TCCSĐT - Xác định được vai trò của trí thức - lực lượng lao động đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Hà Nội đã và đang tích cực xây dựng đội ngũ trí thức Thủ đô, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa của thành phố và cả nước.

Tập trung thực hiện chính sách trọng dụng trí thức

Trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, thúc đẩy sự phát triển. Xây dựng nền kinh tế tri thức là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, trong đó đội ngũ trí thức có vai trò nòng cốt trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là lực lượng quan trọng nhất trong phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến, trực tiếp sáng tạo, tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực sản xuất và quản lý xã hội, tạo ra những giá trị mới cho xã hội. Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức còn là trụ cột trong sáng tạo, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia điều hành quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhận thức rõ điều này, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ra Nghị quyết số 27 về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. 

Thực hiện Nghị quyết số 27, ngày 22-7-2009, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 91/2009/QĐ-UBND về thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố, trong đó có chính sách quy định việc thu hút và sử dụng các đối tượng là sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, sinh viên thủ khoa, thạc sĩ, tiến sĩ, người có thành tích được công nhận trong các lĩnh vực nghệ thuật, thể thao, y học... Thời gian qua, thành phố đã tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi cho nhiều cán bộ tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài theo chương trình của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành ... Từ năm 2011 đến nay, Hà Nội đã tổ chức thi và tuyển chọn 500 sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá trở lên và người có trình độ thạc sĩ để đào tạo cán bộ nguồn. Các học viên được học tập tại Trường Chính trị Lê Hồng Phong từ nguồn ngân sách của thành phố, sau đó được phân công về các xã, phường, thị trấn để tìm hiểu, nắm bắt thực tế tại cơ sở (khoảng 18 tháng). Kết thúc khóa đào tạo, thành phố đã bố trí công tác cho những học viên có kết quả học tập tốt việc về các ban của Thành ủy, các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy khối trực thuộc; được tuyển thẳng vào các vị trí công tác qua xét tuyển công chức. Đây là đặc thù riêng của Thủ đô Hà Nội nhằm đào tạo một thế hệ công chức mới, có chất lượng cao phục vụ trong các cơ quan của Đảng bộ, chính quyền thành phố. 

Hằng năm, thành phố duy trì tốt việc tổ chức lễ tuyên dương sinh viên xuất sắc, thủ khoa các trường đại học, cao đẳng và có chính sách thu hút, tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, khá các chuyên ngành. Thành phố cũng thực hiện hỗ trợ về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế đang dạy học như giáo viên được tuyển dụng vào biên chế theo quy định của Nhà nước; tạo môi trường công tác tốt, thu hút những trí thức giỏi và động viên họ nỗ lực công tác, cống hiến. Các phong trào thi đua trong các hoạt động báo chí, văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ, trong học tập, lao động, sản xuất... được thành phố phát động hằng năm đã khuyến khích, động viên, tôn vinh kịp thời những trí thức có sáng kiến, kinh nghiệm, thành tích trong công tác. Vừa qua, ngày 17-7-2013, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 14 về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Theo đó, những thủ khoa tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo đại học ngành, chuyên ngành mà thành phố đang có nhu cầu, các tiến sĩ có công trình, đề án khoa học và chuyên ngành đào tạo đáp ứng chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, dược sĩ chuyên khoa cấp 2, giáo viên, giảng viên có thành tích huấn luyện học sinh, sinh viên đạt giải nhất, nhì trong kỳ thi học sinh giỏi; các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân... sẽ được tiếp nhận hoặc xét đặc cách tuyển dụng không qua thi tuyển, được hưởng hỗ trợ đãi ngộ một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng. Sau 2 năm công tác, những người này sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo bậc sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ 30 lần mức lương tối thiểu làm luận văn thạc sĩ và hỗ trợ bằng 80 lần lương tối thiểu khi làm luận án tiến sĩ và được hỗ trợ phương tiện đi lại, phương tiện làm việc, nghiên cứu... 

Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16-4-2010 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ngày 18-8-2010, thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TU nhằm đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật Hà Nội. Đây là tổ chức quy tụ các nhà khoa học, đội ngũ trí thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong hoạt động tư vấn, phản biện, xây dựng định hướng kế hoạch, xây dựng Đề án phát triển khoa học - công nghệ, nghiên cứu. Hiện nay, Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật thành phố có 38 hội thành viên hoạt động trên các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và khoa học - xã hội, đang có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. 

Đầu năm 2010, Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội đã triển khai nghiên cứu và bảo vệ thành công đề tài khoa học cấp thành phố về “Nghiên cứu đề xuất giải pháp đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức trong các trường đại học, cao đẳng Hà Nội thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Đề tài đã được triển khai có hiệu quả trong các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những đột phá trong thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ cao từ bên ngoài về công tác, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học đạt chuẩn quốc tế. Từ năm 2008 đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tích cực triển khai thực hiện công tác tổ chức cán bộ theo cách tiếp cận quản trị nguồn nhân lực tiên tiến; xây dựng được nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ khoa học xuất sắc... Đầu năm 2013, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế giai đoạn 2012 - 2020 với mục tiêu xác định số lượng và cơ cấu cán bộ, công nhân viên hợp lý, đề xuất kế hoạch và chính sách phát triển đội ngũ cán bộ thu hút những tiến sĩ đạt chuẩn quốc tế, phát triển được thêm nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bồi dưỡng cán bộ quản lý theo chuẩn quốc tế. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ của trường đã được nâng cao về số lượng và chất lượng. Năm 2009, Đại học Quốc gia Hà Nội có 1.932 nhà khoa học, bao gồm 44 giáo sư, 274 phó giáo sư, 21 tiến sĩ khoa học, 806 tiến sĩ và 1.329 thạc sĩ. Tỷ lệ cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học đạt 48%, số cán bộ khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư đạt 18%, cao gấp ba lần so với tỷ lệ trung bình của cả nước. Để nâng cao hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã hợp tác với khoảng 300 giáo sư, phó giáo sư trong nước và hàng trăm nhà khoa học có uy tín trên thế giới, trong đó có một số người được giải Nô-ben cũng như các giải thưởng khoa học lớn. 

Với việc thực hiện chính sách trọng dụng người tài, chú trọng xây dựng lực lượng trí thức, đội ngũ trí thức Thủ đô đã không ngừng lớn mạnh, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. 

Đóng góp của đội ngũ trí thức Thủ đô

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của cả nước, là nơi tập trung chủ yếu của đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học - kỹ thuật. Đây là vốn quý giá và cũng là lợi thế rất lớn của Hà Nội. Cùng với sự phát triển của Thủ đô, đội ngũ trí thức đã không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức của thành phố Hà Nội là 112.438 người; trong đó, số có trình độ tiến sĩ là 298, thạc sĩ là 3.484, đại học là 49.806 và cao đẳng có 23.220 người. Trong những năm qua, đội ngũ trí thức Thủ đô đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài việc tham gia đào tạo ra một lực lượng đông đảo các trí thức mới, họ còn là những người trực tiếp tham gia các công trình nghiên cứu khoa học, tạo ra những sản phẩm khoa học - công nghệ phục vụ đời sống nhân dân, nâng cao vị thế của Thủ đô và đất nước. 

Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Hà Nội có 19 viện, trung tâm khoa học và công nghệ, tập hợp các nhà khoa học ưu tú với nhiều hoạt động như tư vấn, phản biện xã hội; phổ biến kiến thức; nghiên cứu và ứng dụng nhiều công nghệ và đưa ra nhiều sản phẩm mới ứng dụng vào sản xuất ở Thủ đô và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Hằng năm, Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Hà Nội chủ động hoặc phối hợp tham gia tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc, Hội thi khoa học và kỹ thuật quốc tế ISEF dành cho học sinh các trường trung học phổ thông; bồi dưỡng học sinh giỏi và tổ chức các kỳ thi Olympic Toán học, Vật lý, Sinh học; tổ chức Lễ tôn vinh “Trí thức trẻ Thủ đô tiêu biểu”, doanh nghiệp “Vì môi trường xanh Thủ đô - năm 2012”, doanh nghiệp chế biến “Thực phẩm Việt vì sức khỏe người Việt”… Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo và tham gia cùng với Bộ Tư pháp đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Thủ đô, Luật Khoa học và công nghệ, Luật đất đai, Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi năm 1992). Trước thềm Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu khóa XI, Liên hiệp Hội đã tổ chức Hội thảo Trí thức Thủ đô với việc “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam” với sự tham gia của hơn 40 nhà giáo, nhà khoa học đầu ngành tâm huyết với nền giáo dục Việt Nam, với 23 tham luận đóng góp ý kiến và sau đó đã tập hợp thành bản kiến nghị có chất lượng gửi lên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngoài ra, Liên hiệp Hội còn tổ chức Hội thảo tư vấn góp ý vào nhiều đề án quan trọng của Ủy ban nhân dân thành phố như Dự án hạ mức nước Hồ Suối Hai; vấn đề ứng dụng công nghệ phần mềm mới vào hệ thống giám sát giao thông, ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý môi trường ở các huyện ngoại thành và quận Hoàng Mai. Cùng với Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật, Hội Liên hiệp Văn học - nghệ thuật Hà Nội đã có nhiều hoạt động tích cực vào các công việc tư vấn, ví dụ như tham gia đóng góp ý kiến vào kế hoạch toàn diện của thành phố Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, kịch bản các hoạt động văn hóa - thể thao lớn như SeaGames 23, IndoorGames (Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà)... 

Dù còn những hạn chế như một số trí thức Thủ đô vẫn có biểu hiện suy giảm về lý tưởng, lập trường, quan điểm, thiếu tinh thần hợp tác; chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao hay đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao, những chuyên gia giỏi ở một số lĩnh vực quan trọng của Thủ đô còn thiếu; tình trạng chảy máu chất xám vẫn còn diễn ra ở một số ngành, đơn vị, nhưng có thể khẳng định đội ngũ trí thức thời gian qua đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của Hà Nội. 

Hành động cho tương lai của trí thức Thủ đô

Hướng tới xây dựng một đội ngũ trí thức vững mạnh, tiếp tục gánh vác và làm tròn sứ mệnh lịch sử trong thời đại, góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước sức ép của quá trình toàn cầu hóa, Hà Nội đã xác định những hành động cụ thể cần thực hiện như sau:

Một là, tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến, quán triệt sâu rộng, có hiệu quả Nghị quyết 27 NQ/TW tới toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô để nâng cao nhận thức và trách nhiệm, chung tay góp sức xây dựng đội ngũ trí thức.

Hai là, xây dựng các chính sách đặc thù về phát triển đội ngũ trí thức gắn với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; rà soát và điều chỉnh các chủ trương, chính sách đãi ngộ đối với trí thức phù hợp với tình hình thực tiễn; kịp thời ban hành các chế tài thực hiện; có chế độ đãi ngộ đặc biệt cho trí thức có trình độ cao, thu hút tri thức trẻ. 

Ba là, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao số lượng và chất lượng của đội ngũ trí thức ở các lĩnh vực còn thiếu hụt; tập trung đào tạo bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo lại và tổ chức các lớp tập huấn cho một số cán bộ đang công tác tại cơ quan của thành phố để đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đánh giá tổng thể việc xây dựng, quản lý và sử dụng nhân lực trí thức trên địa bàn thành phố. 

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh trí thức, tích cực kêu gọi, thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia xây dựng quê hương; có chế độ và khuyến khích mạnh mẽ hơn việc sử dụng nguồn trí tuệ dồi dào của các trí thức đã nghỉ hưu; tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện để trí thức trong nước được giao lưu, học tập và làm việc ở các trung tâm khoa học, văn hoá tiên tiến trên thế giới.

Năm là, tạo môi trường làm việc dân chủ, lành mạnh để nâng cao hiệu quả cống hiến của đội ngũ trí thức; khắc phục tình trạng hành chính hóa, thiếu công khai, minh bạch trong các khâu tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ; đề xuất với Đảng, Nhà nước xây dựng những trung tâm khoa học, công nghệ lớn của đất nước; đổi mới giáo dục; đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp Hội khoa học - kỹ thuật, Hội văn học - nghệ thuật Việt Nam ở Trung ương và địa phương./.