TCCSĐT - Vũ khí hạt nhân vẫn là nguy cơ hủy diệt khủng khiếp nhất. Mục tiêu vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân có lẽ vẫn là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của nhân loại hiện nay.

Nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới với nhiều kỳ vọng về một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển. Chiến tranh lạnh đã kết thúc, nguy cơ về một cuộc chiến tranh thế giới mới cũng từng bước bị đẩy lùi. Mỹ và Nga, hai cường quốc quân sự lớn nhất thế giới đang tiến hành các cuộc đàm phán về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược (thay cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược-START 1 được ký kết giữa Mỹ và Liên xô năm 1991 sẽ hết hạn vào tháng 12 năm nay). Thế giới đang trông chờ vào một bước đột phá mới trong mục tiêu giải trừ quân bị toàn cầu trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, với đặc tính phức tạp, đa dạng của nó, thế giới đang đứng trước những nguy cơ, thách thức không hề nhỏ về an ninh. Trong đó, phải kể đến hiểm họa từ cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Mục tiêu vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân có lẽ vẫn là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của nhân loại hiện nay.

Vũ khí hạt nhân vẫn là nguy cơ hủy diệt khủng khiếp nhất

Hẳn nhân loại sẽ không bao giờ quên thảm hoạ vũ khí hạt nhân ở Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki năm 1945. Trong thảm họa này đã có khoảng 120 nghìn người chết tại chỗ, hàng trăm nghìn người khác bị ảnh hưởng do tác động của chất phóng xạ và nhiều thế hệ người Nhật sau này vẫn còn phải hứng chịu hết sức nặng nề. Đó là bài học đau đớn nhất về cả hai phương diện: tội ác chiến tranh và sự hủy diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân.

Nhưng không vì thế mà con người ngừng việc nghiên cứu, sản xuất và phổ biến loại vũ khí hủy diệt này. Kể từ tháng 6-1942, khi Tổng thống Mỹ F.D. Ru-dơ-ven phê duyệt dự án sản xuất bom nguyên tử (dự án Man-hát-tan) đến nay, bất chấp sự phản đối của những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, vũ khí hạt nhân đã và đang phát triển trên phạm vi toàn cầu với tốc độ chóng mặt. Hàng nghìn tỉ USD của nhân loại đã bị các bộ máy chiến tranh và các tay trùm trong ngành công nghiệp vũ khí ném một cách không thương tiếc vào việc nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vũ khí hạt nhân (theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Xtốc-khôm, Thụy Điển, chi phí quân sự toàn cầu năm 2008 đã lên đến 1.300 tỉ USD; ước tính tổng chi phí cho các loại vũ khí hạt nhân của riêng Mỹ cũng đã vượt qua con số 5.800 tỉ USD trong vòng 10 năm qua). Hàng nghìn nhà khoa học, những bộ óc ưu tú nhất của thế giới được huy động vào việc nghiên cứu, phát minh, sáng chế, cải tiến loại vũ khí giết người hàng loạt này. Ngoài Mỹ và Nga (sở hữu 90% vũ khí hạt nhân của thế giới), còn có nhiều quốc gia khác đã tham gia vào cái gọi là “câu lạc bộ hạt nhân”.

Tính đến thời điểm hiện tại, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ có khoảng 9.400 đầu đạn hạt nhân (kể cả 4.200 đầu đạn quá hạn), trong đó có 2.700 đầu đạn hạt nhân tác chiến (2.200 đầu đạn chiến lược, 500 đầu đạn phi chiến lược) và khoảng 2.500 đầu đạn hạt nhân dự trữ. Các đầu đạn hạt nhân của Mỹ được trang bị chủ yếu trên các tên lửa đạn đạo, các tàu ngầm mang tên lửa hành trình và các máy bay ném bom chiến lược. Theo kế hoạch, tới năm 2011 Mỹ sẽ sản xuất thêm 108 tên lửa loại này với tổng chi phí lên tới 4 tỉ USD; dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2013.

Về kho vũ khí hạt nhân của Nga, tính đến tháng 1-2009, nước này có khoảng 4.834 đầu đạn hạt nhân tác chiến. Theo các nhà lãnh đạo quân sự Nga, hạt nhân chiến lược của Nga có thể bảo đảm sự răn đe "đủ tối thiểu" tới những năm 2015-2020 trong giới hạn cho phép của Hiệp ước giảm vũ khí tấn công chiến lược (SORT), kể cả trong trường hợp Mỹ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Hiện Nga có 68 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng RS-20 ICBM thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, 72 tên lửa RS-18 cũng đang được triển khai (tên lửa RS-18 có thể mang 6 đầu đạn hạt nhân, dự kiến sẽ được thay thế bằng tên lửa RS-24 từ tháng 12-2009).

Kho hạt nhân của Anh có khoảng 160 đầu đạn, được sử dụng cho hạm đội gồm 4 tàu Trident SSBNs đặt tại Scốt-len.

Pháp có 4 tàu ngầm SSBNs và 84 máy bay, mang theo tổng cổng khoảng 300 đầu đạn hạt nhân. Ngày 21-6-2009, Pháp đã phóng tên lửa chiến lược từ tàu ngầm M51 với tầm phóng tới 8.000 km.

Về phía Trung Quốc, mặc dù Bắc Kinh luôn khẳng định rằng, nước này sở hữu một lực lượng hạt nhân ít nhất, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng, kho hạt nhân của Trung Quốc hiện đã vượt qua Pháp và Anh. Trung Quốc hiện có khoảng 186 đầu đạn hạt nhân tác chiến được trang bị chủ yếu cho các tên lửa và máy bay chiến đấu. Ngoài ra, nước này cũng có một lượng đầu đạn hạt nhân dự trữ (một nguồn tin cho hay, ước tính tổng số đầu đạt hạn nhân của Trung Quốc lên tới con số 240). Tính tới đầu năm 2009, Trung Quốc có 4 loại tên lửa đạn đạo xuyên đại dương (ICBM) được triển khai và cũng đang vận hành một tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo là Type 92 (lớp Hạ) SSBN được trang bị 12 tên lửa đạn đạo tầm ngắn đầu đạn đơn JL SLBM.

Theo ước tính, Ấn Độ hiện có khoảng 60-70 đầu đạn hạt nhân tác chiến. Năm 2003, Ấn Độ tuyên bố nước này sẽ sử dụng hạt nhân để răn đe hoặc chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học và sinh học. Nước này cũng đang từng bước thực hiện kế hoạch hạt nhân chiến lược “3 chiều” (3-D).

Để đối phó với kho vũ khí hạt nhân răn đe của các cường quốc và vì những toan tính chính trị khác, các nước được Mỹ xếp vào “trục liên minh ma quỉ” hay “các quốc gia cứng đầu” như Bắc Triều Tiên, I-ran và các nước đang trong trạng thái đối đầu quân sự như Pa-ki-xtan (với Ấn Độ) và I-xra-en (với thế giới A-rập) cũng đã sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều đáng lo ngại ở đây là, không phải Mỹ hay Nga mà chính các quốc gia “bất trị” này mới là nguy cơ châm ngòi cho cuộc chiến tranh hạt nhân trong tương lai. Điều này tùy thuộc vào thái độ của cộng đồng quốc tế. Ví dụ, nếu Mỹ vẫn tiếp tục có thái độ thù địch đối với Bắc Triều Tiên và I-ran, hai nước này sẽ tìm cách phát triển kho vũ khí hạt nhân bằng mọi giá. Hoặc, nếu cộng đồng quốc tế không giải quyết được tranh chấp giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan xung quanh vấn đề Ca-xmia, để cho lực lượng Ta-li-ban tiếm quyền ở Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan, hay không hóa giải được mối thù truyền kiếp giữa thế giới A-rập với nhà nước Do Thái, thì thế giới khó tránh khỏi một cuộc chiến tranh hủy diệt.

Một vấn đề nữa mà quốc tế hiện rất quan tâm, đó là nguy cơ vũ khí hạt nhân có thể lọt vào tay các tổ chức khủng bố quốc tế. Trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin La-đen đã từng tuyên bố sở hữu vũ khí là “một trách nhiệm tôn giáo” và nhiều lần đe dọa sử dụng loại vũ khí này chống loài người. Các văn bản có in dấu “tối mật” mà quân đội Mỹ tìm thấy tại các căn cứ của An Kê-đa ở Áp-ga-ni-xtan chứng tỏ bọn khủng bố đã có được loại nguyên liệu phóng xạ có thể dùng để chế tạo bom hạt nhân. Còn nhớ vào năm 1995, bọn khủng bố Chéc-ni-a (Nga) đã từng đe dọa gây nổ hạt nhân ở Mát-xcơ-va bằng một công-te-nơ chứa vật liệu phóng xạ. Ngày càng có nhiều thông tin chứng tỏ bọn khủng bố đang có kế hoạch sử dụng “bom bẩn” để tấn công vào nước Mỹ và đồng minh. “Bom bẩn” là một thứ vũ khí có chứa các vật liệu phóng xạ, nếu sử dụng sẽ gây ô nhiễm phóng xạ trên một lãnh thổ rộng lớn và phải cần đến hàng tỉ USD để khắc phục hậu quả trong một thời gian dài. Tháng 2-2004, một tờ báo xuất bản bằng tiếng A-rập ở Luân Đôn (Anh) dựa vào các nguồn tin thân cận nhất với trùm khủng bố Bin La-đen, công bố thông tin chứng tỏ An Kê-đa từ lâu đã sở hữu vũ khí hạt nhân dưới dạng “ba-lô hạt nhân”, trong đó chứa đựng đầu đạn hạt nhân công suất nhỏ. Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đã từng cảnh báo: khủng bố hạt nhân chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ngoài ra, không dễ gì các quốc gia hạt nhân từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Nói một cách khôi hài hơn: chưa ai muốn “giã từ vũ khí” vào lúc này. Với âm mưu giành toàn quyền “lãnh đạo thế giới”, ngoài việc tăng cường sức mạnh về chính trị, kinh tế và quân sự, Mỹ đặc biệt ưu tiên giành thế vượt trội so với các “đối thủ tiềm tàng” trong cái gọi là thế cân bằng vũ khí hạt nhân chiến lược. Vì vậy, Mỹ phải phá vỡ thế cân bằng hạt nhân chiến lược và tìm kiếm một ưu thế tuyệt đối kể cả ở hai phương diện: “chiến lược đánh đòn phủ đầu” và “kế hoạch đánh chặn”. Trong khi đó, Nga và các quốc gia hạt nhân khác cũng hiểu rằng nếu từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và năng lực “đánh chặn” các cuộc tấn công hạt nhân, họ sẽ bị Mỹ khống chế toàn diện, cả thế giới sẽ trở thành con tin của một đế chế mới.

Đầu năm 2009, Bắc Triều Tiên đã tuyên bố rút khỏi mọi thỏa thuận đã đạt được với cộng đồng quốc tế về giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, quyết định tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân của mình và đặt quân đội trong tình trạng chiến tranh. Ngày 25-5-2009, Bắc Triều Tiên đã tiến hành vụ nổ hạt nhân mới tại thị trấn Kil-ju thuộc tỉnh Bắc Ham-gy-ong, nơi nước này từng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào tháng 10-2006. Các cơ quan khoa học Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga đều xác nhận vụ thử hạt nhân này có sức công phá lớn hơn nhiều lần vụ thử năm 2006. Bình Nhưỡng không giấu giếm mục đích của họ trong hành động này là “nhằm tăng cường sức mạnh kho vũ khí hạt nhân, phục vụ công tác quốc phòng về mọi mặt”. Trước đó, vào ngày 5-4-2009, Bắc Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng “vệ tinh” gây tranh cãi (Mỹ và đồng minh cho rằng đây là vụ phóng thử tên lửa đạn đạo). Hiện tình hình trên bán đảo Triều Tiên rất căng thẳng với những lời tuyên bố và hành động cứng rắn của các bên.

Vấn đề hạt nhân của I-ran cũng chưa thể giải quyết dứt điểm do những toan tính rất khác nhau của các bên. Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ nhận định: "Trong 15 đến 20 năm tới, phản ứng đối với quyết định về chương trình hạt nhân của I-ran có thể khiến hàng loạt nước trong vùng tăng cường nỗ lực và cân nhắc việc theo đuổi vũ khí hạt nhân một cách tích cực. Điều đó sẽ làm gia tăng các cuộc tranh giành ảnh hưởng trong vùng ".

Mâu thuẫn giữa hai quốc gia Nam Á có sở hữu vũ khí hạt nhân là Ấn Độ và Pa-ki-xtan vẫn ở trạng thái căng thẳng, đặc biệt là sau vụ khủng bố ở Mum-bai (Ấn Độ). Xung đột vũ trang giữa hai nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nguy hiểm hơn là tất cả vũ khí hạt nhân của hai nước đều đang chĩa vào nhau.

Cũng như vậy, mối thù truyền kiếp Do Thái-A-rập đến nay vẫn chưa có giải pháp hóa giải thích hợp. Mâu thuẫn giữa I-xra-en với thế giới hồi giáo tiếp tục được khoét sâu do thái độ và hành động hiếu chiến của nhà nước Do Thái, nhất là sau cuộc tấn công giải Ga-da đầu năm 2009 của quân đội I-xra-en và chính quyền Ten A-vít chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu chiếm đóng lâu dài các mảnh đất của người Pa-le-xtin. Thái độ của I-xra-en chỉ như đổ thêm dầu vào ngọn lửa hận thù của người A-rập, khiến có người còn tuyên bố sẽ “xóa tên I-xra-en” trên bản đồ thế giới…

Nói tóm lại, chỉ nhìn vào những đánh giá (mặc dù rất sơ sài) ở trên, người ta cũng có thể dễ ràng nhận ra rằng, vũ khí hạt nhân vẫn là hiểm họa khủng khiếp nhất đối với loài người nếu không muốn nói nhân loại vẫn chưa thoát ra khỏi miệng hố của một cuộc chiến tranh hủy diệt - chiến tranh hạt nhân. Báo cáo có tên gọi "Xu hướng toàn cầu năm 2025 - Một thế giới biến đổi", do Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ soạn thảo nhận định, khả năng vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng nhiều hơn vào năm 2025. Báo cáo này viết: "Khả năng vũ khí hạt nhân được sử dụng sẽ tăng lên một khi con đường tiếp cận với công nghệ được mở rộng...".

Quyết tâm chính trị và nỗ lực hành động của quốc tế

Nhận thức được nguy cơ hủy diệt nhân loại của vũ khí hạt nhân, nhân dân tiến bộ toàn thế giới đã phát động một cuộc đấu tranh đòi thủ tiêu vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn cầu. Hội đồng Hòa bình thế giới với mục tiêu số một là đấu tranh giải trừ vũ khí hạt nhân đã được thành lập vào năm 1950. Cùng với sự ra đời của Hội đồng Hòa bình thế giới, một tổ chức hòa bình khác, bao gồm các nhà khoa học, các học giả và chính khách nổi tiếng cũng đã được thành lập tại Pu-gơ-oát ở Ca-na-đa (gọi tắt là Đại hội Pu-gơ-oát). Đại hội Pu-gơ-oát sẽ tổ chức các cuộc hội thảo hằng năm xoay quanh chủ đề đấu tranh thủ tiêu vũ khí hạt nhân toàn cầu. Ngay từ đầu thời kỳ chiến tranh lạnh đến nay, Hội đồng Hòa bình thế giới và Đại hội Pu-gơ-oát đã tích cực phát động một phong trào rộng lớn trên phạm vi toàn thế giới đấu tranh đòi thủ tiêu vũ khí hạt nhân. Tháng 12-1954, Đại hội Pu-gơ-oát có bản Tuyên ngôn nổi tiếng rằng: một khi xảy ra chiến tranh thế giới mới, những vũ khí hạt nhân chắc chắn lại được đem sử dụng và sự sống sót của nhân loại sẽ lâm nguy, khẩn thiết mong các chính phủ hiểu ra và thừa nhận công khai rằng, không thể nào đạt được những mục tiêu bằng một cuộc chiến tranh thế giới và, do đó, khẩn thiết yêu cầu tìm cách giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Trước những áp lực phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế và những hoạt động không mệt mỏi của các tổ chức hòa bình, thông qua các diễn đàn thế giới và khu vực, đặc biệt là Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng về giải trừ vũ khí hạt nhân. Năm 1968 Liên hợp quốc đã xây dựng và đưa ra ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), đồng thời vận động xây dựng các hiệp ước quốc tế các vùng không có vũ khí hạt nhân - NWFZ (một vùng được gọi là NWFZ khi các quốc gia trong vùng đó cam kết không có, không chế tạo, không thử nghiệm và không cho đưa vào nước mình vũ khí hạt nhân). Cho đến nay, trên thế giới đã có sáu vùng NWFZ: Hiệp ước Tờ-la-tê-lô-cô gồm 33 nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (1985), Hiệp ước Ra-rô-tông-ga gồm các quốc gia châu Ðại Dương (1985); Hiệp ước Băng-cốc gồm các nước ASEAN (1995); Hiệp ước Pê-lin-da-ba gồm các nước châu Phi (1996); Hiệp ước Ta-xken gồm năm nước Trung Á (2006); Hiệp ước Bắc Cực và Hiệp ước NWFZ cho Mông Cổ. Năm 1991, Nga và Mỹ ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược (START).

Năm 1995, Ðại Hội đồng Liên hợp quốc đã ra nghị quyết thủ tiêu vũ khí hạt nhân với một khung thời gian xác định. Kể từ đó, hằng năm, Ðại Hội đồng Liên hợp quốc lại ra nghị quyết tương tự và quyết liệt hơn; năm 1996 Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) ra đời. Tháng 12 - 2007, Liên hợp quốc lại có Nghị quyết yêu cầu các cường quốc hạt nhân sớm bắt đầu đàm phán về thủ tiêu vũ khí hạt nhân. Tháng 12-2008, Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon đưa ra một đề xuất với 5 điểm chính. Ông Ban Ki-moon kêu gọi các bên tham gia Hiệp ước NPT và cả các nước ngoài hiệp ước này cam kết không phát triển thêm và phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông đề xuất loại bỏ các dạng vũ khí hủy diệt hàng loạt; các nỗ lực chống lại chủ nghĩa khủng bố hạt nhân; hạn chế việc sản xuất và buôn bán vũ khí thông thường; và bao gồm cả các lệnh cấm vũ khí mới như tên lửa đạn đạo và vũ khí không gian.

Những quyết tâm chính trị và nỗ lực của cộng đồng quốc tế đấu tranh cho mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân từ trước đến nay là rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, vấn đề dường như quan trọng hơn lại tùy thuộc vào thái độ của hai siêu cường, Mỹ và Nga, hai quốc gia sở hữu 90% vũ khí hạt nhân và từng là kẻ thù của nhau trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Hiện nay, cả Nga và Mỹ đều có một số quan điểm chung về vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân. Cả Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn đều phản đối việc phổ biến vũ khí hạt nhân và chiến tranh hạt nhân, cùng bày tỏ lo lắng về nguy cơ vũ khí hạt nhân rơi vào tay chủ nghĩa khủng bố quốc tế và sẵn sàng hợp tác trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân ở I-ran cũng như Triều Tiên. Trong cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép và Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại thủ đô Luân Đôn, Anh, hồi tháng 4-2009, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán song phương nhằm tìm kiếm một hiệp ước mới thay thế cho START 1. Cả hai đều bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận mới sẽ giúp cắt giảm thêm khoảng 1.700 tới 2.200 đầu đạn hạt nhân của mỗi bên vào năm 2012. Hiện nay, Nga và Mỹ đang từng bước tiến hành hội đàm về hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới. Cả hai đều mong muốn đạt được kết quả tốt trước khi diễn ra chuyến thăm chính thức Nga của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma vào tháng 7 năm nay.

Về phía Mỹ, trong bài phát biểu trước gần 30.000 người ở Pra-ha (Cộng hòa Séc) đầu tháng 4 -2009, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã kêu gọi cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của các quốc gia và cuối cùng tiến tới việc xóa bỏ tất cả các mối đe dọa hạt nhân trên thế giới. Ông cho biết, Mỹ, cường quốc duy nhất đã từng sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh (ám chỉ vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai), có “trách nhiệm hành động” và chính quyền Mỹ sẽ đi đầu trong nỗ lực cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã cam kết phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (Nga đã phê chuẩn Hiệp ước này, Mỹ và bốn thành viên khác thuộc Câu lạc bộ hạt nhân là Trung Quốc, Ấn Độ, Pa-ki-xtan và I-xra-en chưa phê chuẩn). Cam kết của B.Ô-ba-ma về “một thế giới không có vũ khí hạt nhân” cho thấy, chính quyền mới của Mỹ có thể sẽ điều chỉnh chiến lược hạt nhân của mình, ít ra là trong nhiệm kỳ của Tổng thống Ô-ba-ma. Điều mà chính quyền tiền nhiệm G. Bu-sơ không đả động gì đến trong suốt 8 năm cầm quyền.

Về phía Nga, trong chiến lược an ninh quốc gia mới từ nay đến năm 2020, Nga cam kết sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại “thực dụng và hợp lý”, tránh những cuộc đối đầu và một cuộc chạy đua vũ trang mới. Nga cũng cam kết về một thế giới không có vũ khí hạt nhân và tuyên bố sẵn sàng thảo luận về việc cắt giảm các loại vũ khí thông thường. Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vơ-rốp bày tỏ hoan nghênh lập trường có tính xây dựng trong các cuộc hội đàm với Nga từ phía Mỹ, đồng thời bày tỏ rằng Nga sẵn sàng thỏa hiệp để có một hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới.

Sau cuộc gặp ngày 8-5-2009 với Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn tại Oa-sinh-tơn, ông Xéc-gây La-vơ-rốp nói: “Hiện đang có cơ hội tốt để đưa quan điểm của chúng ta (Nga và Mỹ) xích lại gần nhau hơn nhằm đạt được thỏa thuận”. Có thể nói, quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước đã tạo ra hy vọng mới về một bước đột phá trong vấn đề vũ khí hạt nhân chiến lược vào cuối năm nay.

Với những quyết tâm cả về tư duy chính trị và hành động cụ thể của cộng đồng quốc tế, hy vọng mục tiêu “một thế giới không có vũ khí hạt nhân” của nhân loại sẽ sớm trở thành hiện thực, dẫu biết, đó không phải là việc làm dễ dàng./.