Lối thoát nào cho Đô-ha?
Vòng đàm phán Đô-ha với mục tiêu giảm bất đồng giữa nước giàu và nước nghèo, đồng thời tạo cơ hội cho nước nghèo phát triển, đã không đạt được kết quả. Thực tế cho thấy, chủ nghĩa thực dân kinh tế vẫn đang tồn tại trên thế giới.
1 - Vài nét về vòng đàm phán Đô-ha
Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đúng vào lúc vòng đàm phán thứ nhất của WTO (nếu tính cả thời kỳ GATT là vòng thứ 9) được gọi là Nghị trình phát triển Đô-ha lâm vào bế tắc do bất đồng giữa các nước phát triển (chủ yếu là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản) với các nước đang phát triển, kém phát triển và giữa các nước phát triển với nhau (chủ yếu là Hoa Kỳ và EU).
Các bộ trưởng WTO khởi động vòng đàm phán Đô-ha từ ngày 10 đến 14-11-2001 tại thủ đô của Ca-ta, chỉ hai tháng sau sự kiện khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9. Ca-ta được chọn là vì lý do an ninh. Những ám ảnh về các cuộc biểu tình hằng năm, về việc bảy chục ngàn người phản đối hội nghị Xi-a-tơn cuối năm 1999 vẫn còn đậm nét. Và nóng hổi là vụ khủng bố "ngày 11-9-2001".
Vòng đàm phán Đô-ha được coi là sự cố gắng xích lại gần nhau hơn giữa hai thế giới giàu và nghèo, tạo thêm cơ hội cho các nước nghèo phát triển. Pa-xcan La-my, Cao ủy thương mại EU và Rô-bớt Dô-ê-lích, Đại diện thương mại Hoa Kỳ, cho rằng thắng lợi của Nghị trình phát triển Đô-ha - có nghĩa là những đề nghị của phương Tây trong đàm phán được chấp nhận - sẽ góp phần vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và chống nghèo đói, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến chủ nghĩa khủng bố. Làm thất bại cuộc đấu tranh này, theo họ, trên thực tế là đồng lõa với chủ nghĩa khủng bố. Nghe chẳng khác gì tuyên bố của Tổng thống G. Bu-sơ! Một điện tin của AFP ngày 1-10-2001 nêu nổi bật tuyên bố của P. La-my: "Vòng đàm phán thương mại mới sẽ giúp đánh bại chủ nghĩa khủng bố, nghèo đói". Mai-cơ Mu-rơ, tổng giám đốc WTO sau này nói rằng: "Không có ngày 11-9, Đô-ha sẽ có thể là một Xi-a-tơn thứ hai".
Hội nghị bộ trưởng các thành viên WTO là cơ quan tối cao của Tổ chức Thương mại quốc tế này, được tổ chức để xúc tiến các vòng đàm phán: lần thứ nhất ở Xin-ga-po (1996), lần thứ hai ở Giơ-ne-vơ (1998), lần thứ ba ở Xi-a-tơn - một địa danh nay đồng nghĩa với cuộc đấu tranh của các nước đang phát triển chống hệ thống thương mại bất công của chủ nghĩa tư bản. Tiếp đó là hội nghị Đô-ha lần thứ tư, sau Đô-ha là hội nghị Can-cun (2003), rồi hội nghị Hồng Công (2005); ngoài ra còn có thêm các hội nghị bộ trưởng thu hẹp: Giơ-ne-vơ (2004 và 2006) nhằm thúc đẩy vòng đàm phán Đô-ha. Tuy nhiên, vẫn không đạt được thỏa thuận giảm trợ cấp nông nghiệp và hạ mức thuế quan, khiến P. La-my và Tổng giám đốc WTO, phải chính thức đình chỉ vô thời hạn vòng đàm phán Đô-ha vào ngày 24-7-2006.
Đây không phải lần đầu một vòng đàm phán WTO bị đình hoãn. Các cuộc thương thảo trong tổ chức thương mại này rất phức tạp, đụng chạm đến quyền lợi của các thành viên mà những thành viên này lại có quyền phủ quyết (hầu như không xảy ra bởi lo ngại hậu quả). Ví dụ như vòng đàm phán U-ru-guay, bắt đầu từ năm 1986 dẫn tới thay thế GATT bằng WTO vào tháng 1-1995, tuy không có tuyên bố đình hoãn chính thức như vòng đàm phán Đô- ha, cũng đã từng lâm vào bế tắc suốt một năm (1990) do mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và EU. Nếu lấy ngày 1-1-2005 làm hạn chót thì vòng đàm phán Đô-ha đã trễ hai năm bốn tháng (tính đến tháng 4-2007).
2 - Vì sao vòng đàm phán Đô-ha lại khó kết thúc?
Vấn đề gây nhiều tranh cãi và cũng gây nên sự đổ vỡ là nông nghiệp. Nông nghiệp chiếm chưa tới 2% GDP của 30 nước trong nhóm OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế). Nền nông nghiệp Pháp, dường như có quy mô nhất khối, cũng chỉ chiếm 4% lực lượng lao động cả nước và chỉ đóng góp cho thu nhập quốc dân 3%. Các chủ hộ nông nghiệp hoặc chủ các trang trại lớn của 30 nước OECD nhận được trợ cấp dưới mọi hình thức, lên đến 283 tỉ USD năm 2005, chiếm 29% thu nhập về nghề nông và tương đương với 1,1% GDP của các nước này. Trong khi đó, viện trợ ODA của các nước OECD cho các nước đang phát triển là 80 tỉ USD. Viện trợ song phương năm 2001 của các nước OECD cho nông dân các nước đang phát triển chỉ có 3 tỉ USD.
Nước có chính sách bảo hộ nông nghiệp và nông dân mạnh nhất là Thụy Sĩ. Năm 2005, hỗ trợ của chính phủ dưới nhiều hình thức chiếm tới 68% thu nhập của nông dân nước này. Trong khi đó, hỗ trợ của Na Uy là 64%; Hàn Quốc: 63%; Nhật Bản: 56%; các nước EU: 32%. Một nghiên cứu của OECD thừa nhận, phần lớn sự hỗ trợ đó, được che đậy bằng các hình thức trợ giá các sản phẩm nông nghiệp, bao gồm thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển, trợ cấp xuất khẩu, trợ cấp sản xuất nội địa, "đã làm biến dạng nghiêm trọng sản xuất, thị trường và thương mại". Tuy nhiên, những người được hưởng lợi không phải là người nông dân mà là chủ các nông trại lớn. Ví dụ, công ty Fayrefield Foods của Anh trong hai năm 2004 và 2005 được trợ cấp tới 40,7 triệu USD. ở Hoa Kỳ, 90% tiền trợ cấp rơi vào tay 25% chủ trang trại lớn, thường là các nông doanh đại quy mô; với EU, tỷ lệ này là 70%.
Các nước OECD thống trị việc mua bán nông phẩm thế giới với 70% xuất khẩu và 75% nhập khẩu, so với 1% xuất khẩu và nhập khẩu của tất cả các nước kém phát triển (LDC). Tuy giá lương thực tại trang trại các nước phát triển cao hơn giá thương mại quốc tế khoảng 30%, nhưng nhờ có trợ cấp nên vẫn được xuất khẩu với giá thấp (bán phá giá) vào thị trường các nước đang phát triển. Nhờ đó, tại phần lớn các nước OECD, thu nhập của các hộ nông nghiệp cao hơn bình quân các hộ khác. Đây chính là nguyên nhân gây nên bất đồng khó giải quyết giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Tại sao chính phủ các nước phương Bắc lại khư khư bảo hộ nông nghiệp và trợ cấp nhiều đến vậy? Tại sao nông nghiệp chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ bé trong GDP lại chi phối chính sách của các chính phủ phương Bắc đến thế? Một phần là do tầm quan trọng của lương thực. Một quốc gia như Nhật Bản, cả nước chỉ có khoảng 6 triệu héc-ta đất canh tác nông nghiệp, nhưng vẫn kiên định chính sách sản xuất 10 triệu tấn gạo dù giá thành cao gấp 5 - 10 lần nước ngoài, và chỉ cho nhập một hạn ngạch gần 700.000 tấn, tương đương 7% mức tiêu thụ. Dự trữ chiến lược của nước này luôn bảo đảm an ninh thóc gạo tương đương một vụ thu hoạch. Anh có các nhóm vận động hành lang rất mạnh, có ảnh hưởng rất lớn trong chính phủ như Liên hiệp các chủ trang trại toàn quốc, Liên minh nông thôn. Theo Viện phát triển hải ngoại Luân-đôn, trong thực tế, lợi nhuận do nông nghiệp mang lại không đáng kể so với thương mại dịch vụ và thương mại hàng hóa. Thương mại nông nghiệp chỉ chiếm xấp xỉ 8% thương mại thế giới. Theo báo cáo của Liên minh các ngành dịch vụ (tháng 7-2006), tự do hóa khu vực dịch vụ có thể mang lại cho phúc lợi toàn cầu 1.700 tỉ USD, gấp đôi lợi nhuận tiềm năng của thương mại hàng hóa và gấp 31 lần so với tự do hóa nông nghiệp.
Giải thích về khó khăn của vòng đàm phán Đô-ha, P. La-my nói: "Tháng 7 năm ngoái, sau khi tham khảo các chính phủ thành viên, tôi đã đề nghị đình hoãn tạm thời các cuộc thương thảo để các thành viên có thời gian suy nghĩ và hiệu chỉnh lập trường của mình. Tại sao nông nghiệp chỉ chiếm chưa đến 8% thương mại thế giới lại có thể khiến toàn bộ nghị trình của vòng Đô-ha phải đình đốn? Câu trả lời giản đơn là: Vì sản xuất lương thực vẫn là lĩnh vực rất nhạy cảm đối với tất cả các nước, giàu cũng như nghèo; và bởi vì nếu khuynh hướng bất lợi cho các nước đang phát triển không được giải quyết thỏa đáng. Có nghĩa là các nước giàu phải giảm trợ cấp nông nghiệp thực sự cũng như phải giảm thuế quan đánh vào nông phẩm nhằm tạo ra một sự cải thiện đáng kể cho việc tiếp cận thị trường"(1).
3 - Chủ nghĩa thực dân kinh tế
Trong thập kỷ WTO (tính từ ngày 1-1-1995, ngày WTO ra đời), điều kiện kinh tế của đa số nước trên thế giới xấu đi. Số người và tỷ lệ phần trăm sống dưới 1 USD/ngày (mức đói nghèo cùng cực do Ngân hàng thế giới xác định) tăng lên ở các nước nam phần Xa-ha-ra châu Phi và Trung Đông. Đồng thời, số người sống dưới mức đói nghèo 2 USD/ngày cũng tăng lên ở các khu vực đó, cũng như ở Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê. Tỷ lệ tăng trưởng ở các khu vực đó giảm mạnh kể từ khi áp dụng chính sách tự do mới cả gói.
Những con số nói lên sự thật. Từ năm 1960 đến năm 1980 ở Mỹ La-tinh, thu nhập bình quân tăng 82%, nhưng từ 1980 đến 2000 chỉ tăng có 9% và từ 2000 đến 2005 chỉ tăng 4%(2). Tương tự, ở châu Phi, thu nhập bình quân tăng 40% từ năm 1960 đến năm 1980, nhưng giảm hơn 10% từ 1980 đến 1998(3). Đói nghèo cũng gia tăng ở Nam Á, trừ Trung Quốc, nhưng nước này chỉ mới gia nhập WTO từ năm 2001. Ngay đối với quốc gia sáng lập WTO là Hoa Kỳ, tổ chức thương mại này cũng chủ yếu mang lại lợi ích cho tầng lớp trên. Trong kỷ nguyên WTO, thâm hụt thương mại Hoa Kỳ đã lên đến mức lịch sử, từ 130 tỉ USD (theo giá hiện nay) năm 1994 lên đến 717 tỉ USD năm 2005, gần bằng 6% thu nhập quốc dân. Do tăng nhập khẩu, Hoa Kỳ mất gần 1/6 việc làm trong ngành chế tạo. Năng suất lao động tăng 82% từ năm 1970, nhưng lương hầu như không tăng, khiến cho mức sống của gần 70% số người không có bằng đại học bị giảm sút. Từ năm 1995 đến năm 2003, 226.695 tiểu nông và nông trại hộ gia đình bị các nông doanh đại quy mô đẩy vào cảnh phá sản (4).
Ngân hàng thế giới từ chỗ lạc quan rằng, Nghị trình phát triển Đô-ha sẽ mang lại 832 tỉ USD cho thế giới vào năm 2015, nay tính lại thì chỉ có 96 tỉ USD, nghĩa là chỉ tăng 0,23% GDP của thế giới. Nói cách khác, chỉ khoảng 4 cent (4% USD) cho mỗi người trên thế giới(5).
Một nghiên cứu gần đây của cơ quan Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) tính toán rằng, thu nhập của các nước đang phát triển theo Đô-ha sẽ mất từ 32 tỉ USD đến 63 tỉ USD mỗi năm. Theo nghiên cứu của Action Aid, với thỏa thuận giữa các nước G6, mỗi năm Bra-xin sẽ được lợi 3,6 tỉ USD nhờ tăng được xuất khẩu theo kịch bản Đô-ha, nhưng sẽ mất 3,1 tỉ USD do phải hạ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm chế tạo, thêm vào đó là 530 triệu USD do phải tuân thủ các hiệp định về quyền tài sản trí tuệ và 30 triệu USD chi phí thực thi các hiệp định WTO. Nghị trình Đô-ha sẽ khiến cho thu nhập của các nước đang phát triển bị giảm ít nhất 30,4 tỉ USD mỗi năm.
(2) Tổng quan kinh tế thế giới (IMF, tháng 4-2006), Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách
(3) Báo cáo phát triển nhân lực (Liên hợp quốc, 1998 và 2000), Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách
(4) Báo cáo của Ngân hàng thế giới (1-11-2005)
(5) Lori Wallach và Deborah James: Tại sao vòng Đô-ha sụp đổ, Common dreams (14-8-2006)
Ba mươi năm quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào (1977-2007)  (17/07/2007)
An Giang 20 năm xây dựng và phát triển  (17/07/2007)
Kết quả bước đầu trong công tác cải cách hành chính ở Thành phố Đà Nẵng  (17/07/2007)
Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực tiễn công bằng xã hội: động lực giảm nghèo ở Việt Nam  (17/07/2007)
Một số vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng  (17/07/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên