Theo Báo cáo của các nhà tài trợ "Phát triển Việt Nam năm 2004: Nghèo khổ", Việt Nam đã đạt được "những thành tựu đáng kể" về xóa đói, giảm nghèo, và, "những thành tựu này được đánh giá là một trong những câu chuyện thành công nhất trong phát triển kinh tế". Kết luận này dựa trên một thực tế, từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong giảm nhanh tỷ lệ nghèo khổ ở cả thành thị và nông thôn. Tỷ lệ người nghèo đã giảm từ trên 70% vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước xuống dưới 10% vào năm 2005. Điều đó có nghĩa là hàng triệu người dân Việt Nam đã thoát khỏi cảnh nghèo khổ trong gần 2 thập kỷ qua.

Tại Hội nghị Liên hợp quốc ngày 11-11-2006, Việt Nam tuyên bố hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa nghèo trước 10 năm so với thời hạn: năm 2015. Trong giai đoạn 1993 - 2004, Việt Nam đã giảm được 60% tỷ lệ nghèo khổ, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe miễn phí cho 88% người nghèo, hoàn thành giáo dục tiểu học cho tất cả mọi người dân và 50% giáo dục trung học cho người dân thuộc 61 tỉnh thành trên cả nước, xây dựng 400.000 căn hộ mới cho người nghèo, xóa bỏ tất cả những căn nhà tạm ở 2.000 thôn, xóm và 5 tỉnh.

Giảm nghèo ở Việt Nam phản ánh cả trên bình diện gia tăng chi tiêu đầu người trong hộ gia đình và tăng thu nhập đầu người nhờ có thành tựu của 20 năm đổi mới (1986 - 2006). Những số liệu điều tra trong giai đoạn 1993 - 1998 cho thấy, chi tiêu bình quân đầu người trong hộ gia đình tăng 41%, chứng tỏ có một sự cải thiện đáng kể mức sống của người dân nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 7,2%, một tốc độ tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng dân số 1,6%/năm, dẫn đến tăng thu nhập bình quân đầu người khoảng 5,6%/năm. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng nhanh từ 98 USD năm 1990 lên 729 USD năm 2006 tính theo giá hiện hành và tăng cao gấp hơn 7 lần trong khoảng thời gian trên. Vấn đề đặt ra là: Tại sao Việt Nam đã giải quyết tốt vấn đề nghèo đói trong một giai đoạn ngắn như vậy?

Có bốn lý do để lý giải điều này. Thứ nhất, Việt Nam đã xác định xóa đói, giảm nghèo là một trong những ưu tiên hàng đầu trong mọi chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển của quốc gia. Thứ hai, xóa đói, giảm nghèo được thực hiện thông qua phương pháp lồng ghép. Thứ ba, mở rộng thương mại thông qua tăng tính thị trường hóa, thương mại hóa và đa dạng hóa trong suốt quá trình đổi mới và xây dựng nền kinh tế thị trường. Và thứ tư, thực hiện xóa nghèo thông qua sự tham gia của đông đảo các chủ thể khác nhau. Bốn yếu tố trên được đánh giá là những kinh nghiệm giảm nghèo chủ yếu ở Việt Nam.

1 - Xóa đói, giảm nghèo - ưu tiên hàng đầu trong mọi chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển quốc gia

Một trong những đặc trưng dễ phân biệt của Việt Nam trong chính sách xóa đói, giảm nghèo là xác định vai trò quan trọng của việc xóa đói, giảm nghèo trong tất cả các chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển quốc gia. Từ khi đổi mới, thông qua các kế hoạch 5 năm, Việt Nam đã đề ra các chiến lược và chính sách phát triển quốc gia, bao gồm: Chiến lược phát triển tổng thể kinh tế - xã hội giai đoạn 1990 - 2000, Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo năm 2001, Chiến lược công nghiệp hóa từ năm 2001. Trong tất cả các chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển quốc gia đó, xóa đói, giảm nghèo luôn được ưu tiên hàng đầu. Lý do cơ bản là Việt Nam đã quyết tâm thực hiện xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện một chính sách không chỉ nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế cao mà còn nhằm phát triển xã hội công bằng, hay nói cách khác là một chính sách tăng trưởng đi đôi với thực hiện công bằng xã hội. Thực hiện chính sách này, Việt Nam đã sử dụng thành tựu tăng trưởng kinh tế cao như một công cụ để hỗ trợ cho những người nghèo gia tăng thu nhập, phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn - nơi phần lớn người nghèo đang sinh sống. Vì vậy, ở một đất nước nghèo như Việt Nam, xóa đói, giảm nghèo được xác định là một biện pháp quan trọng nhất để đạt được mục tiêu công bằng xã hội.

Nghèo khổ là một vấn đề lớn, một gánh nặng cho nền kinh tế và xã hội, nhưng mặt khác, cũng là một tiềm năng lớn cho phát triển nếu hiểu theo khía cạnh nó có thể trở thành một thị trường tiêu dùng lớn khi thu nhập gia tăng, hoặc có thể là một nhân tố sản xuất lớn khi lực lượng lao động rẻ được huy động cho mục đích phát triển. Ở Việt Nam, xóa đói, giảm nghèo đã đạt được thành tựu trong cả hai mục tiêu này: giảm gánh nặng ngân sách và phát triển những nhân tố sản xuất tiềm năng. Mục tiêu chủ yếu của xóa đói, giảm nghèo, vì vậy, không chỉ đơn giản là hỗ trợ người nghèo thông qua các biện pháp hỗ trợ vật chất như viện trợ lương thực hay từ thiện trong các trường hợp khẩn cấp và quan trọng, bởi các nguyên nhân gây ra đói nghèo là rất khác nhau. Phân tích kết quả nghiên cứu, điều tra ở Việt Nam cho thấy những nguyên nhân chủ yếu gây ra đói nghèo là:

- Ở cấp độ quốc gia, đói nghèo là hệ quả của những vấn đề cơ bản như: trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập và tài sản.

- Ở cấp độ hộ gia đình, đói nghèo là do (1) Thiếu nguồn lực và kỹ năng (đất đai, lao động, vốn, kinh nghiệm); (2) Thiếu giáo dục; (3) Thói quen xấu như cờ bạc, nghiện hút, lười biếng...; (4) Đông con hoặc có nhiều người sống phụ thuộc; (5) Thiếu năng lực áp dụng công nghệ sản xuất mới; (6) Sức khỏe kém, bệnh tật, già cả hoặc thương tật; (7) Dịch, bệnh tật như sốt rét, HIV/AIDS và các bệnh tật khác; (8) Tác động bất lợi của chính sách hoặc sự thay đổi chính sách dẫn đến mất mát, thiệt hại (như lạm phát cao, khủng hoảng tài chính - tiền tệ do các chính sách tự do hóa, "giá cả ưu đãi" có lợi cho nhóm người này, nhưng bất lợi cho nhóm người khác; (9) Những rủi ro do điều kiện tự nhiên dẫn đến mất mùa hoặc phá hủy tài nguyên; và (10) Bất bình đẳng giới.

Để giải quyết những vấn đề trên, phương pháp tốt nhất và quan trọng là hỗ trợ cho những nỗ lực của chính bản thân người nghèo để họ tự khắc phục các nguyên nhân gây ra nghèo khổ cho họ. Đó chính là kinh nghiệm của Việt Nam.

2 - Phương pháp lồng ghép

Những năm gần đây, ở các nước đang phát triển, xóa đói, giảm nghèo thường được tiến hành thông qua các chương trình mục tiêu. Những chương trình này thường không kết hợp với các chương trình khác, trong khi trên thực tế, các chương trình đó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và đòi hỏi một phương pháp lồng ghép. Ở Việt Nam, phương pháp lồng ghép đã trở thành giải pháp hữu hiệu nhất để xóa đói, giảm nghèo.

Bằng phương pháp này, các chương trình xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam được lồng ghép với các chương trình kinh tế và xã hội khác, bao gồm các chính sách ổn định chính trị và kinh tế, đặc biệt là giảm lạm phát từ 800% xuống mức 1 con số trong vòng 1 thập kỷ từ năm 1980 đến năm 1990 và duy trì cho đến hiện nay; cải cách sở hữu đất đai (trong thập kỷ 60 và 90 của thế kỷ XX); tạo việc làm, phát triển giáo dục, kế hoạch hóa dân số và gia đình; phân phối thu nhập tương đối bình đẳng; chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ, chăm sóc sức khỏe, hạn chế bệnh tật (HIV/AIDS và các bệnh khác); bảo vệ môi trường; cải thiện khả năng quản lý giảm nghèo, bình đẳng giữa các dân tộc; phát triển kết cấu hạ tầng; kết hợp phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn, cung cấp tín dụng vi mô...

Chính sách tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, thể hiện chủ yếu qua Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo, đã kết hợp tốt giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã tận dụng được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao khoảng 7% - 8%/năm trong suốt giai đoạn đổi mới và tăng thu nhập quốc dân để làm công cụ hữu hiệu cung cấp những dịch vụ công cộng cho người nghèo thông qua các phương pháp chuyển giao như: cung cấp tín dụng, tăng quỹ đầu tư giáo dục và chăm sóc sức khỏe, các chương trình tái tạo rừng, xây dựng đường sá, trường học, nguồn nước sạch và các kết cấu hạ tầng khác. Trong giai đoạn 1993 - 1998, cứ 1% tăng trưởng GDP bình quân đầu người đã làm giảm nghèo khoảng 1,3%, và trong giai đoạn 1998 - 2002 làm giảm nghèo 1,2%. So với các nước khác, tỷ lệ này ở Việt Nam có chiều hướng cao hơn.

Một trong những tiến bộ đáng kể nhất ở Việt Nam là mở rộng giáo dục đào tạo trong thời gian qua, trong đó người nghèo chỉ phải chi trả 1/7 chi phí giáo dục trong những năm gần đây. Tỷ lệ nhập học tiểu học ở Việt Nam rất cao, chiếm trên 90% trong tổng số trẻ em trong độ tuổi đến trường, ngoại trừ một số dân tộc thiểu số hoặc nhóm người cực nghèo và ở vùng sâu, heo hút. Ở bậc học trung học cơ sở, việc mở rộng tỷ lệ nhập học trong thập kỷ qua cũng rất ngoạn mục. Những năm gần đây, cùng với việc gia tăng thu nhập cho người dân, đầu tư cho giáo dục mang tính xã hội hóa hơn, có sự đóng góp lớn hơn từ người dân, trong khi đó ngân sách của nhà nước giành cho giáo dục không những không hề giảm, mà còn tiếp tục tăng lên.

Ngành y tế và chăm sóc sức khỏe cũng đạt được những kết quả to lớn nhờ tăng trưởng kinh tế cao. Việc cung cấp thẻ bảo hiểm y tế, cho phép người nghèo được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chi phí thấp và việc cải thiện hệ thống phân phối thông qua quỹ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo đã đem lại những tác động tích cực cho người nghèo. Việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam những năm gần đây đã giúp mở rộng phạm vi tiếp cận tín dụng cho người nghèo. Với những nỗ lực trên, bệnh tật đã được kiểm soát trên diện rộng, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng từ 50 tuổi trong thập kỷ 60 lên 70 tuổi những năm gần đây. Thành tựu này cho thấy ngành y tế và chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đã hoạt động tốt hơn một số nước đang phát triển có cùng trình độ phát triển nhưng lại có điều kiện sống kém hơn và tuổi thọ bình quân thấp hơn.

3 - Tăng tính thị trường hóa, thương mại hóa và đa dạng hóa

Việc đa dạng hóa các sản phẩm, mùa vụ và nghề nghiệp đã trở thành một nguồn lực quan trọng làm gia tăng thu nhập và giúp nông dân thoát khỏi đói nghèo. Thông qua chính sách đổi mới, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đã phát triển, các hộ gia đình cũng hướng các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình vào thị trường nhiều hơn. Tỷ lệ các sản phẩm của họ bán ra thị trường trong tổng sản lượng sản xuất của mỗi hộ gia đình đã tăng từ 40% năm 1993 lên 70% năm 2002. Khi sản xuất có xu hướng gia tăng, việc hướng về thị trường của các hộ gia đình đã góp phần cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng cho người dân.

Tăng tính đa dạng hóa và thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp, nhìn chung, đã giúp người dân có thu nhập cao hơn, dần dần đưa họ ra khỏi danh sách những người nghèo, giảm mức rủi ro trước những cú "sốc" thị trường.

Thị trường hóa nền kinh tế quốc dân có mối quan hệ chặt chẽ với phát triển thương mại quốc tế - một công cụ được sử dụng để thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa lao động kỹ năng và không kỹ năng, chuyên môn hóa sản xuất hàng hóa trên cơ sở những lợi thế so sánh sẵn có, đặc biệt là trong các sản phẩm sử dụng nhiều lao động. Với việc tập trung phát triển công nghiệp nhẹ, sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới đã làm bùng nổ nhu cầu lao động không kỹ năng, vì vậy làm tăng thu nhập, đặc biệt trong nhóm phụ nữ trẻ không có kỹ năng - những người hưởng lợi ích chủ yếu do phát triển các ngành công nghiệp may mặc và giày dép.

Thành tựu tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng đã giúp Việt Nam duy trì được tỷ giá hối đoái linh hoạt và tỷ lệ lạm phát thấp khoảng 5% - 7%/năm, thâm hụt ngân sách khiêm tốn, nợ nước ngoài được ổn định và những tiến bộ trong tự do hóa thương mại quốc tế, giúp Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia trong tiến trình nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới. Một trong những chỉ số cơ bản thể hiện sự mở cửa của nền kinh tế Việt Nam là tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP đã tăng nhanh trong 20 năm đổi mới, từ 10% GDP trong những năm 80 của thế kỷ trước lên trên 140% GDP năm 2005 và 2006. Là thành viên của ASEAN năm 1995, ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ năm 2001, tham gia tích cực vào APEC, đặc biệt là việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 14 tại Hà Nội vào tháng 11-2006 với mục đích góp phần xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương thành một cộng đồng năng động vì sự phát triển ổn định và thịnh vượng, và, gần đây nhất là trở thành thành viên chính thức của WTO vào tháng 1-2007 sau 11 năm đàm phán... đã giúp các hoạt động thương mại của Việt Nam ngày càng được mở rộng.

Cùng với việc mở rộng thương mại, từ khi Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài được ban hành năm 1987, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng đáng kể, từ con số 0 năm 1987 lên hơn 10 tỉ USD năm 2006, ngoại trừ một số năm suy giảm như 1997 - 1998 do bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á. Phát triển thương mại và FDI đã góp phần rất lớn vào tạo việc làm, tăng thu nhập, đặc biệt trong những ngành nông nghiệp mang tính thương mại và những ngành công nghiệp tập trung nhiều lao động, vì thế đã góp phần tích cực nhanh chóng giảm tỷ lệ nghèo ở Việt Nam.

Cùng với sự phát triển thương mại quốc tế và đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thành công trong việc thương mại hóa các hàng hóa có lợi thế so sánh cao, đặc biệt là các hàng hóa liên quan đến nông nghiệp, công nghiệp sử dụng nhiều lao động, các sản phẩm tập trung nhiều tài nguyên thiên nhiên. Nổi bật nhất là trong quá trình phát triển ngoại thương, Việt Nam không những đã tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung, mà còn đa dạng hóa và tăng số lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, từ chỗ không có mặt hàng nào đạt 1 tỉ USD/năm vào đầu thập niên 1980, thì đến năm 2006 đã có 9 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD mỗi mặt hàng, bao gồm: dầu thô (8,3 tỉ), dệt may (5,8 tỉ), giày dép (3,6 tỉ), thủy sản (3,4 tỉ), sản phẩm gỗ (1,9 tỉ), hàng điện tử, máy tính (1,8 tỉ) gạo (1,3 tỉ), cao su (1,3 tỉ) và cà phê (1,1 tỉ). Những hàng hóa xuất khẩu chủ lực này đã góp phần quan trọng giúp đất nước đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao khoảng 20%/năm, từ đó trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm, giảm mạnh nghèo đói.

Nguồn thu từ lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, từ kiều bào gửi về hỗ trợ cho gia đình họ ở trong nước và đầu tư về Tổ quốc, góp phần trực tiếp vào thu nhập của các hộ gia đình, giúp họ tăng thu nhập và giảm nghèo.

4 - Sự tham gia của đông đảo các chủ thể khác nhau

Ở Việt Nam, có một hình thức được tiếp nhận rộng rãi là xã hội hóa một số các hoạt động nhất định như: xã hội hóa giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Điều đó có nghĩa là: huy động các nguồn lực, sự ủng hộ, hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm Nhà nước, tư nhân, các tổ chức xã hội, các nhà tài trợ và các thành phần khác cùng tham gia gánh vác những trách nhiệm nhất định của quốc gia và xã hội. Xóa đói, giảm nghèo là một vấn đề lớn của sự phát triển, nên nó đòi hỏi sự tham gia và đóng góp của tất cả các ngành và các tầng lớp xã hội, từ cấp độ quốc gia đến những người dân bình thường.

Chương trình cải cách hành chính công đã thiết lập một hệ thống cải thiện phân phối dịch vụ cho người nghèo. Với mô hình "một cửa" áp dụng cho 2/3 trong tổng số 61 tỉnh, thành trên cả nước (nay là 64), và quá trình phi tập trung hóa đang dẫn đến sự thay đổi thể chế và cải thiện tính minh bạch trong việc giải quyết các vấn đề cho người nghèo, Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện chiến lược bình đẳng, hòa nhập xã hội và tăng trưởng kinh tế.

Chuyển giao ngân sách ưu đãi cho các tỉnh nghèo và thành lập các quỹ chăm sóc sức khỏe cấp tỉnh cho người nghèo trong những năm gần đây là những bước đi quan trọng để xóa đói, giảm nghèo, mặc dù ưu đãi đầu tư sản xuất cho các tỉnh và các vùng giàu hơn sẽ đem lại lợi ích kinh tế lớn hơn lợi ích xã hội.

Được sự hỗ trợ giúp đỡ của Chính phủ, các hộ gia đình nghèo ở Việt Nam đã tiếp cận được với nhiều nguồn tín dụng khác nhau, cả tín dụng chính thức và phi chính thức, trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam. Hơn nữa, một số cơ chế cho vay - tiết kiệm cũng được thành lập, với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ địa phương. Hàng loạt các tổ chức như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Thanh niên Việt Nam, cũng như ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp quận cũng tham gia vào các chương trình tín dụng vi mô ở cấp địa phương, chủ yếu thông qua việc phát triển và cấp giấy chứng nhận cho những tổ chức tín dụng. Một số các tổ chức địa phương, như Hội Phụ nữ đã tiến hành các hoạt động tín dụng và tiết kiệm. Gần đây, có khoảng 60 tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực tín dụng vi mô ở Việt Nam. Các nguồn tín dụng chính thức và phi chính thức ngày càng phát triển về số lượng và đa dạng về hình thức. Nhờ đó, khoảng 3/4 số hộ gia đình được cấp tín dụng vi mô ở hình thức này hay hình thức khác, và số hộ gia đình có thu nhập thấp đã được vay vốn tín dụng chiếm 61% trong năm 2001. Tín dụng vi mô có mặt ở trong hầu hết các trường hợp "thiếu vốn" của hộ gia đình, giúp họ có thêm cơ hội để trở thành tầng lớp có mức thu nhập trung lưu.

Ở Việt Nam, phần lớn dân số đang ở trong độ tuổi lao động, tỷ lệ tham gia thị trường lao động đạt loại cao nhất thế giới. Hiện nay, khu vực tư nhân chính thức thu hút khoảng 3 triệu việc làm, ngoài ra còn rất nhiều việc làm được thu hút vào làm việc trong khu vực tư nhân phi chính thức. Trong 4 năm qua, tỷ lệ người dân làm việc trên đồng ruộng giảm từ 2/3 xuống còn dưới 1/2, cho thấy tốc độ tìm việc làm công ăn lương đã tăng nhanh từ 19% trong 4 năm trước lên trên 30% trong những năm gần đây.

Cùng với quyết tâm và tính tích cực của Nhà nước và người dân Việt Nam, các nhà tài trợ nước ngoài, bao gồm các tổ chức phi chính phủ và các công ty nước ngoài cũng đóng góp tích cực vào chương trình giảm nghèo của Việt Nam. Nhiều dự án ODA, FDI và các dự án của các tổ chức phi chính phủ đã được ký kết nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

5 - Cần những nỗ lực lớn hơn

Mặc dù công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã khá thành công ở Việt Nam, nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn là một vấn đề lớn. Các con số thống kê cho thấy trong giai đoạn 1996 - 2003, khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm giàu và nghèo đã tăng từ 7,3 lần lên 8,7 lần. Giữa 5 nhóm người giàu và nghèo, bất bình đẳng có xu hướng gia tăng, trong đó tỷ lệ chi tiêu của 80% dân số thuộc diện nghèo nhất giảm nhẹ theo thời gian, còn của nhóm người giàu nhất thì có xu hướng tăng. Giàu nghèo thể hiện rõ nhất giữa thành thị và nông thôn ở Việt Nam. 80% dân số Việt Nam vẫn sống ở nông thôn, trong khi 20% dân số giàu nhất lại sống ở thành thị.

Bên cạnh những thành quả đạt được, có ít nhất 4 nhóm người đã, đang và có thể sẽ bị thua thiệt từ cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay. Thứ nhất, tự do hóa thương mại có thể dẫn đến giảm việc làm trong các ngành trước đó được bảo hộ, ảnh hưởng đến đời sống của công nhân phụ trợ cho các ngành đó, bao gồm công nhân trong các ngành công nghiệp nông thôn. Thứ hai, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo hướng thương mại hóa các hàng hóa nông nghiệp như cà phê, có thể dẫn đến sự thay đổi các hợp đồng cung cấp của nông dân cho các doanh nghiệp đó. Những hợp đồng này hiện nay đang được "bảo hiểm", nhờ ổn định giá cả ngay cả trong trường hợp "xấu". Việc đưa giá cả hàng hóa trong nước đang tiến dần tới giá cả quốc tế có thể tăng tính hiệu quả, nhưng có thể tác động xấu đến đời sống của các hộ gia đình nông thôn. Thứ ba, quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước đang có xu hướng làm giảm bớt lao động, khiến các doanh nghiệp phải chú ý đến việc sắp xếp lại đội ngũ lao động đang dư thừa. Thứ tư, những thay đổi giá cả thế giới, giảm trợ cấp, hạn chế đầu tư của các công ty nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định, hoạt động chống bán phá giá không công bằng do Mỹ, EU và các nước khác áp đặt... có thể dẫn đến tình trạng tăng thất nghiệp trong các ngành như dệt may, giày, dịch vụ, ngư nghiệp, cà phê và một số ngành khác.

Dựa trên tiêu chí người nghèo ở mức 1 USD/người/ngày, tỷ lệ nghèo khổ ở Việt Nam đã giảm 4/5 trong giai đoạn 1990 - 2004, nghĩa là dưới 10%; nhưng nếu xét theo tiêu chí 2 USD/người/ngày thì tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam vẫn cao ở mức 21,8% năm 2005. Một thực tế là, mặc dù phần lớn người dân Việt Nam không còn phải sống dưới mức nhu cầu tối thiểu về lương thực, quần áo, nhà ở, nhưng họ vẫn là những người nghèo tương đối, chưa được hưởng đầy đủ những nhu cầu cơ bản như giáo dục và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Những vấn đề trên cho thấy, ngay cả khi Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong xóa đói, giảm nghèo, vẫn cần phải có những nỗ lực hơn nữa nhằm đấu tranh, giảm và xóa bỏ đói nghèo để hoàn thành những mục tiêu đã cam kết, xây dựng một xã hội giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.

Trong những nỗ lực đó, việc hoạch định các chính sách mới có thể sẽ giúp Việt Nam, cũng như các nước đang phát triển khác, phát triển hơn nữa nền nông nghiệp, kết hợp với xóa đói, giảm nghèo, có nghĩa là xây dựng Tổ hợp kinh doanh nông nghiệp thông qua mô hình liên kết 3 khâu trong "chuỗi các giá trị" của phát triển nông nghiệp, bao gồm: sản xuất, chế tạo, thị trường.

Xây dựng Tổ hợp kinh doanh nông nghiệp là một cuộc cách mạng mới, cuộc cách mạng xanh lần thứ hai trong nông nghiệp. Giải pháp này nếu được thực hiện tốt, chắc chắn sẽ đóng góp tích cực hơn nữa vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam, cũng như ở các nước đang phát triển khác.