Châu Á - Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump

nguyễn thu phương
NCS, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
14:50, ngày 08-08-2017

TCCSĐT - Châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực phát triển kinh tế năng động nhất trên thế giới, với sự có mặt của các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, đây cũng là một trong các điểm nóng nhất trên toàn cầu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột. Vì tầm quan trọng này, Mỹ luôn muốn đóng một vai trò “không thể thiếu” đối với an ninh và ổn định khu vực.

Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump_Ảnh: Tư liệu

Củng cố các quan hệ đồng minh

Sau 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump (Đô-nan Trăm), quan hệ Mỹ - Nhật nhanh chóng trở lại quỹ đạo phần lớn nhờ vào nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản S. Abe (S. A-be), người đã đến thăm Nhà Trắng chưa đầy một tháng sau khi ông D. Trump nhậm chức, làm sống lại những cam kết truyền thống của Mỹ đối với Nhật Bản. Tháng 02-2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Mattis (G. Mát-ti) đã có chuyến thăm tới Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong chuyến thăm này, ông J. Mattis đã đề cập đến “Chiến lược bù đắp thứ ba” (The Third Offset Strategy) của Bộ Quốc phòng Mỹ, được thiết kế để duy trì lợi thế tối ưu về quân sự bằng các loại vũ khí mới, hiện đại nhất, bao gồm những vũ khí không người lái, như các loại robot, tàu chiến và tàu ngầm. Theo đó, Mỹ có thể sẽ đề nghị Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia các dự án phát triển công nghiệp quốc phòng chung trong khuôn khổ chiến lược trên. Mỹ mong muốn Hàn Quốc và Nhật Bản thu hẹp bất đồng để cùng nâng cấp hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng như tiến hành các cuộc tập trận chung ở cấp tác chiến, tăng cường trao đổi thông tin tình báo, hoạt động hiệu quả các kênh thông tin liên lạc song phương. Điều này giúp tăng cường sức mạnh của liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn.

Tiếp đó, trung tuần tháng 3-2017, Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson (R. Tai-lơ-sơn) cũng có chuyến thăm đến các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Gần đây nhất, trong chuyến công du 10 ngày, từ ngày 16 đến ngày 25-4-2017, Phó Tổng thống Mỹ M. Pence (M. Pen-xơ) đã đến thăm 4 nước thuộc vành đai châu Á - Thái Bình Dương là Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Australia. Tại Hàn Quốc, trong cuộc hội đàm với quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn (Hoan Ki-ô An), Phó Tổng thống M. Pence đã bày tỏ và làm rõ về chính sách của chính quyền Trump đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và thảo luận vấn đề triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Phó Tổng thống M. Pence cũng đã gặp các binh sỹ và doanh nhân Mỹ đang đóng quân và làm việc tại Hàn Quốc. Phát biểu trước các binh sỹ Mỹ, ông M. Pence khẳng định “quyết tâm của lãnh đạo Mỹ chưa bao giờ mạnh như hiện nay”. Phó Tổng thống M. Pence cũng đã đến thăm làng đình chiến Panmunjom ở khu biên giới phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên (DMZ). Tại đây, ông M. Pence nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với nhân dân Hàn Quốc và quan hệ Mỹ - Hàn “được bọc thép và không thay đổi”.

Tại Nhật Bản, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản S. Abe, Phó Tổng thống Mỹ M. Pence và Thủ tướng S. Abe đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản với quân đội Mỹ, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cũng như thúc giục Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình kêu gọi Triều Tiên kiềm chế. Phó Tổng thống M. Pence cho biết, Tổng thống Mỹ D. Trump quyết tâm hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các đồng minh trong khu vực để đạt được một giải pháp hòa bình và thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh thời kỳ kiên nhẫn chiến lược đã qua và mọi phương án đang được thảo luận. Phó Tổng thống Mỹ cũng ca ngợi mối quan hệ an ninh lâu bền giữa hai nước, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với nền an ninh của Nhật Bản, nhấn mạnh mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nhật Bản là nền tảng của hòa bình và an ninh tại khu vực Đông Bắc Á.

Đối với Australia, ngày 19-4, Chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Australia, ông B. Middleton (B. Mít-đơ-tơn) tuyên bố, những binh sĩ thuộc lực lượng này đã được triển khai tới thành phố Darwin, miền Bắc Australia để tham gia cuộc tập trận chung với Australia, trong khuôn khổ chương trình kéo dài 25 năm được Tổng thống tiền nhiệm B. Obama (B. Ô-ba-ma) khởi động năm 2011 như một phần trong chính sách “xoay trục” châu Á của mình. Điều này thể hiện cam kết của Tổng thống D. Trump về chiến lược “xoay trục” an ninh sang châu Á của chính quyền tiền nhiệm, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, Tổng thống D. Trump luôn đòi hỏi các đồng minh châu Á phải đảm đương trách nhiệm an ninh lớn hơn trong khu vực, động thái được cho là “phủ bóng đen” lên chiến lược xoay trục sang châu Á. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhà lãnh đạo Mỹ đã bày tỏ cam kết bảo vệ các đồng minh châu Á trước những mối đe dọa gia tăng. Hàng loạt cam kết trong chuyến thăm Hàn Quốc, Nhật Bản của Phó Tổng thống Mỹ M. Pence cũng đã khẳng định mối quan hệ đồng minh vững chắc giữa Mỹ và các quốc gia này. Bên cạnh đó, chính quyền Trump đã đề xuất tăng mạnh ngân sách cho quốc phòng. Ông D. Trump cũng chủ trương mở rộng sức mạnh hải quân với đội tàu hùng hậu. Các cố vấn của Tổng thống D. Trump cho rằng, phần lớn đội hình 350 tàu này cần được triển khai đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Những động thái trên cho thấy, có thể tên gọi chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” ở châu Á - Thái Bình Dương, được biết đến dưới thời cựu Tổng thống Mỹ B. Obama gần đây đã không được nhắc đến, nhưng chính quyền Tổng thống D. Trump vẫn duy trì cam kết với khu vực này, dù tính chất cam kết có thể khác đi. Các cam kết này về cơ bản sẽ không làm thay đổi những lợi ích quốc gia của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương như duy trì các liên minh quân sự, thương mại và tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

Quan hệ Mỹ - Trung: Hợp tác và kiềm chế

Trong quan hệ với Trung Quốc, thời gian qua, chính quyền Trump đã có những điều chỉnh khá rõ nét. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung giữa Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 4-2017 tại Florida (Mỹ) được giới truyền thông Trung Quốc đánh giá “đã diễn ra theo cách tốt nhất có thể”.

Trước thềm chuyến thăm, Tổng thống D. Trump đã đưa ra những phát biểu cứng rắn rằng nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên thì Mỹ sẽ làm. Tuy nhiên, tại hội đàm cấp cao, dường như Tổng thống D. Trump muốn cùng Trung Quốc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này. Tình hình bán đảo Triều Tiên và an ninh tại khu vực Đông Bắc Á sẽ khiến hai nước không dễ tìm được tiếng nói chung, song Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc đang làm tất cả những gì có thể và sẵn sàng cùng Mỹ “hạ nhiệt” tình hình căng thẳng tại Triều Tiên. Hợp tác là lựa chọn duy nhất đúng đắn của hai nước, hai bên hoàn toàn có thể trở thành đối tác tốt. Mỹ - Trung có thể tiếp tục duy trì liên hệ chặt chẽ thông qua nhiều phương thức, trong đó tận dụng tốt bốn cơ chế hợp tác, đối thoại cao cấp mới được thiết lập, gồm: Đối thoại an ninh ngoại giao, Đối thoại kinh tế toàn diện, Đối thoại an ninh mạng và thực thi pháp luật, Đối thoại về vấn đề xã hội và giao lưu nhân dân. Trên cơ sở đó, Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng cường kết nối, phối hợp trong các vấn đề quốc tế, khu vực, giải quyết tốt các điểm nóng có liên quan, mở rộng hợp tác để đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu như chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống hoạt động tội phạm xuyên quốc gia…; tăng cường hợp tác trong các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20)… để cùng duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng trên thế giới.

Quan hệ Mỹ - Trung còn tồn tại sự khác biệt, song hai cường quốc đều đã bày tỏ sự tôn trọng lẫn nhau trong cuộc gặp này. Còn quá sớm để nói về tương lai mối quan hệ này, nhưng đây là cặp quan hệ song phương quan trọng và phức tạp, có ảnh hưởng sâu rộng trong hệ thống quan hệ quốc tế hiện nay. Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa thể mang lại sự cải thiện mang tính đột phá trong quan hệ hai nước. Dù vậy, việc cuộc gặp diễn ra khá sớm (chỉ hơn 2 tháng sau khi ông D. Trump nhậm chức) cho thấy mong muốn của cả hai bên trong thúc đẩy đối thoại để cải thiện lòng tin lẫn nhau.

Tham gia vào các công việc của khu vực

Trước đây, chính quyền của cựu Tổng thống B. Obama luôn đặt khu vực Đông Nam Á vào một vị trí đặc biệt chưa từng có tiền lệ trong chính sách của Mỹ đối với châu Á. Khi mới lên nắm quyền, chính quyền Trump tỏ ra thờ ơ đối với khu vực này, giới phân tích đã tỏ ra hết sức quan ngại. Quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan, đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ nhắm vào Trung Quốc khi đề cập đến các vấn đề chiến lược và thương mại, khiến dư luận không khỏi băn khoăn về quan điểm của Mỹ với chính sách “Một Trung Quốc”. Tiếp đó, việc ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân đến từ 7 nước Hồi giáo khiến nhiều nước nghi ngại khả năng lệnh cấm này sẽ được mở rộng ra một số quốc gia Đông Nam Á… Có thể thấy, chính sách của Mỹ đối với ASEAN nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung khó đoán định. Phương thức biểu hiện cụ thể chính mà chính quyền Trump lựa chọn là “lập trường mang tính thương mại” đối với cơ chế đa phương trong khuôn khổ ASEAN.

Năm 2017, ASEAN tổ chức hàng loạt các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Về đối nội, ASEAN đang tiến hành cải cách nguyên tắc, sửa đổi Hiến chương ASEAN để theo kịp sự phát triển của thời đại và thực tiễn của khu vực. Về đối ngoại, ASEAN tiếp tục chào đón các nước trong và ngoài khu vực như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… tham gia các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN, tiếp tục chính sách “cân bằng nước lớn” để kiểm soát các công việc của khu vực. Khi mới hình thành nội các, có vẻ như chính quyền Trump không mấy “mặn mà” với việc tham gia các hội nghị của ASEAN. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện một số dấu hiệu tích cực. Đầu tháng 3-2017, Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson đã gặp các đại sứ và đại biện của các quốc gia ASEAN tại Washington (Mỹ), trấn an các nước về chính sách của Mỹ đối với khu vực. Ngày 04-5, Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson cũng đã đón tiếp những người đồng cấp đến từ 10 nước ASEAN tại thủ đô Washington. Ngày 20-4-2017, trong chuyến thăm tới trụ sở của ASEAN tại Jakarta (Indonesia), Phó Tổng thống Mỹ M. Pence thông báo, Tổng thống D. Trump sẽ tham dự các hội nghị thượng đỉnh ở châu Á diễn ra vào tháng 11 tới. Cụ thể, Tổng thống D. Trump sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ và Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Philippines (tháng 11-2017). Ngoài ra, Phó Tổng thống M. Pence cho biết, chính quyền Trump sẽ làm việc với ASEAN về các vấn đề an ninh, thương mại và tự do hàng hải tại Biển Đông. 

Thúc đẩy quan hệ thương mại với khu vực

Nhiều thập niên qua, có thể thấy Washington đã tham gia khá sâu rộng, dẫn dắt các chương trình nghị sự kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang tập trung của cải, công nghệ và cả sức mạnh quân sự của thế giới. Gần đây, có không ít quan điểm cho rằng, vai trò “đầu tàu” này của Mỹ đang có xu hướng chuyển sang cho Trung Quốc. Đánh giá về việc chính quyền Mỹ rút khỏi TPP, cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Ton (Go Chu Tông) cho rằng, đây là “bước đi thụt lùi” của chính quyền mới ở Mỹ. Thông qua việc phủ nhận TPP - trụ cột trong chính sách “tái cân bằng” sang châu Á của chính quyền B. Obama, Tổng thống D. Trump dường như đã trao quyền nhiều hơn cho Trung Quốc. Chính sách thương mại gần đây của ông D. Trump chưa được định hình rõ ràng nhưng có thể thấy chính quyền Trump đang tập trung hiện thực hóa khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”. Mỹ cũng chủ trương bảo hộ đầu tư, ưu tiên các hiệp định thương mại tự do song phương với các nước trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Mỹ với mong muốn các nhà đầu tư của Mỹ cũng như của nước ngoài tích cực quay trở lại, đầu tư nhiều hơn vào Mỹ. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này có thể sẽ đẩy các đồng minh của Mỹ vào tình thế khó khăn. Trong khi đó, các nhà lập pháp Mỹ lại có một mối quan tâm đặc biệt về quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Cuối cùng, Mỹ cũng không thể hoàn toàn nhường lại “thị phần thương mại” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho Trung Quốc. Các bước đi gần đây của chính quyền Trump đã minh chứng điều này.

Hủy bỏ TPP với lý do tổn hại tới lợi ích của nước Mỹ, nhưng ngày 18-04-2017, ngay trong chuyến thăm Nhật Bản, Phó Tổng thống M. Pence đã ngỏ ý muốn khởi động đối thoại kinh tế cấp cao với Nhật Bản. Hai bên nhất trí sẽ tiến hành vòng 2 đối thoại kinh tế cấp cao Mỹ - Nhật vào cuối năm nay. Chính quyền Tổng thống D. Trump muốn sử dụng đối thoại để thúc đẩy một thỏa thuận song phương với Nhật Bản. Trước đó, ngày 04-04-2017 tại Jakarta (Indonesia) đã diễn ra cuộc họp lần thứ 8 Ủy ban hợp tác chung (JCC) ASEAN - Mỹ. Cuộc họp có sự tham dự của Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN (CPR), Phái đoàn Mỹ tại ASEAN, đại diện Ban Thư ký ASEAN và một số cơ quan của Mỹ. Mỹ và ASEAN hài lòng ghi nhận những kết quả đã đạt được trong việc triển khai Kế hoạch hành động ASEAN - Mỹ giai đoạn 2016 - 2020 cũng như việc thực hiện các thỏa thuận, quyết định của Hội nghị Cấp cao đặc biệt Sunnyland (tháng 02-2016) và Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 4 (tháng 9-2016), nhất là trong 5 lĩnh vực ưu tiên (liên kết kinh tế, hợp tác biển, ứng phó với thách thức xuyên quốc gia, bồi dưỡng lãnh đạo trẻ và tăng cường năng lực cho phụ nữ). Các nước ASEAN đánh giá cao Mỹ đã có nhiều hỗ trợ ASEAN trong công cuộc xây dựng Cộng đồng và liên kết khu vực thông qua nhiều chương trình, dự án hợp tác hiệu quả như Chương trình hỗ trợ liên kết kinh tế ASEAN (ADVANCE), Hỗ trợ kết nối ASEAN thông qua thương mại và đầu tư (ACTI) và Đối tác vì quản trị tốt, phát triển đồng đều, bền vững và an ninh (PROGRESS)…, cũng như tích cực tham gia và đóng góp vào các diễn đàn, cơ chế khu vực (như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)…).

Đáng chú ý, nằm trong chương trình triển khai Sáng kiến Kết nối ASEAN - Mỹ, các trung tâm kết nối đã được thành lập và đi vào hoạt động tại Jakarta (Indonesia), Singapore và Bangkok (Thái Lan) từ tháng 9-2016. Các trung tâm này sẽ giúp các doanh nghiệp hai bên tiếp cận dễ dàng hơn với thông tin, nguồn lực về những lĩnh vực ưu tiên. Mỹ và ASEAN đã nhất trí thời gian tới tiếp tục nỗ lực triển khai hiệu quả các biện pháp, các hoạt động đề ra trong Kế hoạch hành động, đồng thời tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên, qua đó đưa quan hệ đối tác chiến lược phát triển thực chất, hiệu quả hơn. Ngoài ra, hai bên xem xét tổ chức một số hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ASEAN - Mỹ và 50 năm thành lập ASEAN. Công tác chuẩn bị cho một số hoạt động tiếp xúc cấp cao, ngoài chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ M. Pence đến Indonesia thăm Ban Thư ký ASEAN và có cuộc gặp với Ủy ban các Đại diện Thường trực ASEAN (CPR), hai bên đã tổ chức Đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 30 vào ngày 03-5-2017. Theo đó, hai bên chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Mỹ, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 5.

Ngoài ra, gần đây xuất hiện tâm lý quan ngại rằng, Đông Nam Á có thể bị chính quyền Trump lơ là, trong bối cảnh Washington đang ưu tiên chống khủng bố ở vùng Trung Đông, quan tâm trở lại đến các đồng minh truyền thống ở châu Âu và tăng cường răn đe Triều Tiên. Tuy nhiên, ông M. Pence đã tranh thủ chuyến thăm Indonesia để trấn an các nước Đông Nam Á rằng, chính sách của Wasington đối với châu Á sẽ không chỉ giới hạn ở khu vực Đông Bắc Á với hai vấn đề nổi cộm là Triều Tiên và thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc. Dù thời gian tới giữa Mỹ và các nước ASEAN có đạt được các hiệp định tự do thương mại song phương hay khu vực hay không, các nhà phân tích vẫn tin tưởng rằng, hai bên sẽ phối hợp với nhau nhằm cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số, bảo đảm việc thực thi hợp đồng, dự án và thiết lập các hàng rào phi thuế quan; quản lý tốt các sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu cũng như nhập khẩu nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường, không gây cản trở đối với hoạt động thương mại.

Có thể nhận thấy rằng, chính sách của chính quyền Trump đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ được định hình rõ nét hơn trong thời gian tới. Và dù cách thức tiếp cận có thể khác nhau, song khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn sẽ là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump./.