Tổ chức WEF ASEAN 2018: Hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng của Việt Nam năm 2018
Đây là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong năm 2018, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương.
Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) là một diễn đàn lớn có uy tín, thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Đây là diễn đàn để các nhà lãnh đạo Chính phủ, các doanh nghiệp lớn của các nước ASEAN và trong khu vực thảo luận, chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng, định hướng chính sách cho những vấn đề quan trọng của khu vực.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới và quan hệ với Việt Nam
Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF được thành lập năm 1970 nhờ sáng kiến của Klaus Martin Schwab. WEF đã thu hút hầu khắp các quốc gia trên toàn thế giới tham gia với mục tiêu chung để giải quyết những vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu.
Diễn đàn Kinh tế thế giới là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Davos, bang Geneva, Thụy Sĩ, nơi các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, các vị lãnh đạo các nước, các học giả và phóng viên thảo luận những vấn đề thời sự quốc tế. Ngoài các cuộc họp quốc tế thường niên và nhiều cuộc họp khu vực khác, Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng xuất bản các kết quả nghiên cứu và khuyến khích các thành viên cùng thực hiện các sáng kiến mang lại lợi ích cho toàn thế giới. WEF là một tổ chức quốc tế độc lập, và cam kết vào sứ mệnh phát triển năng lực của thế giới bằng cách kết nối các nhà lãnh đạo để kiến tạo các quan hệ hợp tác, từ đó thực hiện các mục tiêu kinh tế trên phạm vi toàn cầu và khu vực; và là một tổ chức trung lập, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, cũng như không có bất kỳ liên kết thiên lệch nào đối với các yếu tố mang tính chính trị, quốc gia dân tộc, hay cá nhân đơn lẻ.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Hàng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề kinh tế - phát triển và thời sự toàn cầu. Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào cuối tháng 01 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh Hội nghị Davos, hàng năm WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á, Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên) tại Trung Quốc, Hội nghị WEF về Ấn Độ, Hội nghị WEF về Mỹ La-tinh, Hội nghị WEF về Trung Đông…Các diễn đàn khu vực này là nơi trao đổi và phân tích đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực.
Việt Nam và WEF có quan hệ từ năm 1989. Lãnh đạo cấp cao của VN thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của WEF tại Davos và Đông Á. Hội nghị WEF Đông Á 2010 tại Việt Nam diễn ra từ ngày 06 đến 07-6-2010 tại TP. Hồ Chí Minh đã thu hút khoảng 450 đại biểu tham dự gồm các chính khách cấp cao (Thủ tướng Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc…), các tổ chức quốc tế, lãnh đạo công ty đa quốc gia, học giả hàng đầu thế giới… Việt Nam còn đồng tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Mekong năm 2016. Việt Nam và WEF hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt của WEF trong khuôn khổ sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”.
Hội nghị WEF ASEAN 2018
Thủ tướng trao đổi với các chuyên gia nước ngoài về công tác chuẩn bị Hội nghị.
Là nước chủ nhà và đồng tổ chức Hội nghị WEF ASEAN, Việt Nam đã tạo được dấu ấn khi đưa vấn đề Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào nội hàm chủ đề của hội nghị, cũng như lồng ghép nhiều vấn đề Việt Nam và các nước ASEAN quan tâm vào nội dung nghị sự của hội nghị như: khởi nghiệp sáng tạo, hạ tầng và đô thị thông minh, lao động- việc làm trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp công nghệ cao…
Diễn đàn Kinh tế thế giới một lần nữa chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ đối tác Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới, cũng như giữa Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Trước đó là Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á năm 2010 và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Mekong năm 2016. Vì thế, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 góp phần tích cực củng cố sự đoàn kết và quảng bá hình ảnh một ASEAN phát triển năng động, sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới ASEAN 2018 dự kiến có khoảng gần 60 phiên thảo luận, tập trung vào những vấn đề chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang quan tâm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đó là, xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; tìm kiếm động lực và các mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; doanh nghiệp với cách tiếp cận mới đối với quản trị toàn cầu và khu vực; phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Một số hoạt động chính của hội nghị là Diễn đàn mở có chủ đề “ASEAN 4.0 vì mọi người dân”; Chiêu đãi chào mừng đại biểu; Lễ đón chính thức Hội nghị WEF-ASEAN 2018; Phiên Khai mạc toàn thể Hội nghị; Dạ hội Văn hóa Việt Nam; Phiên Bế mạc Hội nghị và trao chuông cho nước chủ nhà Hội nghị WEF-ASEAN 2019; Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam; Chương trình tham quan quảng bá du lịch Việt Nam. Khung chương trình nghị sự với các phiên họp, hoạt động, trong đó có nhiều phiên toàn thể được truyền hình, phát trực tiếp trên trang web của Diễn đàn Kinh tế thế giới và các hãng thông tấn có uy tín trên thế giới. Trong thời gian Hội nghị, dự kiến sẽ diễn ra các cuộc gặp, chuyến thăm chính thức của các nhà lãnh đạo cấp cao các nước trong khu vực đến Việt Nam nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ song phương cũng như tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, Hội nghị WEF ASEAN còn là một ngày hội của các nước ASEAN. Với nỗ lực điều phối của Việt Nam, Hội nghị dành không gian riêng cho quảng bá các nước ASEAN với nội dung phong phú, hình thức sinh động, thể hiện thông điệp về Ngôi nhà chung Cộng đồng ASEAN đa văn hóa, đa dân tộc, thắm tình đoàn kết, cùng chung tầm nhìn, cùng chung bản sắc. Đây là điểm độc đáo và chưa từng có ở các hội nghị WEF trước đây.
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 là cơ hội để thúc đẩy các đối tác tăng cường hợp tác với Việt Nam, các tập đoàn hàng đầu thế giới có tiềm lực tài chính, công nghệ và thị trường quan tâm, tăng cường đầu tư vào Việt Nam, góp phần tích cực mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn có chất lượng, công nghệ hiện đại phục vụ tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Việc Việt Nam đăng cai Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 khẳng định chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào những vấn đề quan tâm chung đặt ra cho phát triển, hội nhập trong khu vực, góp phần quan trọng làm sâu sắc hơn hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới thời gian tới.
Hội nghị WEF ASEAN là cơ hội tốt để thúc đẩy giao lưu, tiếp cận các ý tưởng mới, nắm bắt xu thế phát triển của thế giới và khu vực, nhất là xu hướng phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ xây dựng, triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Với sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao, chỉ đạo trực tiếp và sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, sự chung sức đồng lòng, vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương, địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chắc chắn Hội nghị WEF ASEAN năm 2018 sẽ thành công tốt đẹp, thiết thực góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội, củng cố, nâng cao hơn nữa vị thế của đất nước, củng cố đoàn kết, hợp tác, phát triển và thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN./.
Đổi mới hoạt động của trạm y tế xã, phường theo nguyên lý y học gia đình  (10/09/2018)
Bộ đội Biên phòng tiếp sức học sinh nghèo vùng biên đến trường  (10/09/2018)
Tiếp tục các hoạt động của Tổng Bí thư trong chuyến thăm Hungary  (10/09/2018)
Khánh Hòa chủ động phòng chống sốt bệnh xuất huyết  (10/09/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên