Một số điểm mới trong chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông
TCCS - Thời gian qua, trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đã bước vào hồi kết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đặc biệt quan tâm đến khu vực Trung Đông và tích cực thể hiện sức mạnh của Mỹ ở khu vực này, điển hình là việc Mỹ phát huy vai trò trung gian hòa giải giữa Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Israel; liên tục cử các nhân vật thân cận là Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn cao cấp Nhà Trắng Jared Kushner - người được xem là kiến trúc sư về hòa bình Trung Đông của ông D. Trump thực hiện các chuyến ngoại giao con thoi đến khu vực này.
Trung Đông từ trước đến nay luôn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ, có vị trí địa - chiến lược quan trọng, tiếp giáp với ba châu lục, bao gồm: châu Á, châu Âu và châu Phi. Với Mỹ, đây còn là nơi án ngữ, ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc sang các khu vực khác, là “rốn dầu của thế giới”, chiếm tới 65% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu. Bất chấp việc có thể có sự khác biệt về chính sách trong mỗi nhiệm kỳ, dù Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa cầm quyền, song duy trì vị trí lãnh đạo tại khu vực, ngăn chặn bất kỳ quốc gia hay liên minh nào trỗi dậy thách thức vị thế và vai trò lãnh đạo của Mỹ, cũng như bảo đảm sự lưu thông dầu mỏ từ vùng Vịnh đến các thị trường thế giới, thúc đẩy cuộc chiến chống khủng bố cực đoan, bảo vệ an ninh cho Israel, vẫn luôn là những trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực này.
Từ những bước đi đầy tranh cãi…
Sau khi lên nắm quyền, với quan điểm chính sách đối ngoại dựa trên “chủ nghĩa hiện thực, tự kiểm soát và tôn trọng”, thiết lập các liên minh nhằm phục vụ những lợi ích cơ bản của Mỹ, chính quyền của Tổng thống D. Trump theo đuổi một chính sách đối ngoại dựa trên cách tiếp cận thận trọng, thực dụng nhằm bảo vệ các lợi ích của Mỹ, hạn chế sự dàn trải sức mạnh ở nước ngoài, tránh phiêu lưu trong các cuộc chiến. Tuy nhiên trên thực tế, các chuyên gia cho rằng, một số quyết sách tại khu vực Trung Đông của chính quyền Tổng thống D. Trump thể hiện sự thiếu rõ ràng, thiếu đồng nhất và gây ra nhiều tranh cãi.
Đơn cử như việc Mỹ tuyên bố rút quân khỏi khu vực Đông Bắc Syria, đã khiến “hồ sơ” Syria trở nên phức tạp, các đồng minh hoài nghi về các cam kết an ninh của Mỹ, tạo ra nhiều mối đe dọa tiềm ẩn ở khu vực, bao gồm cả nguy cơ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy. Đối với vấn đề Iran, chính quyền của Tổng thống D. Trump có nhiều thay đổi chính sách so với người tiền nhiệm Barack Obama, nhất là việc rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với sự tham gia của Iran và nhóm P5+1 (gồm năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với Iran. Thực tế cho thấy, chính sách gây sức ép tối đa này hầu như không đem lại kết quả mà đang khiến tình hình khu vực trở nên bất ổn, triển vọng đàm phán giữa Mỹ và Iran ngày càng trở nên mờ nhạt; đồng thời, Mỹ cũng gặp trở ngại trong việc tìm tiếng nói chung đối với vấn đề hạt nhân Iran đầy gai góc. Ngày 21-8-2020, 13/15 Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu phản đối khi Mỹ yêu cầu khởi động cơ chế “nhanh chóng khôi phục trừng phạt” theo Nghị quyết số 2231 về việc khôi phục toàn diện các biện pháp trừng phạt Iran trong 30 ngày. Đối với tiến trình hòa bình Israel - Palestine, động thái gây tranh cãi nhất là việc Tổng thống D. Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv tới Thủ đô Jerusalem; đồng thời, công bố “Thỏa thuận thế kỷ” với một số nội dung được cho là có sự “thiên vị” đối với Israel trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Palestine.
Sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống D.Trump đối với Israel cho thấy dù chính sách có thay đổi, biện pháp thay đổi song yếu tố không đổi vẫn là bài toán lợi ích. Mỹ có thể giảm sự hiện diện quân sự tại khu vực Trung Đông nhưng không đồng nghĩa với vai trò của Mỹ suy giảm. Mỹ sẽ tìm những công cụ khác để duy trì và củng cố ảnh hưởng của mình, từ đó bảo đảm lợi ích chiến lược ở khu vực, bao gồm việc củng cố quan hệ với đồng minh, xây dựng và mở rộng liên minh trong khu vực, kiềm chế các chính quyền mà Mỹ coi là “đối địch”, chi phối và kiểm soát nguồn dầu mỏ.
…đến những toan tính cho ngày bầu cử Tổng thống Mỹ
Thời gian qua, Mỹ liên tục thể hiện vai trò trung gian hòa giải mối quan hệ của các nước Trung Đông, nổi bật là việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel với UAE và Bahrain. Ngày 16-9-2020, tại Nhà Trắng, dưới sự chứng kiến của Tổng thống D. Trump, Israel đã ký với UAE bản thỏa thuận lịch sử mang tên “Hiệp ước Abraham”, đồng thời ký với Bahrain thỏa thuận bình thường hóa quan hệ. Những thỏa thuận lịch sử này xuất phát từ lợi ích của các nước và cũng đều mang lại những cơ hội về kinh tế - thương mại và nhiều mục đích an ninh - chính trị khác cho tất cả các bên. Cả Bahrain và UAE mong đợi việc thúc đẩy thương mại, du lịch cởi mở và Israel là một trong những nước có lĩnh vực công nghệ được đánh giá thuộc hàng tiên tiến nhất trên thế giới. Nước này cũng đang ngày càng mạnh lên về tiềm lực cũng như luôn có được sự bảo trợ, hậu thuẫn của Mỹ. Đây cũng là một thành công lớn đối với người Israel khi ngày càng có nhiều quốc gia Arab thừa nhận sự tồn tại và phát triển của Nhà nước Do Thái này. Trong bối cảnh chính phủ liên minh do Thủ tướng Benjamin Netanyahu đứng đầu đang phải đối phó với những áp lực xã hội do tình hình dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát và kinh tế không mấy khởi sắc, thách thức cạnh tranh đảng phái; bản thân Thủ tướng B. Netanyahu cũng đối mặt với các cáo buộc tham nhũng của cơ quan tư pháp thì việc ký kết thỏa thuận hòa bình với UAE và Bahrain sẽ là “liều thuốc trợ lực” cho chính quyền Israel hiện nay.
Các thỏa thuận lịch sử mà Israel đạt được với UAE và Bahrain ghi dấu vai trò trung gian quan trọng của Mỹ. Vậy mục đích của những hoạt động ngoại giao con thoi cùng những động thái dồn dập thời gian qua của Mỹ ở Trung Đông là gì? Giới chuyên gia cho rằng:
Thứ nhất, dường như Mỹ muốn xây dựng một “hình mẫu” để các quốc gia vùng Vịnh tiếp nối. Israel là một “mắt xích” quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở khu vực Trung Đông, điều này càng được thể hiện rõ nét dưới thời chính quyền Tổng thống D. Trump. UAE là quốc gia Arab đầu tiên thuộc vùng Vịnh thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel và cũng là quốc gia Arab thứ ba sau Ai Cập và Jordan thiết lập quan hệ ngoại giao với nước này. Mỹ mong muốn xây dựng mối quan hệ này thành hình mẫu hòa giải giữa các nước Arab và Israel trong tương lai. Việc khuyến khích thêm các quốc gia Arab thiết lập quan hệ với Israel cho thấy Mỹ đang đẩy nhanh chiến lược tái sắp xếp đồng minh theo một cách tiếp cận mới, vừa nhằm củng cố vai trò lâu dài của Mỹ, vừa nhằm cô lập và đối phó với Iran.
Thứ hai, Mỹ tranh thủ xu hướng hợp tác đang lên, điển hình là việc UAE và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao để khuyến khích thêm nhiều quốc gia Arab hòa giải với Israel, trong đó Bahrain và Oman được đánh giá cao nhất, Sudan cũng là một lựa chọn tiềm năng. Thực tế là sau thỏa thuận lịch sử mà UAE và Israel đạt được, sau những động thái thúc đẩy tích cực của Mỹ, Bahrain đã là quốc gia tiếp theo đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Một số chuyên gia đánh giá, với sự khởi đầu này, tương lai hòa giải giữa các nước Arab và Israel sẽ là xu thế lớn vì môi trường Trung Đông hiện đã có nhiều thay đổi. Thế giới Arab đang trong quá trình chuyển đổi, đa số các nước đều chịu tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, giá dầu lao dốc khiến nền kinh tế suy thoái, tình hình tài chính khó khăn. Trong khi đó, Israel có ưu thế trên các lĩnh vực, như quản trị quốc gia, vốn và công nghệ, năng lực sáng tạo… Sau khi bình thường hóa quan hệ, các nước Arab có thể thúc đẩy hợp tác sâu với Israel trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế và công nghệ.
Thứ ba, thời gian qua, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang diễn ra, các hoạt động ngoại giao con thoi dồn dập cùng những thỏa thuận đã đạt được giữa UAE và Bahrain với Israel thể hiện rõ ý đồ sử dụng “quân bài Trung Đông” của chính quyền Tổng thống D. Trump nhằm tạo ưu thế. Việc lễ ký kết thỏa thuận diễn ra ở Nhà Trắng cũng là một dịp để Tổng thống D. Trump gây thanh thế và tạo dấu ấn đối ngoại cá nhân rõ rệt.
Khi Tổng thống D. Trump gặp nhiều bất lợi trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 đối với nền kinh tế và đời sống người dân Mỹ, nội bộ Mỹ đang đầy mâu thuẫn với những chỉ trích, cáo buộc liên tục nhằm hạ uy tín đối phương và giành lợi thế trước bầu cử thì những bước đi dồn dập tại khu vực Trung Đông thời gian qua phải chăng là chủ ý đối ngoại của ông D. Trump nhằm tranh thủ lá phiếu bầu từ những cử tri người Mỹ gốc Do Thái - nhân tố đóng vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thời gian gần đây. Theo các chuyên gia, việc làm trung gian thực hiện cuộc hòa giải lớn giữa Israel và các quốc gia Arab rõ ràng đã tạo được một nguồn vốn chính trị lớn đối với ông D. Trump, tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu “Kế hoạch mới về hòa bình Trung Đông” hay còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” vẫn còn khá nhiều rào cản và không dễ triển khai thực hiện.
Những tác động lâu dài tới tình hình khu vực Trung Đông
Sự thay đổi trong cách tiếp cận và các bước đi ngoại giao tại khu vực Trung Đông của chính quyền Tổng thống D. Trump bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhìn nhận một cách khách quan có thể thấy, tiến trình hòa bình Trung Đông là một vấn đề gai góc và gắn với nhiều biến động lịch sử mà hậu quả của nó còn tồn tại cho đến hiện nay; đồng thời, cách tiếp cận lâu nay của chính quyền Mỹ và cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này chưa mang lại kết quả trên thực địa, dẫn tới sự bế tắc lâu dài. Bản thân ông D. Trump được biết đến là một người luôn đề cao tính hiệu quả, thực dụng và coi trọng việc thực hiện các cam kết. Điều này dẫn tới việc chính quyền của Tổng thống D. Trump hướng tới cách tiếp cận mới, theo hướng buộc các bên đi vào đàm phán đi kèm với một số lợi ích chính trị và kinh tế.
Không gian chính trị tại khu vực Trung Đông hiện nay cũng có nhiều thay đổi, được nhìn nhận là nhân tố có tác động quan trọng dẫn tới những bước đi mới gần đây của Mỹ ở khu vực này, đặc biệt là sự ủng hộ đối với Israel. Hiện nay, Israel đã trở thành một quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự ngày càng phát triển, vai trò và vị thế của nước này tại khu vực Trung Đông ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, ở Israel đã và đang hình thành một thế hệ lãnh đạo chính trị mới trong thế giới Arab, khi mà vấn đề lợi ích quốc gia ngày càng được ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh thế giới và khu vực nhiều biến động bất lợi như hiện nay. Do đó, sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel cũng dần có nhiều sự thay đổi, từ việc hỗ trợ bảo đảm an ninh chuyển sang hướng nâng cao vị thế của Israel thông qua việc thúc đẩy hòa giải với các nước Arab và dần dần hợp thức hóa các phần lãnh thổ của nước này. Điều này phù hợp và thống nhất với quan điểm về quan hệ với đồng minh rất thực dụng của ông D. Trump, đó là Mỹ rút dần sự ủng hộ và can dự trực tiếp, thay vào đó là tăng cường năng lực và trách nhiệm của các đồng minh nhằm bảo đảm an ninh khu vực cũng như các lợi ích của Mỹ.
Như vậy, cách tiếp cận mới trong vấn đề Trung Đông của Mỹ trong thời gian gần đây chính là khơi dậy vai trò xung kích của chính các nước trong khu vực, nhằm rút quân Mỹ khỏi chức năng chiến đấu trực tiếp song vẫn giữ được vai trò lãnh đạo bằng sức mạnh toàn diện và tuyệt đối của Mỹ. Chiến lược đó và những động thái gần đây của một số nước trong khu vực sẽ tạo ra những tác động lớn về chính trị - an ninh, thúc đẩy và làm thay đổi tập hợp lực lượng trong khu vực, có nguy cơ đẩy các bất ổn gia tăng và sức ép này cũng có thể đẩy Palestine xích lại gần Nga, Trung Quốc hay các nước lớn trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ…/.
Phong trào tiến bộ ở Mỹ nhìn từ cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ hiện nay  (04/08/2020)
Những toan tính chiến lược của Mỹ ở Trung Đông trong năm bầu cử 2020  (20/04/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm