Năm mươi năm quan hệ Việt Nam - Australia: Nhìn lại và hướng tới
TCCS - Năm 2023 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia (26-2-1973 - 26-2-2023). Trên chặng đường nửa thế kỷ qua, quan hệ giữa hai nước đã trải qua những giai đoạn phát triển và đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Trong thời gian tới, trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược, hai nước tiếp tục cùng hướng tới tương lai với sự hợp tác ngày càng chặt chẽ, thiết thực, đáp ứng nhu cầu của mỗi nước cũng như thích ứng với bối cảnh tình hình mới của khu vực và thế giới.
Xây dựng tình hữu nghị, bồi đắp nền tảng hợp tác chính trị
Cho đến nay, mỗi khi nhắc đến cầu Mỹ Thuận - cây cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, người dân Việt Nam đều nhớ đến và dành nhiều tình cảm tốt đẹp cho những người bạn Australia. Được khánh thành vào năm 2000, cầu Mỹ Thuận không chỉ có giá trị kiến trúc độc đáo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Australia. Trong hàng chục năm qua, Australia là một trong những quốc gia cung cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu cho Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực đa dạng, từ xây dựng kết cấu hạ tầng cho đến thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều dự án, công trình thiết thực có lợi cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước được khởi nguồn từ di sản của cựu Thủ tướng Australia Gough Whitlam khi Chính phủ Công Đảng của Thủ tướng G. Whitlam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 26-2-1973. Năm 2009, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện nhân chuyến thăm Australia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Đến nay, có thể thấy tầm nhìn của lãnh đạo hai nước về mối quan hệ Australia - Việt Nam gắn liền với lợi ích chung đã dần được hiện thực hóa.
Quan hệ Việt Nam - Australia trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, phản ánh quá trình thay đổi chiến lược và xu thế vận động không ngừng của cục diện thế giới. Hiện nay, mối quan hệ này là biểu hiện cụ thể của xu hướng tăng cường hợp tác, xử lý hòa bình các “điểm nóng”, chuyển từ đối đầu sang đối thoại, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Quan hệ Việt Nam - Australia cũng là minh chứng cho sự chuyển hướng chiến lược quan hệ quốc tế từ sau Chiến tranh lạnh đến nay khi các nước trên thế giới đã chuyển trọng tâm từ đối đầu về tư tưởng - ý thức hệ sang đối thoại và đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế. Trong những năm qua, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước luôn phát triển mạnh mẽ và tích cực trên cơ sở bồi đắp của mối quan hệ chính trị bền chặt, tin cậy lẫn nhau.
Năm 1986, Văn kiện Đại hội VI của Đảng nêu rõ: “Nhà nước ta chủ trương tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị với Thụy Điển, Phần Lan, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản và các nước phương Tây khác trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi”(1). Trong các kỳ đại hội Đảng tiếp theo, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Australia nói riêng luôn nằm trong hướng ưu tiên triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Tháng 9-2009, nhân dịp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Australia, hai nước đã thiết lập mối quan hệ “đối tác toàn diện” nhằm củng cố và tăng cường hợp tác giữa hai bên trên một số lĩnh vực chủ chốt, như mở rộng quan hệ chính trị và trao đổi chính sách công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển thương mại, hỗ trợ hợp tác và phát triển công nghệ, xây dựng mối quan hệ quốc phòng - an ninh, hỗ trợ liên kết người dân với người dân, đẩy mạnh triển khai các chương trình nghị sự khu vực và toàn cầu. Đây được xem là dấu mốc đột phá đầu tiên trong quan hệ chính trị giữa hai nước.
Tháng 3-2015, hai nước ký kết Tuyên bố về quan hệ đối tác toàn diện tăng cường, trong đó nhấn mạnh đến lợi ích qua lại về tăng trưởng kinh tế, ổn định và an ninh khu vực. Tháng 3-2018, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược”, mở ra trang mới trong quan hệ song phương. Hiện tại, Việt Nam đặt vị trí của Australia trong thứ tự ưu tiên đối ngoại ngang bằng các nước chủ chốt ở châu Âu là Anh, Pháp, Đức và hai nước hàng đầu châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Ý tưởng hướng tới nâng cấp lên quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” đã được hai nước công bố nhân chuyến thăm Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào tháng 12-2022, đồng thời được nhắc lại trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Toàn quyền Australia David Hurley, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Toàn quyền Australia vào tháng 4-2023.
Bên cạnh đó, hai bên thường xuyên có những cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp. Các cơ chế hợp tác song phương được duy trì đều đặn. Hai bên cũng phối hợp trong Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2020 - 2023 và đạt được nhiều kết quả cụ thể. Hiện nay, hai bên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Về quan hệ đối ngoại đảng, hiện nay, Đảng ta duy trì quan hệ hữu nghị với ba chính đảng tại Australia, gồm Công đảng cầm quyền, Đảng Tự do đối lập và Đảng Cộng sản Australia. Sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5-2022 của Australia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chúc mừng lãnh đạo Công đảng sau thắng lợi tại cuộc bầu cử và trở thành Thủ tướng của Australia. Nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Anthony Albanese cũng đã trao đổi thư chúc mừng.
Các hoạt động đối ngoại cấp cao trong thời gian qua đã góp phần củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước, trong đó đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của Toàn quyền Australia David Hurley vào tháng 4-2023. Bên cạnh đó, tháng 6-2023, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông A. Albanese tới Việt Nam kể từ khi nhậm chức, điều này thể hiện sự coi trọng của Australia trong quan hệ với Việt Nam. Những chuyến thăm đều mang ý nghĩa biểu tượng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời góp phần tăng cường gắn kết, củng cố lòng tin chiến lược giữa hai quốc gia.
Về hợp tác khu vực, Việt Nam và Australia đã hợp tác rất hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), Liên hợp quốc... Việt Nam ủng hộ Australia ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2013 - 2014 và Hội đồng Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) nhiệm kỳ 2016 - 2017. Còn Australia ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và nhiệm kỳ 2023 - 2025, thành viên Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2015 - 2019 và Hội đồng Kinh tế và xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và thành viên Hội đồng Điều hành Liên minh Bưu chính thế giới (IPU) nhiệm kỳ 2017 - 2021. Hai nước hiện đang đảm nhiệm vị trí đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) giai đoạn 2022 - 2025.
Chặng đường 50 năm hợp tác ấn tượng
Nhìn lại chặng đường hợp tác 50 năm qua, có thể thấy, quan hệ Việt Nam - Australia đã đạt được nhiều bước tiến lớn. Hai nước đều có vị thế quan trọng trong chiến lược đối ngoại của nhau. Về mặt địa - chính trị, Australia rất coi trọng Việt Nam, bởi: Một là, Việt Nam có vị trí địa - chiến lược ở Đông Nam Á, là nơi giao thoa ảnh hưởng và ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của các nước lớn trên thế giới; hai là, Việt Nam xử lý hài hòa mối quan hệ với Trung Quốc - một nước láng giềng lớn và là đối tác kinh tế lớn nhất của Australia. Do vậy, Australia rất coi trọng vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại với khu vực.
Về phía Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác với Australia cũng tạo điều kiện gia tăng lợi ích trên nhiều lĩnh vực.
Về kinh tế, cho tới nay, Việt Nam là một nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á. Thủ tướng Australia G. Whitlam từng nhận định rằng, cam kết hợp tác ngoại giao của Australia với Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư của Australia vào Việt Nam và trên thực tế, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng trở nên mạnh mẽ. Việt Nam nổi lên như là một trong những động lực kinh tế mới của châu Á, vươn lên trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình và đang trở thành một trung tâm sản xuất lớn trong khu vực do có nguồn lao động với giá cả cạnh tranh. Chính nhờ những yếu tố này, quan hệ kinh tế Việt Nam - Australia có những bước tiến mạnh mẽ trong giai đoạn gần đây. Kim ngạch thương mại song phương đạt mức tăng trưởng tốt: năm 2022 đạt 15,7 tỷ USD (tăng 26,7% so với năm 2021), trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 5,6 tỷ USD (tăng 26,2% so với năm 2021) và kim ngạch nhập khẩu đạt 10,1 tỷ USD (tăng 27,3% so với năm 2021). Nhập siêu của Việt Nam từ Australia đạt 4,6 tỷ USD (tăng 28,7% so với năm 2021).
Hiện Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Australia. Australia đã mở cửa cho các mặt hàng của Việt Nam, như vải, xoài, thanh long, nhãn, tôm đông lạnh xuất khẩu vào Australia. Việt Nam đang thúc đẩy Australia nhập khẩu một số mặt hàng hoa quả. Cùng với đó, Australia cũng thúc đẩy Việt Nam mở cửa cho các mặt hàng, như thịt hươu, thịt kangaroo, mật ong, quả đào và xuân đào của Australia vào Việt Nam.
Về đầu tư, tính đến tháng 3-2023, có 593 dự án của các nhà đầu tư Australia vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 2 tỷ USD, đứng thứ 20/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp của Việt Nam đã đầu tư sang Australia 500 triệu USD, tiêu biểu là các dự án của Tập đoàn TH với 135 triệu USD, Tập đoàn An Viên đầu tư 18 triệu USD vào vùng Bắc Australia; Tập đoàn Vinfast với 20 triệu USD ở thành phố Melbourne; Công ty cổ phần Hàng không VietJet ký thỏa thuận đầu tư hạ tầng sân bay ở thành phố Melbourne và đang xúc tiến mở đường bay trực tiếp với các thành phố lớn của Australia, như Sydney, Melbourne, Perth…
Về hợp tác phát triển, Australia là một trong những đối tác song phương cung cấp vốn ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (trung bình 92,7 triệu AUD/năm trong giai đoạn 2013 - 2019 và 78,9 triệu AUD/năm trong giai đoạn 2020 - 2022). Tháng 10-2022, Quốc hội Australia quyết định tăng 18% tỷ lệ vốn ODA cho Việt Nam, lên mức 92,8 triệu AUD/năm giai đoạn 2022 - 2023. Trong 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Australia đã hỗ trợ ODA Việt Nam khoảng 3 tỷ AUD (tương đương 47 nghìn tỷ VNĐ).
Về giáo dục - đào tạo, Australia nổi tiếng là điểm đến du học chất lượng cao của du học sinh Việt Nam. Hiện có khoảng 31.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia (trong đó có 90% theo diện tự túc). Australia cũng cung cấp nhiều học bổng theo các chương trình dài hạn và ngắn hạn cho Việt Nam. Bên cạnh đó, các trường đại học, học viện của hai nước hiện đang có 37 chương trình liên kết đào tạo đang hoạt động. Đại học RMIT đã mở 2 cơ sở (tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) với hơn 6.000 sinh viên theo học, dự kiến còn mở tiếp tại các thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng, tăng vốn đầu tư thêm khoảng 75 triệu USD vào Việt Nam. Tháng 10-2021, hai nước đã ký thỏa thuận bổ sung Chương trình Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Australia giai đoạn 2021 - 2025 trị giá 50,1 triệu AUD. Sau gần hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, tháng 12-2021, Australia bắt đầu mở cửa biên giới, đón sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Việt Nam trở lại Australia. Tính đến tháng 3-2023, có 45 chương trình liên kết, đào tạo liên thông, 200 văn kiện hợp tác, nghiên cứu chung giữa các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam và Australia đã được ký kết.
Bên cạnh đó, du lịch cũng đang trở thành lĩnh vực tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Số lượng khách du lịch Australia đến Việt Nam tăng đều qua các năm, các hãng hàng không của hai nước đã khai thác đường bay thẳng với tần suất 17 chuyến trực tiếp/tuần. Năm 2019, có gần 390.000 lượt khách du lịch Australia tới Việt Nam; tuy nhiên sau đó do tình hình đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp nên đã tạm dừng các chuyến bay thẳng từ tháng 4-2020 và được kết nối trở lại từ tháng 3-2022. Số lượng khách du lịch Việt Nam đến Australia tăng nhanh qua các năm và đạt 125.000 lượt khách (năm 2019), đứng thứ 18/57 thị trường có khách du lịch đến Australia.
Quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng đang phát triển tốt đẹp, trong đó nổi bật là quan hệ kết nghĩa của một số địa phương, như Khánh Hòa - vùng lãnh thổ Bắc Australia (tháng 9-1999); thành phố Hồ Chí Minh - Queensland (tháng 10-2005); Bà Rịa - Vũng Tàu - vùng lãnh thổ Bắc Australia (tháng 9-2007); thành phố Hồ Chí Minh - vùng lãnh thổ Bắc Australia (tháng 2-2014); Lạng Sơn - Goulburn Mulware (tháng 11-2018); thành phố Hồ Chí Minh - New South Wales (tháng 4-2019); Đà Nẵng - Gold Coast (tháng 12-2020)…
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Kể từ khi quan hệ hai nước đi vào chiều hướng phát triển ổn định từ năm 1991 đến nay, Chính phủ Australia qua các thời kỳ luôn coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam trong khu vực, nhất quán áp dụng chính sách hữu nghị, thân thiện và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam. Năm 2012, trong Sách trắng “Australia trong thế kỷ châu Á”, Australia nhìn nhận: 1- Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thương mại và đầu tư của khu vực; 2- Australia sẽ tập trung gắn kết hơn nữa với các cường quốc khu vực như Việt Nam về các vấn đề an ninh và bền vững. Năm 2017, Sách trắng về Chính sách đối ngoại của Australia tiếp tục coi trọng vị trí và vai trò Việt Nam trong chiến lược cân bằng quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Kể từ khi Australia nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2018) đến nay, Australia mới chỉ xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với năm nước trong ASEAN(2). Trong các cuộc gặp, tiếp xúc cấp cao gần đây, lãnh đạo Australia luôn coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đánh giá cao thành tựu, đường lối, chính sách đối ngoại đổi mới của Đảng ta và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam trong cả khuôn khổ song phương và đa phương, hướng tới nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.
Trên thực tế, Việt Nam và Australia đều có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển, còn nhiều dư địa có thể khai thác trong hợp tác song phương dựa trên thế mạnh của mỗi nước. Về phía Australia, Australia có hệ thống chính trị hoạt động ổn định, các quy định minh bạch và khuôn khổ quản trị hợp lý; trong nhiều thập niên, chính trường Australia nói chung ổn định. Tuy là quốc gia theo chế độ đa đảng, nhưng về cơ bản, nền chính trị của Australia là hệ thống lưỡng đảng giữa Liên minh Đảng Tự do - Quốc gia và Công đảng và đề cao tính minh bạch, dễ dự báo. Bất kể là đảng nào cầm quyền, nét chung trong chính sách đối ngoại của Australia là lấy quan hệ liên minh Australia - Mỹ làm xương sống, coi trọng phát triển quan hệ với các nước châu Á nói chung và với Việt Nam nói riêng.
Bên cạnh nền chính trị ổn định, Australia được xếp hạng trong tốp 5 quốc gia toàn cầu về Chỉ số tự do kinh tế (IEF). Việc quản lý và kiểm soát tham nhũng hiệu quả của Australia đã tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn và an ninh cho cộng đồng quốc tế. Trong thời gian qua, kinh tế Australia liên tục duy trì được mức tăng trưởng dương, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Australia chiếm 2% nền kinh tế toàn cầu, trong khi dân số chỉ chiếm 0,3% của thế giới. Nguồn lực này của Australia góp phần không nhỏ vào việc tăng cường kết nối kinh tế - thương mại hai nước trong tương lai.
Về phía Việt Nam, môi trường chính trị, kinh tế - xã hội nước ta luôn được duy trì ổn định trong nhiều năm liền. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam đạt khoảng 6%/năm. Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng 8,02% - mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; GDP đạt 408,8 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.162,94 USD, xếp thứ 117 trên thế giới. Nhiều tổ chức đánh giá uy tín của quốc tế đều nhận định trong thập niên này, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng đạt mức từ 6 - 6,5%/năm và dự báo đến năm 2030, kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 40 toàn cầu, vượt Singapore và Malaysia trong ASEAN(3). Dân số Việt Nam hiện đứng thứ 14 trên thế giới và dự kiến sẽ tăng 110 triệu người vào năm 2050(4). Với hơn một triệu người tham gia lực lượng lao động mỗi năm và khoảng 70% dân số đang trong độ tuổi từ 15 đến 64 tuổi, có thể nói, Việt Nam hiện đang có một lực lượng lao động bền vững, đưa Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng, thu hút nhiều đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Australia.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và gia tăng liên kết khu vực tiếp tục là xu thế chủ đạo của tình hình quốc tế với sự nổi lên của các quốc gia tầm trung và có nền kinh tế phát triển năng động như Việt Nam và Australia thì chiều hướng phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Australia đang dần chuyển dịch từ quan hệ hỗ trợ phát triển một chiều trở thành mối quan hệ đối tác hợp tác cùng phát triển, đưa quan hệ đối tác chiến lược đi vào chiều sâu và thực chất, đáp ứng lợi ích và kỳ vọng của nhân dân hai nước.
Nhiều nhà phân tích đánh giá, quan hệ Australia - Việt Nam có thể trở thành một mô hình kiểu mẫu trong quan hệ hợp tác chiến lược “cùng thắng” giữa hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau, giữa một cường quốc tầm trung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một nước ngày càng có vai trò, vị thế ở Đông Nam Á nhằm thúc đẩy lợi ích chiến lược thông qua hợp tác cả trên bình diện song phương và đa phương, hướng tới sớm nâng cấp quan hệ hai nước lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới./.
---------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 108
(2) Đối tác chiến lược toàn diện với Singapore (năm 2016), Indonesia (năm 2018), Malaysia (năm 2021); Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2018), Thái Lan (năm 2020).
(3) Vietnam’s economy to surpass Singapore's by 2030: DBS Bank (Tạm dịch: Kinh tế Việt Nam sẽ vượt Singapore vào năm 2030: Ngân hàng DBS), ngày 10-7-2021, https://en.vietnamplus.vn/vietnams-economy-to-surpass-singapores-by-2030-dbs-bank/204457.vnp
(4) Spotlight on Viet Nam: The leading emerging market (Tạm dịch: Tiêu điểm Việt Nam: Thị trường mới nổi hàng đầu), https://www.pwc.com/vn/en/publications/2017/spotlight-on-vietnam.pdf
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp Thủ tướng Australia Anthony Albanese thăm chính thức Việt Nam  (04/06/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đón và hội đàm với Thủ tướng Australia Anthony Albanese thăm chính thức Việt Nam  (04/06/2023)
Đưa mối quan hệ Việt Nam - Australia lên tầm cao mới  (07/04/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm