TCCSĐT - Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là những yếu tố cơ bản của chính sách an sinh xã hội, một trong những trụ cột cơ bản bảo đảm sự phát triển bền vững. Bên cạnh các biện pháp đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp rất cần các biện pháp chủ động phòng ngừa để ngăn chặn các hành vi vi phạm từ sớm, từ xa.

Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm

Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật trong quản lý và thực hiện chính sách bảo hiểm. Trong thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm có diễn biến phức tạp. Từ năm 2007 - 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội với 103.199 lượt đơn vị sử dụng lao động, qua đó, phát hiện đề nghị xử phạt vi phạm hành chính, pháp luật về bảo hiểm xã hội 7.765 vụ và đã xử phạt vi phạm hành chính 2.020 vụ; đề nghị truy thu về Quỹ Bảo hiểm xã hội 331,5 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2016, số tiền nợ Bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp là 7.795 tỷ đồng, chiếm 3,30 % so với tổng số tiền phải thu. Cả nước có khoảng hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có 150.000 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, số doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội là khoảng 150.000 doanh nghiệp với trên 5 triệu lao động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, trong đó phải kể đến những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp. Thế nhưng cũng có những đơn vị không hề khó khăn vẫn cố tình trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, thậm chí hàng tháng vẫn trích trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động nhưng không nộp mà sử dụng vào mục đích khác. Rõ ràng, nhiều đơn vị, doanh nghiệp có thái độ coi thường pháp luật, không hợp tác, trốn tránh nghĩa vụ...

Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội có ở hầu khắp các địa phương. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2017 đến nay, số đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. Trong số hàng nghìn doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, có những doanh nghiệp nợ kéo dài đến cả chục năm với số tiền hàng chục tỷ đồng. Trong số 4.012 đơn vị đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn Thanh Hóa hiện có tới 3.046 đơn vị nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tổng số tiền nợ trên 262 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 1.500 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên, một số đơn vị nợ kéo dài với số tiền lớn... Nợ đọng bảo hiểm xã hội đã và đang ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm nghìn lao động và nguồn thu cho công tác an sinh xã hội địa phương cũng không được đảm bảo.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lạm dụng các chế độ, chính sách để trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội. Theo Vụ Thanh tra, kiểm tra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một số cá nhân ở địa phương này đã bắt tay nhau chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng tiền trợ cấp của 35 hồ sơ hưởng chế độ thai sản, 4 hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Tại nhiều địa phương khác, tình trạng cấu kết, chiếm đoạt tiền trợ cấp thai sản diễn ra khá nhiều. Nhân viên nhân sự và kế toán của một đơn vị ở Hải Dương đã cấu kết lập khống 36 hồ sơ, làm giả 44 hồ sơ thanh, quyết toán chế độ thai sản tại cơ quan bảo hiểm xã hội để chiếm đoạt 867 triệu đồng.

Ở tỉnh Bến Tre, bằng hành vi lập hồ sơ khống 13 công nhân đang làm việc tại đơn vị, một nhân viên đã thanh toán khống chế độ thai sản 255 triệu đồng. Hay tại Đồng Tháp, có đơn vị đề nghị thanh toán chế độ thai sản cho người lao động theo mức lương đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội là 18 triệu đồng/tháng trong khi đăng ký mức lương với cơ quan thuế là 2,5 triệu đồng/tháng. Thậm chí có đơn vị ở Cần Thơ lập thủ tục tuyển lao động là phụ nữ mang thai, thực hiện đăng ký đóng bảo hiểm xã hội nhưng thực tế không làm việc tại đơn vị để trục lợi bảo hiểm xã hội thông qua việc giải quyết hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Có thể khái quát một số thủ đoạn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, như: Lợi dụng cơ chế, chính sách bảo hiểm xã hội chưa chặt chẽ; chế tài xử lý nợ chậm đóng bảo hiểm chưa nghiêm nên doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động; người sử dụng lao động lách luật hợp đồng lao động để không đóng bảo hiểm cho người lao động; lập khống, giả mạo hồ sơ bảo hiểm xã hội làm căn cứ cho việc thanh toán chế độ ốm đau, thai sản; hợp thức hóa những tai nạn không thuộc diện tai nạn lao động thành tai nạn lao động để hưởng trợ cấp tai nạn lao động; làm hồ sơ khống để hưởng chế độ hưu trí cho một số người chưa đủ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội. Trong quản lý bảo hiểm y tế, tình trạng vi phạm, trục lợi từ bảo hiểm y tế ngày càng diễn biến phức tạp, như cố ý làm trái trong khi thi hành công vụ; cố ý lập sai hồ sơ bệnh án điều trị nội trú cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế; có tình trạng y, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên khác trong các bệnh viện đã chiếm đoạt thuốc chữa bệnh trong quá trình khám bệnh và cấp phát thuốc bằng các thủ đoạn lập khống toàn bộ hoặc một số chứng từ thanh toán thuốc bảo hiểm y tế. Lợi dụng kẽ hở của pháp luật và một số quy định chưa chặt chẽ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, cũng như kẽ hở của chính quyền địa phương trong việc chứng thực các văn bản giấy tờ, nhiều tổ chức, cá nhân đã làm giả giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh bản sao và thực hiện lập hồ sơ giả mạo để thực hiện các hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là quỹ ốm đau - thai sản.

Phối hợp đấu tranh có hiệu quả

Nhằm tăng cường đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã ký kết Quy chế phối hợp số 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXH (2012-2017). Qua 5 năm thực hiện, Quy chế phối hợp đã phát huy sức mạnh tổng hợp của hai ngành trong công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Thực hiện Quy chế phối hợp, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã thường xuyên chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; kịp thời trao đổi thông tin; phối hợp với Công an và các cơ quan có liên quan ở địa phương để thực hiện 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành tại 2.308 đơn vị (trong đó có 2.228 đơn vị sử dụng lao động; 80 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; phối hợp xác minh làm rõ 86 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật).

Tổng cục Cảnh sát đã giao Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng chỉ đạo, quán triệt triển khai thực hiện quy chế phối hợp tới Công an các địa phương. Từ năm 2012 đến nay, cảnh sát kinh tế cả nước đã tiếp nhận, xử lý hàng trăm thông tin, tài liệu do cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển sang. Lực lượng cảnh sát kinh tế cũng chủ động tiến hành công tác nghiệp vụ tại các đơn vị thuộc hệ thống cơ quan Bảo hiểm xã hội để nắm tình hình, thu thập tài liệu liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này.

Qua công tác nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết đơn, thư tố giác, tin báo về tội phạm về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, từ năm 2012 đến tháng 6-2017, cảnh sát kinh tế đã phát hiện, điều tra, xử lý 70 vụ việc; khởi tố điều tra 46 vụ, với gần 130 đối tượng, tổng thiệt hại 70 tỷ đồng; xử lý hành chính 18 vụ, tổng số tiền thu hồi được hơn 20 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc phối hợp giữa hai ngành có thời điểm chưa được thường xuyên và toàn diện, còn lúng túng, chưa được chặt chẽ, nhịp nhàng; việc trao đổi thông tin hoặc cung cấp hồ sơ về tình hình vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được kịp thời, chưa tập trung. Trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, mới chỉ tập trung ở các đơn vị sử dụng lao động có số nợ đọng lớn kéo dài và có dấu hiệu lạm dụng chế độ thai sản. Vì vậy, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn diễn biến phức tạp.

Mặc dù các quy định của pháp luật ngày càng chi tiết, cụ thể và chế tài xử phạt nặng hơn với các hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhưng trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, luật pháp chưa điều chỉnh hết, các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sẽ tiếp tục bị các tổ chức, cá nhân vi phạm bằng nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Chính vì thế, trong giai đoạn tới, việc phối hợp giữa hai ngành cần được điều chỉnh kịp thời theo những thay đổi của pháp luật nói chung và pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nói riêng; quy định chi tiết việc thường xuyên trao đổi thông tin để nắm bắt tình hình hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thông báo kịp thời âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động các loại tội phạm trong lĩnh vực này. Lực lượng cảnh sát kinh tế phải làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, tập trung vào những khâu, những quy trình dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực; coi thông tin dư luận xã hội, thông tin do các cơ quan báo chí, truyền thông cung cấp là một kênh quan trọng hỗ trợ trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc. Từ đó, có phương án phối hợp chủ động phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả; kịp thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, bảo đảm tính hiệu quả của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; góp phần thiết thực hướng tới hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Vẫn cần các biện pháp chủ động phòng ngừa

Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là những yếu tố cơ bản của chính sách an sinh xã hội, một trong những trụ cột cơ bản bảo đảm sự phát triển bền vững. Đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả hệ thống an sinh xã hội, tạo điều kiện để có thể trợ giúp có hiệu quả cho các tầng lớp yếu thế, dễ bị tổn thương hoặc gặp rủi ro trong cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm, cũng rất cần thiết một hệ thống các biện pháp chủ động phòng ngừa để ngăn chặn các hành vi vi phạm từ sớm, từ xa. Cụ thể:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; phương thức, thủ đoạn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm cũng như hệ thống chế tài xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đến người lao động và người sử dụng lao động với nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, để người lao động cũng như người sử dụng lao động thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

- Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội như xây dựng cơ chế để người dân giám sát hoạt động thu, chi và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội; chuẩn hóa các quy định, quy trình nghiệp vụ bảo hiểm thống nhất, đồng bộ, liên thông, liên kết cơ sở dữ liệu, tạo thuận lợi để người lao động có thể theo dõi, giám sát việc thu và nộp quỹ bảo hiểm xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” trong việc kê khai, thu, nộp bảo hiểm xã hội; giảm tối đa phiền hà và chi phí tuân thủ thủ tục cho người sử dụng lao động trong việc kê khai và nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

- Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, đặc biệt trong thực hiện chính sách của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Công đoàn cơ sở cần thể hiện ý kiến của người lao động trong những trường hợp người sử dụng lao động cố tình chây ỳ, trốn tránh hoặc nợ đọng bảo hiểm xã hội vì điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên. Liên đoàn lao động và các tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp cần chủ động lập hồ sơ khởi kiện ra tòa án đối với những đơn vị, doanh nghiệp chây ỳ, nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời phối hợp với cơ quan thi hành án để thực thi bản án có hiệu lực.

- Bổ sung chế tài và thực hiện nghiêm các chế tài đã có đối với các vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Tăng mức phạt tiền và mức phạt tiền tối đa đối với các vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội phù hợp với pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Cơ quan quản lý nhà nước có thể áp dụng một số biện pháp “mạnh tay” như không cho các đơn vị nợ đọng bảo hiểm tham gia đấu thầu, thi công các dự án; công khai việc nợ đọng bảo hiểm xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng...

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp. Xét xử công khai các vụ án hình sự trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội nhằm giáo dục, răn đe người đã và đang có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này./.

----------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Nhận diện một số thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội - http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/tin-tuc/nhan-dien-mot-so-thu-doan-thuc-hien-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-trong-linh-vuc-bhxh-va-bien-phap-phong-ngua-17088
2. Phối hợp đấu tranh hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp - TTXVN ngày 03-8-2017