Chị Nguyễn Thị Nghĩa
(Hà Tây) hướng dẫn kỹ thuật cho chị em trong xưởng 
 Ảnh: TTXVN
TCCS - Trước những đòi hỏi phải tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội đối với huyện thuần nông như Ứng Hòa, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở với vai trò người dẫn đường, người tổ chức, người tiên phong là nhân tố quan trọng, quyết định. Trên thực tế, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Phủ Ứng Thiên xưa, tức Ứng Hòa ngày nay, vốn được coi là vùng đất khoa bảng - danh nhân, với những tên tuổi như Dương Khuê, Nguyễn Thượng Hiền, Bùi Bằng Đoàn, Trần Đăng Ninh..., là vùng đất kiên cường anh dũng trong đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, nổi tiếng với “chiếc gậy Trường Sơn”. Địa hình Ứng Hòa tương đối bằng phẳng, song không mấy thuận lợi về điều kiện thổ nhưỡng cũng như vị trí địa lý như nhiều huyện khác của Hà Nội. Đa phần người dân sống nhờ nông nghiệp và các nghề thủ công (làm gốm, rèn, may, thêu ren, mây tre đan...).

Quản lý số dân trên 196.000 người, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở ở Ứng Hòa sự nhiệt huyết, năng động, vừa có tâm, vừa có tầm. Nhưng cũng như nhiều địa phương cơ sở khác, bên cạnh những thuận lợi, các khó khăn, vướng mắc về chế độ đối với đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở của huyện đang là một “rào cản” ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cán bộ nói riêng, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nói chung trên địa bàn.

Từ thuận lợi đối mặt với khó khăn

Hiện nay, Ứng Hòa có 208 công chức và 377 cán bộ chuyên trách cấp xã. Thuận lợi cơ bản là hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức đều nhiệt tình với công việc, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chủ động gần dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ để tham mưu giúp huyện ủy đề ra và thực hiện những chủ trương, chính sách phù hợp với yêu cầu thực tế. Từ khi trở thành huyện thuộc thành phố Hà Nội, đội ngũ cán bộ cơ sở cũng được tạo điều kiện thuận lợi trong công việc.

Quá trình từng bước tiến tới đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế... trên địa bàn là “hàn thử biểu” thử thách chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở. Khó khăn, vướng mắc đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của huyện hiện nay chủ yếu ở các mặt sau:

- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước... của số đông cán bộ chưa cao. Phần lớn cán bộ chủ chốt xã chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, số có bằng đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đáng lưu ý, những chức danh chủ chốt như bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch Hội đồng nhân dân, chỉ 1/29 người có bằng đại học, không có chứng chỉ (bằng) tin học, ngoại ngữ; chức danh phó bí thư đảng ủy, chỉ 2/29 người có bằng đại học, 1/29 người có bằng cấp/chứng chỉ ngoại ngữ và tin học; chức danh chủ tịch và phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, không ai có trình độ đại học hay trình độ ngoại ngữ, tin học. Về lý luận chính trị, đa phần đạt trình độ trung cấp hoặc sơ cấp, chưa có trình độ cử nhân, cao cấp.

- Cơ cấu cán bộ chưa hợp lý, Ứng Hòa đang đối mặt với nguy cơ “già hóa” đội ngũ cán bộ cơ sở: Tuổi đời bình quân của cán bộ cao (trên 40 tuổi). Tỷ lệ cán bộ nữ thấp: chỉ có 40/377 người; tính riêng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, thị trấn, chỉ 1 người giữ chức vụ chủ tịch ủy ban nhân dân, 4 người là phó bí thư thường trực, phó bí thư và phó chủ tịch hội đồng nhân dân.

- Lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa bảo đảm để đội ngũ cán bộ yên tâm công tác. Đơn cử, hệ số lương của bí thư đảng ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã hiện nay chỉ được hưởng 2 bậc, cao nhất đối với bí thư là 2,85, chủ tịch là 2,65. Trong khi đó, lực lượng công chức cấp xã được hưởng theo hệ số thang bảng lương công chức nên nhiều người hưởng lương cao hơn cả bí thư và chủ tịch. Đối với cán bộ không chuyên trách, ví dụ trưởng thôn, trước chỉ được hưởng 220.000đ/tháng, nay tăng lên 540.000đ/tháng, vẫn khó có thể bảo đảm cuộc sống.

- Vẫn tồn tại tình trạng làm việc không đúng (hoặc không bảo đảm) yêu cầu chuyên môn, hoặc “tréo giò”. Điển hình, trong số 34 cán bộ làm công tác địa chính thuộc 29 xã, thị trấn của huyện, có 11 người chưa qua đào tạo. Không ít người, đặc biệt là cán bộ bán chuyên trách, không chuyên trách phải “làm thêm”, “lấn sân” việc không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình, chủ yếu do chính quyền cơ sở không có đủ nhân lực.

- Thiếu lực lượng cán bộ nguồn bảo đảm yêu cầu, tiêu chuẩn đề ra: Số cán bộ trẻ không nhiều, đa phần sinh viên là con em của huyện mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng thường tìm việc ở thành phố, hoặc làm trong các lĩnh vực, công ty khác trả lương cao hơn lương dành cho cán bộ, công chức như hiện tại. Tháng 4-2009 vừa qua, huyện tổ chức thi công chức cho 100 người, chỉ tiêu lấy 95 người, nhưng chỉ 35 người đạt yêu cầu tuyển dụng.

Tháo gỡ khó khăn - không thể trong “một sớm một chiều”

Cũng như đa phần cán bộ, công chức của nhiều huyện khác trong cả nước, ngoài mức lương được nhận, hầu hết cán bộ cơ sở, đặc biệt là cán bộ không chuyên trách, bán chuyên trách của Ứng Hòa phải sống nhờ vào các nguồn khác: được giao ruộng (bình quân 360m2 - 1.000m2 sào/người, tùy theo quỹ đất của xã), làm thêm kinh tế gia đình... Thực trạng này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng làm việc của họ, thậm chí còn là nguyên nhân dẫn tới sai lầm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của một số cán bộ xã. Điển hình là vụ sai phạm về quản lý và sử dụng đất đai năm 2003 ở xã Liên Bạt.

Nhằm bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong xu thế hội nhập, đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở bên cạnh những phẩm chất đạo đức, chính trị, cần hội đủ yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng được tin học và ngoại ngữ. Song, số đạt yêu cầu đó không nhiều, đa phần tập trung ở cán bộ trẻ, mới ra trường, kinh nghiệm làm việc còn thiếu. Phần đông cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm đang làm việc lại không đạt yêu cầu về trình độ giáo dục văn hóa... Với bí thư đảng ủy xã, nếu yêu cầu phải có trình độ đại học trở lên mới được tham gia thi tuyển công chức, thì đây sẽ là “rào cản” đối với không ít người, do tuổi đã cao nên “ngại” đi học tiếp.

Cần thêm những “cú hích” cho cán bộ cơ sở

Ông Chu Văn Trường, Trưởng Phòng Nội vụ huyện, cho biết, để cán bộ bảo đảm được đời sống, yên tâm công tác, rất cần những “cú hích” thay đổi từ nhiều phía, nhất là chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách và không chuyên trách hiện nay chưa phù hợp, điển hình là:

- Theo Nghị định số 121 của Chính phủ, cán bộ xã, phường vẫn bị coi là “nghiệp dư”, hệ số lương khởi điểm của bí thư chỉ là 1,9, không bằng lương của một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học là 2,34.

- Chủ tịch, phó chủ tịch các phường, xã thực hiện khối lượng công việc lớn, đặc biệt từ khi đảm nhận thêm công tác chứng thực, nhưng chế độ cho họ không thay đổi.

- Nên chuyển bí thư đảng ủy xã có bằng đại học sang ngạch chuyên viên, vừa để họ đỡ thiệt thòi, vừa khuyến khích những người chưa có bằng đại học đi học nâng cao trình độ. Do điều kiện tình hình nhân lực cơ sở, nhất là các huyện thuần nông, chỉ nên quy định cán bộ cấp xã cần có trình độ từ trung cấp trở lên là được thi tuyển...

Trước thực trạng này, Huyện ủy Ứng Hòa đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hành động về phân cấp quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ trên cơ sở đánh giá nghiêm túc chất lượng chuyên môn và phẩm chất đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, kết hợp với bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ. Trong quy hoạch, mỗi chức danh đều có từ 2 đến 3 cán bộ dự nguồn. Ban Thường vụ Huyện ủy đã luân chuyển 2 huyện ủy viên về làm bí thư đảng ủy xã; điều động 5 đồng chí là cán bộ xã lên công tác ở các cơ quan khối đảng, đoàn thể, thực hiện chuyển cán bộ công tác đảng, đoàn thể sang làm công tác chính quyền và ngược lại, nhằm tạo sự đồng đều trong đội ngũ cán bộ của huyện. Trung bình mỗi năm, huyện dành ngân sách từ 100 triệu - 200 triệu đồng cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ năm 1998 đến nay, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện mở 198 lớp bồi dưỡng (kết nạp Đảng, sơ cấp và trung cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng dành cho trưởng thôn...), 10 lớp chuyên môn (quản trị kinh doanh, nông nghiệp, tin học...); 62 lớp quản lý hành chính nhà nước (chính quyền cơ sở, bồi dưỡng các đoàn thể...).

Công tác thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ cũng được huyện quan tâm: kịp thời đề nghị nâng lương, phụ cấp chức vụ, sinh hoạt phí cho cán bộ; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ được cử đi học; thực hiện tốt việc thăm, viếng đối với cán bộ khi ốm đau, từ trần theo quy định... Gắn với đó, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ yêu cầu về cả đức và tài.

Ứng Hòa từng bước hiện đại hóa công sở, nhằm bảo đảm yêu cầu công việc, máy vi tính được trang bị đến từng xã. Đồng thời, đề ra các chủ trương phù hợp yêu cầu của tình hình thực tiễn, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Ví dụ, đến năm 2010, nếu cán bộ không đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... thì sẽ đề nghị cho nghỉ việc (nhất là đối với đối tượng cán bộ tuổi đã cao), hoặc phải đi học nâng cao trình độ.

Nhờ đó, cán bộ, công chức cơ sở của huyện, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt đang được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, trong đó có trình độ văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị và kiến thức hoạt động thực tiễn. Đến năm 2010, huyện phấn đấu 100% số cán bộ cấp xã có trình độ trung học phổ thông, hoặc cao đẳng, đại học trở lên (tùy theo từng vị trí cán bộ). Đa phần cán bộ đều cố gắng hoàn thành công việc của mình, chủ động đổi mới phong cách làm việc, tìm các biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Do vậy, đã góp phần không nhỏ thúc đẩy chất lượng sống của người dân, tăng hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: giá trị sản phẩm nông nghiệp bình quân đạt 37,4 triệu đồng/ha; phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 222 ha; việc xây dựng các cụm, điểm công nghiệp ở phía bắc thị trấn Vân Đình, điểm công nghiệp Xà Kiều thu hút không ít doanh nghiệp đầu tư vào huyện (doanh nghiệp may DHA, doanh nghiệp Hòn Ngọc Viễn Đông, doanh nghiệp mì sợi 2-9...).

Chất lượng và hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở chính là biểu hiện bộ mặt trực tiếp của chính quyền trước người dân. Để nâng cao chất lượng và cải thiện đời sống cho đội ngũ này, Ứng Hòa cũng rất coi trọng việc tăng cường phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau giữa cán bộ và nhân dân. Chỉ có thế, mới tạo thành thế trận lòng dân vững chắc giúp công việc của cán bộ ngày càng tốt hơn. /.