Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ấn Độ và sự gắn kết tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ
TCCS - Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, trải qua các chặng đường lịch sử, từ 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước (1911 - 1941), đến khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1941 - 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản đồ sộ về hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Trong đó, di sản quan hệ Việt Nam - Ấn Độ mà hiện nay vẫn luôn được hai nước trân trọng giữ gìn, kế thừa, phát triển.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Người đều coi trọng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai. Người khẳng định: “Chính sách ngoại giao của chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hòa bình”(1). Trong 30 năm đầu hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết bạn với nhiều người con ưu tú của các dân tộc trên thế giới, đã gặp gỡ hàng trăm danh nhân của nhân loại. Trong đó, có Mô-ti-lan Nê-ru, nhà cách mạng chống đế quốc Anh nổi tiếng của Ấn Độ, người cha của Gia-oa-hac-lan Nê-ru - Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Ấn Độ. Và cũng chính bắt nguồn từ đây, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Gia-oa-hac-lan Nê-ru đặt nền móng và dày công vun đắp, đã vượt qua mọi thăng trầm của lịch sử, phát triển ngày càng tốt đẹp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ấn Độ
Nhìn lại lịch sử, trong tài sản tinh thần vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, có hàng nghìn tác phẩm, bài viết quan trọng của Người về cách mạng Việt Nam và các vấn đề quốc tế đã sưu tầm được từ năm 1919 đến năm 1969. Trong số đó, riêng về Ấn Độ, Người đã có tới 55 tác phẩm, bài viết ở nhiều thể loại khác nhau. Ở mọi thời điểm, trong và ngay sau mỗi sự kiện chính trị, xã hội trong tiến trình cách mạng của nhân dân Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có sự quan tâm đặc biệt, thông qua các bài viết dưới dạng tác phẩm, trả lời phỏng vấn báo chí, bài diễn văn, bài nói chuyện, điện chúc mừng, điện văn... Điều này thể hiện rõ tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự gắn kết tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ. Năm 1921, với bút danh Nguyễn Ái Quốc, người đã viết về “Phong trào cách mạng ở Ấn Độ”, ca ngợi tinh thần cách mạng chống đế quốc Anh của nhân dân Ấn Độ, đăng trên Tạp chí La Revue Communiste, số 18-19, tháng 8, 9-1921. Người khẳng định: “Từ cuộc khởi nghĩa năm 1857, đế quốc Anh tưởng đã dìm được tinh thần cách mạng của nhân dân Ấn Độ trong cuộc đàn áp đẫm máu và thiết lập vĩnh viễn sự bóc lột áp bức dã man của phương Tây lên hai bờ sông Hằng. Chúng đã lầm to”(2). Tiếp tục dõi theo và ủng hộ phong trào đấu tranh chính nghĩa giành độc lập thực sự của nhân dân Ấn Độ, dưới bút danh Wang, Người đã viết “Thư từ Ấn Độ”, đăng trên Tập san Inprekorr (tiếng Pháp), số 28, ngày 17-3-1928(3). Quan tâm và khẳng định về các lực lượng nòng cốt, hùng mạnh của cách mạng Ấn Độ, cũng trong năm 1928, dưới bút danh Wang, Người viết liên tiếp về “Phong trào công nhân ở Ấn Độ”, đăng trên Tập san Inprekorr, số 37, ngày 14-4-1928(4); về “Nông dân Ấn Độ”, đăng trên Tập san Inprekorr, số 38, ngày 18-4-1928(5); về “Phong trào công nhân và nông dân mới đây tại Ấn Độ”, đăng trên Tập san Inprekorr, số 43, tháng 5-1928(6). Thông qua các tác phẩm, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích về tinh thần đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng chống đế quốc của các lực lượng nòng cốt, các tầng lớp nhân dân ở Ấn Độ; qua đó, Người chỉ ra xu hướng tất yếu trong sự phát triển của phong trào cách mạng trên đất nước Ấn Độ vĩ đại.
Năm 1946, được tin Chính phủ Ấn Độ tự do đầu tiên được thành lập, thay mặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng tới nhà lãnh đạo Ấn Độ Gia-oa-hac-lan Nê-ru. Qua bức điện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ tình cảm nồng nàn và tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Ấn Độ. Người viết: “Tôi rất sung sướng được tin Chính phủ Ấn Độ tự do đầu tiên đã thành lập. Thay mặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi gửi lời mừng và chúc ông những sự tốt lành nhất. Tôi tin chắc rằng những dây thân ái giữa hai nước chúng ta sẽ giúp cho việc gây hạnh phúc chung cho hai dân tộc chúng ta”(7). Cảm động trước tình cảm mật thiết của các chính khách Ấn Độ đối với dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, thay mặt nhân dân Việt Nam, ngày 27-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện cảm ơn tới các nhà lãnh đạo Gia-oa-hac-lan Nê-ru, Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời Ấn Độ; Sa-ra Săng-đra Bô-dơ, Bộ trưởng Bộ Công chính Ấn Độ; Cri-pa-la-ni, Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ và Gin-na, lãnh tụ Đảng Hồi giáo Ấn Độ(8). Nhân ngày độc lập của Ấn Độ, ngày 29-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tới Phó Chủ tịch Chính phủ Ấn Độ Gia-oa-hac-lan Nê-ru lời chia vui và tình hữu nghị bền chặt, Người viết: “Trong ngày đáng ghi nhớ này là Ngày Độc lập của nước Ấn Độ, chúng tôi xin chung sự hân hoan với dân tộc Ấn Độ, và rất tin cậy vào sự thắng lợi của các dân tộc Á châu trong cuộc tranh đấu cho tự do và tiến bộ. Mong rằng tình thân thiện giữa hai dân tộc chúng ta càng bền chặt để sớm thấy một kỷ nguyên thịnh vượng, hạnh phúc và hòa bình bắt đầu ở Á châu”(9). Thông qua các công điện chúc mừng những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Ấn Độ, một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định sự ủng hộ nhiệt thành đối với công cuộc cách mạng chống đế quốc, giành độc lập dân tộc của nhân dân Ấn Độ, qua đó thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị của nhân dân Việt Nam với Ấn Độ.
Tháng 8-1950, ngay sau thảm họa thiên tai tại thành phố A-sam (Ấn Độ), đau xót trước sự mất mát của nhân dân Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện văn chia buồn sâu sắc tới Thủ tướng Ấn Độ Păng-đi Nê-ru. Bức điện bày tỏ: “Chính phủ và nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hết sức đau đớn được tin những thiên tai vừa xảy đến cho nhân dân thành phố Asam. Chính phủ và nhân dân Việt Nam xin tỏ tình thân ái đoàn kết với Chính phủ và nhân dân Ấn Độ và đặc biệt đối với các bạn ở thành phố Asam”(10).
Ngược dòng lịch sử, cách đây gần 66 năm, ngày 17-10-1954, Thủ tướng Ấn Độ Păng-đi Nê-ru là người đứng đầu chính phủ nước ngoài đầu tiên đến Hà Nội chỉ một tuần sau ngày Thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp xâm lược. Điều này thể hiện rõ sự ủng hộ cao độ của Chính phủ Ấn Độ đối với sự nghiệp cách mạng sáng ngời chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Đáp lại tình cảm cao quý của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ dành cho Việt Nam, tại bữa tiệc đón mừng Thủ tướng Păng-đi Nê-ru, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Hôm nay, nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất vui mừng được đón tiếp Thủ tướng Păng-đi Nê-ru, vị lãnh tụ yêu quý của nước Ấn Độ vĩ đại, vị chiến sĩ tận tụy cho hòa bình châu Á và thế giới, vị bạn tốt của nhân dân Việt Nam... Nhân dịp này, tôi xin thay mặt nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cảm ơn Thủ tướng Nê-ru, nhân dân và Chính phủ Ấn Độ đã góp phần to lớn vào việc đưa lại hòa bình cho Việt Nam và cho Miên, Lào... Tôi mời các vị cùng tôi nâng cốc, chúc Thủ tướng Nêru sống lâu, mạnh khỏe, để làm cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em Việt - Ấn càng tăng cường và làm cho hòa bình châu Á và thế giới thêm vững chắc”(11).
Sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Păng-đi Nê-ru, ngày 22-12-1955, trả lời phỏng vấn của tờ tuần báo Ấn Độ Thời đại mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Ấn Độ có quan hệ rất thân thiện với nhau và mối quan hệ đó đang tiếp tục ngày càng phát triển”.
Nhằm thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ, nhận lời mời của Chính phủ Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 4-12 đến 14-2-1958. Đáp từ sự đón tiếp thân tình của Tổng thống Ra-giăng-đra Pra-xát, Thủ tướng Gia-oa-hác-lan Nê-ru và nhân dân Ấn Độ, tại sân bay Pa-lam (Niu Đê-li), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xúc động bày tỏ: “Chúng tôi đến thăm đất nước vĩ đại của các bạn với mối cảm tình sâu sắc đã gắn bó hai dân tộc chúng ta... Nhân dân Việt Nam rất vui mừng thấy quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta ngày càng phát triển... Chúng tôi tin rằng cuộc đi thăm lần này sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước chúng ta,...”(12). Trong diễn văn đọc tại cuộc mít-tinh của nhân dân Niu Đê-li, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Hôm nay lại được gặp các bạn ở đây, chúng tôi xin thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam cảm ơn các bạn và xin gửi tới toàn thể anh chị em công dân Ấn Độ và Thủ đô Niu Đê-li lời chào hữu nghị thân thiết nhất. Nhân dân hai nước chúng ta đã có những quan hệ anh em từ lâu đời. Nền văn hóa và đạo Phật của Ấn Độ đã truyền sang Việt Nam từ thời cổ. Dưới ách thống trị của thực dân, quan hệ giữa hai nước chúng ta tạm bị gián đoạn trong một thời kỳ. Nhưng tình hữu nghị cổ truyền luôn luôn gắn bó hai dân tộc chúng ta... Chúng tôi sung sướng nhận thấy trong cuộc đấu tranh chung cho hòa bình thế giới, cho độc lập dân tộc, nhân dân hai nước chúng ta sát cánh với nhau, cùng nhau theo đuổi mục đích chung... Từ ngày hòa bình lập lại trên đất nước chúng tôi, giữa hai nước chúng ta đã có những quan hệ mật thiết. Chúng ta đã có những quan hệ tốt về kinh tế và văn hóa. Chúng ta đã trao đổi những phái đoàn hữu nghị... Chúng tôi tin chắc rằng, cuộc đi thăm nước Cộng hòa Ấn Độ lần này của chúng tôi càng thắt chặt thêm nữa tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước chúng ta, đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các nước Á - Phi và củng cố hòa bình ở châu Á và thế giới”(13).
Với 10 ngày thăm Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có nhiều cuộc hội đàm với Chính phủ Ấn Độ, thăm nhiều cơ sở sản xuất, nghiên cứu khoa học và tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân dân lao động ở nhiều địa phương, tiếp xúc và nói chuyện với giới báo chí, Hội những người Ấn Độ nghiên cứu các vấn đề quốc tế... Những cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã thu được nhiều kết quả rất tốt đẹp, tô thắm thêm mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đồng thời, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc ở châu Á và trên thế giới.
Thực tế cho thấy, chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng không phai trong lòng nhân dân Ấn Độ. Người đã chiếm trọn trái tim của người dân Ấn Độ ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, bởi sự hòa nhã, thân ái và khiêm nhường. Hàng nghìn người dân Ấn Độ đổ ra đường chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đoàn xe của Người đi qua và rất nhiều người đã khóc khi nhìn thấy Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại tình cảm ấm áp và niềm vui của người dân không phải bằng một bài diễn văn có sẵn, mà bằng những lời phát biểu chân tình tự đáy lòng mình. Trong buổi nói chuyện với người dân Ấn Độ trước khi tạm biệt để sang thăm Miến Điện, Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động bày tỏ: “Mười ngày thấm thoát qua nhanh. Tục ngữ Việt Nam có nói: “Khi lòng người buồn bã thì thấy thời gian đi rất chậm. Khi lòng người vui vẻ thì thấy thời gian đi rất nhanh”. Với sự đón tiếp nhiệt liệt, với sự tổ chức chu đáo, với sự săn sóc tận tình của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ,... chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi hình ảnh tươi đẹp của nước Ấn Độ anh em. Chúng tôi ghi nhớ mãi mãi mối tình hữu nghị nhiệt liệt của bà con Ấn Độ, các bạn thanh niên và các cháu thiếu nhi đối với chúng tôi. Khi về nước, chúng tôi sẽ báo cáo lại những điều tai nghe mắt thấy với nhân dân Việt Nam, chúng tôi sẽ chuyển tất cả những lời chào thân ái của bà con Ấn Độ cho đồng bào Việt Nam chúng tôi. Chúng tôi rời đất nước các bạn, nhưng lòng rất quyến luyến các bạn”(14).
Biểu hiện sinh động của sự gắn kết tình hữu nghị, tin cậy Việt Nam - Ấn Độ
Có thể khẳng định, tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Gia-oa-hác-lan Nê-ru đặt nền tảng đầu tiên, với những kỷ niệm không thể nào quên về tình bạn vĩ đại giữa hai vị lãnh tụ của hai dân tộc, đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Tầm nhìn xa trông rộng và sự chân thành của hai nhà lãnh đạo đã giúp tạo dựng mối quan hệ hữu nghị, trong sáng và vững bền qua suốt gần bảy thập niên đầy biến động. Ngôi trường mang tên Hồ Chí Minh là một trong những minh chứng về tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ.
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại thành phố Côn-ca-ta, bang Tây Ben-gan, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam (IVSC) bang Tây Ben-gan tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hình tượng Hồ Chí Minh của nhân dân và Ấn Độ”. Tại Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ đang đơm hoa kết trái giữa Việt Nam và Ấn Độ hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự đoàn kết, tình hữu nghị và gắn bó giữa nhân dân hai nước. Về phần mình, Chủ tịch IVSC G. Sac-ma cho rằng, Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là hai cái tên nước ngoài nổi tiếng và phổ biến nhất trong cộng đồng các dân tộc Ấn Độ, những người luôn khát khao những giá trị chính trị và tri thức suốt cả nửa cuối thế kỷ vừa qua, đặc biệt là trong giai đoạn 1950 - 1970. Nhân dân luôn là đích đến tuyệt đối của quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, ông G. Sac-ma đã cho ra mắt cuốn sách tự biên mang tên “Hình tượng Hồ Chí Minh của nhân dân và Ấn Độ”(15) ca ngợi về cuộc đời, nhân cách và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, cũng như mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Tại Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Gia-oa-hác-lan Nê-ru (JNU), nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ (1958 - 2018), ngày 17-12-2018, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Đại học Gia-oa-hác-lan Nê-ru đã tổ chức Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu một lần nữa khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn lớn, thân thiết của nhân dân Ấn Độ. Người đã cùng với Thủ tướng Gia-oa-hác-lan Nê-ru và các lãnh đạo Ấn Độ đặt nền móng, xây dựng và vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng đơm hoa kết trái(16).
Từ nền móng quan hệ hữu nghị trong lịch sử Việt Nam - Ấn Độ, với sự tin cậy về chính trị trong quan hệ, các thế hệ nối tiếp hôm nay đã và đang kế thừa, phát huy truyền thống quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Hơn 50 năm qua (1969 - 2020), gắn liền với sự điều chỉnh chính sách đối ngoại “hướng Đông” của Ấn Độ, đổi mới trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã phát triển hết sức tốt đẹp, từ đối tác chiến lược, đến đối tác chiến lược toàn diện, thu được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực quan trọng.
Là đối tác chiến lược từ năm 2007, hiện nay, trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, Việt Nam được xem là một trong những trụ cột quan trọng nhất. Về quan hệ kinh tế, so với quan hệ chính trị, quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ phát triển muộn hơn. Tuy nhiên, trên nền tảng đối tác chiến lược, quan hệ giữa hai nước trên lĩnh vực này đã đạt được những kết quả hết sức to lớn. Hai nước đã ký các hiệp định thương mại, hiệp định tránh đánh thuế hai lần, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Từ nền tảng quan hệ đối tác chiến lược tốt đẹp, tháng 9-2016, hai bên đã quyết định nâng mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Gần bốn năm qua, quan hệ kinh tế, quốc phòng, an ninh hai nước từng bước đi vào chiều sâu, thực chất. Nếu năm tài chính 2015 - 2016, kim ngạch buôn bán hai chiều Việt Nam - Ấn Độ đạt 7,826 tỷ USD(17), thì chỉ sau hơn hai năm, thương mại song phương giữa hai nước đã vượt ngưỡng 10 tỷ USD(18). Về hợp tác đầu tư, nếu tính đến tháng 9-2016, Ấn Độ có 203 dự án đầu tư tại Việt Nam, với số vốn đăng ký 524 triệu USD, đứng thứ 28/62 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam(19), thì đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam năm 2018 đã ở mức hơn 1,2 tỷ USD(20); và tính đến tháng 8-2019, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam là 1,7 tỷ USD(21). Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ như TATA, ONGC, Essar,... đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam(22).
Có thể thấy, trong quan hệ kinh tế, Ấn Độ tiếp tục là một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch song phương tăng bình quân 16%/năm trong 10 năm qua(23), không chỉ trong khuôn khổ song phương, hai nước còn tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ nhau tại các tổ chức và diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ ngày 4-3-2018, hai nước đã nhất trí: Việc tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại mạnh mẽ là mục tiêu chiến lược, thành tố cốt lõi của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và cần thiết đối với việc tăng cường quan hệ song phương nói chung, mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 15 tỷ USD vào năm 2020(24).
Quan hệ quốc phòng, an ninh giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp. Tháng 5-2015, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước đã ký “Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2015 - 2020”. Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong tuyên bố chung ngày 4-3-2018 về quốc phòng, an ninh, hai bên nhất trí, hợp tác quốc phòng - an ninh là trụ cột quan trọng, hiệu quả của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện(25).
Cùng với những thành tựu đã đạt được ở các lĩnh vực quan trọng khác, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh còn có nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển. Trên con đường phía trước, dù quan hệ hợp tác giữa hai bên đã, đang và sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, trở lực, song cũng như các lĩnh vực khác, triển vọng của quan hệ hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh giữa hai nước thời gian tới là rất to lớn. Với truyền thống lịch sử tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ mà các nhà lãnh đạo hai nước đã đặt nền móng và dày công vun đắp, những tiềm năng có được của hai nước cho sự hợp tác phát triển, quyết tâm chính trị tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ vì lợi ích của mỗi nước và sự ổn định ở khu vực, là những cơ sở, nền tảng quan trọng để quan hệ hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực quan trọng khác giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả./.
------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 39
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 55
(3), (4), (5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 350 - 352, 356 - 358, 359 - 362, 363 - 366
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 325
(8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 46, 48
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t. 6, tr. 435
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 92
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 255-256
(13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 257-261, 282
(15) Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ấn Độ, http://www.cpv.org.vn/thoi-su/hoi-thao-ve-chu-tich-ho-chi-minh-tai-an-do-302369.html
(16) Báo Thế giới & Việt Nam điện tử: “Kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ”, https://baoquocte.vn/ky-niem-60-nam-chu-tich-ho-chi-minh-tham-chinh-thuc-an-do-83867.html
(17) Đỗ Đức Định: “Hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Việt Nam - Ấn Độ 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2017, tr. 246
(18) Báo Thế giới & Việt Nam điện tử: “Viết tiếp chương mới trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ”, https://baoquocte.vn/viet-tiep-chuong-moi-trong-quan-he-viet-nam-an-do-66872.html, ngày 1-3-2018
(19) Đỗ Đức Định: “Hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ”, Tlđd, tr. 250
(20) Báo Thế giới & Việt Nam điện tử: “Viết tiếp chương mới trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ”, Tlđd
(21) Thảo Hà: “Doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm, thúc đẩy đầu tư và thương mại”, https://congthuong.vn/doanh-nghiep-an-do-quan-tam-thuc-day-hop-tac-dau-tu-va-thuong-mai-124111.html
(22) Thông tấn xã Việt Nam: “Đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ”, Báo tin tức, ngày 28-2-2018
(23) Báo Nhân dân điện tử: “Đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển hiệu quả và bền vững”, https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/35670002-dua-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-an-do-phat-trien-hieu-qua-va-ben-vung.html
(24), (25) Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ, https://vov.vn/chinh-tri/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-an-do-735643.vov
“Đảng, Bác Hồ và nhân dân với Công an nhân dân”  (03/08/2020)
Độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, phương châm sống và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (25/07/2020)
Độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, phương châm sống và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (25/07/2020)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ  (19/07/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển