TCCSĐT - Ngày 18-7-2013, tại Hà Nội, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Thúc đẩy hợp tác công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc”.

Tới dự Hội thảo có PGS, TS. Chu Đức Dũng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; TS. Chang Kyu Lee, Giám đốc Trung tâm Các nền kinh tế đang phát triển, Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc; GS, TS. Bokyeong Park, Đại học Kyung Hee; cùng đông đảo các nhà nghiên cứu đến từ Văn phòng Quốc hội, các ban, ngành chức năng và viện nghiên cứu trong cả nước. 

Với các nội dung về chính sách công nghiệp; khu kinh tế và cụm liên kết ngành; mạng thương mại và sản xuất quốc tế; dạy nghề và hợp tác công nghiệp; các bản tham luận được trình bày tại Hội thảo đã tập trung vào một số vấn đề chính sau:

- Về chính sách kinh tế và công nghiệp Hàn Quốc nhằm vượt qua khủng khoảng tài chính châu Á năm 1997 và hàm ý cho Việt Nam, diễn giả Hàn Quốc đã nêu những nguyên nhân chính của cuộc khủng khoảng ở Hàn Quốc, gồm: sự phát triển quá nhanh của nền kinh tế trong một thời gian ngắn nhưng lại thiếu tính bền vững; việc làm ăn kém hiệu quả của các công ty; sự quản lý yếu kém của các thể chế tài chính; tính thiếu ổn định của thị trường tài chính và những vấn đề quản trị trong các Chaebol… Tuy nhiên, Chính phủ và các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có sự phản ứng chính sách kịp thời, chẳng hạn, có sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ quốc tế; có chính sách tiền tệ và tài chính chặt chẽ; hệ thống ngân hàng được cải tổ, thực hiện đóng cửa những ngân hàng làm ăn kém hiệu quả… nhờ đó, tỷ giá đồng uôn (won) đã giữ được ổn định, cán cân thương mại từ thâm hụt chuyển sang thặng dư, khắc phục được hậu quả của cuộc khủng khoảng, các doanh nghiệp đã phát triển tuy chậm hơn trước song bền vững hơn. Theo các diễn giả, gợi ý đối với Việt Nam từ bài học của Hàn Quốc là cần tạo được sự đồng thuận về cải cách kinh tế; quản lý được các dòng vốn và cán cân thanh toán; cơ cấu lại nền công nghiệp nhằm đạt được vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; quốc tế hóa công nghệ nhập khẩu; đào tạo lao động có kỹ năng…

- Về chính sách công nghiệp của Việt Nam, với sự trình bày ngắn gọn, bài tham luận về chính sách công nghiệp của Việt Nam đã điểm lại toàn bộ lịch sử xây dựng, hình thành chính sách công nghiệp của Việt Nam qua các thời kỳ, những chính sách đã thực thi và các thách thức đang đặt ra. Cụ thể, hiện nay Việt Nam đã đề ra được chiến lược phát triển cho 15 ngành công nghiệp (công nghệ cao, dệt may, xe máy, hóa chất, cơ khí, ô-tô, điện tử, dược phẩm, năng lượng, chế biến nông sản…), xây dựng quy hoạch phát triển trong một số ngành công nghiệp (điện tử, sắt, công nghiệp hỗ trợ, giày da, bia, sữa, vật liệu xây dựng…), thành lập các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp phân theo vùng lãnh thổ.

Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, như: hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước để đóng vai trò chủ đạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp đặc biệt là những doanh nghiệp nhà nước; có các ưu đãi về thuế đất, miễn giảm thuế thu nhập, hỗ trợ đào tạo nghề, cắt giảm thuế quan mang tính bảo hộ cho các ngành công nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, xu thế tự do hóa thương mại buộc Việt Nam phải thực hiện các cam kết và những ngành công nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sự cạnh tranh gay gắt của các nước láng giềng, nhất là Trung Quốc; việc nâng cấp, đổi mới công nghệ chậm chạp; tình trạng thiếu trầm trọng lao động có tay nghề, thậm chí cả lao động phổ thông làm trong các khu công nghiệp, chưa kể từ việc các mạng sản xuất quốc tế mới hình thành đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam càng khó “chen chân”, khó phát triển ngay cả trong những chuyên ngành công nghiệp của mình. 

Tuy nhiên, từ thực trạng và khó khăn trên có thể được coi là điều kiện để mở ra cơ hội hợp tác công nghiệp giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hai nước có thể phát triển mạng sản xuất trong ngành công nghiệp ô-tô, dệt may, da giày, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ.

- Về chính sách phát triển khu kinh tế và cụm liên kết ngành ở Việt Nam, Việt Nam hiện có 289 khu công nghiệp, 15 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế tạo được nhiều triệu việc làm cho người lao động. Các khu công nghiệp của Việt Nam phát triển với tốc độ trung bình, trong những năm qua đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương, giảm ô nhiễm môi trường, tạo địa bàn sản xuất cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp chuyển từ sản xuất phân tán sang tập trung. Tuy nhiên, các khu, cụm công nghiệp của Việt Nam đều có tỷ lệ lấp đầy thấp, chưa tạo được giá trị gia tăng cao, sự liên kết ngành còn yếu kém, rất ít gắn kết với các doanh nghiệp nước ngoài, chưa phát triển được những ngành công nghiệp hỗ trợ, vì thế Việt Nam đang rất cần những chính sách hữu hiệu để phát triển công nghiệp có hiệu quả. 

Ngoài ra, Hội thảo còn bàn đến mạng thương mại và sản xuất giữa Việt Nam và Hàn Quốc, một số vấn đề trong phát triển dạy nghề ở Việt Nam, vai trò của vốn ODA và gợi ý đối với chính sách ODA của Hàn Quốc.

Hội thảo đã khơi gợi nhiều câu hỏi, cũng như sự tranh luận sôi nổi xoay quanh vai trò của Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề lợi ích nhóm của quan chức nhà nước, chủ doanh nghiệp, chủ ngân hàng trong quá trình khắc phục hậu quả khủng khoảng ở Hàn Quốc; ảnh hưởng của sự chuyển dịch trong chiến lược đầu tư của Hàn Quốc với trọng tâm hướng tới Trung Quốc sẽ có tác động thế nào đối với Việt Nam; đồng thời, Hội thảo cũng kiến nghị nên thành lập một đặc khu hành chính và kinh tế Hàn Quốc - Việt Nam tại Việt Nam nhằm mở ra hướng mới trong quan hệ giữa hai nước.

Các đại biểu Hàn Quốc cho rằng, để ngành công nghiệp của Việt Nam phát triển thì bên cạnh những nỗ lực của các doanh nghiệp, rất cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, sự minh bạch của hệ thống ngân hàng, sự nhất quán trong các chính sách ưu đãi. Muốn vậy, Việt Nam cần có một mạng lưới thẩm tra, giám sát việc thực thi những chính sách này. Các doanh nghiệp Hàn Quốc rất cần phía Việt Nam cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết nhằm có những quyết định đầu tư đúng đắn vào Việt Nam.

Hội thảo “Thúc đẩy hợp tác công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc” là cơ hội để các nhà nghiên cứu của hai nước chia sẻ thông tin, cùng nhau thảo luận những biện pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm khai thác tiềm năng và thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam./.