Quan hệ đối tác chiến lược trong quan hệ quốc tế và một số hàm ý đối với Việt Nam
TCCS - Sau Chiến tranh lạnh, một số hình thức mới trong quan hệ quốc tế đã được hình thành. Các quốc gia, bao gồm Việt Nam, với thể chế chính trị, kinh tế khác nhau đã đẩy mạnh thực hiện và áp dụng một cách linh hoạt các phương cách mới trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc để thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước. Một trong các hình thức quan hệ mới đó là việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Quan hệ đối tác chiến lược trong quan hệ quốc tế
Quan hệ đối tác chiến lược được xác định là mức độ cao của quan hệ đối tác, trong đó hai bên nhất trí thực hiện các mục tiêu chung thông qua việc xây dựng và triển khai những chiến lược, kế hoạch, từ đó hình thành các cơ chế hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực có tầm quan trọng thiết yếu đối với an ninh, phát triển và ảnh hưởng của mỗi bên. Hình thức quan hệ này xuất hiện sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và ngày càng trở nên phổ biến, thu hút nhiều sự quan tâm nghiên cứu của các học giả và các nhà hoạch định chính sách. Một số lý thuyết về quan hệ quốc tế mặc dù không lý giải trực tiếp và toàn diện về quan hệ đối tác chiến lược, nhưng đã góp phần quan trọng giải thích những khía cạnh chủ chốt của hình thức quan hệ này.
Xét từ góc độ lợi ích quốc gia - dân tộc, các quốc gia đều mong muốn đạt được mục tiêu về an ninh, phát triển và ảnh hưởng khi tham gia thiết lập và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược. Theo chủ nghĩa hiện thực, quyền lực là chủ thể quan trọng hàng đầu chi phối nền chính trị quốc tế, do vậy, các quốc gia đều mong muốn tranh giành quyền lực, tăng cường sức mạnh và mở rộng ảnh hưởng. Trong môi trường vô chính phủ do thiếu cơ chế của một “siêu chính phủ” có quyền lực bao trùm quản lý và điều tiết quan hệ quốc tế, hòa bình và hợp tác sẽ chỉ mang tính chất tạm thời, xung đột mới là tuyệt đối và mang tính bản chất của quan hệ quốc tế(1). Tuy nhiên, do nắm giữ sức mạnh tổng hợp quốc gia và tham vọng khác nhau, một số nước có thể trở thành mối đe dọa về an ninh đối với các nước yếu thế hơn, vì vậy, các quốc gia phải tìm cách để bảo đảm an ninh và đạt được trạng thái cân bằng quyền lực thông qua phương thức hợp tác với nhau. Nhà sử học Hy Lạp cổ đại Thucydides nhấn mạnh, “sự đồng nhất về lợi ích là mối kết nối bền vững nhất giữa quốc gia và cá nhân”(2).
Đứng trên quan điểm của trường phái lý thuyết của mình, chủ nghĩa tự do cho rằng, do có nhiều lực lượng tham gia xác định lợi ích quốc gia nên lợi ích quốc gia đa dạng, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực an ninh và quyền lực, mà còn bao gồm sự thịnh vượng, phúc lợi và môi trường. Chính vì vậy, quan hệ quốc tế mang tính đa lĩnh vực, trong đó lợi ích quốc gia trong chính trị và kinh tế đóng vai trò quan trọng nhất, gắn bó mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau; đồng thời, chính trị và kinh tế cũng là hai lĩnh vực quan trọng trong quan hệ quốc tế. Đây cũng là điểm khác biệt so với chủ nghĩa hiện thực vốn cho rằng, chính trị nắm giữ vai trò chủ đạo trong quan hệ quốc tế(3). Đặc biệt, chủ nghĩa tự do nhấn mạnh, các quốc gia có khả năng thực hiện hài hòa lợi ích, do đó có điều kiện để tăng cường hợp tác, góp phần giảm trừ xung đột, thúc đẩy kinh tế và phát huy dân chủ tự do(4). Một luận điểm quan trọng khác được nhấn mạnh trong thuyết chủ nghĩa tự do mới, đó là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, các doanh nghiệp và các tầng lớp xã hội như là kết quả của sự phát triển trong kinh tế thị trường, diễn ra không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà còn lan sang những lĩnh vực khác, góp phần làm gia tăng sự hiểu biết và hợp tác giữa các quốc gia. Ngoài ra, chủ nghĩa tự do mới cũng chỉ rõ những lợi ích mà các thể chế quốc tế có thể mang đến cho các quốc gia, bao gồm: 1- Tôn chỉ hoạt động của thể chế phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của các bên tham gia; 2- Các cơ chế, nguyên tắc, quy định, luật lệ trong thể chế giúp giải quyết tranh chấp, ngăn ngừa xung đột, tăng cường hiểu biết và lòng tin; 3- Các thể chế giúp giảm tải tình trạng vô chính phủ, thúc đẩy thực thi pháp luật; 4- Các thể chế quản lý, điều tiết sự phụ thuộc lẫn nhau(5). Nếu xem khuôn khổ đối tác chiến lược là một hình thức đặc biệt của thể chế quốc tế thì chủ nghĩa tự do mới cung cấp cách tiếp cận để giải thích những khía cạnh liên quan đến mục tiêu và hình thức mà các quốc gia theo đuổi trong mối quan hệ này.
Bàn luận về một khía cạnh khác thúc đẩy các quốc gia hợp tác, chủ nghĩa kiến tạo nhận định rằng, khi các nước có chung bản sắc, cơ hội hợp tác sẽ dễ dàng hơn(6). Trong quá trình giao thiệp với các quốc gia khác, dựa trên hoàn cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa, các quốc gia định hình những nguyên tắc, chuẩn mực, hành vi - những biểu hiện mang tính bản sắc. Tuy nhiên, các yếu tố bản sắc không phải là tiêu chí duy nhất để các quốc gia quyết định xây dựng quan hệ hợp tác hoặc đấu tranh. Bên cạnh yếu tố bản sắc, yếu tố lợi ích cần phải được tính đến trong quá trình này. Khi các quốc gia chia sẻ nhiều điểm đồng về bản sắc và lợi ích thì khả năng thiết lập và duy trì hợp tác càng cao(7).
Đề cập đến các lĩnh vực phục vụ phát triển, thuyết chức năng (functionalism) với đại diện là nhà sử học người Anh David Mitrany cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia khó lòng đạt được các mục tiêu phát triển nếu thiếu sự hợp tác với các quốc gia khác(8). Mặt khác, lý thuyết về lợi thế so sánh mà nhà kinh tế học người Anh David Ricardo khởi xướng đã chỉ rõ, mỗi quốc gia, với những lợi thế vốn có của mình, thực hiện chuyên môn hóa trong các lĩnh vực mà họ có lợi thế so sánh, khi tham gia hợp tác với nhau, mức phúc lợi toàn cầu chắc chắn sẽ gia tăng đáng kể(9). Do vậy, quan hệ đối tác chiến lược tạo dựng cơ sở vững chắc và lâu dài để các quốc gia khai thác lợi thế so sánh của nhau.
Các luận thuyết về hợp tác và đấu tranh trong các học thuyết lý luận quan hệ quốc tế đã lý giải một số khía cạnh quan trọng về việc các chủ thể tham gia thiết lập và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược. Khi tham gia hình thức quan hệ này, các chủ thể mong muốn chia sẻ những mối quan tâm và thực hiện các mục tiêu chung với nhận thức rằng, hình thức quan hệ này là phương cách hiệu quả để hướng tới các mục tiêu chung đó mà không phải đánh đổi quyền tự chủ của mỗi chủ thể. Giáo sư Sean Kay nhấn mạnh, quan hệ đối tác chiến lược là công cụ được các quốc gia sử dụng để tối đa hóa vị thế chính trị, kinh tế và quân sự trong nền chính trị quốc tế(10).
Thực tiễn thiết lập và triển khai quan hệ đối tác chiến lược của một số quốc gia trên thế giới
Trung Quốc
Kể từ khi Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đầu tiên với Brazil vào năm 1993, mô hình này đã trở thành một cấu phần quan trọng trong nền ngoại giao Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2022, với 110 quan hệ đối tác chiến lược, Trung Quốc là quốc gia có nhiều quan hệ đối tác chiến lược nhất trên thế giới(11).
Hiện nay, mặc dù chưa có tài liệu chính thức của Trung Quốc đề cập đến các tiêu chuẩn để xác định đối tác chiến lược của Trung Quốc với các nước và các tổ chức quốc tế, nhưng có thể nhận diện một số đặc điểm quan hệ đối tác chiến lược của Trung Quốc qua phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong chuyến thăm châu Âu vào năm 2004 khi ông cho rằng, “chiến lược” mang tính “lâu dài” và “ổn định”; “quan hệ đối tác” hàm ý “bình đẳng”, “hai bên cùng có lợi” và “hai bên cùng thắng”(12). Tuy vậy, thực tiễn của các mối quan hệ đối tác chiến lược của Trung Quốc cho thấy những đặc điểm này được diễn giải linh hoạt và khác nhau trong từng mối quan hệ. Các cơ chế trong khuôn khổ đối tác chiến lược của Trung Quốc với các đối tác rất đa dạng. Tùy thuộc vào tầm quan trọng và đặc điểm của từng đối tác, Trung Quốc và các đối tác đã xây dựng những khuôn khổ, cơ chế tương xứng trong các lĩnh vực, như xây dựng đường dây nóng và đối thoại chiến lược, thành lập các ủy ban để phối hợp hành động, tổ chức các cuộc liên hoan, trao đổi, giao lưu… Về phạm vi hợp tác, các mối quan hệ đối tác chiến lược thường bao gồm nhiều lĩnh vực, như chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế, thương mại - đầu tư, các vấn đề đa phương khu vực và quốc tế,… Tùy vào từng đối tác riêng biệt mà một số vấn đề cụ thể sẽ được nhấn mạnh và ưu tiên hơn trong quan hệ. Việc coi trọng hợp tác theo kênh đảng được nhấn mạnh trong quan hệ đối tác chiến lược của Trung Quốc với Việt Nam do những điểm tương đồng về ý thức hệ và lịch sử quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với Đảng Cộng sản Việt Nam; hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư đóng vai trò chủ đạo trong quan hệ đối tác chiến lược của Trung Quốc với các nước đang phát triển; trao đổi về nội dung nhân quyền là chủ đề thường được đề cập giữa Trung Quốc và các nước phương Tây.
Đức
Với 8 đối tác chiến lược hiện đang được duy trì(13), trong đó có 5 đối tác chiến lược ở khu vực châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Australia, Việt Nam) và mỗi đối tác ở một khu vực, bao gồm Nam Phi (châu Phi), Brazil (Nam Mỹ) và Các Tiểu vương quốc Saudi Arabia (Trung Đông), so với các nước lớn khác, quan hệ đối tác chiến lược của Đức chưa nhiều về số lượng, nhưng đa dạng về đối tác, bao gồm cả đối tác có thể chế tương đồng hoặc đối tác có nền chính trị khác biệt, đối tác chia sẻ quan điểm về những vấn đề khu vực và toàn cầu. Đặc điểm chung của các đối tác này chính là vai trò ngày càng tăng lên trong quản trị khu vực và toàn cầu, cũng như không thể thiếu được trong các giải pháp tập thể cho các vấn đề toàn cầu của thế kỷ XXI(14). Các cơ chế hợp tác trong quan hệ đối tác chiến lược không giống nhau, phản ánh mức độ ưu tiên của Đức đối với từng đối tác. Trong khi Đức thiết lập cơ chế đối thoại liên chính phủ với Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ do thủ tướng của hai bên đồng chủ trì, Đức duy trì các cơ chế tham vấn chính trị ở cấp độ thấp hơn với Australia, Indonesia và Việt Nam. Cụ thể, Đức và Việt Nam duy trì cơ chế tham vấn chính trị giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức.
Phạm vi hợp tác trong các mối quan hệ đối tác chiến lược của Đức thể hiện sự toàn diện và bao trùm trên các lĩnh vực, tuy nhiên, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế với các nước châu Á, như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam được Đức đặc biệt thúc đẩy. Bên cạnh đó, những vấn đề khu vực và toàn cầu, nhất là cải tổ các cơ chế hợp tác đa phương, bao gồm Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) cũng là những ưu tiên mà Đức hướng tới trong quan hệ với các đối tác chiến lược.
Nhìn chung, quan hệ đối tác chiến lược của Đức với các đối tác thời gian qua có thể phát triển theo hai hướng, hoặc phát triển nâng cấp lên đối tác chiến lược tăng cường (Australia) hoặc nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc). Ngay cả trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Đức - Trung Quốc vẫn duy trì hình thức vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Norbert Röttgen cho rằng, Trung Quốc đã trở thành “thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất đối với Đức”(15). Thủ tướng Đức Angela Merkel coi Trung Quốc là “đối tác chiến lược” và “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, trong bối cảnh Đức đang ở thế “cạnh tranh có hệ thống”(16).
Việt Nam
Sau nhiều năm triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, đến nay, Việt Nam đã thiết lập được 17 khuôn khổ đối tác chiến lược (17), trong đó có 4 khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện, với các đối tác trọng tâm và trọng điểm, như thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp), các nước lớn tại khu vực châu Âu (Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italy, Pháp), các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia và Philippines), các nước lớn tại khu vực châu Á (Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc) và châu Đại Dương (Australia và New Zealand). Các khuôn khổ đối tác chiến lược của Việt Nam với các nước có sự đa dạng trong các cơ chế hợp tác, bao gồm các cuộc trao đổi và tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao giữa hai nước theo các hình thức linh hoạt; các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đảng, các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương giữa hai nước; sự phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Dù vậy, số lượng, tính chất và mức độ hiệu quả của các hình thức này khác nhau trong từng đối tác. Lĩnh vực hợp tác trong các khuôn khổ này mang tính chất toàn diện, bao gồm lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ, văn hóa, pháp luật,… Tuy nhiên, tùy thuộc vào thế mạnh và mong muốn của mỗi nước mà các lĩnh vực có thứ tự ưu tiên khác nhau và được thúc đẩy với mức độ hiệu quả, thành công khác nhau. Các khuôn khổ đối tác chiến lược của Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc đạt được các mục tiêu an ninh, phát triển và nâng cao vị thế. Thế nhưng, vẫn tồn tại một số hạn chế trong các khuôn khổ này, như lòng tin chiến lược chưa bền vững, mức độ hiệu quả của một số cơ chế chưa cao, một số lĩnh vực hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên… Những hạn chế này cần tiếp tục được nghiên cứu để từ đó, đề xuất các giải pháp góp phần giúp Việt Nam và các đối tác thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược hiệu quả hơn.
Một số đề xuất tham chiếu đối với Việt Nam trong thời gian tới
Trên cơ sở xem xét tổng quan về quan hệ đối tác chiến lược trong quan hệ quốc tế cũng như thực tiễn thiết lập và triển khai quan hệ đối tác chiến lược của một số quốc gia trên thế giới, để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam với các nước trong thời gian tới, cần lưu ý các vấn đề sau:
Thứ nhất, bám sát đường lối đối ngoại đã được xác định tại Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện thông qua việc tiếp tục nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, tạo thêm “thế” và “lực” cũng như tăng cường vị thế chiến lược của Việt Nam trong các mối quan hệ với các đối tác. Tiếp tục kiên trì “Phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại. Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”(18). Bên cạnh đó, trong bối cảnh cục diện thế giới chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó đoán định, việc định vị vị trí của Việt Nam trong chính sách của mỗi đối tác có vai trò hết sức quan trọng, qua đó có thể chủ động nắm bắt nhằm bảo đảm quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác không bị chệch quỹ đạo mà hai nước đã đề ra và tạo dư địa để thúc đẩy quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường vị thế chiến lược của Việt Nam là sự kịp thời thay đổi tư duy đối ngoại, dần chuyển biến vị thế của Việt Nam từ “tuân thủ luật chơi” sang góp phần “đề ra luật chơi”, từ “tham gia” sang đóng góp “định hình các quy tắc, luật lệ mới”(19), từ đó phối hợp hành động với các đối tác chiến lược nhằm khai thác hiệu quả những giá trị mà khuôn khổ đối tác chiến lược có thể mang lại cho Việt Nam.
Thứ hai, thúc đẩy đan xen và gắn kết lợi ích của Việt Nam với các nước đối tác chiến lược. Một trong những động lực thúc đẩy các quốc gia hợp tác với nhau là nhằm đạt được mục tiêu lợi ích quốc gia - dân tộc. Do vậy, “lợi ích giữa các chủ thể trong một mối quan hệ càng gắn kết thì quan hệ giữa họ càng sâu sắc và ngược lại, không có đồng lợi ích, quan hệ khó phát triển hoặc khó duy trì lâu dài”(20). Trong khuôn khổ đối tác chiến lược của Việt Nam với các nước, có thể xác định nhiệm vụ đan xen và gắn kết lợi ích trên bình diện song phương và đa phương. Xét trên bình diện song phương, cần đẩy mạnh đan xen lợi ích trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, từ chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế, thương mại - đầu tư, cho đến khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo,… nhằm tạo sự phát triển đồng đều giữa các lĩnh vực hợp tác. Thực tế triển khai các quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam hiện nay, thậm chí trong cả quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cho thấy có sự tồn tại tình trạng mất cân đối mức độ phát triển giữa các lĩnh vực hợp tác. Trong quan hệ chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư còn một số hạn chế. Các đối tác chiến lược châu Âu của Việt Nam (Nga, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italy, Pháp) không nằm trong danh sách 5 quốc gia có tổng số vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến tháng 10-2022(21). Với Nhật Bản, mặc dù quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư ghi nhận nhiều bước phát triển mạnh mẽ, song kết quả đạt được trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Do vậy, Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với từng đối tác nhằm xây dựng kế hoạch, cơ chế và biện pháp củng cố các lĩnh vực hợp tác chưa thực sự hiệu quả cũng như chưa tương xứng với mức độ quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên. Xét trên bình diện đa phương, việc đan xen và gắn kết lợi ích giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược đòi hỏi hai bên cần ủng hộ lập trường, quan điểm của nhau, phối hợp cùng hành động, đề xuất các sáng kiến, giải pháp giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, phù hợp với lợi ích, nguyện vọng của từng bên.
Thứ ba, nỗ lực tăng cường lòng tin chiến lược và xử lý đúng mực những mối quan tâm, lợi ích chính đáng của các đối tác. Bài phát biểu “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương”(22) được Việt Nam chia sẻ lần đầu tiên tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 (năm 2013) đã trở thành thông điệp quan trọng về chính sách quốc phòng - an ninh và đối ngoại hiện nay của Việt Nam. Do vậy có thể thấy, lòng tin, đặc biệt lòng tin chiến lược, là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam xử lý hài hòa, “đẩy mạnh đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là đối tác quan trọng, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, tăng cường đan xen lợi ích; xử lý linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn”(23). Trong từng khuôn khổ đối tác chiến lược, cần đánh giá kịp thời mức độ tin cậy giữa Việt Nam và các đối tác theo các cấp độ để từ đó xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm giải tỏa nghi ngờ, gia tăng hiểu biết và thúc đẩy lòng tin. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, mức độ tin cậy không phải là bất biến, thậm chí có thể chuyển biến rất nhanh chóng giữa các cấp độ, xuất phát từ những khác biệt trong tính toán lợi ích quốc gia - dân tộc và những khác biệt trong hệ giá trị về văn hóa, bản sắc. Đặc điểm này làm cho quá trình thúc đẩy lòng tin chiến lược càng trở nên khó khăn, đòi hỏi nuôi dưỡng và vun đắp lòng tin chiến lược cần được duy trì thường xuyên, thông qua các hành động cụ thể, thực chất và chân thành. Mức độ minh bạch trong việc xây dựng và triển khai các chính sách đối nội và đối ngoại cũng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy lòng tin chiến lược.
Thứ tư, tiếp tục nâng cao hiệu quả các cơ chế và phạm vi hợp tác trong từng khuôn khổ đối tác chiến lược của Việt Nam với các nước. Đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, khuôn khổ đối tác chiến lược giữa hai nước có số lượng cơ chế hợp tác rất phong phú, góp phần quan trọng trong việc xử lý các vấn đề phát sinh, trao đổi về các giải pháp thúc đẩy quan hệ. Tuy vậy, hai bên cần tiếp tục phối hợp để gia tăng mức độ tin cậy chính trị, giải quyết nhanh chóng và kịp thời những vấn đề nảy sinh, thậm chí là khó lường trong các lĩnh vực hợp tác. Trong khuôn khổ đối tác chiến lược với các đối tác khác, cân nhắc thiết lập thêm các cơ chế chuyên về từng lĩnh vực cụ thể để việc trao đổi và giải quyết các vấn đề có thể được thực hiện nhanh, kịp thời và hiệu quả hơn, trên cơ sở lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên và phù hợp với thực lực cũng như lợi ích của từng bên.
Tóm lại, quan hệ đối tác chiến lược đã được các quốc gia thiết lập và thúc đẩy nhằm đạt được mục tiêu về an ninh, phát triển và ảnh hưởng thông qua các cơ chế, biện pháp phối hợp trên các lĩnh vực khác nhau. Nghiên cứu về quan hệ đối tác chiến lược của Trung Quốc, Đức và Việt Nam cho thấy sự đa dạng về nội hàm của khuôn khổ đối tác chiến lược với mức độ hiệu quả khác nhau. Tuy nhiên, thúc đẩy và làm sâu sắc các quan hệ đối tác chiến lược là quá trình mà hai bên cùng phải hành động, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của mỗi bên. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu về các giải pháp thúc đẩy những khuôn khổ này trong thời gian tới có ý nghĩa hết sức quan trọng./.
-----------------
(1) Xem: Hoàng Khắc Nam: Giáo trình nhập môn Quan hệ quốc tế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, tr. 29
(2) Hans J. Morgenthau: “Sáu nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực chính trị”, in trong sách: Lý luận Quan hệ quốc tế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, tr. 38
(3) Xem: Hoàng Khắc Nam: “Chủ nghĩa tự do trong quan hệ quốc tế: Những luận điểm chính và sự đóng góp”, Tạp chí Khoa học - Đại học Quốc gia Hà Nội, t. 29, số 1, 2013, tr. 17 - 26
(4) Hoàng Khắc Nam: Giáo trình nhập môn Quan hệ quốc tế, Sđd, tr. 32
(5) Hoàng Khắc Nam: “Chủ nghĩa tự do trong quan hệ quốc tế: Những luận điểm chính và sự đóng góp”, Tlđd
(6), (7), (8) Nguyễn Vũ Tùng - Hoàng Anh Tuấn: Quan hệ đối tác chiến lược trong quan hệ quốc tế: Từ lý thuyết đến thực tiễn, Học viện Quan hệ quốc tế, 2006, tr. 24, 27, 23
(9) Nguyễn Xuân Thiên: “Lý thuyết lợi thế so sánh và gợi ý đối với Việt Nam trong bối cảnh phát triển hiện nay”, in trong sách: Các lý thuyết kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và thực tiễn Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010, tr. 214 - 215
(10) Sean Kay: “What Is a Strategic Partnership?” (Tạm dịch: Đối tác chiến lược là gì), Taylor and Francis Online, ngày 28-1-2016, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/10758216.2000.11655882
(11) Filippo Bonim: “Strategic partnerships and China’s diplomacy in Europe: Insights from Italy” (Tạm dịch: Quan hệ đối tác chiến lược và chính sách ngoại giao của Trung Quốc ở châu Âu: Góc nhìn từ Italy), SAGE Journals, ngày 21-10-2022, https://journals.sagepub.com/doi/epub/10.1177/13691481221127571
(12) Feng Zhongping - Huang Jing: “China’s strategic partnership diplomacy: engaging with a changing world” (Tạm dịch: Chiến lược ngoại giao của Trung Quốc: tham gia với một thế giới đang thay đổi), European Strategic Partnership Observatory (ESPO), tháng 6-2014, https://www.files.ethz.ch/isn/181324/China%E2%80%99s%20strategic%20partnership%20diplomacy_%20engaging%20with%20a%20changing%20world%20.pdf
(13), (14) Amrita Narlikar - Johannes Plagemann: “Making the Most of Germany’s Strategic Partnerships: A Five - Point Proposal” (Tạm dịch: Tận dụng tối đa quan hệ đối tác chiến lược của Đức: Đề xuất năm điểm), GiGa Focus, 2016, https://www.giga-hamburg.de/en/publications/giga-focus/making-the-most-of-germany-s-strategic-partnerships-a-five-point-proposal
(15) Norbert Röttgen: quoted in Deutscher Bundestag Stenografischer Bericht (Tạm dịch: Báo cáo viết tắt của Cộng hòa Liên bang Đức), Berlin, ngày 29-5-2020, Minutes of plenary proceedings 19/164, tr. 20424
(16) Angela Merkel: quoted in Deutscher Bundestag Stenografischer Bericht (Báo cáo viết tắt của Cộng hòa Liên bang Đức), Berlin, ngày 21-3-2019, Minutes of plenary proceedings 19/89, tr. 10482
(17) Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược theo lĩnh vực với Hà Lan (quản lý nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực), Đan Mạch (biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh) và Bỉ (nông nghiệp)
(18), (23) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 29 - 30, 153
(19) Xem: Hoa Nguyễn: “Vị thế Việt Nam trong cục diện mới của khu vực”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 12-12-2020, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/vi-the-viet-nam-trong-cuc-dien-moi-cua-khu-vuc
(20) Đặng Đình Quý - Nguyễn Vũ Tùng: “Tiếp cận vấn đề đưa các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam đi vào chiều sâu”, in trong sách: Đường lối chính sách đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 290 - 291
(21) Xem: Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “10 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam”, Thông tấn xã Việt Nam, 2023, https://infographics.vn/interactive-10-quoc-gia-vung-lanh-tho-dau-tu-lon-nhat-vao-viet-nam/105576.vna
(22) Xem: Phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 (Singapore): “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 31-5-2013, https://nhandan.vn/xay-dung-long-tin-chien-luoc-vi-hoa-binh-hop-tac-thinh-vuong-cua-chau-a-thai-binh-duong-post176977.html
Về khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam hiện nay  (07/04/2023)
Luật Ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc: Những giá trị thực tiễn  (19/01/2023)
Châu Âu đối mặt với những thách thức lịch sử  (22/11/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển