp sức mạnh chính trị để triển khai thực hiện nghị quyết. 6. Thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Đảng; 7. Tổng kết, đánh giá và khen thưởng sát đúng với thực tiễn. Tất cả các giải pháp được nêu ra trong Hội thảo đều nhằm mục đích chung là làm cho những chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng trong các nghị quyết sau khi được ban hành phải bảo đảm tính khả thi và sức sống trong thực tiễn.

Với việc nhận diện rõ hơn những mặt được, thành tựu và hạn chế, yếu kém cần khắc phục, nhất là một số kiến giải được nêu ra mang tính khả thi cao tại Hội thảo, chúng ta sẽ tổng hợp để đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhằm góp phần làm cho mỗi nghị quyết của Đảng khi được ban hành, cũng như tổ chức triển khai, thực hiện luôn đứng trên quan điểm: “Ý Đảng hợp lòng dân”./.