Du lịch Hà Nội ứng dụng công nghệ số hướng đến phát triển bền vững
TCCS - Dịch bệnh COVID-19 đã tác động không nhỏ đến du lịch Thủ đô, nhưng cũng mở ra những xu hướng mới trong hoạt động của ngành. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ số trở thành tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, đồng thời là biện pháp để các đơn vị, doanh nghiệp du lịch thay đổi tư duy quản lý, tìm kiếm thêm giải pháp tiếp cận với khách hàng cũng như thay đổi cách xây dựng sản phẩm du lịch thông minh.
Những tín hiệu lạc quan
Thời gian qua, Hà Nội luôn đi tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, đưa công nghệ vào hoạt động du lịch. Việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý, kinh doanh du lịch được nhiều đơn vị thực hiện. Trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, chuyển đổi số được các công ty du lịch triển khai mạnh mẽ hơn. Phần lớn các công ty du lịch hoạt động trên địa bàn Hà Nội, như Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour, Goldentour, VietSense,… đều đã chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới. Các app ứng dụng kết nối dịch vụ cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D,… đã được triển khai. Đồng thời, Hà Nội phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng phát triển bền vững dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Tại các điểm đến, việc chuyển đổi số cũng cho kết quả rõ rệt. Nhiều di tích, làng nghề đã ứng dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh. Chẳng hạn, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm sứ Bát Tràng,... đã ứng dụng thành công hệ thống thuyết minh tự động, ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến. Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã xây dựng thư viện 3D, cho phép du khách sử dụng nhiều ngôn ngữ để tìm kiếm thông tin về di tích. Còn ở xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ thương mại Bát Tràng cũng được xây dựng. Một số tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm bus, travel guide… cũng đã được đưa vào sử dụng. 100% khách du lịch quốc tế, 68,6% khách du lịch nội địa biết đến điểm đến du lịch Hà Nội qua thông tin từ internet.
Hà Nội đã đưa vào hoạt động hệ thống các tài khoản trên mạng xã hội, tổng đài thông tin, tư vấn, giải đáp du lịch 1800556896 để giúp du khách thuận tiện hơn trong việc tiếp cận thông tin, hình ảnh các sản phẩm du lịch. Đây là bước đột phá trong công tác bảo đảm môi trường du lịch, định hướng phát triển thị trường cũng như tiếp nhận thông tin trực tiếp của du khách. Trang thông tin điện tử du lịch Hà Nội hoạt động với hai ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, cùng với các tài khoản mạng xã hội facebook, youtube, twitter để tăng tính tương tác, là kênh thông tin quan trọng, hiệu quả để truyền thông, quảng bá du lịch điểm đến Hà Nội. Những doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật đều được niêm yết công khai. Người truy cập dễ dàng tiếp cận, xác minh thông tin của các điểm du lịch; nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành quốc tế và nội địa; các hướng dẫn viên du lịch trên toàn quốc… Những doanh nghiệp không chấp hành đúng quy định sẽ không được niêm yết. Như vậy, thị trường du lịch được lành mạnh hóa, những cơ sở kinh doanh gian dối sẽ bị xóa bỏ.
Những vấn đề đặt ra
Chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch đang là xu thế tất yếu và bước đầu được các doanh nghiệp du lịch trong nước nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng ứng dụng hiệu quả. Đặt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì sự thay đổi này là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành du lịch. Thực tế cho thấy, tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến nhiều nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống trong lĩnh vực du lịch gặp khó khăn và đây là động lực giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Những tiện ích ứng dụng công nghệ số đã mang lại nhiều lợi ích cho cả du khách cũng như doanh nghiệp lữ hành khi khách du lịch dễ dàng tiếp cận hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch. Nhìn một cách toàn diện, quá trình này giúp giảm tác động đến môi trường, tiết kiệm chi phí và thời gian của du khách. Vì thế, chuyển đổi số để phát triển du lịch là khoản đầu tư tiết kiệm, có thể giúp doanh nghiệp đưa các sản phẩm tiếp cận với du khách, đặc biệt là sớm phục hồi.
Du lịch thông minh đã được Hà Nội phát triển trên nền tảng ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, so với thủ đô các quốc gia khác trên thế giới, có trình độ khoa học và công nghệ của Hà Nội vẫn còn hạn chế. Vì thế, việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ ứng dụng cho du lịch gặp nhiều khó khăn. Sự tiếp cận của doanh nghiệp với du lịch thông minh còn yếu, do doanh nghiệp du lịch Thủ đô và Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, kinh doanh nhỏ lẻ nên khả năng tài chính chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao; doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn 1-2 sao) chiếm số lượng lớn, đối tượng khách phục vụ chủ yếu là khách nội địa, nhu cầu khách sử dụng các dịch vụ thông minh, trực tuyến không lớn nên khả năng tiếp cận du lịch thông minh của các doanh nghiệp này còn thấp.
Hướng đến giá trị bền vững
Để việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch đạt hiệu quả hơn, đòi hỏi các đơn vị cần có sự liên kết, chia sẻ công nghệ, đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Sở Du lịch Hà Nội hoàn thiện bản đồ du lịch Hà Nội dưới dạng số hóa, nhằm giúp các đơn vị kinh doanh du lịch và du khách dễ dàng tra cứu điểm đến. Thành phố cũng chủ trương đẩy mạnh thương mại điện tử để hướng tới mục tiêu đến năm 2030, du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản định hướng cho việc triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg, về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành “xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh”. Mục đích của chuyển đổi số trong ngành du lịch là phải giữ được quan hệ với khách hàng, tạo sức hấp dẫn thu hút thêm khách hàng mới thông qua những nền tảng trực tuyến, như ứng dụng Zalo, Facebook, Google, hệ thống quản trị khách hàng, thông tin dữ liệu về điểm đến du lịch an toàn...
Để tận dụng và làm tốt được việc này, các doanh nghiệp du lịch cần số hóa hệ thống thông tin về du khách, sản phẩm và dịch vụ; tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học để đáp ứng nhu cầu của du khách cả về chất lượng dịch vụ cũng như giá thành sản phẩm.
Bước tiếp theo là phải sử dụng tối ưu nền tảng dữ liệu số hóa thông qua hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin. Ngoài thể hiện tính chuyên nghiệp với thiết kế bảo đảm thẩm mỹ, nội dung phong phú, các trang mạng cần tích hợp nhiều tiện ích cần thiết cho du khách, phải tương thích, thân thiện trên tất cả các thiết bị điện tử mà khách hàng quen dùng khi truy cập thông tin từ máy tính, máy tính bảng cho đến điện thoại di động. Đặc biệt, hệ thống thông tin cũng cần phục vụ tốt các mục tiêu quảng bá, giới thiệu điểm đến và hỗ trợ khách du lịch khi họ tìm hiểu về địa điểm vui chơi, mua sắm, nhà hàng, an ninh, y tế… Thêm nữa, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự chuyển đổi hình thức tiếp thị, tư vấn, bán hàng và chăm sóc khách hàng qua nền tảng trực tuyến, kỹ thuật số; kết hợp với thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ,… xây dựng được những sản phẩm có chất lượng, phù hợp với từng đối tượng để tối ưu hóa trải nghiệm cho các du khách.
Để thúc đẩy phát triển du lịch thông minh, Hà Nội cần tập trung thực hiện một số giải pháp căn bản, như hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch thông minh; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ cho ngành du lịch: xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, sản xuất các phần mềm, hệ thống, chương trình, ứng dụng, tiện ích thông minh cho ngành du lịch; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch thông minh; vào công tác quản lý và phát triển điểm đến; vào công tác thống kê, bảo tồn, phục chế các giá trị di sản, di tích phục vụ du lịch. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ, hợp tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thông minh.
Chất lượng sản phẩm du lịch là yếu tố cốt lõi thu hút du khách. Hà Nội có thị trường du lịch ở 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bốn năm gần đây, lượng khách nước ngoài luôn tăng cao, từ 16 đến 20%/năm. Điều này đòi hỏi ngành du lịch cùng với cơ quan chức năng phải có chiến lược tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách, hạ tầng công nghệ thông tin để việc chuyển đổi số thật sự hiệu quả, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững.
Phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu của tương lai, tạo ra diện mạo mới cho ngành du lịch của Thủ đô. Tuy nhiên, để phát triển du lịch thông minh, cần có những điều kiện và tiền đề nhất định, trong đó nền tảng cốt yếu là có nhận thức đầy đủ, đúng đắn và ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Thành quả của sức mạnh đoàn kết và chung ý chí quyết tâm  (14/09/2021)
Công an quận Đống Đa thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19  (12/09/2021)
Nâng cao năng suất lao động - đưa kinh tế Thủ đô phát triển bền vững  (11/09/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển