Cục diện khu vực Nam Á năm 2019 và triển vọng năm 2020
TCCS - Năm 2019, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm của tình hình thế giới, khu vực Nam Á nổi lên với nhiều biến động phức tạp, tiềm ẩn các nguy cơ khó lường từ cuộc khủng hoảng quan hệ Ấn Độ - Pakistan liên quan đến vùng Kashmir, cho đến tình hình chính trị rối ren, khủng bố tràn lan tại Sri Lanka và bao trùm là bức tranh kinh tế ảm đạm với một năm giảm tốc của khu vực từng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2018.
Tăng trưởng suy giảm do các nguyên nhân nội tại
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế khu vực Nam Á năm 2019 đã giảm tốc mạnh mẽ. Mặc dù cả 8 nền kinh tế trong khu vực tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ tăng GDP trung bình của cả khu vực đã giảm đáng kể, từ 7% (năm 2018) xuống 5,9% (năm 2019). Trong các nước Nam Á, Ấn Độ là “đầu tàu” kinh tế, nhưng năm 2019 cũng là nước có tốc độ tăng trưởng giảm mạnh nhất (từ 7,5% xuống 5,8%). Bangladesh và Nepal là hai “điểm sáng” duy nhất với tốc độ duy trì ở mức khá cao (lần lượt là 8,1% và 7,1%); tuy nhiên, các nước còn lại đều có tốc độ tăng trưởng thấp hơn năm 2018, như Pakistan (3,3%), Afghanistan (2,5%), Sri Lanka (2,7%), Butan (5%), Maldives (5,2%).
Nguyên nhân chung dẫn đến kết quả này là vấn đề tiêu thụ nội địa giảm mạnh, sản xuất công nghiệp giảm và áp lực gia tăng đối với hệ thống tài chính của các nước trong khu vực. Tại Ấn Độ, sự giảm mạnh của tăng trưởng tiêu dùng cá nhân từ 7,3% xuống 3,1% cùng kết quả hoạt động không được như kỳ vọng của các ngành sản xuất là yếu tố chủ yếu khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Chính sách bảo hộ có phần cực đoan của Chính phủ Ấn Độ đối với các ngành sản xuất trong nước gây phản tác dụng, làm giảm sức cạnh tranh và hiệu quả của các ngành chủ lực, ảnh hưởng tiêu cực tới kế hoạch “Made in India”. Bên cạnh đó, chính sách phi tiền tệ hóa/hủy bỏ tiền giấy mệnh giá cao gây rối loạn nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp và ngành bán lẻ, bởi tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu ở các ngành này. Ở các nước khác, tình hình kinh tế chịu tác động tiêu cực từ sự bất ổn chính trị và các chính sách kinh tế thiếu nhất quán. Tại Pakistan, kinh tế trì trệ, nợ nước ngoài ở mức cao, trong đó chủ yếu là nợ Trung Quốc. Tại Sri Lanka, kinh tế giảm sút đáng kể so với năm 2018, nợ nước ngoài tăng cao, an ninh bất ổn khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Để khắc phục tình trạng này, chính phủ các nước bắt đầu thúc đẩy phi tập trung hóa nền kinh tế, đưa ra các gói kích thích đầu tư và tiêu dùng cá nhân, tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn tình hình khó có thể được cải thiện.
Quan hệ Ấn Độ - Pakistan: “Phép thử” của an ninh khu vực
Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đã trải qua một năm đầy thăng trầm, trong đó khu vực Kashmir - nơi tranh chấp giữa hai bên - là ngòi nổ của mọi căng thẳng. Pakistan và Ấn Độ đã đứng trên bờ vực chiến tranh hạt nhân khi ngày 14-2-2019 xảy ra vụ tấn công khủng bố làm 44 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng ở phần lãnh thổ Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Ngay sau đó, Ấn Độ đơn phương tiến hành không kích các cơ sở của lực lượng Hồi giáo cực đoan trên lãnh thổ Pakistan để đáp trả việc này.
Vụ không kích của Ấn Độ vào Pakistan ngày 26-2-2019 đã khiến Pakistan phản kích mãnh liệt, đẩy hai nước vào trạng thái căng thẳng đỉnh điểm. Thời điểm xảy ra vụ việc này khá nhạy cảm đối với cả hai nước, bởi Ấn Độ đang trước thềm cuộc bầu cử toàn quốc, còn Pakistan đang trong thời kỳ củng cố chính quyền sau cuộc tổng tuyển cử năm 2018 với hàng loạt vụ trấn áp đối với phe đối lập. Chính phủ Ấn Độ do Liên minh của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) lãnh đạo đã tranh thủ sự kiện ngày 14-2-2019 nhằm kích khởi chủ nghĩa dân tộc trong dân chúng, qua đó tăng cường sự ủng hộ của người dân đối với Đảng BJP cầm quyền trong cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 4 và 5-2019. Trong khi đó, Chính phủ Pakistan do Thủ tướng Imran Khan lãnh đạo đã gặp không ít sóng gió kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 8-2018, trong đó phải giải quyết thách thức đối với mục tiêu hòa giải, đoàn kết dân tộc, chấm dứt chia rẽ giữa các phe phái. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Pakistan coi việc đáp trả cứng rắn với Ấn Độ là nhằm củng cố uy tín của quân đội, cũng như tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, do cả hai nước đều nhận thức rõ lợi ích của môi trường hòa bình hiện tại, dù chỉ là nền hòa bình mong manh, nên căng thẳng đã không leo thang thành một cuộc chiến tranh quy mô.
Quan hệ Ấn Độ - Pakistan một lần nữa xấu đi vào nửa cuối năm 2019 khi Ấn Độ tuyên bố hủy bỏ Điều 370 trong Hiến pháp, qua đó tước bỏ địa vị cấp bang của phần lãnh thổ Kashmir thuộc Ấn Độ và chia tách bang này thành hai vùng lãnh thổ dưới sự kiểm soát trực tiếp của Chính phủ Ấn Độ. Sự kiện này khiến Pakistan không hài lòng vì cho rằng, Ấn Độ không có quyền áp đặt đối với vùng lãnh thổ Kashmir. Tuy nhiên, cuối năm 2019 khép lại với những dấu hiệu tích cực khi Pakistan nhất trí mở tuyến hành lang lịch sử Kartapur cho phép những người hành hương đạo Sikh là người Ấn Độ được miễn visa khi đến Pakistan. Mặc dù Kashmir là một “điểm nóng” không mới nhưng việc “điểm nóng” này bùng phát trong năm 2019 cho thấy nguyên nhân gốc rễ dẫn đến khủng hoảng là sự mất lòng tin nghiêm trọng giữa Ấn Độ và Pakistan và một khi vấn đề này không được giải quyết thì đây sẽ vẫn là ngòi nổ xung đột của khu vực trong tương lai.
Bất ổn chính trị, khủng bố, xung đột tôn giáo, sắc tộc, phong trào ly khai tiếp tục diễn biến phức tạp
Tại Ấn Độ, sau khi nắm quyền nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp với thắng lợi tại cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 5-2019, BJP đã có những điều chỉnh chính sách quan trọng, trong đó tập trung vào các chính sách tôn giáo, xã hội trên tinh thần chủ nghĩa dân tộc - chủ nghĩa Đại Hindu. Điều này có thể thấy qua những động thái mới của BJP khác hoàn toàn so với trước đây. Tại nhiệm kỳ đầu tiên, BJP từng đưa ra nhiều chương trình nghị sự sau khi thắng cử nhằm triển khai các kế hoạch cũng như lời hứa được đưa trong quá trình tranh cử và trọng tâm chính sách xoay quanh vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ hai này, nội dung trong chương trình nghị sự của BJP đã giảm xuống và trọng điểm kinh tế cũng mờ nhạt hơn, thay vào đó là một loạt chính sách xã hội, tôn giáo cấp tiến.
Tiêu biểu trong đó là hai chính sách: Tước bỏ địa vị và chia cắt bang Kashmir; thông qua Dự luật công dân. Cả hai chính sách đều nhằm vào cộng đồng Đạo Hồi nói riêng và cộng đồng người không theo Đạo Hindu nói chung, gây nên làn sóng biểu tình, phản đối rộng khắp cả nước. Nếu như chính sách siết chặt kiểm soát với bang Kashmir chỉ phương hại lợi ích cục bộ của cộng đồng Đạo Hồi ở Kashmir cũng như quan hệ đối ngoại với Pakistan nói riêng thì Dự luật công dân thực sự làm bùng phát sự bất mãn của hơn 200 triệu người dân không theo Đạo Hindu ở Ấn Độ. Theo Dự luật này, Chính phủ chỉ cho phép những người không theo Đạo Hồi từ ba quốc gia Bangladesh, Pakistan và Afghanistan được nhập quốc tịch Ấn Độ. Những người phản đối, hầu hết là người Đạo Hồi cho rằng, đây là một sự phân biệt đối xử và lo ngại họ sẽ bị lấn át bởi số lượng người Hindu đông đảo đến từ Bangladesh. Những chính sách gây chia rẽ đoàn kết dân tộc này của BJP có khả năng sẽ để lại những hệ lụy sâu sắc đối với xã hội Ấn Độ, gieo những mầm mống bất mãn, đào sâu sự chia rẽ giữa các tôn giáo, sắc tộc cũng như gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của BJP trong các cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng Hồi giáo.
Tại Sri Lanca, tình hình chính trị - kinh tế - an ninh - xã hội khủng hoảng; chính phủ trì trệ do sự chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái, tham nhũng trầm trọng, tiến trình hòa giải dân tộc bị đẩy lùi sau làn sóng đánh bom khủng bố của lực lượng Hồi giáo cực đoan làm 258 người thiệt mạng (tháng 4-2019), theo đó là bạo lực bùng phát toàn quốc. Mặc dù chuyển giao quyền lực sau cuộc bầu cử tổng thống (tháng 11-2019) diễn ra hòa bình nhưng chính phủ mới đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đối với mục tiêu đoàn kết dân tộc, bảo đảm dân chủ, công bằng xã hội.
Tại Pakistan, phong trào ly khai tiếp tục diễn biến phức tạp. Sự gia tăng hoạt động của các lực lượng phiến quân địa phương gây thêm bất ổn chính trị - xã hội thông qua các vụ khủng bố, đánh bom, tấn công các dự án nước ngoài thường xuyên. Tình hình chính trị cuối năm 2019 càng trở nên khó lường sau khi Tòa án Tối cao Pakistan tuyên án tử hình cựu Tổng thống Pervez Musharraf (ngày 17-12-2019) vì tội phản quốc. Quyết định này không chỉ lần đầu tiên đưa ra hình phạt tử hình đối với một lãnh tụ quân sự tại Pakistan mà còn thể hiện động thái cứng rắn nhất từ trước đến nay của phe dân sự đối với phe quân sự, qua đó làm rung chuyển hệ thống chính trị Pakistan vốn chịu sự giám sát của quân đội trong suốt 60 năm qua.
Tại Afghanistan, tình hình an ninh năm 2019 chưa được cải thiện, phiến quân Taliban tiếp tục kiểm soát nhiều khu vực trên cả nước. Cuộc bầu cử tổng thống (tháng 9-2019) gặp nhiều khó khăn do phiến quân Taliban tiến hành các hoạt động gây rối và do có nhiều tranh cãi trong công tác kiểm phiếu nên cho đến cuối tháng 12-2019, Ủy ban Bầu cử Afghanistan mới công bố được lần đầu kết quả bầu cử. Tiến trình hòa bình vẫn trì trệ do thỏa thuận dự kiến giữa Mỹ và phiến quân Taliban sụp đổ, trong khi quá trình đàm phán giữa phiến quân Taliban và các bên khác không có tiến triển.
Cạnh tranh nước lớn ở khu vực có những diễn biến mới
Năm 2019 chứng kiến những diễn biến mới trong cạnh tranh nước lớn ở khu vực Nam Á, trong đó cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn là nhân tố đóng vai trò chủ đạo. Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thách thức vị thế của Ấn Độ ở khu vực Nam Á thông qua mở rộng ảnh hưởng tại các nước trong khu vực và thúc đẩy các sáng kiến do Trung Quốc dẫn dắt, Ấn Độ tỏ ra cứng rắn và chủ động hơn trong xây dựng đối sách của mình. Tháng 9-2019, khi tàu thăm dò nghiên cứu Shiyan-1 của Trung Quốc trái phép tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ trên biển Andaman, Ấn Độ đã lập tức phái tàu chiến đến ngăn chặn. Hành động mạnh mẽ này của Ấn Độ đối với Trung Quốc không chỉ cho thấy chính sách bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Ấn Độ mà còn khẳng định Ấn Độ muốn duy trì hình ảnh của mình như một quốc gia “bảo trợ an ninh” đáng tin cậy và đủ năng lực, sẵn sàng phát huy sức mạnh ở khu vực Ấn Độ Dương, qua đó củng cố lòng tin của các quốc đảo nhỏ, yếu, nhưng có vị trí chiến lược ở khu vực này đối với Ấn Độ. Trên lĩnh vực kinh tế, việc Ấn Độ từ chối tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào tháng 11-2019 nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35, một lần nữa khẳng định, Ấn Độ chủ trương đứng ngoài các sáng kiến chịu ảnh hưởng lớn của Trung Quốc (mặc dù RCEP là sáng kiến dựa trên cơ chế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi, trong đó nổi bật là mối lo ngại về thâm hụt thương mại với Trung Quốc gia tăng.
Ấn Độ cũng tỏ rõ lập trường ủng hộ “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ thông qua thúc đẩy ba trụ cột quan hệ trong chiến lược này gồm: Nhóm “Bộ tứ” (Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản), ASEAN và các nước Tây Ấn Độ Dương. Nhóm “Bộ Tứ” đã tăng cường các hoạt động hợp tác chính thức và không chính thức, trong đó lần đầu tiên tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng giữa các nước Bộ Tứ tại Mỹ vào tháng 9-2019. Ấn Độ cũng mời Australia lần đầu tiên tham dự Cuộc tập trận chung ba bên Malabar vào đầu năm 2020 vốn trước đây chỉ có Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản. Cùng với các nước Bộ Tứ, Ấn Độ tích cực tăng cường quan hệ với các nước ASEAN dựa trên chính sách “Hành động hướng Đông”.
Năm 2019 cũng đánh dấu bước đi mới trong chính sách láng giềng mở rộng của Ấn Độ với việc tập trung tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược ở phía Tây Ấn Độ Dương. Thông qua thỏa thuận tuần tra chung với Pháp ở khu vực Ấn Độ Dương, Ấn Độ có thể tiếp cận các căn cứ quân sự của Pháp ở Cộng hòa Djibouti, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đảo Reunion (Pháp). Ấn Độ cũng nâng cấp quan hệ với một loạt nước Tây Ấn Độ Dương, tiêu biểu là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với UAE, lần đầu tiên hợp tác huấn luyện quân sự và gìn giữ hòa bình với 17 nước châu Phi (tháng 3-2019) và dự kiến lần đầu tiên tập trận chung với Arab Saudi vào năm 2020. Như vậy, nhận thức của Ấn Độ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở ngày càng sâu sắc hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu Ấn Độ thực sự muốn hiện thực hóa các mục tiêu của mình trong việc duy trì, nâng cao vị thế trong khu vực và toàn cầu, Ấn Độ cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chính sách đã đưa ra, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến riêng nhằm hội nhập hơn nữa với các khu vực bên ngoài, có chiến lược riêng gắn kết với từng quốc gia trong phạm vi ưu tiên của mình.
Phản ứng trước việc Ấn Độ rời khỏi quá trình đàm phán RCEP, Trung Quốc tỏ rõ quyết tâm ký kết hiệp định gồm 15 nước tham gia này trong năm 2020. Thực tế, năm 2019 là một năm thành công đối với các sáng kiến của Trung Quốc, đặc biệt là Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI). Với sự tham dự của 37 nguyên thủ quốc gia, Hội nghị thượng đỉnh BRI lần thứ hai diễn ra tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc, tháng 4-2019), cho thấy sức ảnh hưởng không nhỏ của sáng kiến này. Tuy nhiên, ở Nam Á, năm 2019 lại cho thấy một chiều hướng khác. Nhiều quốc gia Nam Á đang tỏ ra khá thận trọng trước các dự án BRI trong bối cảnh nợ của các nước này với Trung Quốc ngày càng tăng lên. Ở Sri Lanka, chính phủ mới sau khi lên cầm quyền (tháng 11-2019) đã nêu khả năng thu hồi lại quyền quản lý cảng Hambantota đã cho phép Trung Quốc thuê 99 năm để “trả nợ” cho Trung Quốc. Tại Pakistan - nơi tập trung nhiều dự án chủ chốt của BRI - làn sóng phản đối của người dân ngày càng gia tăng khi các khoản nợ Trung Quốc tăng lên nhanh chóng và các dự án để lại hậu quả tiêu cực đối với người dân địa phương, đặc biệt ở tỉnh Balochistan, buộc Chính phủ phải xem xét lại một số dự án. Do đó, để có thể mở rộng ảnh hưởng một cách bền vững và lâu dài, Trung Quốc cần có hướng đi tích cực hơn, tránh chỉ tập trung tranh thủ lợi ích kinh tế, cũng như cần có cách tiếp cận hài hòa hơn đối với các địa bàn mà Trung Quốc triển khai các dự án, trong đó quan tâm hơn tới lợi ích của người dân địa phương nhằm cải thiện hình ảnh của mình.
Khác với Ấn Độ và Trung Quốc, Mỹ không để lại dấu ấn nổi bật nào ở khu vực Nam Á trong năm 2019. Sự suy giảm vai trò của Mỹ được bộc lộ rõ nhất qua việc Mỹ hầu như vắng bóng trong quá trình xử lý khủng hoảng trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan vào đầu năm 2019. Còn nhớ năm 1990, khi cuộc khủng hoảng Kashmir mới chỉ xuất hiện, Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đã lập tức phái Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đến khu vực Nam Á để hòa giải các bên. Sau đó, trong cuộc chiến tranh Kargil dọc đường LOC giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1999, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đóng vai trò then chốt giúp triệt tiêu nguy cơ leo thang chiến tranh. Tương tự, trong cuộc đối đầu năm 2001 - 2002 giữa Ấn Độ và Pakistan xuất phát từ khủng bố tòa nhà Quốc hội Ấn Độ, Tổng thống Mỹ George. W. Bush đã lập tức có các động thái nhằm kết thúc tình trạng bế tắc kéo dài 10 tháng. Mặc dù vẫn duy trì cơ chế hợp tác, tham vấn, đối thoại thường xuyên với các đối tác chính trong khu vực, như Ấn Độ, Pakistan trên tinh thần thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, song Mỹ vẫn cho thấy ảnh hưởng mờ nhạt ở khu vực Nam Á trong năm 2019. Đây là một phần hệ quả dưới thời Tổng thống D. Trump với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, trong đó Mỹ chủ trương giảm can dự vào các vấn đề quốc tế nhằm ưu tiên các vấn đề đối nội, bất chấp việc Mỹ vẫn có nhiều lợi ích an ninh, kinh tế quan trọng ở Nam Á, như chống khủng bố, tôn giáo cực đoan và khống chế các tuyến hàng hải chiến lược ở Ấn Độ Dương.
Triển vọng năm 2020
Ở Nam Á, chính trị - an ninh tiếp tục là lĩnh vực thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế xét trên những biến động trong năm 2019, trong đó vấn đề Kashmir và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực sẽ tiếp tục là những nhân tố chính định hình xu hướng chính trị nơi đây trong năm 2020.
Mặc dù quan hệ Ấn Độ - Pakistan đã dịu bớt căng thẳng vào nửa cuối 2019, tuy nhiên, vấn đề Kashmir vẫn là nguy cơ chính có thể làm bùng phát xung đột giữa hai nước, qua đó gây bất ổn tình hình cả khu vực bởi vấn đề này thường xuyên chịu ảnh hưởng từ tình hình nội trị của Ấn Độ và Pakistan, vốn dự báo sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp trong năm 2020. Trước tiên, ở Ấn Độ, BJP sẽ phải đưa ra các đối sách dẹp yên làn sóng phản đối việc Chính phủ áp đặt quyền kiểm soát chặt chẽ đối với hai vùng lãnh thổ mà trước đây là bang Kashmir, đồng thời giải quyết hậu quả của các chính sách dân tộc - tôn giáo gây tranh cãi và làm mất lòng tin của cộng đồng Hồi giáo. Không chỉ đối mặt các thách thức đối nội, BJP còn có khả năng gặp phải thách thức đối ngoại về vấn đề Kashmir nói riêng và vấn đề bình đẳng tôn giáo, bảo đảm tự do, dân chủ nói chung trong bối cảnh quốc tế mới. Đơn cử như, trong trường hợp Đảng Dân chủ thắng cử tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, Mỹ nhiều khả năng sẽ đặt ưu tiên cao hơn đối với các vấn đề dân chủ, tự do, bình đẳng tôn giáo và do đó có thể gây áp lực về vấn đề này đối với BJP. Ở Pakistan, chính phủ của Thủ tướng Imran Khan cũng như phe quân sự cũng sẽ phải tìm cách giải quyết những thách thức mới nảy sinh sau vụ tuyên án cựu Tổng thống, Tướng Pervez Musharraf nhằm củng cố và duy trì quyền lực. Nếu tình hình trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, chính phủ của Thủ tướng Imran Khan sẽ có thể có những hành động quyết liệt nhằm tranh thủ sự ủng hộ cả từ trong và ngoài nước.
Cạnh tranh nước lớn ở khu vực Nam Á trong năm 2020 cũng được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng mức độ phức tạp và khó lường dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, dù kết quả như thế nào, nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở trên cơ sở lộ trình xây dựng và phát triển chiến lược này đang diễn ra tốt đẹp với việc ngày càng nhiều nước trong khu vực từ Nam Á đến ASEAN đều tỏ ra quan tâm hơn. Tuy nhiên, khoảng trống quyền lực do Mỹ để lại sau khi chủ trương giảm sự can dự và hiện diện ở khu vực này cũng sẽ tiếp tục mở ra cơ hội đối với các nước lớn khác, đặc biệt là Trung Quốc. Ấn Độ và Trung Quốc, sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên tại thành phố Chennai (Ấn Độ, tháng 10-2019), thể hiện mong muốn xoa dịu những bất đồng, tập trung vào các lĩnh vực hợp tác, tuy nhiên triển vọng thực tế khó lường bởi việc Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy BRI tại tất cả các nước Nam Á sẽ khiến Ấn Độ lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước này. Đối với các nước lớn ngoài khu vực khác, như Nga, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU), Nam Á sẽ vẫn là khu vực có vị trí quan trọng trong chính sách của các nước này. Nếu như Nga coi Nam Á là thị trường xuất khẩu vũ khí trọng yếu với những bạn hàng truyền thống, như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh... thì Nhật Bản và EU coi Nam Á là khu vực then chốt trong chiến lược bảo vệ lợi ích kinh tế giao thương trên biển Ấn Độ Dương, trong đó sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ cũng như các nước khác trong khu vực nhằm đạt mục tiêu này.
Nhìn chung, tình hình khu vực Nam Á năm 2019 có nhiều biến động, phức tạp, khó lường với sự đan xen của các thách thức an ninh truyền thống cũng như an ninh phi truyền thống và xu thế này dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2020, trong đó cạnh tranh nước lớn sẽ tiếp tục có tác động sâu sắc đến cục diện, tình hình khu vực. Bối cảnh đó đòi hỏi mỗi nước trong khu vực xây dựng các chính sách và biện pháp phù hợp với điều kiện trong nước cũng như tình hình quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện các mục tiêu, lợi ích quốc gia./.
Tổng quan an ninh quân sự toàn cầu năm 2019 và dự báo năm 2020  (06/02/2020)
Xung đột và thỏa hiệp trong quan hệ quốc tế  (14/01/2020)
Sức mạnh mềm trong một thế giới đang thay đổi  (09/01/2020)
Nhìn lại kinh tế thế giới năm 2019  (01/01/2020)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay