Kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh bùng phát đại dịch COVID-19
TCCS - Năm 2020 được dự báo là năm đặc biệt khó khăn đối với Trung Quốc khi đại dịch COVID-19 đã và đang giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế nước này vốn đã suy giảm mạnh do cuộc chiến thương mại với Mỹ kể từ năm 2018. Mặc dù Trung Quốc tạm thời khống chế được dịch bệnh lây lan, song việc COVID-19 đang lan rộng đến hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, khiến nền kinh tế Trung Quốc chịu tác động không nhỏ.
Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế Trung Quốc
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sụt giảm rõ rệt. Dịch bệnh COVID-19 làm cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị “co lại” lần đầu tiên kể từ những năm 70 của thế kỷ XX. Nếu như tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt 6,1% (năm 2019) - chạm mức thấp nhất trong vòng 29 năm (1990 - 2019) - thì sự bùng phát bất ngờ của dịch bệnh COVID-19 đã tiếp thêm đòn giáng mạnh vào nền kinh tế nước này khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục, ước tính chỉ còn khoảng 4% GDP (quý I - 2020) so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2019 là 6,4% và được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm.
Theo đánh giá của Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU - Economist Intelligence Unit, thuộc Tập đoàn Economist), dịch bệnh COVID-19 có thể làm Trung Quốc giảm từ 0,5 - 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP thực tế trong năm 2020. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành du lịch và vận tải (hàng không và công ty lữ hành). Thậm chí, kinh tế Trung Quốc có thể bước vào trạng thái “ngủ đông”.
Tổng thiệt hại đối với nền kinh tế Trung Quốc khoảng 1.380 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 196 tỷ USD) trong tháng 1 và tháng 2-2020 do cả ba động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu đều sụt giảm mạnh. Trong đó, tổng mức bán lẻ giảm hơn 20%, đầu tư tài sản cố định giảm 24,5% và xuất khẩu giảm gần 16%. Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp có quy mô lớn cũng giảm tới hơn 13% (tháng 3-2020).
Thứ hai, sản lượng công nghiệp giảm mạnh. Tác động của dịch bệnh COVID-19 lên khối ngành sản xuất phức tạp hơn nhiều trong bối cảnh hàng loạt nhà máy trên khắp Trung Quốc buộc phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian dài (năm 2018, khối ngành sản xuất đã đóng góp gần 30% vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc)(1). Đồng thời, các hoạt động giao thương giữa khu vực sản xuất trong nước với thế giới bên ngoài đều bị đình trệ.
Toàn bộ hoạt động sản xuất tại Trung Quốc ngưng trệ trong tháng 2-2020. Hoạt động chế tạo giảm với tốc độ nhanh chưa từng thấy, thậm chí còn tồi tệ hơn thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ngành sản xuất ô tô và thiết bị chuyên dụng là những lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất. Sản lượng đầu ra và tiêu thụ sản phẩm đều suy giảm do hạn chế lưu thông. Tất cả các hoạt động kinh tế ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc đều suy giảm trầm trọng, khi mà các công ty đều khó mở lại hoạt động kinh doanh. Theo đánh giá của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS - National Board of Statistics), sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm 15,7%, trong khi đầu tư giảm tới 31,5% (tháng 2-2020)(2) - đây là mức giảm sản lượng công nghiệp mạnh nhất trong vòng 30 năm (1990 - 2020). Doanh số bán lẻ giảm 20,5% trong cùng kỳ, so với dự báo 4%. Đầu tư tài sản cố định cũng sụt giảm 24,5%, so với con số dự báo là 2%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục 6,2%.
