TCCS - Trong những năm qua, công tác giảm nghèo ở Trung Quốc đạt được nhiều kết quả nổi bật với việc hỗ trợ hàng triệu người dân thoát khỏi đói nghèo. Xác định mục tiêu đến năm 2020, xây dựng toàn diện xã hội khá giả, nên việc triển khai các nhiệm vụ của cuộc chiến chống đói nghèo của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ quyết định trực tiếp đến việc thực hiện một trong “hai mục tiêu phấn đấu một trăm năm”(1) ở nước này.

Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 13, tháng 3-2018, Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào năm 2020_Ảnh: Reuters

Quá trình triển khai và kết quả công tác giảm nghèo ở Trung Quốc

Là quốc gia đông dân nhất thế giới, đồng thời là nền kinh tế đang phát triển với xuất phát điểm thấp, xóa đói, giảm nghèo luôn là trọng tâm công tác của Đảng và Chính phủ Trung Quốc trong các giai đoạn phát triển, nhất là kể từ khi thực hiện cải cách và mở cửa cho đến nay.

Trong giai đoạn đầu cải cách và mở cửa, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã triển khai và thúc đẩy thể chế sản xuất, kinh doanh hai thành phần lấy thầu khoán hộ gia đình làm nền tảng, kết hợp giữa hộ kinh doanh cá thể và kinh tế tập thể; thực hiện cải cách đồng bộ nhằm nâng giá cả các sản phẩm nông nghiệp và phát triển kinh tế hàng hóa, từ đó giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất ở khu vực nông thôn. Năm 1982, Trung Quốc bắt đầu triển khai Kế hoạch xóa đói, giảm nghèo chuyên biệt “ba tây” (gồm khu vực Hà Tây và Định Tây của tỉnh Cam Túc, khu vực Tây Hải Cố của tỉnh Ninh Hạ). Năm 1984, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành “Thông báo về việc hỗ trợ nhanh chóng thay đổi diện mạo các khu vực đói nghèo”. Từ năm 1978 đến năm 1985, quá trình cải cách sâu sắc thể chế kinh tế ở nông thôn đã góp phần tạo ra động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng kinh tế nông thôn, cũng như giảm đáng kể số lượng người nghèo đói. Tính theo tiêu chuẩn lúc đó, việc giảm 50% số lượng người nghèo đói ở nông thôn là minh chứng giải quyết thành công bài toán “cơm ăn áo mặc” thời kỳ này.

Năm 1986, Chính phủ Trung Quốc thành lập một cơ quan chuyên trách trực tiếp thúc đẩy giảm nghèo theo định hướng phát triển một cách có tổ chức, có kế hoạch với quy mô lớn; xác định 18 khu vực đói nghèo tập trung trọng điểm và danh sách các huyện nghèo cấp quốc gia và cấp tỉnh; triển khai công cuộc giảm nghèo theo định hướng phát triển với trọng tâm lấy phát triển vùng để thúc đẩy giảm nghèo. Tính theo chuẩn nghèo ban hành năm 1984, tổng số người nghèo ở khu vực nông thôn trong phạm vi cả nước đã giảm từ 125 triệu người trong năm 1985 xuống còn 75 triệu người năm 1993, bình quân mỗi năm giảm được 6,25 triệu người nghèo.

Năm 1994, Trung Quốc ban hành và thực hiện Chương trình giảm nghèo trọng điểm giai đoạn 1994 - 2000 với mục tiêu hỗ trợ 80 triệu người thoát nghèo trong thời gian 7 năm, tăng cường đầu tư cho phát triển và xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ chế phối hợp trong giảm nghèo để các địa phương ven biển miền Đông hỗ trợ các địa phương kém phát triển ở miền Tây, triển khai các giải pháp giảm nghèo tổng hợp, như hỗ trợ dự án với từng hộ nghèo, trợ cấp sinh hoạt tối thiểu, chuyển dịch lao động, di dân sinh thái... Từ năm 1993 đến năm 2000, tính theo chuẩn nghèo lúc bấy giờ, số lượng người nghèo ở nông thôn giảm xuống còn 32,09 triệu người.

