Hội thảo khoa học “An ninh phi truyền thống và tác động đối với Việt Nam”
Khái niệm an ninh phi truyền thống ra đời trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nó được sử dụng ngày càng rộng rãi, phổ biến trên nhiều diễn đàn quốc tế về các vấn đề kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ranh giới giữa những vấn đề thuộc an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống có sự đan xen, chồng lấn, vì vậy việc nhận thức và xác định phạm vi những vấn đề trên vẫn chưa có sự thống nhất. Mặc dù vậy, đa số các quốc gia đều khá nhất trí quan điểm: An ninh phi truyền thống là những vấn đề ảnh hưởng lớn, không chỉ đe dọa đến an ninh quốc gia, đến cộng đồng người trong phạm vi một hoặc một số nước, mà còn đe dọa đến toàn thể nhân loại. Những vấn đề đó được thể hiện trên nhiều lĩnh vực nhưng nằm ngoài vấn đề quân sự và trong bối cảnh liên kết quốc tế. Những vấn đề đó là: cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thảm họa thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán phụ nữ và trẻ em, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế, tội phạm công nghệ cao,…
Qua các tham luận, có thể thấy rõ quy mô, tính chất tác động của những nguy cơ an ninh phi truyền thống là rất gay gắt, lâu dài, mang tính xuyên quốc gia, khu vực và toàn cầu. Việc ngăn chặn và ứng phó với những nguy cơ này không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà đòi hỏi sự chủ động và tích cực hợp tác chặt chẽ của tất cả các nước, của các tổ chức quốc tế và khu vực, của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng xã hội.
Thông qua 16 tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng những lĩnh vực an ninh phi truyền thống để có cái nhìn toàn diện, thực chất vấn đề an ninh phi truyền thống ở nước ta hiện nay. Có thể khái quát ở 5 nội dung cơ bản sau:
1. Biến đổi khí hậu và những tác động đến quan hệ quốc tế nói chung, đến Việt Nam nói riêng
Có thể thấy nội dung này được nhiều học giả quan tâm và có cùng chủ đề báo cáo nhiều nhất, như: Biến đổi khí hậu - một thách thức an ninh phi truyền thống của TS. Mai Hoài Anh, Biến đổi khí hậu - vấn đề lớn của an ninh phi truyền thống của PGS, TS. Phan Văn Rân, Tác động của biến đổi khí hậu đối với quan hệ quốc tế hiện nay của TS. Uông Minh Long, Biến đổi khí hậu và những tác động đến Việt Nam của ThS. Đỗ Thị Thảo... Các báo cáo đều khẳng định, trong các vấn đề an ninh phi truyền thống thì biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng nhất, có liên quan, đan xen với tất cả các vấn đề an ninh phi truyền thống khác và là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với nhân loại. Các báo cáo trên đã làm rõ: Bầu khí quyển là duy nhất, là mái nhà chung của toàn nhân loại. Các quốc gia không thể chia nhỏ bầu khí quyển để sở hữu và sử dụng riêng, không thể ngăn được sự ô nhiễm bầu khí quyển tràn vào từ bên ngoài các quốc gia đó. Khi bầu khí quyển bị tổn hại ở khu vực này thì nó cũng gây ảnh hưởng tới những khu vực khác. Một nước hoặc một số nước phát thải quá mức sẽ làm khí hậu toàn cầu nóng lên. Các quốc gia buộc phải hợp tác với nhau để cùng đối phó những nguy cơ làm tổn hại bầu khí quyển. Nếu chỉ đơn phương một vài nước hành động nhằm cứu vãn vấn đề thì những nỗ lực đó cũng không đạt hiệu quả. Với bản chất như vậy, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại. Biến đổi khí hậu hiện nay và trong cả thế kỷ XXI được đánh giá chủ yếu là do gia tăng mức độ phát thải khí nhà kính từ hoạt động kinh tế - xã hội của con người.
Tham luận của PGS, TS. Phan Văn Rân nhấn mạnh: Trong các vấn đề về môi trường hiện nay, biến đổi khí hậu được coi là đáng lo ngại nhất. Thậm chí nó được xếp vào dạng vấn đề an ninh phi truyền thống nguy hiểm trong thế kỷ XXI, có thể còn nghiêm trọng hơn cả chủ nghĩa khủng bố. Biểu hiện rõ rệt ở tình trạng nóng lên của Trái đất và những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, bão và sạt lở đất,... Sự biến đổi khí hậu được coi là “vấn đề” bởi vì nó đe dọa tới lợi ích cơ bản của các quốc gia, dân tộc như lợi ích tồn tại và phát triển thông qua hàng loạt tác động nguy hiểm tới an ninh lương thực, ô nhiêm môi trường, nguy cơ thiên tai, các vấn đề sức khỏe... và các hệ lụy gián tiếp khác. Biến đổi khí hậu còn được coi là “vấn đề toàn cầu” bởi quy mô tác động, khả năng giải quyết nó diễn ra trên quy mô thế giới mà bất cứ biện pháp mang tính đơn lẻ nào, dù là của quốc gia phát triển nhất cũng không thể hiệu quả.
Các tham luận của TS. Uông Minh Long, ThS. Đỗ thị Thảo cho rằng: Biến đổi khí hậu là nguồn gốc của xung đột quốc tế bởi nó làm gia tăng sự khan hiếm, thay đổi quá trình phân bổ các nguồn tài nguyên thiết yếu có tầm chiến lược quan trọng như nguồn nước, đất trồng trọt,... ; làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh phi truyền thống khác như an ninh môi trường - tài nguyên, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, gia tăng khoảng cách giàu - nghèo,...; gây nhiều chia rẽ, xung đột, khoét sâu mâu thuẫn giữa các nước phát triển và đang phát triển,… Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng mạnh đến sự phân bổ nguồn lực thế giới khi ngày càng có nhiều quốc gia sử dụng nguồn tài nguyên như một loại “vũ khí” quan trọng nhằm mặc cả lợi ích trong quan hệ quốc tế. Từ đó dẫn tới nhiều nguy cơ bất ổn định, xung đột, khủng bố, làm sâu sắc thêm các mâu thuẫn chính trị - xã hội ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cũng lại là nhân tố thúc đẩy hợp tác quốc tế. Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, ngoại giao là biện pháp thích hợp nhất. Tính chung nhất của vấn đề khiến xung đột và sự chia rẽ chỉ làm giảm cơ hội giải quyết và ngoại giao là cách thức tốt nhất để các quốc gia đạt tới sự nhất trí chung. Ngoại giao cũng giúp duy trì hòa bình và ổn định để việc ngăn chặn biến đổi khí hậu trở nên dễ dàng hơn. Như vậy, biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến nhận thức của nhân loại với tư cách là một vấn đề toàn cầu đòi hỏi vai trò của hợp tác quốc tế mới có thể giải quyết. Biến đổi khí hậu còn là một trong những chất xúc tác chính cho sự gia tăng các tổ chức quốc tế về môi trường. Cùng với đó là các sáng kiến tổ chức hội nghị quốc tế cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn và được các chính phủ coi trọng hơn, đưa đến sự ra đời của nhiều Công ước quốc tế, Công ước khu vực về biến đổi khí hậu mà điển hình nhất là Công ước khung về biến đổi khí hậu đã được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Ri-ô đề Gia-nê-rô (Rio de Janeiro) năm 1992.
Nhóm tác giả này cũng thống nhất quan điểm: Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biển đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, và có nguy cơ tác động ngày càng lớn hơn. Hiện nay, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và đã có những cố gắng đáng kể. Tuy nhiên, việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, khi có thiên tai thường gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản; tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, thậm chí khai thác quá mức dẫn đến suy thoái, cạn kiệt; ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến, có xu hướng gia tăng, có nơi nghiêm trọng; đa dạng sinh học suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái diễn ra trên diện rộng... Do đó, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam phải gắn liền và hướng tới phát triển bền vững, dựa trên nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh, tận dụng các cơ hội để đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức mạnh quốc gia. Đồng thời, coi trọng hợp tác, hội nhập quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Việc phối hợp quốc tế để giải quyết một số vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền thống đã được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Nghị quyết số 24-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XI, ngày 03-6-2013 của Đảng “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường” chính là một động thái thiết thực nhất của Việt Nam.
2. Vấn đề an ninh lương thực trong quan hệ quốc tế và thực trạng ở Việt Nam hiện nay
Bên cạnh việc làm rõ khái niệm an ninh lương thực, các báo cáo: An ninh lương thực trong quan hệ quốc tế của TS. Trần Thọ Quang; An ninh lương thực ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp của ThS. Nguyễn Thị Tú Hoa; An ninh lương thực và vấn đề xuất khẩu gạo ở Việt Nam hiện nay của ThS. Nguyễn Văn Dương, Vũ Đức Tho nêu rõ: một thế giới ngày càng trở nên bất ổn, cùng với thiên tai, khủng bố, ô nhiễm môi trường,… nạn đói luôn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đời sống nhân loại. Giá lương thực, thực phẩm tăng cao và an ninh lương thực đang ngày càng trở thành vấn đề nóng bỏng của nhiều quốc gia. Vì vậy, bảo đảm an ninh lương thực không chỉ là nhiệm vụ của mỗi quốc gia, khu vực mà còn là vấn đề cấp bách của toàn thế giới hiện nay. Từ đó, những báo cáo trên đã tập trung làm rõ vai trò của an ninh lương thực đối với loài người, đối với các mối quan hệ quốc tế cũng như thực trạng của việc bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay.
Tham luận của tác giả Vũ Đức Tho cho thấy: theo Báo cáo mới nhất từ Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO), năm 2009 thế giới có 1 tỷ người thường xuyên không đủ ăn và bị suy dinh dưỡng. Đến năm 2012, thế giới vẫn còn khoảng 870 triệu người ở tình trạng này. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tới 642 triệu người, cận sa mạc Xa-ha-ra có 265 triệu người, khu vực Mỹ - La-tinh và vùng Ca-ri-bê có 53 triệu người, cận Đông - Bắc Phi là 25 triệu người và các nước đang phát triển là 15 triệu người. Hằng năm, thế giới có khoảng 6 triệu trẻ em bị chết do thiếu lương thực. Như vậy, kể từ sau cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007 - 2008, hiện thế giới vẫn đang phải đối mặt với nỗi lo thiếu hụt lương thực, “cuộc chiến chống đói nghèo” vẫn đang diễn ra ở nhiều quốc gia, khu vực mà đặc biệt là tại các nước nghèo và các nước đang phát triển.
Báo cáo của ThS. Nguyễn Thị Tú Hoa đã phân tích: từ chỗ là nước phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã tiến tới đứng hàng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu lúa gạo. Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn an ninh lương thực vẫn đứng trước rất nhiều thách thức bởi những nguyên nhân như diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; biến đổi khí hậu với những hiện tượng mưa đá, hạn hán, nắng nóng... không chỉ ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của con người, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đất đai (diện tích đất mật mất dần, xâm nhập mặn, xói mòn...), tác động trực tiếp và gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó là một nghịch lý: nước ta xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới nhưng khả năng tiếp cận an ninh lương thực cho mọi đối tượng nhất là ở những vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, chưa bảo đảm mưu sinh bền vững cho mọi người.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay cũng là vấn đề rất nóng, được các báo cáo trên đây phân tích ở các khía cạnh: 1) Những năm gần đây, nông dân không mặn mà với hoạt động sản xuất nông nghiệp. 2) Hoạt động sản xuất lương thực và xuất khẩu gạo phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện thời tiết trong khi Việt Nam được xếp vào nhóm 5 nước chịu tác động và ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu. 3) Diện tích đất nông nghiệp đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa - hiện đại hóa và ô nhiễm môi trường đất. 4) Đầu tư cho nông nghiệp còn thấp. 5) Sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam so về chất lượng và giá thành rất khó cạnh tranh và ngôi vị số 2 về xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức do sự cạnh tranh gay gắt từ các nước mới nổi như là Ấn Độ hay Mi-an-ma.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên được đánh giá như sau: Một là, biến đổi khí hậu làm Trái đất ngày càng “nóng” lên dẫn đến thiên tai, hạn hán, mất mùa, nước biển dâng cao... gây thiếu nguồn cung lương thực và đẩy giá cả mặt hàng này tăng cao. Hai là, tốc độ tăng dân số tăng nhanh không chỉ là thêm miệng ăn mà còn thêm các nhu cầu như nhà ở, điện nước, di chuyển, hàng tiêu thụ, giao thông vận tải, trường học, bệnh viện, giải trí,… càng gia tăng đô thị hóa và ô nhiễm, trực tiếp làm giảm diện tích đất nông nghiệp. Ba là, quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị hao hụt nghiêm trọng. Bốn là, hoạt động đầu tư cho sản xuất nông nghiệp có xu hướng giảm. Năm là, nhu cầu sử dụng năng lượng sinh học tăng nhanh. Ngoài những nguyên nhân căn bản trên, hoạt động đầu cơ và thâu tóm đất đai cũng là nguyên nhân tạo ra sự khủng hoảng và làm mất mất an ninh lương thực trên thế giới trong thời gian qua.
Từ những tham luận trên cho thấy, trong một thế giới văn minh và hiện đại ngày nay, vẫn còn có gần 1 tỷ người phải thường xuyên chịu đói và an ninh lương thực đang là một vấn đề cấp bách của nhân loại. Làm thế nào để thế giới có thể cung cấp đủ lương thực cho 9 tỷ người vào năm 2050? Làm sao để tránh một cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ như đã xảy ra vào năm 2008? Đó là những câu hỏi không dễ có đáp án. Tuy nhiên, thế giới vẫn có thể đối phó được với những nguy cơ này nếu như có những hành động chung tay phối hợp chặt chẽ và những chính sách phù hợp để phát triển nền nông nghiệp bền vững toàn cầu.
3. Vấn đề an ninh môi trường
Hiện nay, môi trường sống đang đứng trước nguy cơ bị mất an ninh nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường và những hậu quả của nó đang tác động hằng ngày, hằng giờ đến loài người, đe dọa cuộc sống của tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới và nghiêm trọng hơn nó còn ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả nhân loại. Điều này được phản ánh qua các tham luận An ninh môi trường - mối quan tâm chung của toàn nhân loại của ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền, Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các nước ASEAN hiện nay của ThS. Trịnh Thị Hoa,...
Có thể thấy, mọi dạng môi trường sống của con người hiện nay từ khí quyển, thủy quyển, địa quyển, sinh quyển,… đều đang lâm vào tình trạng cạn kiệt và ô nhiễm. Sự ô nhiễm môi trường sống được chỉ báo bằng các hiện tượng chủ yếu như hiệu ứng nhà kính, lỗ thủng tầng ô-zôn, mưa a-xít, sa mạc hóa, ô nhiễm nguồn nước sạch, sự đa dạng sinh học bị giảm sút,… đã dẫn đến những hiểm họa sinh thái tiềm tàng, làm biến đổi các điều kiện thiên nhiên trên Trái đất theo chiều hướng tiêu cực đối với sự sống.
Phát triển là xu thế chung của từng cá nhân và cả loài người trong quá trình sống. Giữa môi trường và sự phát triển có mối quan hệ hết sức chặt chẽ: môi trường là địa bàn và đối tượng của sự phát triển, còn phát triển là nguyên nhân tạo nên các biến đổi của môi trường. Phát triển kinh tế xã hội là quá trình nâng cao điều kiện sống về vật chất và tinh thần của con người qua việc sản xuất ra của cải vật chất, cải tiến quan hệ xã hội, nâng cao chất lượng văn hóa. Tuy nhiên, phát triển một cách ồ ạt không tính đến những thiệt hại về môi trường từ sự gia tăng dân số, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, tranh giành tài nguyên dẫn đến chiến tranh, xung đột,… sẽ là sự hủy hoại môi trường, là phát triển không tính đến sự bền vững. Như vậy, ngoài những nguyên nhân do thiên tai như bão, lụt… thì con người - với những hành động của mình một cách vô tình hoặc cố ý, đã hủy hoại môi trường sống một cách nghiêm trọng.
Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường sống đối với sức khỏe và sự tồn vong của loài người, cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm nhiều tới việc gìn giữ, bảo vệ môi trường được đánh dấu bởi nhiều hội nghị quốc tế về môi trường cũng như những cam kết của các quốc gia trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu… Mặc dù ở nhiều nước phát triển đã có những Chiến lược an ninh môi trường, nhằm tạo ra sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, sự cố gắng đó mới chỉ ở một số quốc gia, mà điều này là không thể hiệu quả đối với một vấn đề toàn cầu.
4. Vấn đề an ninh năng lượng
Báo cáo Thực trạng sử dụng năng lượng mặt trời ở Việt Nam của ThS. Lưu Trần Toàn, Một số nguyên nhân mất ổn định an ninh năng lượng ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế của ThS. Đinh Thị Xuân Tươi cho thấy: Năng lượng có một vai trò hết sức quan trọng, nó không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn làm cho kinh tế và xã hội phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng hiện nay, an ninh năng lượng - một vấn đề an ninh phi truyền thống đang nổi lên như những vấn đề toàn cầu hết sức bức thiết. Trước hết, đó là do vai trò quyết định của an ninh năng lượng đối với an ninh của mỗi cá nhân con người và sự phát triển bền vững của từng quốc gia. Có thể thấy, năng lượng không những gắn liền mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Từ những sinh hoạt tối thiểu như ăn, ở đến các hoạt động lao động, vui chơi giải trí của con người đều cần đến năng lượng. Xét ở cấp nhà nước, an ninh năng lượng là tiền đề cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đó là vì sự bảo đảm về năng lượng sẽ giúp cho mọi hoạt động của quốc gia ổn định và phát triển. Còn ngược lại, khi năng lượng có nguy cơ suy giảm thì mọi hoạt động của quốc gia sẽ bị ngừng trệ, dẫn đến nhiều thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Do đó, mỗi quốc gia dù giàu hay nghèo đều coi việc bảo đảm nguồn năng lượng là tiền đề cần thiết cho sự phát triển bền vững của mình. Và, việc bảo đảm an ninh năng lượng đang ngày càng trở thành nhiệm vụ cấp bách đối với toàn cầu.
An ninh năng lượng là một trong những vấn đề toàn cầu còn do việc thực hiện nó mang tính chất xuyên quốc gia, đòi hỏi sự tham gia hợp tác của tất cả các quốc gia trên thế giới. Nguy cơ đe doạ đến an ninh năng lượng xuất hiện ngày một nhiều khiến cho vấn đề này càng trở nên bức thiết và đòi hỏi sự hợp tác giải quyết của toàn thế giới vì một nền an ninh năng lượng toàn cầu.
Tham luận của ThS. Lưu Trần Toàn còn đi sâu phân tích nguồn năng lượng tái tạo hay còn gọi là năng lượng sạch - vấn đề đang được cả thế giới quan tâm. Hiện nay, ngành này đã trở thành đứa con cưng của các nhà đầu tư và hoạch định chính sách, chính phủ các nước liên tục đưa ra những chính sách phù hợp để khuyến khích đầu tư cho ngành năng lượng sạch. Trong số đó, công nghệ năng lượng mặt trời đang được quan tâm nhất bởi tính phong phú và ít biến đổi nhất trong tất cả các nguồn năng lượng tái tạo thời kỳ biến đổi khí hậu hiện nay. Việt Nam là một trong những nước nằm trong giải phân bổ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ mặt trời của thế giới, lại có khí hậu nhiệt đới, tiềm năng về năng lượng mặt trời rất lớn và sử dụng hầu như quanh năm. Việt Nam cũng đã triển khai việc ứng dụng công nghệ vào khai thác năng lượng mặt trời và đã có những kết quả bước đầu đáng mừng, góp phần tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường. Đây cũng là một trong những nỗ lực của Việt Nam cùng thế giới ứng phó và giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng truyền thống sắp cạn kiệt và giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu.
5. Vấn đề an ninh con người và những thách thức ở Việt Nam hiện nay
An ninh con người là một khái niệm an ninh phi truyền thống mang tính tích hợp cao, được coi như một bước phát triển cao hơn trong nhận thức của cộng đồng quốc tế về vấn đề an ninh. Nó vừa mang tính đối trọng, vừa mang tính bổ sung cho khái niệm an ninh truyền thống, vốn nhấn mạnh vào vấn đề chủ quyền và an ninh quốc gia. Bảo đảm an ninh con người cũng là vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với với sự tồn vong và phát triển của mỗi quốc gia.
Ở các tham luận Bàn về khái niệm “An ninh con người” và các biện pháp bảo vệ nó trong điều kiện hiện nay của PGS, TS. Thái Văn Long, Những thách thức đối với an ninh con người ở Việt Nam hiện nay của ThS. Phan Thị Thu Hằng cùng phân tích khá sâu sắc để làm rõ rằng, khái niệm an ninh con người bao quát phạm vi rộng, liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau. Cho đến nay, vẫn chưa có một sự thống nhất quan điểm chung về khái niệm này, do vậy nó thu hút sự quan tâm của nhiều nhà phê bình trên thế giới. Mặc dù còn nhiều tranh luận nhưng nội hàm cơ bản của khái niệm “an ninh con người” được Liên hợp quốc thống nhất bao gồm 7 thành tố chính là an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng, và an ninh chính trị. Theo đó, bên cạnh các mối quan tâm về an ninh quốc gia, mỗi nước cũng cần bảo đảm “an ninh” của từng người dân, hay nói cách khác là bảo vệ họ trước các mối đe dọa trong cuộc sống thường nhật liên quan đến các vấn đề như chính trị, kinh tế, lương thực, môi trường, y tế,…
Tham luận của PGS, TS. Thái Văn Long đi sâu và làm rõ: các nhân tố cấu thành an ninh con người, các mối đe dọa toàn cầu và biện pháp bảo vệ an ninh con người trong điều kiện hiện nay. Còn theo ThS. Phan Thị Thu Hằng, những thách thức cơ bản đối với vấn đề an ninh con người ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là do những tác động tiêu cực của những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa, trình độ quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe con người, công tác ngăn ngừa và ứng phó với thảm họa thiên tai chưa hiệu quả và còn nhiều bất cập. Theo đó, tác giả cũng đưa ra một nhóm giải pháp cho vấn đề an ninh con người tại Việt Nam.
Ngoài những nội dung trên, Tác động của an ninh phi truyền thống đến quan hệ quốc tế đương đại là nhan đề báo cáo của PGS, TS. Thái Văn Long và Vũ Đức Tho đã cho thấy: sau Chiến tranh lạnh, nguy cơ về một cuộc chiến tranh ở phạm vi thế giới bị đẩy lùi, thay vào đó là xu thế hòa bình và hợp tác, con người trên hành tinh tưởng chừng như được bảo vệ an toàn hơn. Tuy nhiên, nhân loại lại phải đối phó với những thách thức mới, thế giới ngày càng trở nên mất an toàn bởi các mối đe dọa trong đó có các vấn đề an ninh phi truyền thống. Những tác động của an ninh phi truyền thống đến các mối quan hệ quốc tế được tác giả xác định gồm 5 yếu tố, đó là gia tăng vai trò của các chủ thể trong quan hệ hợp tác quốc tế cùng nhau giải quyết những thách thức; tác động đến vấn đề độc lập dân tộc của các quốc gia; tác động đến xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển; góp phần thúc đẩy nhận thức chung của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các thách thức; thúc đẩy các nước tự giác tham gia và tôn trọng các công ước, các tổ chức, các hoạt động hợp tác quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Tham luận này cũng khuyến cáo: trong quan hệ quốc tế hiện nay, khi nghiên cứu vấn đề này, cần chú ý đến 6 đặc điểm lớn của an ninh phi truyền thống, đó là tính xuyên quốc gia, tính xác định, tính chuyển hóa, tính chuyển động, tính chủ quyền và tính hợp tác.
Tham luận Vấn đề an ninh thông tin trong an ninh phi truyền thống của NCS. Đàm Trọng Tùng cũng là những thông tin rất hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Đó là, mạng máy tính ngày nay trên toàn cầu phổ biến một nhận thức chung là quyền kiểm soát thông tin đã trở thành một không gian an ninh quốc gia, ngang hàng với quyền lục địa, quyền hải dương, quyền không gian, quyền vũ trụ. “Trong thế giới ngày nay, các hành động khủng bố có thể tới không chỉ từ một ít những kẻ cực đoan đánh bom tự sát, mà còn từ một vài cái gõ bàn phím trên máy tính - một vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Bởi vậy, mỗi nước đều xây dựng cho mình những chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm an toàn thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trên Internet, các dịch vụ thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, giữa các nước tất sẽ triển khai cuộc chiến tranh chiếm đoạt, giành giật quyền lợi thông tin vô cùng quyết liệt xoay quanh các vấn đề chủ quyền thông tin, công nghệ thông tin, tài nguyên thông tin, quy tắc thông tin để nhằm các mục tiêu về chính trị, kinh tế, quốc phòng,… Về kinh tế, động cơ tấn công chủ yếu là đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp các tài khoản ngân hàng, tống tiền cá nhân và các cơ quan tổ chức, hạ thấp uy tín, thương hiệu của các cơ quan tổ chức,... Về chính trị - quân sự, động cơ tấn công không chỉ gián điệp thông tin, mà còn phá hoại kết cấu hạ tầng mạng, các cổng thông tin của các quốc gia... Vì vậy, hiện nay các nước đều đặt vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin lên hàng đầu, nhiều quốc gia xây dựng các chiến lược phát triển hạ tầng an ninh mạng cả phòng thủ và tấn công mạng, chạy đua vũ trang trong tác chiến không gian mạng.
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo cũng nhất trí khẳng định đối phó với các mối đe dọa từ các vấn đề an ninh phi truyền thống là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên hiện nay của chúng ta, nhằm giữ vững an ninh, chủ quyền quốc gia. Việc nghiên cứu vấn đề an ninh phi truyền thống mang nhiều ý nghĩa thực tiễn. Xác định các lĩnh vực an ninh phi truyền thống, đánh giá thực trạng để có cái nhìn toàn diện, chính xác thực chất vấn đề sẽ là cơ sở góp phần quan trọng trong việc hoạch định chính sách, chiến lược an ninh quốc gia và những cam kết an ninh trong hợp tác an ninh quốc tế và khu vực./.
Thủ tướng thăm, chúc mừng Đại tướng Lê Đức Anh  (29/07/2013)
Thủ tướng tiếp Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Nhật Bản  (29/07/2013)
Sớm triển khai cơ chế đối thoại an ninh Việt - Nhật  (29/07/2013)
Đoàn Đảng Cộng sản Việt Nam giám sát bầu cử ở Campuchia  (29/07/2013)
Người Việt ở Đức kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ  (29/07/2013)
Thủ tướng duyệt đề án tìm và quy tập hài cốt liệt sỹ  (29/07/2013)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên