Chuyện cũ mới ở Đông Bắc Á

Phan Lang
20:21, ngày 06-09-2012
TCCSĐT - Rất hiếm thấy có khi nào trong nhiều thập niên nay mà chuyện chính trị, an ninh lại cùng lúc trở nên thời sự trong các cặp quan hệ song phương ở Đông Bắc Á như trong thời gian vừa qua. Sẽ không quá lời khi nói rằng khu vực này đang là một trong những “điểm nóng” về an ninh - chính trị trên thế giới.
Ở đây có cả chuyện cũ lẫn chuyện mới, liên quan tới tất cả các đối tác trong khu vực và Mỹ. Căng thẳng leo thang và gay cấn gia tăng là các cuộc tranh chấp chủ quyền biển, đảo giữa Nhật Bản và Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc. Bế tắc giải pháp vẫn là tình trạng tồn tại trong vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Sự nghi ngại lẫn nhau chỉ gia tăng chứ không bớt đi trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cả chuyện tranh chấp chủ quyền biển, đảo giữa các bên trong khu vực lẫn vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đều cũ chứ không mới. Nó cản trở Nga và Nhật Bản ký kết hiệp ước hòa bình từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nó thỉnh thoảng lại bùng phát gây căng thẳng và rắc rối trong quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc. Nó rất nhạy cảm về chính trị nội bộ đối với tất cả các bên liên quan và luôn tạo cớ để những lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở đó khuyếch trương thanh thế. Nó là nguyên nhân của những cuộc tập trận quy mô lớn, bắn đạn thật, khẩu chiến, dọa dẫm và răn đe lẫn nhau nhằm thị uy, biểu diễn sức mạnh quân sự. Cả những chuyện liên quan đến quá khứ lịch sử chung giữa Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên cũng không hề mới. Chỉ có cách hành xử của các bên liên quan là luôn vừa cũ, vừa mới mà thôi.

Tương tự như vậy đối với mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và Triều Tiên. Xưa nay, Trung Quốc vẫn luôn là chỗ dựa và đồng minh gắn bó nhất của Triều Tiên. Còn Mỹ và Trung Quốc thuộc diện vừa buộc phải hợp tác với nhau lại vừa không thể không nghi ngại nhau, đối phó và kiềm chế nhau.

Cái mới ở Đông Bắc Á là các bên đồng thời gây sự và gây hấn, làm găng và bất chấp lẫn nhau. Chuyện cũ nhưng mức độ bất hòa thì lại rất mới. Các bên hiện chiếm đóng những quần đảo tranh chấp đều có những động thái mới về chính trị và hành chính để củng cố sự chiếm giữ quần đảo. Chẳng hạn như lần đầu tiên Tổng thống Hàn Quốc tới thăm quần đảo tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, Nga cũng tăng cường tiềm lực quân sự ở quần đảo tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản dự định mua lại ba hòn đảo trong quần đảo tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, tuyên bố sẵn sàng sử dụng quân đội để bảo vệ quần đảo cũng như lập kế hoạch đưa quân đội ra đồn trú thường xuyên trên quần đảo. Trung Quốc không hành xử được như thế ở biển Hoa Đông, nhưng cũng đã hành động tương tự ở Biển Đông. Cái mới là người hoặc tàu thuyền đánh cá của bên này xâm phạm vào khu vực những quần đảo hay vùng lãnh hải tranh chấp của bên kia. Cái mới là tất cả các bên đều tăng cường mạnh mẽ tiềm lực quân sự, đặc biệt về không quân và hải quân. Mỹ không chỉ tuyên bố chuyển ưu tiên chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà đã triển khai thực hiện rất mạnh mẽ, bắt đầu bố trí lại chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương và mới đây nhất là tuyên cáo ý định xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở khu vực nhằm đối phó với tên lửa của Triều Tiên, nhưng đồng thời cũng nhằm tạo thế bao vây và kiềm chế Trung Quốc.

Những cái mới trong các chuyện cũ ở khu vực báo hiệu cho thấy ba nét đáng được chú ý. Thứ nhất, các chuyện cũ đều được các bên sử dụng làm con bài trong cuộc chơi mới về chính trị an ninh ở khu vực, về chính trị nội bộ ở các bên và về ảnh hưởng chung ở khu vực. Vì thế, chúng đều có được giá trị và ý nghĩa mới. Thứ hai, hiện tại cũng như cả trong thời gian dài ở phía trước, những chuyện cũ này không có triển vọng được giải quyết, chuyện song phương sẽ không trở thành chuyện chung của cả khu vực và không được quốc tế hoá. Thứ ba, các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp sẽ còn găng với nhau nữa, tuy đối đầu và căng thẳng nhưng sẽ không để tình hình diễn biến vượt tầm kiểm soát và sẽ chẳng sử dụng quân sự để giải quyết những chuyện cũ này./.