Bước vào thế kỷ XXI, Trung Quốc đã ban hành Đề cương xóa đói, giảm nghèo và phát triển khu vực nông thôn giai đoạn 2001 - 2010 nhằm tiếp tục thúc đẩy công cuộc giảm nghèo và phát triển. Năm 2007, với việc triển khai toàn diện cơ chế bảo đảm an sinh tối thiểu khu vực nông thôn trong phạm vi toàn quốc, công cuộc giảm nghèo chính thức bước vào giai đoạn kết hợp giữa chính sách giảm nghèo và phát triển với cơ chế bảo đảm an sinh tối thiểu, hệ thống quản trị nghèo đói quốc gia tiếp tục được hoàn thiện. Đến năm 2010, theo tiêu chuẩn nghèo mới, số lượng người nghèo trong cả nước giảm xuống còn 26,88 triệu người. Năm 2011, Trung Quốc ban hành và thực hiện Đề cương giảm nghèo và phát triển nông thôn giai đoạn 2011 - 2020, đề ra mục tiêu giảm nghèo và chiến lược hỗ trợ giảm nghèo mới, coi các khu vực nghèo đói tập trung là khu vực trung tâm của công cuộc giảm nghèo và phát triển, tiêu chuẩn hỗ trợ giảm nghèo được điều chỉnh nâng cao 92%. Đến cuối năm 2012, số lượng người nghèo theo chuẩn mới là 98,99 triệu người.

Từ sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012), Trung Quốc đã đi sâu cải cách toàn diện lĩnh vực giảm nghèo, đổi mới tư duy, giải pháp và cơ chế, thể chế hỗ trợ, xác định rõ mục tiêu và tiêu chuẩn thoát nghèo, xác định sách lược cơ bản là hỗ trợ giảm nghèo và thoát nghèo đúng và trúng, mở ra cuộc chiến chống đói nghèo một cách toàn diện. Từ năm 2013 đến năm 2017, số lượng người nghèo theo tiêu chuẩn hiện hành đã giảm từ 98,99 triệu người xuống còn 30,46 triệu người, tổng số người thoát nghèo là 68,53 triệu người, bình quân mỗi năm có 13,7 triệu người thoát nghèo. Việc giải quyết tình trạng đói nghèo tổng thể mang tính vùng, miền đã có được bước tiến vững chắc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một chuyến khảo sát vùng Đông Bắc, năm 2018_Ảnh: CCTV

Có thể thấy, trong hơn 40 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ lớn trong giảm số người nghèo, đói, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Số lượng người nghèo ở khu vực nông thôn đã giảm từ 770 triệu người năm 1978 xuống còn 16,6 triệu người năm 2018. Cuộc chiến chống đói, nghèo đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội ở khu vực nghèo, đói; sức sống và động lực phát triển được tăng cường rõ rệt; năng lực và trình độ quản trị ở cơ sở được nâng cao, hình thành nên cục diện cả xã hội hợp sức chống đói, nghèo.

Giảm nghèo để xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào năm 2020

Xây dựng toàn diện xã hội khá giả là mục tiêu nhất quán trong cả quá trình cải cách và mở cửa ở Trung Quốc, những nội hàm của nó cũng không ngừng được bổ sung và hoàn thiện qua các kỳ đại hội Đảng, từ việc xây dựng một “xã hội khá giả về tổng thể” chủ yếu dựa trên các tiêu chí về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập bình quân đầu người, sang việc “xây dựng toàn diện xã hội khá giả” theo mô hình phát triển “ngũ vị nhất thể” (năm trong một), bao gồm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và sinh thái, bảo đảm hài hòa, cân bằng giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội và cộng đồng dân cư.

Nhìn chung, cùng với quá trình phát triển kinh tế với tốc độ cao, các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường ở Trung Quốc đều được đẩy mạnh và đạt được nhiều tiến triển đáng ghi nhận. Song, xóa đói, giảm nghèo luôn được coi là nhiệm vụ hàng đầu và tiêu chí quan trọng để đánh giá xã hội khá giả ở Trung Quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định: “Khá giả hay không khá giả, chủ yếu nhìn vào nông dân”, “không có khá giả ở nông thôn, đặc biệt là khá giả ở các khu vực nghèo đói, thì không thể xây dựng toàn diện xã hội khá giả”(2). Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh: “Giảm nghèo là tiêu chí quan trọng để đánh giá phát triển, cũng là bài toán nhức nhối và nan giải trong xây dựng toàn diện xã hội khá giả”(3)

Tại Hội nghị công tác hỗ trợ giảm nghèo (tháng 11-2015), Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2020 “bảo đảm cho người nghèo ở nông thôn theo tiêu chuẩn hiện hành thoát nghèo thành công, toàn bộ huyện nghèo xóa nghèo thành công, giải quyết vấn đề nghèo đói tổng thể có tính vùng, miền”.

Hiện nay ở Trung Quốc, tỷ lệ nghèo, đói chỉ còn 1,7%; trong 832 huyện nghèo trong cả nước, đã có 153 huyện tuyên bố chính thức xóa nghèo, 284 huyện đang tiến hành đánh giá xóa nghèo. Để thực hiện mục tiêu đề ra, Trung Quốc phấn đấu giảm thêm hơn 10 triệu người nghèo và đưa 330 huyện thoát nghèo trong năm 2019, để đến đầu năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 6 triệu người nghèo và hơn 60 huyện nghèo.

Bước vào giai đoạn nước rút có tính quyết định, việc xây dựng toàn diện xã hội khá giả, nhiệm vụ giảm nghèo mà Trung Quốc phải giải quyết hết sức khó khăn, đặc biệt là bộ phận người nghèo còn lại hiện nay chủ yếu tập trung vào các nhóm yếu thế, như người già không nơi nương tựa, người mắc bệnh hiểm nghèo, người tàn tật, người không có kỹ năng lao động, người dân tộc thiểu số... Các huyện nghèo chủ yếu tập trung ở các địa phương Quý Châu, Tân Cương, Tứ Xuyên, Cam Túc, là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số với trình độ phát triển thấp, phân bố không tập trung, điều kiện về tài nguyên thiên nhiên và hạ tầng còn nghèo nàn, gây trở ngại rất lớn cho việc triển khai công tác hỗ trợ thoát nghèo và thực hiện đồng bộ mục tiêu giảm nghèo. Do vậy, những vấn đề mà Trung Quốc cần phải tập trung giải quyết trong công tác giảm nghèo hiện nay:

Một là, tính đối tượng trong công tác giảm nghèo. Nhiều địa phương đã nắm bắt không chính xác đối tượng hỗ trợ, tiêu chuẩn hỗ trợ, trong đó nổi bật là hai xu hướng: Có nơi hạ thấp tiêu chuẩn, chưa thực hiện được mục tiêu “hai không lo, ba bảo đảm”(4) đã tuyên bố thoát nghèo, dẫn đến tình trạng tái nghèo, thoát nghèo không bền vững; có nơi lại nâng cao tiêu chuẩn hỗ trợ, như diện tích xây dựng nhà tái định cư vượt quá tiêu chuẩn, khám chữa bệnh, đi học hoàn toàn miễn phí, dẫn đến tâm lý ỷ lại, chờ đợi, không phù hợp với điều kiện thực tế, càng không bảo đảm được tính bền vững, lâu dài.

Hai là, nhiệm vụ giảm nghèo ở các vùng nghèo sâu vẫn còn hết sức khó khăn, trong khi thời gian để “thoát nghèo toàn diện” theo mục tiêu đề ra không còn nhiều. Ở “ba khu ba châu”(5) vẫn còn tới 1,72 triệu người nghèo, chiếm tới 12,5% tổng số người nghèo trong cả nước, tỷ lệ nghèo đói lên tới 8,2%. Ngoài ra, vẫn còn 98 huyện có tỷ lệ nghèo đói trên 10%, tổng số người nghèo lên tới 3,596 triệu người, chiếm 26% cả nước. Đây là bài toán nan giải trong cuộc chiến chống đói, nghèo ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Đặc biệt, ngoài việc giải quyết vấn đề việc làm, thì việc thực hiện bảo đảm về giáo dục bắt buộc, y tế cơ bản, an toàn về nhà ở và nước sạch vẫn còn nhiều khâu yếu, hiện nay có tới 14% trong tổng số người nghèo của cả nước vẫn chưa giải quyết được những vấn đề này.

Ba là, tác phong cán bộ làm công tác hỗ trợ giảm nghèo. Vẫn còn tình trạng hình thức, quan liêu, thoát nghèo trên con số, số liệu thoát nghèo không chính xác, thậm chí chiếm dụng nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo. Có những địa phương sau khi công bố thoát nghèo thì buông lỏng công việc, có tâm lý nghỉ ngơi, không tập trung tâm sức vào củng cố kết quả giảm nghèo, dẫn đến tình trạng chỉ bỏ được chiếc mũ đói, nghèo, còn kết quả thì không thiết thực và bền vững.

Bốn là, các vấn đề cần từng bước giải quyết trong dài hạn, như nền tảng phát triển ngành, nghề còn yếu, sau khi di dân tái định cư thì các biện pháp hỗ trợ không hiệu quả, chưa xây dựng và hình thành cơ chế lâu dài bảo đảm thoát nghèo bền vững, hay động lực tự thân của người nghèo còn thiếu, nhiều quan niệm và tập quán lạc hậu khó thay đổi trong ngắn hạn.

Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ lớn trong giảm số người nghèo, đói, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân_Ảnh: qstheory.cn

Để giải quyết những bài toán nói trên, Trung Quốc đã đề ra nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, cả về cơ chế, thể chế lẫn tổ chức thực hiện, trong đó tập trung chủ yếu vào các nội dung sau:

Thứ nhất, tập trung triển khai chính sách hỗ trợ giảm nghèo đúng và trúng. Trung Quốc xác định muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đói, nghèo thì phải giải quyết vấn đề từ gốc, tức là tập trung vào các vùng, miền nghèo, đói cùng cực và nhóm người nghèo, đói đặc biệt, để giải quyết các bài toán nan giải về xây dựng kết cấu hạ tầng, di dân tái định cư về vùng có điều kiện thuận lợi, phát triển ngành, nghề và “ba bảo đảm” về giáo dục, y tế và nhà ở.

Theo đó, để giải quyết bài toán xây dựng hạ tầng trong giảm nghèo, thay đổi điều kiện sống của người nghèo, Trung Quốc nỗ lực xây dựng hệ thống đường sá nông thôn để “đường nhựa đến từng thôn bản” theo nguyên tắc “không làm được đường thì phải di dời, không di dời được thì phải làm đường”, nhằm tạo điều kiện cần thiết cho giảm nghèo bền vững. Để giải quyết bài toán di dân đến vùng có điều kiện thuận lợi, để người nghèo có cuộc sống tốt đẹp hơn, Trung Quốc thực hiện di dời bộ phận người nghèo sinh sống ở những vùng điều kiện tự nhiên quá khắc nghiệt. Nhằm giải quyết triệt để vấn đề sinh kế của người dân Trung Quốc bằng việc xác định quy mô di dân dựa trên quy mô ngành, nghề và công ăn việc làm, bảo đảm mỗi hộ di dời có ít nhất một người được giải quyết công việc ổn định. Để giải quyết bài toán phát triển ngành, nghề sản xuất để giảm nghèo, Trung Quốc xác định phải kích thích tối đa giá trị thương mại của sản phẩm nông nghiệp, khai thác giá trị gia tăng từ nông nghiệp, làm ra nông sản xanh, sạch, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường. Các địa phương làm tốt việc lựa chọn ngành, nghề, đào tạo nghề cho nông dân, cung cấp dịch vụ kỹ thuật, huy động vốn, kết nối sản xuất với tiêu thụ, liên kết lợi ích..., để thúc đẩy và bảo đảm các hộ tham gia các mô hình phát triển ngành, nghề giảm nghèo có thể thoát nghèo và tăng thu nhập một cách bền vững. Kết hợp nông nghiệp với các chương trình du lịch giảm nghèo, thương mại điện tử giảm nghèo...

Thứ hai, kích thích động lực nội tại của người nghèo, phát huy sự tích cực, chủ động và sáng tạo của người nghèo, chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng cơ bản trong phát triển sản xuất, lao động và kinh doanh, tạo động lực thoát nghèo vươn lên làm giàu, chú trọng nâng cao khả năng tự phát triển của các vùng nghèo và của người nghèo.

Trung Quốc xác định, muốn giảm nghèo thành công, vừa phải coi trọng sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, vừa phải chú trọng xóa bỏ “cái gốc nghèo” từ trong tư tưởng, để hoàn thiện cơ chế có hiệu quả lâu dài trong xóa đói, giảm nghèo, định hướng người nghèo phát huy tính cần cù, tiết kiệm để vươn lên làm giàu, nuôi sống gia đình, phục vụ xã hội bằng nỗ lực của chính mình. Tập trung xây dựng và mở rộng tuyên truyền các điển hình tiên tiến trong xóa đói, giảm nghèo, tạo ra bầu không khí tốt đẹp để người nghèo thi đua phấn đấu thoát nghèo.

Thứ ba, thực hiện triệt để cơ chế lãnh đạo toàn diện đối với công tác giảm nghèo, trong đó xác định cơ chế quản lý: Trung ương chỉ đạo thống nhất, cấp tỉnh chịu trách nhiệm chính, cấp huyện, thị tổ chức thực hiện, xác định rõ cơ chế trách nhiệm lãnh đạo với yêu cầu người đứng đầu cấp ủy và chính quyền phụ trách chính. Đặc biệt, để hạn chế, ngăn chặn các hiện tượng hình thức, chạy theo thành tích, báo cáo sai sự thật về kết quả giảm nghèo, Trung Quốc xác định phải xây dựng hệ thống so sánh thông tin cơ sở và đánh giá thực địa, bảo đảm vững chắc cho việc hỗ trợ đúng đối tượng và thoát nghèo chính xác; siết chặt trình tự thoát nghèo, tăng cường quản lý và theo dõi theo hướng động, tiếp tục tăng cường hỗ trợ với đối tượng đã thoát nghèo, để bảo đảm sự bền vững, tránh tái nghèo; chọn lựa kỹ càng và quản lý tốt đội ngũ bí thư chi bộ và cán bộ biệt phái đến các thôn, bản nghèo, để nâng cao sức chiến đấu và khả năng tổ chức thực hiện của tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn.

Đáng chú ý, Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng tác phong của cán bộ trong lĩnh vực giảm nghèo, tăng cường giải quyết các vấn đề nổi cộm, như thiếu trách nhiệm trong công tác, triển khai không đúng đối tượng, quản lý nguồn vốn ngân sách không chặt chẽ, tác phong công tác không vững vàng, kiểm tra đánh giá không nghiêm túc và thực chất, từ đó đẩy mạnh giám sát và thực thi kỷ luật trong lĩnh vực giảm nghèo, kiểm tra và xử lý nghiêm túc các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, trục lợi trong hỗ trợ giảm nghèo, xây dựng “phương pháp công tác năm bước” gồm thiết kế chính sách, triển khai công tác, đào tạo cán bộ, đôn đốc kiểm tra và xử lý trách nhiệm.

Có thể thấy, từ nay đến thời điểm Trung Quốc hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả đã đến gần, với nhiều mục tiêu khó khăn và nhiệm vụ cần giải quyết, cuộc chiến chống đói nghèo thời gian qua ở Trung Quốc tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song nhiệm vụ thoát nghèo toàn diện và bền vững có thực hiện được hay không sẽ là tiêu chí quan trọng để đánh giá mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả. Do vậy, Trung Quốc đã và đang tập trung triển khai chính sách hỗ trợ giảm nghèo đúng và trúng, tăng cường đầu tư và đổi mới phương thức hỗ trợ từ diện rộng sang chính xác tới từng đối tượng, từ phân tán sang tập trung thống nhất với cường độ cao nhằm đạt tới hiệu quả giảm nghèo bền vững, chất lượng cao, xây dựng toàn diện xã hội khá giả trước thời điểm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc./.

------------------------------
(1) Mục tiêu phấn đấu một trăm năm thứ nhất: Đến thời điểm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2021), xây dựng thành công toàn diện xã hội khá giả; Mục tiêu phấn đấu một trăm năm thứ hai: Đến thời điểm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (năm 2049), xây dựng thành công cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp
(2) Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tọa đàm công tác giảm nghèo tại tỉnh Hà Bắc năm 2012
(3) Phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Tọa đàm công tác phát triển và giảm nghèo miền Tây tại thành phố Lan Châu năm 2013
(4) Tiêu chí nguyên tắc xóa nghèo được đề ra trong Đề cương công tác hỗ trợ giảm nghèo: Đến năm 2020, người nghèo ở nông thôn không phải lo ăn, không phải lo mặc và được bảo đảm về giáo dục bắt buộc, y tế cơ bản và nhà ở an toàn
(5) Những khu vực được Chính phủ Trung Quốc xác định là khu vực nghèo đói cùng cực của cả nước, bao gồm khu tự trị Tây Tạng, khu vực dân tộc Tạng ở các tỉnh Thanh Hải, Tứ Xuyên, Cam Túc và Vân Nam, khu vực Nam Cương của Tân Cương (ba khu); châu Lương Sơn của tỉnh Tứ Xuyên, châu Nộ Giang của tỉnh Vân Nam, châu Lâm Hạ của tỉnh Cam Túc (ba châu)