Thông điệp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệpAPEC 2012
TCCSĐT - Sáng 6-9-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân đã rời Hà Nội lên đường tới Vla-đi-vô-xtốc (Liên bang Nga) tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các hội nghị liên quan. Trong dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2012 và có Thông điệp quan trọng tại Hội nghị. Tạp chí Cộng sản điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Thông điệp trên.
Hơn bao giờ hết, các thành viên APEC chúng ta đang cùng chia sẻ nhiều lợi ích và trách nhiệm chung to lớn.
Đó là đẩy mạnh liên kết kinh tế, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đó là duy trì vai trò đầu tàu của châu Á – Thái Bình Dương trong quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu; hỗ trợ các nền kinh tế thành viên phục hồi và phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.
Đó cũng chính là cùng ứng phó với các thách thức đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực và của toàn cầu, như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, chênh lệch trình độ phát triển...
Trong cục diện quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều chuyển biến nhanh, khôn lường, Việt Nam có lợi ích và mong muốn nỗ lực hết mình, cùng các thành viên APEC, gánh vác những trách nhiệm chung to lớn trên.
Việt Nam đang bước sang thời kỳ chiến lược phát triển mới - tiếp tục đổi mới toàn diện, tái cơ cấu nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó hội nhập kinh tế là nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam.
Đây là khu vực luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với sự phát triển của Việt Nam trên mọi mặt kinh tế, đối ngoại, an ninh và phát triển. Hầu hết các đối tác mà Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hoặc có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam nằm ở châu Á - Thái Bình Dương.
Quan hệ hợp tác nhiều mặt và liên kết kinh tế - thương mại của Việt Nam với khu vực liên tục phát triển mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu. Châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực có đầu tư trực tiếp lớn nhất với 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 75% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam.
Một trong những định hướng chính sách lớn của chúng tôi là góp phần củng cố các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa tầng nấc, từ tiểu vùng đến khu vực Đông Nam Á, Diễn đàn APEC và cả châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đang tập trung triển khai các cam kết, các chương trình thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ, kết nối khu vực nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN, liên kết kinh tế ASEAN với các đối tác, thực hiện các Mục tiêu Bô-go...
11 trong 13 Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đang và sẽ đàm phán là với các đối tác nằm trong khu vực. Chúng tôi đang cùng các thành viên tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); mới đây đã khởi động đàm phán Hiệp định FTA với Hàn Quốc; sẽ khởi động đàm phán Hiệp định FTA với Liên minh thuế quan Nga – Bê-la-rút– Ca-dắc-xtan vào thời gian tới.
Đây là những nền tảng để Việt Nam mở rộng hợp tác, liên kết khu vực trên tầm cao mới và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực, và quan trọng hơn là để góp phần duy trì sự phát triển năng động của châu Á - Thái Bình Dương.
Ở trong nước, chúng tôi đang nỗ lực để ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng hợp lý, và triển khai Kế hoạch tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Chúng tôi đang tích cực tìm các giải pháp để tái cơ cấu đầu tư công, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, và hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính; đồng thời quyết tâm chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính để tăng tính ổn định, minh bạch chính sách kinh tế, hoàn thiện cơ chế pháp lý cho đầu tư kinh doanh.
Các bạn đã đồng hành với chúng tôi trong suốt hơn 25 năm Đổi mới vừa qua. Hãy tiếp tục chung tay cùng chúng tôi trong giai đoạn hết sức then chốt hiện nay và sắp tới. Chúng tôi cần các bạn đóng góp xây dựng chính sách, đề xuất và cùng triển khai các biện pháp cụ thể trong nỗ lực trên.
Chúng tôi luôn lắng nghe những quan tâm của các bạn, đang và sẽ làm hết sức mình để tạo ra một môi trường thuận lợi, lành mạnh nhất để các bạn làm ăn, kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam.
Một Việt Nam tăng trưởng, thịnh vượng sẽ góp phần tạo nên sự năng động, thịnh vượng chung của khu vực.
Một Việt Nam tăng trưởng, thịnh vượng sẽ đem lại những lợi ích cho các bạn./
Đồng chí Lê Hồng Phong - tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng  (06/09/2012)
Chuyện cũ mới ở Đông Bắc Á  (06/09/2012)
Dịch “Kỷ yếu Hoàng Sa” sang tiếng nước ngoài  (06/09/2012)
Tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương  (06/09/2012)
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn  (06/09/2012)
Mít tinh kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong  (06/09/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển