ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI X CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Lê Hồng Anh - Phát huy truyền thống 64 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an nhân dân nguyện cống hiến hết mình bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội

Ra đời trong bão táp cách mạng, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam được Đảng tổ chức và trực tiếp lãnh đạo. Trải qua 64 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ Công an nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã góp phần xứng đáng vào những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước thời cơ và thách thức của sự nghiệp đổi mới, lực lượng Công an nhân dân nguyện cống hiến hết mình vì sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và góp phần quan trọng tạo nên những thành quả của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng.

Phương Minh Hòa - Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ trong tình hình hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thiết thực vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Chỉ thị của Bộ Chính trị về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Lê Thế Tiệm - Tăng cường hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế

Những năm gần đây, tình hình tội phạm xuyên quốc gia trên thế giới và trong khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, tội phạm lừa đảo, tội phạm ma túy và tội phạm khủng bố. Để phòng, chống các tội phạm này đòi hỏi phải tăng cường hợp tác quốc tế ngày càng cụ thể và sâu rộng hơn.

HỘI THẢO KHOA HỌC - THỰC TIỄN

*** Tác động của biến đổi cơ cấu xã hội đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn các tỉnh phía Nam trong thời kỳ đổi mới

Ngày 6-7-2009, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ và Viện Khoa học - kỹ thuật nông nghiệp miền Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tác động của biến đổi cơ cấu xã hội đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn các tỉnh phía Nam trong thời kỳ đổi mới”. Mục đích của Hội thảo nhằm làm rõ những biến đổi cơ cấu trong xã hội nông thôn các tỉnh phía Nam sau gần 25 năm đổi mới và những tác động của sự biến đổi đó đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở đây, qua đó đưa ra các khuyến nghị, các chính sách phù hợp.

Tham dự Hội thảo có 130 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các viện, trung tâm nghiên cứu; các tỉnh, thành phố phía Nam…

Với trên 40 bản tham luận, cùng nhiều ý kiến trao đổi được trình bày tại Hội thảo đã khẳng định, làm rõ thêm những vấn đề lý luận - thực tiễn trong việc xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta nói chung và tại các tỉnh phía Nam nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như góp ý, đặt ra nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, trao đổi nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của khu vực này trong công cuộc đổi mới đất nước.

*** Tổng thuật hội thảo

NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

Nguyễn Huy Hoàng - Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách đây 64 năm, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhất tề nổi dậy tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, giành chính quyền từ tay phát-xít Nhật, thiết lập nên một Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông - Nam Á.

Phương Ngọc Thạch - Phùng Ngọc Bảo - Phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát thấp

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, chỉ số lạm phát thấp là niềm mong ước của nhiều quốc gia. Gần đây, nền kinh tế Việt Nam có chỉ số lạm phát cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng. Việc tìm ra những giải pháp chiến lược để tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát thấp đang là mối quan tâm lớn của toàn xã hội.

Nguyễn Văn Thanh - Xây dựng mô hình kinh tế sinh thái hiện đại trong chiến lược phát triển đất nước

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, vấn đề bảo vệ và cải tạo môi trường sống luôn được đặt ra cấp bách đối với mọi nền kinh tế. Vậy, đâu là giải pháp hữu hiệu khắc phục khủng hoảng môi trường gay gắt hiện nay? Phải chăng giải pháp là ở định hướng “tăng trưởng kinh tế phải chú ý bảo vệ môi trường”? Hay lời giải từ ngay trong cấu trúc của hệ thống kinh tế, từ lựa chọn mô hình phát triển? Hướng tới mô hình kinh tế sinh thái hiện đại đang được nhiều nhà nghiên cứu cho là cách làm tốt nhất để giải quyết các vấn đề khủng hoảng môi trường, là cơ sở cho hoạch định chiến lược phát triển (bao gồm cả chiến lược năng lượng, công nghệ, vật liệu và các chiến lược phát triển khoa học - công nghệ), từ đó nghiên cứu, hoạch định và thực thi các chính sách phù hợp.

Lê Xuân Đình - Tìm khâu “đột phá” trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

Khoán ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, “Khoán 100”, “Khoán 10” đã được thừa nhận là những đột phá quan trọng trong nông nghiệp, nông thôn trước đây. Trong hơn 20 năm đổi mới nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển rất căn bản, nhưng các động lực của quá trình “cởi trói” dường như đã cạn. Chưa bao giờ vai trò “thúc đẩy” và “dẫn dắt” của chính sách lại trở nên cấp thiết như hiện nay.

Bùi Xuân Nhàn - Phát triển du lịch nông thôn ở nước ta hiện nay

Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là chủ đề được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và cho rằng với nông dân, cần phải có cách nhìn mới phù hợp hơn và họ cần được đối xử như là những doanh nghiệp nông thôn. Trong quá trình phát triển hiện nay, khi tư liệu sản xuất quan trọng trong nông nghiệp là đất đai đang bị thu hẹp, nhường chỗ cho các dự án công nghiệp, dịch vụ thì việc phát triển du lịch nông thôn tại những địa phương có nhiều tiềm năng du lịch cần được quan tâm hơn để góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập từ dịch vụ cho nông dân.

Nguyễn Huy Phượng - Giám sát xã hội đối với hoạt động tư pháp ở nước ta hiện nay

Giám sát xã hội đối với hoạt động tư pháp là một loại giám sát có tính đặc thù trong tổng thể cơ chế giám sát đối với quyền lực nhà nước nói chung, phù hợp với các nguyên tắc, yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn phát triển của Nhà nước Việt Nam. Việc tăng cường vai trò của giám sát xã hội đối với hoạt động tư pháp sẽ góp phần đáp ứng ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn yêu cầu bảo vệ công lý cũng như xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Phạm Xuân Nam - Đối thoại giữa các nền văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa

Hưởng ứng tinh thần của UNESCO về đa dạng văn hóa (năm 2001), tại Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ năm ASEM 5 (năm 2004), tiếp đến Hội nghị Bộ trưởng ASEM 9 (năm 2009), các nước thành viên ASEM, trong đó có Việt Nam, đã tái khẳng định những nguyên tắc quan trọng trong đối thoại giữa các nền văn hóa đối với việc góp phần ngăn chặn những xung đột tiềm tàng của quá trình toàn cầu hóa cũng như thúc đẩy hòa bình, hợp tác vì sự phát triển của các dân tộc trên thế giới.

THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM

Nguyễn Thế Thảo - Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp kinh tế - xã hội chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Đồng hồ đếm ngược thời gian của Hà Nội đang tiến dần đến thời khắc lịch sử trọng đại của cả nước. Với nỗ lực, quyết tâm thực hiện các giải pháp kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, các địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội tin tưởng sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ngăn chặn kịp thời suy giảm kinh tế, thực hiện mức tăng trưởng cao, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ thành phố, thiết thực kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa sớm hơn so với cả nước, xứng đáng là Thủ đô anh hùng, nghìn năm văn hiến.

Bùi Tiến Dũng - Thái Bình giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thái Bình luôn dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn sự quan tâm đặc biệt, với nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, nông thôn là địa bàn quan trọng cho sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội... Cùng với việc chỉ đạo phát triển toàn diện nông nghiệp, Thái Bình tập trung thực hiện các chương trình "điện, đường, trường, trạm", nước sạch và điện thoại, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Những năm tới, Thái Bình tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng đó.

Đào Tấn Lộc - Phú Yên thực hiện có hiệu quả chính sách miền núi và dân tộc

Phú Yên là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 5.045 km2 và dân số khoảng 880.000 người; bà con các dân tộc thiểu số như Ê-đê, Ba-na, Chăm, Tày, Nùng, Dao, Gia-rai, Thái, Hoa... có khoảng 50.000 người. Toàn tỉnh có 9 huyện, thành phố, trong đó có 3 huyện miền núi; với 45 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Miền núi của tỉnh từng là vùng căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến, điểm xuất phát kinh tế thấp, hằng năm thường chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai (lũ lụt, hạn hán...), đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt chính sách miền núi và dân tộc của Đảng nên cuộc sống của người dân ngày càng thay đổi, khó khăn đã qua, nhiều người không những thoát được đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Nguyễn Phong Quang - Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Hậu Giang

Xác định đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chính là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội nên ngay từ khi mới thành lập tỉnh, Hậu Giang đã tập trung đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ này. Tổng vốn huy động đầu tư trong 5 năm (2004 - 2008) của tỉnh lên đến 15.499 tỉ đồng, tăng bình quân 136,04%/năm, đã góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trần Thanh Mẫn - Cần Thơ chú trọng phát triển nguồn lực khoa học - công nghệ

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XI (nhiệm kỳ 2005 - 2010) đã xác định: Tập trung huy động tổng hợp mọi nguồn lực để đầu tư khai thác các tiềm năng, lợi thế; trong đó, đặc biệt coi trọng nguồn lực về khoa học - công nghệ, coi đây là khâu đột phá, là nội dung then chốt trong hoạt động của các cấp, các ngành và là động lực của thành phố trong quá trình phát triển.

Sùng Chúng - Lào Cai xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đội ngũ đảng viên

Quán triệt sâu sắc quan điểm tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với Dân, những năm qua, Đảng bộ Lào Cai đã tập trung thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng và phát triển đội ngũ đảng viên, tổ chức cơ sở đảng.

THẾ GIỚI: VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN

Trần Nguyễn Tuyên - Các Đảng cộng sản và cánh tả liên minh châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế

Liên minh châu Âu (EU) hiện nay gồm 27 nước thành viên, được đánh giá có thị trường nội địa rộng lớn nhất thế giới, trong đó có 16 nước thành viên sử dụng đồng ơ-rô. Cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội cũng như phong trào cộng sản của các nước trong khu vực. Thực tế đó đòi hỏi các đảng cộng sản và cánh tả phải có những giải pháp cụ thể để vượt qua khủng hoảng.

Thu Trang - Vòng đàm phán Đô-ha và bài toán bình đẳng thương mại

Tháng 7-2008, vòng đàm phán Đô-ha tưởng như rơi vào nguy cơ đổ vỡ nghiêm trọng khi Ấn Độ và Mỹ mâu thuẫn về việc các nước nghèo tăng biểu thuế nhập khẩu và bảo hộ các ngành công nghiệp. Song mới đây, ngày 12-6-2009, Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 33 của nhóm các nước xuất khẩu nông nghiệp (CGMM) được tổ chức tại In-đô-nê-xi-a đã nhất trí thúc đẩy khôi phục tiến trình này. Hy vọng về cơ hội nối lại vòng đàm phán đa phương lớn nhất về tự do hóa thương mại toàn cầu, dự tính sẽ đem lại 150 tỉ USD cho nền kinh tế thế giới, vì thế lại được nhen lên.

Nguyễn Thành Lợi - Thực chất của cái gọi là “thúc đẩy dân chủ” ở nước ngoài của Mỹ

Sau khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc, các cựu tổng thống G. Bu-sơ (cha), B.Clin-tơn, G.W. Bu-sơ đã coi “thúc đẩy dân chủ” ở nước ngoài là một trong những mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Điều đó, theo Mỹ, là để bảo vệ lợi ích quốc gia, song nó lại gây bất ổn cho an ninh khu vực cũng như thế giới. Chính sách của Tổng thống B. Ô-ba-ma sẽ có thay đổi gì trong chiến lược này?

Trần Trọng - Chạy đua vũ trang Trên thế giới hiện nay

Hiện nay, khi thế giới vẫn còn ngập trong khủng hoảng và suy thoái kinh tế thì cũng là lúc đang diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt với nhiều đặc điểm mới.