Những “cầu nối” góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị Việt - Nhật
Năm 2018, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2018), dấu mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường trong quan hệ hai nước với nhiều thành tựu hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị tới kinh tế, văn hóa giáo dục và giao lưu nhân dân.
Thời gian qua, những cá nhân, tổ chức của cả hai nước đã nỗ lực hết mình nhằm vun đắp quan hệ hữu nghị Việt - Nhật ngày càng bền chặt. Đây chính là những “cầu nối” giúp nhân dân hai nước thêm hiểu và xích lại gần nhau hơn.
Yêu mến con người Việt Nam
Khi được hỏi về ấn tượng của mình đối với con người Việt Nam, giáo sư, tiến sỹ Furuta Motoo, Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật - Việt, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Nhật cho biết ông bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam từ năm 1970. Đối với ông, lịch sử Việt Nam rất thú vị, con người Việt Nam rất lạc quan, yêu đời, mềm dẻo và vững bền như những cây tre.
Thông tin về quá trình thành lập và phát triển của Hội hữu nghị Nhật - Việt, giáo sư, tiến sỹ Furuta Motoo cho biết Hội hữu nghị Nhật - Việt là một tổ chức ngoại giao nhân dân được thành lập năm 1955, với mục tiêu thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp một phần nhỏ vào việc vun đắp tình hữu nghị sâu sắc giữa nhân dân hai nước.
Hiện nay, số người Việt Nam cư trú lâu dài ở Nhật Bản đang tăng lên nhanh chóng, với hơn 260.000 người. Do đó, công tác giao lưu và hỗ trợ các bạn Việt Nam sinh sống ở Nhật Bản là định hướng lớn nhất trong hoạt động của Hội.
Với thế mạnh là có mạng lưới chi hội địa phương rộng khắp, Hội hữu nghị Nhật - Việt cùng các chi Hội địa phương đã và đang tổ chức nhiều loại hình giao lưu với người Việt Nam đang sinh sống tại địa phương của Nhật như tổ chức lớp học tiếng Việt, liên hoan chúc Tết cổ truyền Việt Nam, gặp mặt thưởng thức ẩm thực Việt, tổ chức chiếu phim Việt, giao lưu âm nhạc...
Bên cạnh đó, các chi Hội địa phương cũng thường xuyên giúp đỡ hỗ trợ một số lưu học sinh Việt Nam tự túc học tại các trường dạy tiếng Nhật gặp khó khăn bằng cách tạo điều kiện học tập, lao động cho lưu học sinh, giúp phiên dịch y tế, hỗ trợ các thủ tục xin phép cư trú....
Là hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Nhật, giáo sư, tiến sỹ Furuta Motoo chia sẻ, định hướng phát triển của trường Đại học Việt - Nhật là trở thành trường đại học nghiên cứu có uy tín hàng đầu ở châu Á trong các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật tiên tiến và khoa học liên ngành phục vụ phát triển bền vững.
Giáo sư, tiến sỹ Furuta Motoo kỳ vọng, Đại học Việt - Nhật không chỉ triển khai những lĩnh vực đào tạo Nhật Bản có thế mạnh mà còn là một mô hình đại học mới, thể hiện nền giáo dục mở và phát triển bền vững.
Cầu nối hợp tác
Tháng 7-2017, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thành lập Trung tâm Hợp tác Việt - Nhật với mục tiêu tổ chức, hỗ trợ thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, xúc tiến các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội hữu nghị Việt - Nhật, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Việt - Nhật Bùi Khắc Sơn cho biết Trung tâm hợp tác Việt - Nhật ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp hai nước, là “cầu nối” tin cậy để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, tìm cơ hội hợp tác lâu dài.
Ngay sau khi ra mắt, Trung tâm hợp tác Việt - Nhật đã triển khai kiện toàn bộ máy, kết hợp chương trình công tác của Hội hữu nghị Việt - Nhật, tổ chức nhiều buổi tiếp xúc với các đối tác Nhật Bản như Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác và phát triển của Nhật Bản, các doanh nghiệp Nhật Bản tại một số địa phương.
Ông Bùi Khắc Sơn cho biết, bên cạnh những hoạt động hợp tác về kinh tế, Trung tâm còn tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa và thể thao có ý nghĩa như hỗ trợ Hội trà đạo Nhật Bản; nghiên cứu, xây dựng bộ phim về giáo sư Nông học Lương Định Của; phối hợp tổ chức Chương trình giao lưu Golf hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản...
Trung tâm Hợp tác Việt - Nhật đặt mục tiêu thời gian tới sẽ tập trung vào các hoạt động hợp tác giữa hai bên như: nghiên cứu thị trường, lĩnh vực đào tạo, chuyển giao công nghệ, công nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo, nông nghiệp...
Với lợi thế có nhiều cơ hội trong việc tìm kiếm, tiếp cận, xây dựng các mối quan hệ hợp tác lâu dài với các đối tác của Việt Nam và Nhật Bản, ông Bùi Khắc Sơn tin tưởng, Trung tâm sẽ là nơi đem lại hiệu quả tích cực trong việc kết nối giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Nhật Bản, đóng góp một phần vào quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Tình bạn chân thành với Việt Nam
Theo ông Syoei Utsuda, Chủ tịch Hội Việt Nam của Nhật Bản, với việc trở thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”, quan hệ hữu nghị giữa hai nước đã phát triển không ngừng trên mọi mặt.
Ông Syoei Utsuda đánh giá, trong đời sống xã hội Nhật Bản, Việt Nam đã trở nên thân thiện gần gũi. Hiện nay, số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản đã lên tới hơn 260 nghìn người, chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Đặc biệt, lưu học sinh và tu nghiệp sinh Việt Nam liên tục tăng cao.
Trong năm 2017, có khoảng 15 nghìn sinh viên Việt Nam học tại Nhật Bản, so với con số 8 nghìn trong năm 2011. Khoảng 17% sinh viên Việt Nam, sau khi học xong tiếng Nhật, đã học tiếp lên đại học hoặc cao học; 64% tiếp tục theo học tại các trường dạy nghề chuyên môn. Tất cả các sinh viên này đều mong muốn và nỗ lực để được làm việc tại Nhật Bản.
Tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản tập trung vào các ngành, nghề và công việc cụ thể như: nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, chế biến thực phẩm, may mặc, chế tạo máy, y tế...
Trên thực tế, người lao động Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực do già hóa dân số của Nhật Bản.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tuyển dụng người Việt Nam vào làm việc nhờ tính cần cù, sự khéo léo cũng như bản tính thân thiện, gần gũi của người Việt. Do đó, người Việt hiện đã trở thành yếu tố không thể thiếu đối với đất nước Nhật Bản.
Ông Syoei Utsuda nhận định, trong bối cảnh ngày càng nhiều người Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của Nhật Bản, Hội Việt Nam của Nhật Bản đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp, bao phủ tới các địa phương. Tháng 8 vừa qua, Hội Việt Nam của Nhật Bản đã tổ chức Hội nghị toàn quốc với các hội đoàn có chủ đề “Hướng tới chỗ dựa tinh thần cho người Việt Nam tại Nhật Bản”.
Tại Hội nghị này, nhiều ý kiến, giải pháp giúp hỗ trợ người Việt Nam tại Nhật Bản đã được đưa ra thảo luận, từ đó Hội Việt Nam của Nhật Bản đã tìm được nhiều hướng đi hiệu quả nhằm thúc đẩy tình bạn, quan hệ hữu nghị chân thành với Việt Nam trong thời gian tới./.
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 10 đến 16-9-2018)  (20/09/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển