Một số kết quả chuyến tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Diễn đàn Davos 2019
Hội nghị WEF 2019 diễn ra từ ngày 22 đến 25-01, quy tụ hơn 3.000 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, xã hội dân sự, giới học giả, các đại diện của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông, hơn 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, và đại diện các tổ chức quốc tế. Với chủ đề "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", Diễn đàn Davos 2019 nhằm mục tiêu xác định các mô hình hòa bình mới, bền vững và toàn diện, nhằm thích nghi với một thế giới mà ở đó, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ là tiến trình không thể tránh khỏi, nơi các mô hình quản trị toàn cầu cho thấy khó khăn trong việc thúc đẩy hành động hài hòa giữa các cường quốc trên thế giới. Chương trình hội nghị năm nay với hơn 350 phiên họp, thảo luận và đối thoại, trong đó, có thể kể đến một loạt đối thoại như đối thoại về địa chính trị, đối thoại toàn cầu về hòa bình và phát triển, đối thoại về tương lai của nền kinh tế, về quản lý các hệ sinh thái môi trường quan trọng, và đảm bảo an ninh mạng, đối thoại về việc làm, và cải cách các thể chế.
Diễn đàn Davos 2019 đặt mục tiêu xác định các mô hình hòa bình mới, bền vững và toàn diện, nhằm thích nghi với một thế giới mà ở đó, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ là tiến trình không thể tránh khỏi, nơi các mô hình quản trị toàn cầu cho thấy khó khăn trong việc thúc đẩy hành động hài hòa giữa các cường quốc trên thế giới. Tại hội nghị, diễn ra một loạt phiên đối thoại như đối thoại về địa chính trị, đối thoại toàn cầu về hòa bình và phát triển, đối thoại về tương lai của nền kinh tế, về quản lý các hệ sinh thái môi trường quan trọng, và đảm bảo an ninh mạng, đối thoại về việc làm, và cải cách các thể chế.
Chương trình làm việc khẩn trương với 37 hoạt động nối tiếp nhau
Ngay khi đến Đa-vốt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu chương trình làm việc khẩn trương với 37 hoạt động nối tiếp nhau, luôn kết thúc vào tối muộn. Trong khuôn khổ Diễn đàn, Thủ tướng đã phát biểu tại phiên thảo luận “Cuộc gặp các nhà Lãnh đạo về chương trình nghị sự hành động đại dương”, dự đối thoại giữa các nhà lãnh đạo cấp cao (IGWEL) với chủ đề “Thế giới trong thời đại toàn cầu hóa 4.0” và phiên đối thoại với Chủ tịch WEF Borge Brende được truyền trực tuyến trên mạng chính thức toàn cầu của WEF với chủ đề “Việt Nam và Thế giới”. Đây là lần đầu tiên WEF tổ chức một phiên riêng về Việt Nam để quảng bá phát triển và hội nhập của Việt Nam. Thủ tướng cũng đã có các cuộc gặp gỡ lãnh đạo một số nước, người đứng đầu các tổ chức quốc tế lớn; gặp gỡ, đối thoại với các CEO, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới; cùng Chủ tịch điều hành và sáng lập WEF, Giáo sư Klaus Schwab chứng kiến lễ ký Thoả thuận hợp tác về xây dựng Trung tâm cách mạng công nghệ 4.0 và Ý định thư về xây dựng sáng kiến rác thải nhựa giữa WEF và Việt Nam.
Phát biểu tại các phiên thảo luận, đối thoại, Thủ tướng cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” từng doanh nghiệp, đem đến những thay đổi sâu sắc, mà không quốc gia nào có thể đứng ngoài. Nỗ lực vượt qua khó khăn, hạn chế, thách thức, Việt Nam coi đây là cơ hội to lớn khi các quốc gia cạnh tranh bằng sáng tạo, mà không phải chỉ bằng các yếu tố truyền thống như tự do thương mại, qui mô, kinh nghiệm, lao động, vốn đầu tư.
Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là về công nghệ mà còn là cuộc cách mạng lớn về chính sách. Việt Nam đã khởi động Chương trình “Make in Viet Nam 4.0” - một sáng kiến thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa trên chính sách mới, tư duy quản lý mới và những công nghệ mới. Để tiến lên trong cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ triển khai thử nghiệm mạng lưới 5G vào năm 2019 và thương mại hóa vào năm 2020, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước trên thế giới đi đầu về triển khai 5G. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam định hình khuôn khổ pháp lý minh bạch, ngày càng tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và mong WEF, cộng đồng doanh nghiệp giữ vững niềm tin vào quyết tâm và nỗ lực đổi mới của Việt Nam.
Trong đối thoại với Chủ tịch WEF Borge Brende với chủ đề “Việt Nam và Thế giới”, trước câu hỏi “Việt Nam gây bất ngờ cho thế giới trong 5 năm tới như thế nào?”, Thủ tướng nêu rõ, “chúng tôi có một khát vọng dân tộc trong phát triển. Trước hết, trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi giữ đà tăng trưởng, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội và là một địa chỉ đáng tin cậy cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam thuận lợi nhất, an toàn nhất. Vì thế, chúng tôi tăng cường đối thoại, đẩy mạnh cải cách thể chế, pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, để không khí đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư ở Việt Nam sôi động hơn, giải quyết nhiều việc làm hơn, đóng góp cho sự phát triển tốt hơn, giữ được đà tăng trưởng liên tục trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay. Đó là điều Chính phủ cam kết với người dân, nhà đầu tư. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, chúng ta giữ được đà tăng trưởng cao cũng là một sự cố gắng, nếu không muốn nói là bất ngờ”.
Thảo luận giữa các nhà lãnh đạo về chương trình nghị sự hành động đại dương với chủ đề “hành động vì Đại dương”, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế hành động vì Đại dương không rác thải nhựa, đề xuất các sáng kiến như: thành lập “Diễn đàn đối tác công - tư rộng mở về ứng phó với biển đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển”; đề nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới phối hợp với các đối tác nghiên cứu, thúc đẩy hình thành Mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển và đại dương; đồng thời hoan nghênh cộng đồng quốc tế ủng hộ lập trường chung của ASEAN về việc cần phải bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên khu vực Biển Đông, góp phần gìn giữ đại dương xanh, hòa bình, ổn định và hợp tác.
Trong khuôn khổ WEF Đa-vốt 2019, Việt Nam và WEF đã ký Thỏa thuận hợp tác Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Thủ tướng cho biết, Trung tâm trên sẽ được kết nối với các Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 của WEF tại Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ. Thực hiện hợp tác này, Việt Nam sẽ là một tâm điểm về chính sách 4.0 của khu vực. Việt Nam sẽ đi đầu trong xây dựng khung chính sách, chấp nhận và cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, áp dụng mạnh mẽ mô hình hợp tác công-tư để tạo ra các dịch vụ và sản phẩm đột phá, thân thiện với môi trường trong Cách mạng công nghiệp 4.0 với chủ thể trọng tâm là các doanh nghiệp trẻ có khát vọng sáng tạo, không sợ vấp ngã để tiến lên mạnh mẽ.
Các cuộc tiếp xúc song phương
Trong các hoạt động song phương, Thủ tướng đã gặp Thủ tướng Nepal, Nhà vua Bỉ, Hoàng hậu Hà Lan, Thủ tướng Séc, Tổng thống Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Romania, Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Công, Tổng Giám đốc WTO, Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, Tổng thư ký OECD. Tại các cuộc gặp, Thủ tướng đã trao đổi nhiều biện pháp, nhất trí tăng cường phối hợp triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương cùng có lợi, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, vì sự thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Tiếp Hoàng hậu Hà Lan Máxima, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về tài chính toàn diện cho phát triển và là chuyên gia có uy tín của Liên hợp quốc về lĩnh vực tài chính vi mô; Thủ tướng bày tỏ vui mừng được gặp Hoàng hậu, trân trọng mời Nhà Vua và Hoàng hậu sang thăm Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang tập trung xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Đây là nền tảng rất quan trọng để Việt Nam đạt được các mục tiêu về tài chính toàn diện nói riêng và các mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Tiếp Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Thủ tướng khẳng định Hong Kong luôn là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam; đề nghị trong thời gian tới, Việt Nam và Hong Kong cần tăng cường giao lưu, tiếp xúc dưới hình thức đa dạng giữa các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và người dân hai bên. Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn của Hong Kong mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ vận tải, xây dựng cơ sở hạ tầng, linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ, chế biến, tài chính, ngân hàng; tích cực tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng đánh giá cao việc Chính quyền Hong Kong quyết định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ Việt Nam; đồng thời đề nghị Chính quyền Hong Kong tạo thuận lợi hơn nữa trong việc cấp thị thực nhập cảnh cho công dân và doanh nhân Việt Nam đến Hong Kong làm việc, học tập, kinh doanh.
Tai buổi tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jyrki Katainen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) đang phát triển rất tích cực, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Thủ tướng đề nghị thúc đẩy để EVFTA được ký, phê chuẩn trong quý 1-2019 đáp ứng lợi ích của cả hai bên, tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam - EU, đặc biệt về kinh tế. Thủ tướng cũng mong muốn EU hỗ trợ Việt Nam xử lý vấn đề khai thác IUU và sớm dỡ bỏ thẻ vàng đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng đề nghị EU tiếp tục quan tâm đến an ninh, an toàn hàng hải, ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Tiếp Phó Thủ tướng Romania Ana Birchall, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống ở khu vực Trung - Đông Âu. Tại buổi tiếp, hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, triển khai các thỏa thuận hợp tác với Rumani như việc ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2019 - 2021, Thỏa thuận hợp tác du lịch...; tổ chức họp Ủy ban hợp tác liên chính phủ về hợp tác Kinh tế, Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam - Romania trong năm 2019.
Tiếp Tổng Thư ký Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurria, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh OECD phối hợp xây dựng Báo cáo rà soát quốc gia đa chiều cho Việt Nam, đề nghị sớm hoàn thành Báo cáo trong năm 2019 để kịp phục vụ cho đánh giá toàn diện, tổng thể việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và xây dựng Chiến lược phát triển 2021 - 2030 của Việt Nam.
Và gặp gỡ các doanh nghiệp
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng cũng đã gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo chủ chốt của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn như Siemens, Qualcomn, Google, Total, Allianz, JBIC, GE, Prudential, Facebook, Sanofi,… trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm, bao gồm cả những vướng mắc trong phát triển kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trên không gian mạng.
Trong các cuộc tiếp xúc, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng ủng hộ những ý tưởng, mô hình kinh doanh có tính đột phá, không chỉ ủng hộ những doanh nghiệp mà quan trọng hơn là ủng hộ những giá trị sáng tạo, đổi mới, tinh thần khởi nghiệp, ủng hộ xu hướng tiến bộ, giúp đem lại lợi ích và tiện ích, tiện nghi cho người dân. “Không quản lý được thì đóng cửa là quan điểm lạc hậu rồi”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp quốc tế: “Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam”. “Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi và cùng các bạn hiện thực hóa chiến lược, chương trình, kế hoạch về thúc đẩy phát triển trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng một nền công nghiệp 4.0”.
Đánh giá cao các phát biểu của Thủ tướng, lãnh đạo các tập đoàn quốc tế bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ trước sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam thời gian qua, đồng thời ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh và cho biết đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng thể hiện sự ủng hộ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp hai bên.
Chuyến tham dự Hội nghị WEF của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mang tới những thông điệp mạnh mẽ về đường lối, định hướng, chính sách và quyết tâm của Việt Nam về đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam các đối tác, tập đoàn hàng đầu thế giới, góp phần củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển đất nước, nhất là thực hiện mục tiêu “bứt phá” về phát triển kinh tế- xã hội năm 2019. Đồng thời qua Hội nghị WEF 2019, chúng ta đã thấy được những xu thế mới trong quản trị song phương, đa phương toàn cầu, các cọ sát chiến lược giữa các nền kinh tế lớn và hướng đi tất yếu của cạnh tranh bằng sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là những tri thức rất hữu ích cho việc hoạch định các chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 và 2045./.
Việt Nam - Thái Lan họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương lần 3  (25/01/2019)
Diễn đàn Davos 2019: Nhiều vấn đề được bàn thảo  (25/01/2019)
Chuẩn bị chu đáo cho Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019  (25/01/2019)
Khai thác tối đa từng cơ hội để phát triển bứt phá  (25/01/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay