TCCSĐT - Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có tầm chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì vậy đề tài về nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn chiếm một tỷ lệ lớn trên hệ thống báo chí Việt Nam, đặc biệt là báo Đảng. Thông qua báo chí, công chúng có thể thấy rõ diện mạo nền nông nghiệp, nông thôn và vai trò to lớn của người nông dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có vị trí chiến lược quan trọng, là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Vì thế, báo chí Việt Nam, đặc biệt là hệ thống báo Đảng luôn xác định: tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; những thành quả trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; thực trạng đời sống của người nông dân; những tấm gương điển hình tiên tiến… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.

Báo chí cách mạng Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa

Trong quá trình trưởng thành và không ngừng thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của từng thời đại, ngành báo chí Việt Nam đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp. Tính đến tháng 3-2012, cả nước có 786 cơ quan báo chí in với 1.016 ấn phẩm. Trong đó có 194 cơ quan báo chí (gồm 81 báo Trung ương, 113 báo địa phương); tạp chí có 592 cơ quan (475 tạp chí Trung ương và 117 tạp chí địa phương). Ngoài ra còn có 67 đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương; 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp. Cả nước có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, hàng nghìn phóng viên đang hoạt động báo chí chuẩn bị đến thời hạn cấp thẻ(1).

Với chức năng và nhiệm vụ của mình, hệ thống báo chí nước ta đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Việc cải tiến không ngừng chất lượng nội dung, hình thức trình bày của tờ báo để bắt kịp với nhu cầu của công chúng là yếu tố hàng đầu quyết định sự sống còn của tờ báo. Những năm qua, ngành báo chí trong cả nước đã thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân. Thông tin trên báo chí đã tuyên truyền sâu rộng, có chất lượng, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng về những sự kiện trọng đại của đất nước. Báo chí đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực khi tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Báo chí cũng đã tập trung phản ánh một số nhiệm vụ chiến lược mà Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm như vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, quản lý và sử dụng đất đai, xóa đói giảm nghèo, nhất là vấn đề xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay... Bên cạnh đó, nhiều vấn đề “nóng” của nền kinh tế được cả xã hội quan tâm cũng được báo chí phản ánh với thái độ khách quan, thận trọng, không gây bức xúc nên tránh được những phản ứng thái quá. Báo chí cũng đã đưa ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà chuyên môn đánh giá, dự báo trên tinh thần khách quan, xây dựng, góp phần xử lý những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng. Thông tin trên báo chí đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, thành tựu đổi mới của nhân dân ta, trong đó có hình ảnh của Đồng bằng sông Cửu Long với bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, báo chí thời gian qua còn bộc lộ một số yếu kém, khuyết điểm, dù đã được nêu ra nhưng chậm được khắc phục. Đó là, một số cơ quan và cán bộ báo chí chưa nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, trách nhiệm trước xã hội và trước sự nghiệp đổi mới của đất nước. Trình độ nhận thức, sự nhạy bén chính trị còn hạn chế; chưa coi trọng việc phát hiện, biểu dương, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chính; thiếu sự linh hoạt trong xử lý thông tin. Thậm chí, có trường hợp một số cơ quan báo chí bị lôi cuốn vào việc làm nóng một số vụ việc, vấn đề, gây trở ngại cho việc xử lý, giải quyết, ổn định tình hình xã hội như trong quản lý và sử dụng đất đai... Một số cơ quan báo chí và nhà báo đưa thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu trách nhiệm, thậm chí vi phạm đạo đức người làm báo, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, có những lúc làm tổn hại đến nông dân, có thể kể đến như các bài báo đăng tải thông tin sai lệch về nuôi cá kèo, trồng cây bưởi người dân ăn vào bị bệnh… Những khuyết điểm, yếu kém trên do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, vì chạy theo lợi nhuận không ít cơ quan báo chí coi nhẹ tính định hướng, giáo dục, vi phạm các quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng không tốt đến chất lượng báo chí. Trong khi đó, vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản có lúc, có nơi còn mờ nhạt. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị cho phóng viên, biên tập viên chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động của cơ quan báo chí thuộc quyền còn bị buông lỏng(2).

Ngày nay, trình độ dân trí được nâng cao nên nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân càng đòi hỏi cao hơn. Do đó, càng phát triển, báo chí Việt Nam càng vừa phải kế thừa và phát huy bản chất cách mạng tốt đẹp của mình, vừa phải nâng cao tính chuyên nghiệp. Để làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi nhà báo ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức báo chí, giữ vững tư tưởng, bản lĩnh, còn cần đến sự quản lý, tổ chức, đào tạo có tính hệ thống của Đảng và Nhà nước, cần đến hành lang pháp lý phù hợp để bảo vệ hoạt động tác nghiệp, cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của người làm báo.

Lợi thế và tính ưu việt khi tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên báo Đảng

Thời gian qua, hệ thống báo Đảng trên cả nước, đặc biệt là báo Đảng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đông đảo công chúng; phản ánh chân thực, khách quan cuộc sống lao động, sản xuất của người dân, đưa tiếng nói của nhân dân đến với Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn được các cơ quan báo Đảng coi trọng. Tùy tình hình cụ thể ở mỗi địa phương, từng cơ quan báo chí đều có những cách thức tuyên truyền riêng phù hợp địa bàn của mình, song nhìn chung, hệ thống báo Đảng đều có mục đích là hướng tới việc cung cấp thông tin, kiến thức khoa học - kỹ thuật, phản ánh cuộc sống lao động sản xuất và đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân… Từ đó, giúp cấp ủy, chính quyền ở mỗi địa phương điều chỉnh các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn.

Báo Đảng (cùng với tạp chí của Đảng) là kênh thông tin chính thống và quan trọng nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và “bùng nổ thông tin” như hiện nay, không phải mọi điều được đăng tải trên báo chí, trên các phương tiện thông tin đại chúng khác đều bảo đảm được tính định hướng, tính chân thật, khách quan, tính nhân văn, tính nhân dân (những đặc trưng cơ bản nhất của báo chí cách mạng). Lợi thế lớn nhất và nổi trội nhất của báo Đảng chính là một trong những kênh thông tin đáng tin cậy nhất, hữu hiệu nhất để từ đó người dân cập nhật, nắm bắt các thông tin quan trọng, mang tính định hướng trong việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói cách khác, báo Đảng như “cơn gió lành” xua đi những “cơn gió độc” trong quá trình tiếp nhận các luồng thông tin đại chúng rất phức tạp hiện nay. Đây cũng là vấn đề mà các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể nhân dân… cần phải quan tâm, xem đó là một trong những thông tin quan trọng giúp các cấp ủy trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng.

Một trong những nguyên tắc cao nhất mà báo Đảng luôn phải bảo đảm là nguyên tắc tính Đảng. Chính tính Đảng yêu cầu các báo Đảng phải kiên quyết đấu tranh chống các tư tưởng thù địch, phản động, đi ngược lại lợi ích của Đảng, của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đấu tranh không khoan nhượng với các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Cùng với tính Đảng, báo Đảng phải bảo đảm tính nhân dân, tức là báo Đảng luôn gắn bó, chia sẻ với nhân dân niềm hy vọng, cũng như những bức xúc, tâm nguyện chính đáng của họ. Từ sự gắn bó đó, báo Đảng có thể nói lên, thể hiện đúng những tư tưởng và tình cảm hằng ngày của nhân dân, suy nghĩ thật sự theo cách của nhân dân. Đây là một lợi thế lớn khác của báo Đảng mà không phải báo chí nào cũng có điều kiện thể hiện.

Chính tính Đảng và tính nhân dân đã quy định một nguyên tắc khác của báo Đảng là tính chân thật, khách quan. Tờ báo của Đảng bộ địa phương không cho phép là nơi đưa ra những thông tin sai sự thật, thông tin bịa đặt, nguồn tin chưa qua kiểm chứng, thông tin giật gân câu khách… Có thể một số tin, bài trên báo Đảng địa phương chưa thật sự hấp dẫn trong cách thể hiện về mặt ngôn ngữ, cách sắp xếp các chi tiết, cách lựa chọn thể loại báo chí… nhưng điều làm hầu hết người đọc tin tưởng ở báo Đảng là tính chân thật, khách quan, phản ánh đúng bản chất sự việc và tính định hướng của nó. Đây là một lợi thế vượt trội của báo Đảng.

Thực tiễn cuộc sống, thực tiễn cách mạng luôn vận động, nảy sinh những vấn đề mới đòi hỏi phải được các cấp ủy, chính quyền nắm bắt, xử lý cho phù hợp với quy luật. Khi đó, báo Đảng có một chức năng đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng là tham gia vào việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để Đảng ra quyết định, hướng dẫn dư luận theo hướng đúng đắn. Với yêu cầu này, báo Đảng các địa phương nếu được sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của các Tỉnh ủy, Thành ủy sẽ làm tốt chức năng tham gia vào việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để các cấp ủy đề ra những đường lối chủ trương đúng đắn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đây là một nhiệm vụ vinh quang đồng thời cũng là một lợi thế, tính vượt trội khác của báo Đảng so với nhiều loại hình và phương tiện báo chí khác trong xã hội.

Tóm lại, thông tin từ báo Đảng góp phần thống nhất được các chủ trương, phương pháp hành động khác nhau nhằm đạt được mục đích, khắc phục những thiếu sót trong hoạt động tư tưởng và thực tiễn của những người cộng sản, làm thức tỉnh quần chúng. V. Lê-nin cho rằng, tờ báo không chỉ có vai trò phổ biến tư tưởng, giáo dục chính trị, mà còn là nơi thu hút các đồng minh; “tờ báo không những là người tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể”(3). Đó chính là vai trò to lớn và không thể thiếu được của báo Đảng trong đời sống xã hội, cho dù hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều loại hình báo chí mới./.

--------------------------------------

(1) Số liệu theo: Báo cáo Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2012

(2) Nguồn Hội nhà báo Việt Nam

(3) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 5, tr. 458-459.