Thứ ba, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất giảm. Chỉ số PMI của Trung Quốc trong tháng 1-2020 vẫn còn giữ ở mức 50 điểm(3) mà sang tháng 2-2020 đã giảm mạnh xuống còn 35,7 điểm(4). Trong đó, chỉ số PMI của các ngành sản xuất như sợi hóa học, thiết bị thông dụng, thiết bị chuyên dụng, ô tô... đều giảm xuống dưới 30 điểm. Với các ngành chế biến thực phẩm nông - lâm - ngư nghiệp và gia súc, thức ăn và đồ uống để bảo đảm nhu cầu cuộc sống cơ bản thì chỉ số PMI vẫn duy trì ở mức trên 42 điểm. Ngành sản xuất dược liệu bảo đảm về sức khỏe y tế và khám chữa bệnh, PMI ở mức 39,7 điểm, cao hơn mức chung của ngành sản xuất. Thậm chí, PMI ở các ngành phi sản xuất cũng giảm xuống mức kỷ lục, khoảng 29,6 diểm (tháng 2-2020). Trong đó, nhu cầu các ngành tiêu dùng mang tính tập trung đông người như giao thông vận tải, khách sạn, ăn uống, du lịch và dịch vụ đã sụt giảm mạnh, PMI trong các lĩnh vực liên quan giảm xuống dưới 20 điểm. PMI tổng hợp chỉ ở mức 28,9 điểm cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc đã chậm lại rõ rệt(5). Điều này cho thấy ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với các ngành, nghề liên quan đã trở nên nghiêm trọng hơn.
Thứ tư, dịch vụ hàng không và du lịch thiệt hại nặng nề. Hàng loạt hãng hàng không trong và ngoài Trung Quốc đều phải giảm mạnh công suất vận tải. Các hãng hàng không nội địa cắt giảm 10,4 triệu ghế trong các chuyến bay trong nước. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, dịch bệnh COVID-19 khiến ngành du lịch Trung Quốc thiệt hại 900 tỷ Nhân dân tệ (tháng 1 và tháng 2-2020).
Tổng số hành khách của ngành hàng không Trung Quốc trong tháng 2 đã giảm 84,5% (xuống còn 8,34 triệu người) so với cùng kỳ năm 2019. Trước khi dịch bệnh xảy ra, Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt Mỹ để trở thành thị trường hàng không lớn nhất trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA - International Air Transport Association) ước tính, dịch bệnh COVID-19 đã khiến các hãng hàng không thiệt hại 29 tỷ USD, chủ yếu ở thị trường châu Á - Thái Bình Dương, trong đó hàng không Trung Quốc tổn thất khoảng 12,8 tỷ USD. Chỉ riêng trong tháng 2-2020, Trung Quốc đã thiệt hại khoảng 24,59 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 3,53 tỷ USD)(6) do dịch lan rộng làm giảm nhu cầu đi lại của người dân.
Phản ứng chính sách của Trung Quốc
Trung Quốc đã triển khai hàng loạt biện pháp để giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, trong đó cả việc hỗ trợ thanh khoản tạm thời, giúp ổn định các thị trường.
Thứ nhất, giảm thuế và hạ thấp các loại thuế, phí cho doanh nghiệp. Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt gói cứu trợ như giảm lãi suất cho vay, gia hạn các khoản vay, giảm và miễn trừ thuế. Trung Quốc hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm thêm 0,1%, xuống còn 4,05% (từ ngày 20-2-2020) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh. Lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm cũng giảm 0,05%, xuống còn 4,75%. Mục tiêu của Chính phủ là giảm chi phí đi vay cho doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế đang chịu thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) quyết định chi 1.200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 174 tỷ USD)(7) để duy trì thanh khoản trên thị trường, cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn 1 năm từ 3,25% (tháng 2-2020) xuống còn 3,15% đối với các khoản vay có tổng trị giá khoảng 200 tỷ Nhân dân tệ (28,65 tỷ USD). Động thái này dự kiến sẽ mở đường cho việc giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) nhằm giúp giảm chi phí vay và giảm bớt căng thẳng tài chính cho các công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. PBOC cung cấp thêm nguồn tín dụng cho các ngân hàng bằng cách cắt giảm tỷ lệ tiền mặt dự trữ tại ngân hàng. Năm 2019, Trung Quốc đã giảm thuế và hạ phí hơn 2.300 tỷ Nhân dân tệ và đến năm 2020, Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm quy mô lớn trên 1.000 tỷ Nhân dân tệ(8). Mức giảm chủ yếu được thực hiện đối với các doanh nghiệp địa phương.
Thứ hai, mở rộng và tăng các khoản chi tiêu của Chính phủ. Trung Quốc tiếp tục phát huy vai trò của chính sách tài khóa, tăng cường vốn đầu tư. Chính phủ Trung Quốc đã bơm hơn 1.000 tỷ Nhân dân tệ, khoảng 142,26 tỷ USD (tháng 2-2020) vào hệ thống ngân hàng (9). Sử dụng hiệu quả các khoản đầu tư của ngân sách trung ương, phát huy tính tích cực của đầu tư tư nhân, đẩy nhanh việc xây dựng các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, thúc đẩy mở rộng quy mô xây dựng kết cấu hạ tầng.
Tập trung rót nguồn vốn tài trợ vào các doanh nghiệp dễ bị tổn thương, nhất là cách tiếp cận hỗ trợ có mục tiêu thay cho hỗ trợ ồ ạt. Cắt giảm 10 điểm cơ bản lãi suất cho vay tiêu chuẩn đối với kỳ hạn 1 năm, 5 điểm cơ bản đối với kỳ hạn 5 năm và giảm lãi suất đối với các khoản vay trung hạn. Hỗ trợ các dự án đầu tư lớn thông qua mức tăng ròng cho các khoản vay trung và dài hạn đối với các doanh nghiệp đạt 1,66 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Trong khi đó, các khoản cho vay thế chấp trung và dài hạn đối với hộ gia đình đạt mức 749,1 tỷ Nhân dân tệ (107 tỷ USD). Dư nợ các khoản tài trợ tài chính cũng đạt mức cao 5,07 nghìn tỷ Nhân dân tệ (724 tỷ USD), tăng thêm 388,3 tỷ Nhân dân tệ (55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.
Thứ ba, áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ. Cùng với chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý đã được nới lỏng, PBOC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và bơm 800 tỷ Nhân dân tệ vốn dài hạn vào thị trường, cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng Trung Quốc xuống 200 điểm cơ bản, điều này có nghĩa là có thể bơm 460 tỷ USD, tương đương 3% GDP vào nền kinh tế.
Tăng cường hỗ trợ tín dụng lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất, ưu đãi các dịch vụ tài chính cho các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Các ngân hàng thương mại tập trung hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh, còn PBOC tăng cường chính sách tiền tệ, nới lỏng các khoản vay cho doanh nghiệp.
Hệ thống ngân hàng Trung Quốc mạnh tay bơm tiền cứu trợ nền kinh tế. Các ngân hàng thương mại đã gia hạn các khoản nợ trị giá gần 3,34 nghìn tỷ Nhân dân tệ (477 tỷ USD) trong tháng 1-2020 - tương đương với tổng dư nợ tín dụng ngân hàng Trung Quốc năm 2007. Nguồn cung tiền đã tăng 8,4%, vượt mức 202 nghìn tỷ Nhân dân tệ, khoảng 28,9 nghìn tỷ USD (tháng 1-2020) - mức cao nhất trong lịch sử, gần gấp đôi quy mô của nền kinh tế Trung Quốc.
Để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, PBOC tiếp tục hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong hệ thống ngân hàng thương mại từ 0,5 - 1 điểm phần trăm (tháng 3-2020) giúp giải phóng khoảng 550 tỷ Nhân dân tệ, tương đương gần 80 tỷ USD. Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp nới lỏng trong ngắn hạn để ổn định nền kinh tế, như tung ra thị trường hơn 240 tỷ USD thông qua hợp đồng mua lại trên hệ thống ngân hàng để tạo thanh khoản; khuyến khích cho vay tín dụng, trì hoãn thanh toán các khoản vay; giảm lãi suất vay và miễn lãi quá hạn cho các khoản vay; cắt giảm thuế hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhằm bảo đảm nguồn cung; giảm chi phí đầu vào như khấu trừ thuế và miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp. PBOC cũng cung cấp thêm các khoản vay trị giá 300 tỷ Nhân dân tệ (42,9 tỷ USD) cho các ngân hàng lớn và một số ngân hàng địa phương ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng như tâm dịch Hồ Bắc, nhằm giảm chi phí tài chính, đặc biệt là cho hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Thứ tư, mở rộng mức hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp. Trung Quốc tập trung khôi phục sản xuất cho các doanh nghiệp trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Hỗ trợ doanh nghiệp thương mại khối phục vụ sản xuất, tăng cường huy động vốn thương mại, phát huy tối đa vai trò của bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Thúc đẩy các dự án trọng điểm đầu tư nước ngoài. Cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của vốn đầu tư nước ngoài. Thực hiện chính sách ưu tiên việc làm, hoàn thiện chính sách thuế, tài chính, bảo hiểm xã hội,… hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Tỷ lệ phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp lớn và vừa là 85,6%. Tỷ lệ nối lại hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc là 52% (tháng 3-2020). Về hỗ trợ tài chính, Ủy ban Quản lý, giám sát ngân hàng, bảo hiểm Trung Quốc yêu cầu giảm thêm 0,5 điểm phần trăm cho các khoản vay ưu đãi trong năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ; ở một số tỉnh như Hồ Bắc, Phúc Kiến, Vân Nam giảm thêm khoảng 1 điểm phần trăm cho các khoản vay ưu đãi trong năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc ban hành hàng loạt chính sách chủ yếu tập trung vào việc giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tăng hỗ trợ tài chính, tăng trợ cấp tài chính và thuế, đồng thời hỗ trợ ổn định công việc và tối ưu hóa các dịch vụ của Chính phủ. Để cứu giúp hoạt động cho các doanh nghiệp, Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc đã phát hành hơn 1.600 chứng nhận “tình trạng bất khả kháng vì dịch virus COVID-19”(10) cho các doanh nghiệp thuộc hơn 30 lĩnh vực với tổng giá trị hợp đồng lên đến 15,7 tỷ USD nhằm giúp các doanh nghiệp này tránh bị phạt vi phạm hợp đồng.
Thứ năm, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Không chỉ khôi phục sản xuất, kích thích tiêu dùng cũng là một trọng tâm mà Trung Quốc hướng tới. Với quy mô 1,4 tỷ dân, Trung Quốc luôn được đánh giá là thị trường lớn nhất thế giới. Tiêu dùng trong nước đóng góp khoảng 60% vào sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, đóng vai trò nền tảng trong sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực số 1 thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành 19 chính sách và biện pháp để cải thiện môi trường tiêu dùng, phá bỏ những vướng mắc về thể chế và cơ chế, nâng cao chất lượng quản trị trong lĩnh vực tiêu dùng. Thúc đẩy tiêu dùng được tập trung vào 6 lĩnh vực, bao gồm cung ứng thị trường, nâng cấp tiêu dùng, mạng lưới tiêu dùng, sinh thái tiêu dùng, năng lực tiêu dùng và môi trường tiêu dùng. Tập trung xây dựng mạng lưới tiêu dùng kết hợp giữa thành thị và nông thôn; nhanh chóng thiết lập hệ sinh thái tiêu dùng “thông minh”; nâng cao khả năng tiêu dùng của người dân và kiến tạo môi trường tiêu dùng đáng tin cậy. Nâng cao chất lượng và mở rộng tiêu dùng dịch vụ, tiêu dùng hàng hóa vật chất. Năm 2020, Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ áp dụng nhiều biện pháp mạnh để tăng cường mở rộng nhu cầu trong nước, bởi nếu quy mô tổng cầu được thúc đẩy thì tăng trưởng GDP sẽ được bảo đảm.
Thứ sáu, hỗ trợ tài chính giải cứu ngành hàng không. Chính phủ Trung Quốc bơm hàng tỷ USD vào ngành hàng không, cho phép một số hãng hàng không nhà nước tiếp nhận các hãng nhỏ hơn bị thiệt hại nặng nề khi thị trường du lịch lao dốc, xem xét miễn trừ nợ và đưa ra các điều khoản thuê máy bay thuận lợi hơn. Chính phủ trợ cấp tài chính cho các hãng hàng không, kèm theo gói hỗ trợ dịch vụ quốc tế, miễn trách nhiệm đóng quỹ phát triển hàng không, phí sân bãi tại sân bay và điều khiển không lưu cho các hãng. Ngoài hỗ trợ về tài chính, Hãng hàng không Trung Quốc (CAAC) cũng tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng cho hàng không Trung Quốc. Tổng cộng CAAC đã công bố 16 biện pháp hỗ trợ, tất cả đều nhằm “thúc đẩy sự phát triển ổn định” của ngành. Cùng với các biện pháp hỗ trợ ngành hàng không, Trung Quốc công bố kế hoạch giảm thuế, phí cho các hãng hàng không, tạm thời miễn bảo hiểm xã hội các doanh nghiệp trong ngành để bảo vệ nguồn lao động.
Tóm lại, đại dịch COVID-19 đã và đang mang lại thiệt hại rất lớn cho Trung Quốc. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã đổ nhiều khoản tiền lớn (khoảng 150 tỷ USD) đầu tư vào hệ thống để cứu những doanh nghiệp này. Một số chuỗi cung ứng đã rời khỏi Trung Quốc do lo sợ sự quá tốn kém và mạo hiểm, đã chuyển sang các thị trường gần dù chi phí cao hơn. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang phải đối diện với các khoản thuế, nợ trong nước tăng và nhu cầu chi tiêu nhiều hơn để tạo ra mức tăng trưởng tương đương. Các biện pháp kích thích tài chính rất tốn kém và ít hiệu quả. Do vậy, mặc dù hàng loạt giải pháp ứng phó được đưa ra, song dự báo nền kinh tế Trung Quốc khó có thể phục hồi nhanh./.
------------------------------
(1) Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019
(2) 国家统计局:1-2月份国民经济经受住了新冠肺炎疫情冲击 (Cục Thống kê Quốc gia: Chỉ số nền kinh tế quốc dân tháng 1 và 2 chịu tác động của dịch COVID-19), http://ln.ifeng.com/a/20200323/13953437_0.shtml, ngày 23-3-2020
(3) 国家统计局:1月中国制造业PMI为50.0%,位于临界点 (Cục thống kê Quốc gia: Chỉ số PMI của Trung Quốc tháng 1 đạt 50,0%, nằm ở điểm giới hạn ), https://baijiahao.baidu.com/s?id=1657207462853271606&wfr=spider&for=pc, ngày 31-1-2010
(4) PMI do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố. PMI - 50 là đường phân giới, trên 50 thể hiện toàn bộ các ngành, nghề đang mở rộng, dưới 50 phản ánh sự co lại về tổng thể
(5) Chỉ số PMI trong khối sản xuất của Trung Quốc đã từng chạm mức thấp kỷ lục - 38,8 điểm vào tháng 10-2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. Kể từ thời điểm đó, chỉ số PMI trong khối sản xuất của quốc gia này luôn được giữ ở mức khoảng 50 điểm
(6) 新冠肺炎疫情(COVID-19)对全球航空运输经济影响 (COVID-19 tác động đến nền kinh tế vận tải hàng không toàn cầu), http://www.asia-worlds.com/NewsView.asp?ID=148, ngày 18-3-2020
(7) 中国中央银行注入1,740亿美元流动资金以应对电晕恐慌市场 (Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bơm thanh khoản 1,740 tỷ USD để ứng phó thị trường hoảng loạn), https://www.wanbizu.com/blockchain/20200203186204.html, ngày 3-2-2020
(8) Thông tấn xã Việt Nam: “Triển vọng kinh tế Trung Quốc”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 24-2-2020
(9) 中国中央银行向金融体系注资3000亿元,降低贷款利率 (Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bơm 300 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống tài chính để giảm lãi suất cho vay), https://www.wanbizu.com/blockchain/20200203186204.html, ngày 3-2-2020
(10) 新型冠状病毒及其对合同的影响 (Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến các hợp đồng),
https://www.xindemarinenews.com/topic/haishanghaifa/2020/0218/18263.html, ngày 18-2-2020
Những tác động của chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với Việt Nam và một số giải pháp kiểm soát chuyển giá  (27/03/2020)
Agribank ủng hộ 10 tỷ đồng chung tay phòng, chống dịch COVID-19  (18/03/2020)
Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn căng mình trong tâm bão COVID-19  (18/03/2020)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển