Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang
TCCS - Ngày 28-5-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang để đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, những tháng đầu năm 2023; đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh Hà Giang.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phân tích các tiềm năng, góp ý, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Hà Giang trong thời gian tới; đồng thời có ý kiến đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tới vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của tỉnh Hà Giang; đồng thời cho rằng, Hà Giang có địa hình hùng vĩ, tiềm năng về đất đai, đa dạng sinh học, nguồn dược liệu, khoáng sản đa dạng, phong phú, tiềm năng du lịch. Đặc biệt, con người Hà Giang giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách, văn hóa các dân tộc đặc sắc với nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời, nhiều ngành nghề truyền thống, nhiều lễ hội độc đáo.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Giang, góp phần vào thành tựu chung của cả nước; đồng thời chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của tỉnh Hà Giang, như quy mô kinh tế còn nhỏ; thu ngân sách nhà nước còn khiêm tốn, thu chưa đủ chi; kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là điểm nghẽn; công nghiệp chưa phục hồi; số doanh nghiệp hoạt động còn ít; việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế; chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ nghèo còn cao và còn 7/10 huyện là huyện nghèo...
Trên cơ sở phân tích tình hình, vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh, những kết quả cũng như hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, Thủ tướng quán triệt quan điểm, nhiệm vụ để Hà Giang phát triển nhanh, bền vững.
Đặc biệt, Hà Giang phải xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, thực hiện nghiêm túc 3 quy chế bảo vệ biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác, phát triển. Tỉnh tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền; tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh liên kết vùng, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa tỉnh với các tỉnh lân cận và các bộ, ngành.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Hà Giang phải tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; quyết liệt triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đúng tiến độ, chất lượng.
Tỉnh đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, phải mở các trường dân tộc nội trú, thí điểm xây dựng trường đại học đa ngành tại Hà Giang; chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế; đồng thời chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hà Giang tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, nhất là chế biến nông sản; phát triển, quản lý thủy điện gắn với sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; phát triển nông, lâm nghiệp hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh, các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm có giá trị kinh tế cao; triển khai hiệu quả chương trình OCOP, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng, quảng bá thương hiệu, phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu.
Hà Giang tiếp tục tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Hà Giang. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu, phát huy lợi thế có đường biên giới với Trung Quốc là thị trường tiềm năng trong việc tiêu thụ sản phẩm của địa phương, cả nước và xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý Hà Giang huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là về vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư, đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư PPP để tạo ra không gian phát triển mới, khí thế phát triển mới; tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch.
Tỉnh Hà Giang thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc và con người Hà Giang.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Hà Giang, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của tỉnh; đồng ý xem xét, đồng thời yêu cầu tỉnh Hà Giang chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự án, sắp xếp huy động nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện, khẩn trương triển khai thực chất, hiệu quả, bảo đảm các quy định và phù hợp với nhiệm vụ, tình hình chung của vùng và cả nước./.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Slovenia  (24/05/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một động lực tăng trưởng chủ yếu  (18/05/2023)
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Quản lý văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí tại khu vực miền Trung hiện nay
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay