Ngày 23-8, Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ QH vào ngày làm việc thứ ba dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Các Ủy viên Ủy ban nghe Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người.
 
Ðảng, Nhà nước ta đã và đang có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em thông qua việc thi hành các chính sách pháp luật liên quan và hợp tác quốc tế. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả nhất định nhưng tình hình tội phạm mua bán người nói chung và đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em nói riêng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, đa dạng, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia. Dự án Luật Phòng, chống mua bán người là văn bản quy phạm pháp luật  chuyên ngành có hiệu lực pháp lý cao, quy  định tập trung, thống nhất những vấn đề có tính nguyên tắc, làm định hướng cho công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em. Dự án Luật có bảy Chương, 52 Ðiều.

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống mua bán người do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày nêu rõ, dự án Luật được   soạn thảo công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người và việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan.  Hồ sơ dự án Luật đáp ứng được yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội  cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2010).

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ðình Ðàn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính,  Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng và một số đại biểu khác đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn tính chất của hành vi mua bán và buôn bán người để các điều khoản của Luật chính xác, rành mạch và bảo đảm tính khả thi. Ðối với việc hỗ trợ các nạn nhân của hành vi mua bán người, các đại biểu này cho rằng cần xác định cụ thể, thiết thực, tránh đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ không phù hợp, có thể bị lợi dụng. Thí dụ như, Ðiều 17 quy định UBND xã  có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin và hỗ trợ... nạn nhân của tội phạm mua bán người là khó khả thi trong thực tế cuộc sống. Cần xem xét và nghiên cứu lại Ðiều 24  nói riêng và Chương IV nói chung quy định về chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân, bởi đề ra nhiều hình thức không phù hợp, thiếu cơ sở thực tế. Cần rà soát kỹ các điều khoản của dự thảo Luật này với các luật liên quan để tránh sự trùng lắp và không thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K'Sor Phước và một số đại biểu khác đề nghị không nên đưa vào dự thảo Luật phần giải thích từ ngữ "mua bán người" mà cần quy định một điều về các hành vi mua bán người, kể cả hành vi cấu thành tội phạm, các hành vi đồng phạm của tội mua bán người, các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống mua bán người. Việc quy định cụ thể các hành vi liên quan đến mua bán người sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật phòng, chống mua bán người. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần đề cập rõ hơn vai trò, trách nhiệm của gia đình, xã hội, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể khác trong công tác phòng và chống tội phạm mua bán người.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nêu ý kiến, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để phát hiện những đặc điểm  riêng của tội phạm mua bán người ở nước ta. Việc khái niệm xác định "nạn nhân" và "người cần được xác minh là nạn nhân" cần giao cho các cơ quan chức năng thực hiện, phân chia đối tượng như trong dự án Luật sẽ không bảo đảm kịp thời các biện pháp hỗ trợ. Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan, chủ quan của loại tội phạm này cần được nghiên cứu và xác định rõ ràng, chính xác hơn để tìm được nguyên nhân thực chất của hành vi  mua bán người. Ðại biểu này nhất trí với Ủy ban Tư pháp và ý kiến của một số đại biểu khác về việc nên quy định một điều riêng về các hành vi mua bán người thay cho việc giải thích từ ngữ.

Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ và cụ thể hơn quy định về việc Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống tội phạm mua bán người (Ðiều 4); quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ (Ðiều 10); cơ quan nào chịu trách nhiệm hợp tác quốc tế  trong phòng, chống mua bán người (Ðiều 48)... để nâng cao tính khả thi của Luật này./.

*** Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến vào hai dự án luật