Ý nghĩa chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968
TCCS - Vào Xuân Mậu Thân năm 1968, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, quân và dân ta đã đồng loạt tiến công vào các thành phố lớn, thị xã, thị trấn, chi khu, quận lỵ; các sân bay, căn cứ quân sự của quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn trên toàn chiến trường miền Nam, mở ra bước ngoặt cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau nửa thế kỷ, cùng với thời gian và những tư liệu mới, chúng ta càng nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về ý nghĩa chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 - một sự kiện lịch sử trọng đại trong chiến tranh giải phóng dân tộc của Đảng và nhân dân ta.
Một là, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 khẳng định đường lối lãnh đạo và chỉ đạo kháng chiến độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta.
Trong Báo cáo tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ngày 15-7-1954, trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Đảng ta sớm xác định: “Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt - Miên - Lào”(1). Đồng thời, Đảng cũng chỉ rõ: “mũi nhọn của ta phải chĩa vào đế quốc Mỹ”(2); “mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ”(3).
Đảng ta, với bản lĩnh và tầm cao trí tuệ, trên cơ sở xác định chính xác kẻ thù, đánh giá, phân tích đúng tình hình trong nước, quốc tế, tương quan lực lượng giữa ta và địch, đã vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin về chiến tranh cách mạng, phát huy truyền thống, tư tưởng quân sự của cha ông, tiếp thu tinh hoa quân sự nhân loại, nhất là các quy luật của chiến tranh cách mạng và khởi nghĩa vũ trang để đề ra và từng bước hoàn thiện đường lối chống Mỹ, cứu nước một cách độc lập, tự chủ, đúng đắn, khoa học và sáng tạo, nhằm lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; động viên và phát huy sức mạnh của cả nước để tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vì mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc. Nắm chắc, kiên định và vận dụng sáng tạo, phù hợp tư tưởng chiến lược tiến công trong từng giai đoạn để sử dụng bạo lực cách mạng đánh địch bằng sức mạnh của toàn dân, với sự kết hợp của hai lực lượng (lực lượng chính trị của quần chúng, lực lượng vũ trang) và hai hình thức đấu tranh (chính trị, quân sự); trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, đồng bằng, thành thị); kết hợp tác chiến của ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích), bằng ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận), phát huy sức mạnh, thế mạnh của ta và đánh vào chỗ yếu của địch…, từ đó, thắng địch từng bước, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn.
Nhờ có đường lối độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo và phương pháp cách mạng, khoa học, với những bước đi có tính toán kỹ lưỡng, nghệ thuật quân sự độc đáo mang đậm bản sắc Việt Nam, Đảng đã lãnh đạo nhân dân và quân đội ta đánh bại chiến lược “Chiến tranh đơn phương” cùng các thủ đoạn chiến tranh của đế quốc Mỹ. Đầu năm 1965, trước nguy cơ phá sản hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ liều lĩnh đưa quân chiến đấu và quân đội đồng minh cùng những phương tiện chiến tranh hiện đại vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam.
Trước bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, cuộc kháng chiến của quân và dân ta đứng trước thử thách ngặt nghèo. Lúc này, vấn đề “Ta sẽ thắng Mỹ như thế nào” được đặt ra hết sức nóng hổi. Quá trình chiến đấu và giành thắng lợi trước quân Mỹ trên chiến trường miền Nam trong năm 1965 là cơ sở thực tiễn quan trọng để Đảng ta hạ quyết tâm: “Kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, kiên quyết chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng”(4). Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện tư tưởng chiến lược tiến công, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trước thử thách sống còn của vận mệnh dân tộc. Phương châm chiến lược của chiến tranh cách mạng ở miền Nam được Trung ương Đảng xác định là chiến đấu lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Nhưng đánh lâu dài không có nghĩa là kéo dài, mà phải tích cực, nỗ lực phấn đấu chuẩn bị mọi mặt, tạo thế và lực tiến dần từng bước tới cuộc tổng tiến công chiến lược giành thắng lợi quyết định.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu. Với những thất bại liên tiếp trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (năm 1965 - 1966, năm 1966 - 1967) và trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ rơi vào thế bị động đối phó trên khắp các chiến trường. Tuy nhiên, những thắng lợi lớn về chính trị và quân sự này của ta vẫn chưa làm lung lay dã tâm, hành động xâm lược của đế quốc Mỹ và chưa làm thay đổi cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta.
Bám sát và phân tích chính xác động thái trên chiến trường trong nước và quốc tế, tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp chính thức hạ quyết tâm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 - tổng công kích, tổng khởi nghĩa nhằm mục tiêu chiến lược là giáng cho đế quốc Mỹ và tay sai một đòn thật mạnh và hiểm, bất ngờ và đồng loạt, làm lung lay ý chí xâm lược, tạo bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh của Đảng ta thể hiện ở chỗ, không những chỉ ra thời cơ chiến lược đã xuất hiện, mà còn quyết định tiến hành tổng tiến công và nổi dậy bằng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Đây là một phương thức tiến công, một cách đánh mới đầy hiệu quả, chưa từng diễn ra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cũng hiếm có trong lịch sử chiến tranh cách mạng, khiến cho đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn hoàn toàn bị động, bất ngờ. Với quyết định lịch sử này, Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta đánh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai bằng sức mạnh tổng hợp của cả nước, nhằm vào toàn bộ mục tiêu hiểm yếu của địch trên toàn chiến trường, ở thời điểm địch không ngờ tới là Tết Nguyên đán Mậu Thân, đồng thời, vào đúng giai đoạn nhạy cảm nhất trong đời sống chính trị nước Mỹ - năm vận động bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới... Đây là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo và kịp thời của Đảng ta, thể hiện tư duy quân sự với đường lối lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến tài tình của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hai là, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri.
Trong chiến tranh, thắng lợi ở quy mô chiến dịch là rất quan trọng, song kinh nghiệm tiến hành chiến tranh chống xâm lược của dân tộc ta đã khẳng định: chỉ khi chúng ta đánh cho lực lượng quân sự của địch bị thiệt hại nặng nề, làm cho khả năng tiến hành chiến tranh của chúng bị suy yếu nghiêm trọng, đập tan mọi âm mưu, kế hoạch chiến lược và các biện pháp tác chiến chủ yếu của địch, thì đấu tranh vũ trang mới tạo ra những điều kiện thuận lợi và kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, khởi nghĩa của quần chúng, binh vận, ngoại giao, hình thành sức mạnh tổng hợp đánh bại ý chí xâm lược của địch. Đó là vấn đề có tính quy luật của nghệ thuật chỉ đạo và điều hành chiến tranh cách mạng.
Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, ta đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, đập tan cố gắng quân sự cao nhất của chúng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thắng lợi oanh liệt của quân và dân ta dẫn tới nguy cơ, lần đầu tiên trong lịch sử, quân đội Mỹ bị đánh bại trong phạm vi một cuộc chiến tranh cục bộ. Sự kiện này đã tác động trực tiếp đến đời sống chính trị - tinh thần nước Mỹ, làm tăng thêm mâu thuẫn trong Quốc hội, Chính phủ Mỹ, khiến cho làn sóng phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của nhân dân Mỹ cùng nhân dân tiến bộ trên thế giới dâng cao chưa từng thấy. Chính giới Mỹ thừa nhận “nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc”, thực sự đã có “một cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ” mà khởi điểm là sự kiện Xuân Mậu Thân năm 1968 ở miền Nam Việt Nam.
Trước thất bại to lớn cả về quân sự và chính trị, không còn sự lựa chọn nào khác, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ L.B. Giôn-xơn buộc phải tuyên bố: Mỹ đơn phương chấm dứt ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ vĩ tuyến 20 trở ra; sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chấm dứt thời kỳ tăng cường cam kết đưa các lực lượng quân Mỹ vào cuộc chiến tranh trên bộ. Cuối cùng, L.B. Giôn-xơn tuyên bố không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo. Thực chất, đây là sự thừa nhận thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải chuyển từ thế phản công chiến lược bằng biện pháp hai gọng kìm “tìm diệt và bình định” sang thế bị động phòng ngự bằng biện pháp “quét và giữ”; từ leo thang chiến tranh sang xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; từ “Mỹ hóa” cao độ cuộc chiến tranh sang “phi Mỹ hóa” rồi “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đó là bước khởi đầu cho một quá trình đi xuống về chiến lược trong chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ.
Ba là, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang cách mạng, nhất là về quy mô tác chiến và nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng.
Về quy mô: Trước “Tết Mậu Thân”, lực lượng vũ trang cách mạng của ta trên chiến trường miền Nam đã có những tiến bộ nhất định cả về lực lượng và hiệu suất tiêu diệt địch. Ngay khi quân đội Mỹ ồ ạt kéo vào miền Nam, lực lượng vũ trang Quân Giải phóng chẳng những không bị động, lùi về phòng ngự, chống đỡ mà ngược lại, còn chủ động tiến công một số đơn vị quân Mỹ nhằm tìm hiểu khả năng thực tế của chúng để tìm ra cách đánh phù hợp. Tuy nhiên, quy mô hoạt động tác chiến của ta vẫn chưa lớn, những thất bại của quân đội Mỹ trên chiến trường chưa đủ áp lực làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược Việt Nam của giới cầm quyền Nhà Trắng. Do đó, đế quốc Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ âm mưu tiếp tục chiến tranh xâm lược Việt Nam, ngoan cố tiếp tục tăng quân, chuẩn bị kế hoạch mở cuộc phản công lần thứ ba. Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, các lực lượng vũ trang cách mạng dưới sự lãnh đạo, chỉ huy tập trung, thống nhất, đã tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược trong toàn chiến trường miền Nam, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về tác chiến hiệp đồng quy mô lớn.
Về nghệ thuật: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 được thực hiện trong điều kiện lực lượng quân sự của địch đông với hơn một triệu tên, tiềm lực chiến tranh dồi dào. Để đạt được mục tiêu chiến lược đánh bại dã tâm xâm lược của đế quốc Mỹ, Đảng ta chủ trương sử dụng lực lượng vũ trang, binh lực và hỏa lực mạnh đánh vào các binh đoàn chủ lực của địch, vào các thành phố, thị xã…, nhất là các thành phố lớn, như Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, tạo điều kiện cho hàng triệu quần chúng ở đô thị và các vùng nông thôn bị tạm chiếm nổi dậy khởi nghĩa. Đồng thời, phối hợp với lực lượng quân sự tiêu diệt và làm tan rã quân địch, đánh sập bộ máy đầu não của chính quyền Sài Gòn, làm rối loạn và tê liệt bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, biến hậu phương và dự trữ chiến tranh của chúng thành hậu phương và dự trữ chiến tranh của ta; làm thay đổi so sánh thế và lực một cách mau chóng có lợi cho quân dân miền Nam, bất lợi cho địch.
Theo phương hướng đó, trước và trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968, các đơn vị bộ đội chủ lực của ta mở một số chiến dịch ở vùng rừng núi miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Trị - Thiên nhằm kéo một bộ phận quan trọng quân chủ lực Mỹ lên chiến trường rừng núi, tạo điều kiện thuận lợi cho đòn tiến công và nổi dậy ở các đô thị trên toàn miền Nam.
Tại các đô thị và vùng ven, Quân Giải phóng sử dụng một số đơn vị bộ đội chủ lực đánh chiếm các mục tiêu, kìm chân các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn chủ lực của địch, tạo điều kiện cho lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của ta là các đội đặc công, biệt động bất ngờ đánh chiếm một số cơ quan đầu não tại trung ương và địa phương của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Phối hợp với lực lượng đặc công, biệt động, tiểu đoàn mũi nhọn, các đội vũ trang và bán vũ trang của các ban, ngành, đoàn thể cơ động đánh địch trên đường phố. Còn ở vòng ngoài, các sư đoàn, trung đoàn chủ lực của ta đón đánh, không cho các đơn vị chủ lực của địch tăng viện vào vùng ven và nội thành, giữ phía sau cho các tiểu đoàn mũi nhọn. Những hoạt động tác chiến trên có tác dụng châm ngòi cho quần chúng nổi dậy ở nhiều khu phố, nhiều đô thị, dưới nhiều hình thức, từ đó lại tiếp thêm sức mạnh cho tiến công quân sự. Tận dụng thời cơ có lợi do đòn tiến công và nổi dậy ở đô thị tạo ra, lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ cho quần chúng ở nhiều vùng nông thôn bị địch chiếm nổi dậy đập tan chính quyền cơ sở, giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng. Với việc sử dụng lực lượng này, quân và dân miền Nam đã phát huy được đầy đủ và mạnh mẽ khí thế tiến công, khiến cho giới cầm quyền Mỹ nhận thấy, cho dù có tăng thêm hàng trăm nghìn quân và hàng trăm tỷ đô-la chiến phí cũng không thể nào khuất phục được nhân dân Việt Nam. Đó là một thành công nổi bật, có tầm chiến lược quyết định đối với toàn bộ tiến trình và toàn cuộc chiến tranh, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng của ta, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Bốn là, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 thực sự là bước chuẩn bị, tạo đà cho những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược tiếp theo mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 là cuộc “động binh”, huy động lực lượng lớn nhất của ta cho đến thời điểm diễn ra, để lại cho cách mạng Việt Nam những bài học kinh nghiệm quý báu, liên quan đến toàn bộ quá trình hoạch định chủ trương, chuẩn bị, cũng như chỉ đạo, điều hành hoạt động tiến công và nổi dậy trên quy mô toàn miền Nam, tạo bước ngoặt cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Để kịp thời nắm bắt thời cơ, phát huy trí tuệ tập thể, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, hình thành và hiện thực hóa quyết tâm chiến lược, những tháng cuối năm 1967, nhất là từ tháng 9 đến tháng 12-1967, đại diện các lãnh đạo, chỉ huy chiến trường miền Nam lần lượt được Trung ương Đảng triệu tập ra Bắc báo cáo tình hình, thảo luận bổ sung kế hoạch tác chiến chiến lược. Trên cơ sở đó, Trung ương Đảng đi đến quyết định chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân miền Nam sang thời kỳ mới: Thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định. Để tạo yếu tố bất ngờ, ta chọn thời điểm tiến công và nổi dậy là vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, đồng thời, xác định mục tiêu tiến công là các thành phố, nhất là các thành phố lớn, như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, các thị xã, thị trấn, chi khu, quận lỵ, các sân bay, căn cứ quân sự của địch. Đây là những mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt, được coi là “bất khả xâm phạm” của địch, bởi thế tấn công vào đó sẽ làm cho địch hoàn toàn bị bất ngờ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự kiện Xuân Mậu Thân năm 1968.
Bài học về chớp thời cơ từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý về xây dựng ý chí, quyết tâm chiến đấu, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong chuẩn bị và tiến hành tổng tiến công và nổi dậy; về lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành tác chiến; về nghệ thuật nghi binh chiến lược, chọn hướng, mục tiêu tiến công; về nghệ thuật phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng... Trong đó, nổi bật là bài học về nghệ thuật kết thúc chiến tranh.
Rút kinh nghiệm từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lực lượng của ta được bố trí thành 5 cánh quân tiến công vào nội đô Sài Gòn trên 5 hướng. Phối hợp với đòn quân sự, quần chúng nhân dân ở các địa phương đã nổi dậy giành thắng lợi hoàn toàn. Việc kết thúc chiến tranh nhanh, gọn đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thương vong, giúp cho thành phố Sài Gòn không bị tàn phá là một phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (từ năm 1954 đến năm 1975) trường kỳ gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã vượt qua bao gian nan, thử thách, hy sinh, làm nên những chiến công vang dội, tạo ra những thay đổi quan trọng của cục diện chiến trường và cuộc chiến tranh, khiến kẻ địch phải nhận lấy thất bại nặng nề.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta cần ra sức phấn đấu hoàn thành thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các tình huống xảy ra để không bị bất ngờ trước các âm mưu, hành động xâm lược của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
-----------------------------------------------------
(1), (2), (3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 15, tr. 166, 167 - 168, 172
(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 26, tr. 635
Chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân nước ta hiện nay  (29/01/2018)
Chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân nước ta hiện nay  (29/01/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam đổi mới, hội nhập và phát triển  (29/01/2018)
Lễ vinh danh Đội tuyển U23 Việt Nam tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình  (29/01/2018)
Việt Nam hội nhập kinh tế trên nền tảng AEC và các cơ chế ASEAN+  (28/01/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên