Tạp chí Bônsơvíc

15:49, ngày 24-08-2010
Năm 1934, Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng (hồi đó gọi là Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng) được thành lập, với nhiệm vụ thống nhất các tổ chức đảng đã được gây dựng lại ở trong nước, phục hồi những tổ chức bị địch phá vỡ và xây dựng cơ sở mới, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị Đại hội Đảng. Tháng 6-1934, Ban Chỉ huy ở ngoài nước của Đảng đã họp cùng với đại biểu các đảng bộ trong nước để thống nhất hoạt động của Đảng trong phạm vi cả nước.
 
 

 
 
 
Ban Chỉ huy ở ngoài nước của Đảng cũng quyết định xuất bản Tạp chí Bônsơvíc, với tiêu đề “Cơ quan lý thuyết của Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương (phân bộ của Quốc tế cộng sản)”. Đồng chí Hà Huy Tập được phân công chỉ đạo công tác tuyên truyền cổ động kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Bônsơvíc. Sau Đại hội I của Đảng (tháng 3-1935), tiêu đề ấy được đổi thành “Cơ quan lý thuyết của Đảng Cộng sản Đông Dương”. Theo một số công trình nghiên cứu về báo chí cách mạng đã công bố, từ số đầu cho đến số 10, Tạp chí Bônsơvíc ra đều đặn hằng tháng, chưa rõ tại sao một năm sau, từ tháng 2-1935 đến tháng 2-1936 mới ra số 11. Từ số 11 đến số 15 lại ra đều hằng tháng (số 12 ra tháng 3-1936, số 13 ra tháng 4-1936, số 14 ra tháng 5-1936 và số 15 ra tháng 6-1936). Số 16 đến tháng 9-1936 mới ra.

Đến nay, cũng chưa biết tạp chí ra được bao nhiêu số. Cục Lưu trữ Trung ương hiện lưu giữ được Tạp chí Bônsơvíc số 10, số 15, số 16 và một số tài liệu bằng tiếng Pháp của mật thám viết về số 11, số 12, số 13(1).

Dưới đây, chúng tôi giới thiệu Tạp chí Bônsơvíc theo những tài liệu hiện có.

Số 10 ra tháng 2-1935, có 47 trang. Mở đầu là bài “Công tác trong sáu tháng vừa qua”. Sau khi nhắc lại quá trình phục vụ Đảng từ sau ngày Trung ương bị vỡ do sự đánh phá của địch, bài báo đã điểm lại tình hình tổ chức của Đảng, tình hình các báo chí của Đảng, tình hình vận động thanh niên, công nhân, nông dân, phụ nữ, binh lính, hoạt động của Hội phản đế đồng minh, của Hội cứu tế đỏ, phong trào đấu tranh của quần chúng. Bài báo khẳng định công tác của Đảng có nhiều thắng lợi do sức tranh đấu của toàn Đảng, do đường lối đúng đắn của Đảng và do sự tín nhiệm của quần chúng. Tuy thắng lợi nhiều nhưng khuyết điểm không phải ít. Bài báo kết luận: nhiệm vụ của tất cả các đồng chí là phải hăng hái tham gia việc chuẩn bị cho Đại hội, phải sửa chữa những sai lầm, khắc phục những khuyết điểm, làm cho thế lực của Đảng càng tăng, phong trào quần chúng càng mạnh.

Tiếp đó là bài “Trước lúc Đại hội Đảng, phải nghiên cứu bản Chương trình hành động của Đảng một cách thế nào ?”. Sau khi khẳng định bản Chương trình hành động của Đảng là một tài liệu rất quan trọng, là kim chỉ nam hành động của toàn Đảng và của phong trào cách mạng cả nước, tuy ra đời hồi tháng 6-1932 nhưng vẫn có đầy đủ giá trị là văn kiện dự thảo cho Đại hội Đảng, bài báo đã phê phán những thái độ không đúng đối với chương trình đó, nêu rõ trách nhiệm của các đảng bộ đối với việc thảo luận chương trình đó, đồng thời hướng dẫn cách thức thảo luận để chuẩn bị cho Đại hội Đảng.

Bài “Công tác của các đảng bộ ở miền Nam từ 1933 đến 1934” đề cập đến các vấn đề: quá trình cải tạo các đảng bộ; gây dựng lại hệ thống của Đảng; kinh nghiệm tổ chức đảng viên và quần chúng; quần chúng tranh đấu; tuyên truyền... Bằng những số liệu, những tư liệu cụ thể, bài báo chỉ rõ từ 1931 đến 1934, không có giờ phút nào mà Đảng Cộng sản chết như quân thù ngày thường rêu rao, còn phong trào đấu tranh của quần chúng thì ngày càng được phục hồi. Khi đề cập đến công tác tuyên truyền, bài báo đã cung cấp nhiều tư liệu quý về hoạt động của các sách báo, các tạp chí cách mạng ở miền Nam. Trong từng mặt hoạt động của Đảng, bên cạnh những ưu điểm, bài báo cũng nêu lên những khuyết điểm, tồn tại. Bài báo này, cùng với bài “Công tác trong sáu tháng vừa qua” đăng ở trang 1 của tạp chí là những tư liệu quý về mặt lịch sử Đảng.

Bài “Một vài xu hướng sai lầm về mặt phản đế đồng minh và phụ nữ vận động” đã phê phán xu hướng coi nhẹ việc tổ chức các hội phản đế và coi nhẹ công tác vận động phụ nữ.

Bài “Năm năm Yên Bái bạo động” đã trình bày quá trình của cuộc bạo động ; các giai cấp đối với cuộc bạo động, v.v.. Bài báo nêu rõ: “Bạo động Yên Bái tuy bị thất bại nhưng cũng làm cho đế quốc Pháp và bọn chân tay của chúng phải lo cho nền thống trị bóc lột. Bạo động Yên Bái cũng là một chương lịch sử quan trọng trong lịch sử cách mạng giải phóng ở xứ Đông Dương, và cũng là một kinh nghiệm rất hay cho công nông Đông Dương sau này vậy”. Bài báo cũng đã nói rõ những sai lầm của Việt Nam quốc dân đảng khiến cho cuộc bạo động bị thất bại.

Bài “ủng hộ cách mạng Xiêm” điểm lại những thắng lợi của cách mạng Xiêm trong 3-4 năm, sự đàn áp của các thế lực cầm quyền Xiêm từ sau cuộc chính biến của bọn quân phiệt năm 1932, đặc biệt là việc bắt bớ hơn 150 người vừa xảy ra. Bài báo đã nêu lên những việc làm của Đảng Cộng sản Đông Dương nhằm ủng hộ cách mạng Xiêm, chống khủng bố trắng ở Xiêm.

Bài “Cách mệnh tranh đấu của dân tộc Thổ” cho biết phong trào đấu tranh của dân tộc Thổ ở thượng du Bắc Kỳ đã lên cao và có nhiều kinh nghiệm tốt. Để đối phó lại, bọn đế quốc đã tìm cách khủng bố bắt bớ khoảng 200 người. Bài báo kêu gọi các địa phương phối hợp đấu tranh ủng hộ phong trào cách mạng của các dân tộc thiểu số, đòi trả ngay 200 người bị bắt, tổ chức lạc quyên giúp đỡ những người bị bắt.

Bài “Công hội vận động (1934)” điểm lại tình hình các công hội đỏ, vai trò của công hội trong các cuộc đấu tranh quần chúng vừa qua, và những sai lầm chính trong công tác vận động công nhân. Trên cơ sở tình hình đó, bài báo đã nêu lên bảy nhiệm vụ cần thiết để chuyển hướng sự lãnh đạo của Đảng đối với công hội.

Bài “Vấn đề công hội ở C.B.”, sau khi phân tích những nguyên nhân sai lầm khiến cho Đảng bộ tỉnh C.B. không lãnh đạo tốt những nông hội do mình tổ chức ra, đã đề ra những phương châm cần thiết mà Đảng bộ C.B. cần thực hiện để kịp thời bổ cứu tình hình.

Số 11, theo tài liệu của mật thám Pháp, có các bài chính viết về Đại hội VII của Quốc tế cộng sản và về Mặt trận nhân dân chống đế quốc ở Đông Dương.

Số 12, hiện chỉ còn bản nội dung tóm tắt do mật thám ghi bằng tiếng Pháp, có 15 bài, ngoài ra có phần đính chính các sai sót ở các số trước. Trong số 15 bài, có các bài sau đây đáng chú ý:

- Chống chính sách biệt phái. Bài này phê phán đầu óc hẹp hòi, kêu gọi cán bộ, đảng viên thực hiện đúng Nghị quyết của Đại hội Đảng tháng 3-1935 bằng cách đi sâu vào quần chúng, tổ chức và hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Không có quần chúng thì những khẩu hiệu của Đảng sẽ chỉ là những ngôn từ trống rỗng, không thể được thực hiện. Từ thực tế của tình hình Đảng và các tổ chức quần chúng, bài báo đã phân tích sở dĩ Đảng không phát triển được, nguyên nhân chính là do cán bộ, đảng viên không hướng về quần chúng.

Bài này đã được mật thám Pháp dịch toàn văn ra tiếng Pháp.

- Tham luận của đồng chí Hải An(2) tại Đại hội VII của Quốc tế cộng sản.

- 8-3 - Ngày phụ nữ quốc tế.

- Kỷ niệm Công xã Pa-ri.

- Những thay đổi ở Liên Xô.

- Giành chính quyền, v.v..

Số 13, theo tài liệu của mật thám Pháp, có đăng Tuyên bố của Đảng Cộng sản Đông Dương nhân ngày 1-5-1936, kêu gọi mọi lực lượng chống đế quốc Pháp ở Đông Dương thành lập một mặt trận nhân dân duy nhất chống đế quốc. Một bài khác đáng chú ý là bài phê phán hai số báo đầu tiên của tờ Thiết huyết, cơ quan của phân bộ Việt Nam quốc dân đảng ở nước ngoài. Số 13 còn có bài giới thiệu Đại hội VI của Quốc tế thanh niên cộng sản, họp tại Mát-xcơ-va tháng 9-1935.

Số 15 ra tháng 6-1936, có 47 trang. Mở đầu là bài “Mặt trận dân chúng thống nhất tranh đấu phản đế” đề cập đến các vấn đề: vì sao phải lập mặt trận thống nhất; kinh nghiệm mặt trận thống nhất tranh đấu; những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ Đảng ta về mặt trận phản đế. Cuối cùng bài báo nêu rõ những việc cần làm.

Bài “Chính sách hòa bình của Đảng Bônsơvíc” thuật lại câu chuyện giữa đồng chí Xta-lin và Hô-uốt. Qua câu chuyện, đồng chí Xta-lin đã phân tích rõ sự nguy hiểm của chiến tranh, những nguyên nhân dẫn đến chiến tranh, đồng thời giải thích rõ chủ nghĩa xã hội, trình bày rõ Hiến pháp mới của Chính phủ Xô-viết.

Bài “Những sự thay đổi trong công tác của Đảng Cộng sản Tàu” trích dịch từ bài của Vương Minh, đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Hoa tại Quốc tế cộng sản, nêu rõ các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Hoa trong các vùng Xô - viết.

Bài “Chính sách không triệt để của Việt Nam quốc dân đảng” thuật lại một cuộc trao đổi ý kiến giữa một người cộng sản và một cán bộ chỉ huy của Việt Nam quốc dân đảng về vấn đề Mặt trận thống nhất phản đế ở Đông Dương và ở ngoài nước. Qua cuộc trao đổi ý kiến đó thấy rõ những sai lầm trong chính sách của Việt Nam quốc dân đảng.

Ngoài ra, Tạp chí Bônsơvíc số 15 còn có bài đề cập đến nỗi khổ của người nông dân Đông Dương và một số bài nhằm đấu tranh chống bọn quốc gia cải lương. Cuối số có mục tin tức vắn tắt về cách mạng thế giới.

Số 16 được mở đầu bằng bài “Đối với Đông Dương quốc dân hội nghị”. Sau khi nêu rõ trong toàn Đông Dương đã bắt đầu có phong trào Mặt trận nhân dân phản đế, bài báo đã đề cập những nhiệm vụ cần làm của người cộng sản để cổ vũ và lãnh đạo phong trào đó.

Bài “Mặt trận nhân dân phản đế ở Tàu” trình bày hoàn cảnh, nguyên nhân ra đời và những thắng lợi bước đầu của Mặt trận nhân dân kháng Nhật ở Trung Quốc.

Tạp chí Bônsơvíc số 16 còn có bài viết về thắng lợi của Liên Xô nhân Kỷ niệm lần thứ 19 Cách mạng Tháng Mười Nga, và bài viết về cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha.

Hiện nay, chúng ta chưa tìm lại được đầy đủ các số của Tạp chí Bônsơvíc. Tuy vậy, với những tư liệu hiện có về tạp chí đó, chúng ta thấy tạp chí đã có những bài phản ánh phong trào cách mạng ở các miền trong nước, biểu dương những thành tích công tác của các đảng bộ, đồng thời uốn nắn, phê phán những quan điểm tư tưởng sai lầm của cán bộ, đảng viên. Tạp chí đã góp phần đắc lực vào việc chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất của Đảng. Sau Đại hội thứ nhất của Đảng, tạp chí tuyên truyền tập trung cho các nghị quyết của Đại hội. Tạp chí cũng tuyên truyền cho Nghị quyết Đại hội VII của Quốc tế cộng sản, góp phần tích cực phát động phong trào Mặt trận dân chủ ở Đông Dương.

Tạp chí Bônsơvíc đã giới thiệu với bạn đọc Việt Nam những luận điểm của V.I. Lê-nin về các vấn đề đảng, nông dân, tôn giáo, v.v.. Tạp chí đã dịch đăng một số bài của các tạp chí của Quốc tế cộng sản và của các đảng anh em. Cuộc đấu tranh tư tưởng và lý luận chống các khuynh hướng sai lầm và phản động được tạp chí đặc biệt coi trọng. Trên tạp chí, đã có những bài phê phán chủ nghĩa tờ-rốt-kít, chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, v.v.. Nhân những ngày kỷ niệm cách mạng trên thế giới, tạp chí có bài giới thiệu những kinh nghiệm đấu tranh cách mạng và những thành tựu của các đảng anh em.

Tuy chỉ tồn tại được hơn hai năm, nhưng Tạp chí Bônsơvíc đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc khôi phục cơ sở và hệ thống tổ chức đảng, chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ nhất và góp phần quan trọng vào việc thống nhất Đảng về lý luận, tư tưởng, chính trị và tổ chức để chuẩn bị đón cao trào cách mạng mới.
 
__________________________________________________

(1) Hiện nay ở Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng còn có một bản dịch ra tiếng Pháp của mật thám Pháp bài "Chính phủ của Mặt trận nhân dân ở Đông Dương". Cuối bản dịch có lời chú thích do tạp chí Bônsơvíc, số 1, ngày 15-1-1937 xuất bản. Nhưng ở trang bìa 1 thì lại đề "Nhà xuất bản Hiệu sách Tiến bộ, số 1, tháng 1-1937. Như vậy, không rõ đây là cuốn sách do tạp chí Bônsơvíc xuất bản, hay là một bài viết đăng trên tạp chí Bônsơvíc. Do vậy, chúng tôi không giới thiệu bài đó ở đây.

(2) Bí danh của đồng chí Lê Hồng Phong