Hội nghị ASEAN và 10 nước đối tác: Khẳng định vai trò và sự hợp tác của ASEAN
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam dự các hội nghị, và trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ, đã cùng Ngài V. K. Singh (Xinh), Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ.
Tại các hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và 10 nước Đối tác đã điểm lại quan hệ trong năm, thông qua nhiều định hướng lớn cho hợp tác trong giai đoạn tiếp theo. Các nước đã rất chú trọng một số lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, giao lưu nhân dân, giáo dục... Bên cạnh đó, các nước cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Các Đối tác chúc mừng ASEAN nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, hoan nghênh những kết quả ASEAN đạt được sau gần 2 năm xây dựng Cộng đồng và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN đẩy mạnh liên kết kinh tế và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy thương mại tự do và công bằng thông qua các Hiệp định mậu dịch tự do hiện có và khuôn khổ rộng lớn hơn như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các Đối tác cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Về tình hình khu vực và quốc tế, các Bộ trưởng Ngoại giao trao đổi về các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có tình hình Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, khủng bố, an ninh mạng; đồng thời nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ và tăng cường hợp tác để cùng xử lý các vấn đề quan tâm chung. Các Bộ trưởng khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982; thúc đẩy tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc nhất trí thông qua dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và mong muốn hai bên sớm tiến hành đàm phán thực chất để xây dựng một COC hiệu quả.
* Với Canada, các Bộ trưởng hoan nghênh kết quả triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN-Canada giai đoạn 2016-2020; nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác hai bên trong các lĩnh vực như thương mại và đầu tư, kết nối, giáo dục, quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu, tăng cường nữ quyền; nghiên cứu khả thi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Canada. Các nước đánh giá cao sáng kiến của Canada về Chương trình học bổng trị giá 10 triệu CAD (7,9 triệu USD) trong 5 năm cho sinh viên các nước ASEAN nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Canada và 50 năm thành lập ASEAN.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã gửi lời chia sẻ, thăm hỏi các nạn nhân trong cuộc chiến chống phần tử Hồi giáo cực đoạn ở thành phố Marawi (Ma-ra-uy), miền nam Philippines, đồng thời cam kết với các đối tác ASEAN rằng Canada sẵn sàng hỗ trợ tiến trình đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan trong khu vực. Bà Chrystia Freeland nhấn mạnh: “Chúng tôi đã và đang hợp tác với các bạn, chúng tôi đánh giá cao vai trò đối tác này để giải quyết những vấn đề an ninh của khu vực, ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Chúng tôi là thành viên sáng lập của lực lượng chống khủng bố toàn cầu, do đó chúng tôi có đủ khả năng để hỗ trợ các thành viên ASEAN chống khủng bố”. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Canada.
* Với Hàn Quốc, các Bộ trưởng hài lòng ghi nhận những kết quả đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch Hành động 2016-2020, hoan nghênh các hoạt động sôi nổi trong năm Hợp tác Du lịch ASEAN-Hàn Quốc 2017, đặc biệt là lễ khai trương Nhà Văn hóa ASEAN tại Busan (Bu-xan) vào tháng 9 vừa qua, và đánh giá cao những hỗ trợ của Hàn Quốc đối với nâng cao năng lực của ASEAN trong việc ứng phó với các thách thức trong khu vực. Về thương mại, các Bộ trưởng cam kết đẩy mạnh hợp tác, hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 200 tỷ USD vào năm 2020.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-Wha nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc luôn coi ASEAN là một đối tác chủ chốt trong chiến lược mở rộng hợp tác đối ngoại.
* Với New Zealand, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục thực hiện hai chiến lược trọng tâm là Chiến lược Con người và Chiến lược Thịnh vượng, triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại ASEAN-Australia-New Zealand và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ASEAN quan tâm và New Zealand có thế mạnh như giáo dục, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp, năng lượng tái tạo. ASEAN đánh giá cao các chương trình hỗ trợ về giáo dục và đào tạo của New Zealand, nhất là các chương trình học bổng dành cho thanh niên và lãnh đạo trẻ ASEAN (YBLI), Chương trình đào tạo tiếng Anh cho công chức (ELTO),…Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, New Zealand tuyên bố sẽ trao cho ASEAN một số học bổng đào tạo giảng dạy.
Ngoại trưởng New Zealand Gerry Brownlee khẳng định luôn coi ASEAN là một thực thể quan trọng đại diện cho khát vọng của khu vực và thế giới, với bề dày lịch sử 50 năm, vai trò của ASEAN về cả chính trị và kinh tế đang ngày càng được khẳng định.
* Với Australia, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác xử lý các thách thức an ninh như khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, buôn bán người; ghi nhận những kết quả cụ thể trong triển khai Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Chương trình Hỗ trợ hợp tác Kinh tế và Chương trình phát triển ASEAN- Australia; đánh giá cao các chương trình, sáng kiến được triển khai trong kế hoạch Colombo mới nhằm hỗ trợ tăng cường hợp tác giáo dục và liên kết nhân dân giữa Australia và các nước ASEAN (kể từ năm 2015). Hai bên cũng tích cực chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia dự kiến tổ chức vào tháng 3-2018.
* Với Trung Quốc, các Bộ trưởng đánh giá cao kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực hợp tác trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc thời gian qua. Các nước tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên hợp tác thực chất trên các lĩnh vực thương mại, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường hội nhập khu vực, phát triển hạ tầng cơ sở và tăng cường năng lực sản xuất; triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2016- 2020, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), cũng như đẩy nhanh tiến trình đàm phán RCEP; nghiên cứu thúc đẩy khả năng kết hợp giữa Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, nhất là từ Quỹ Hợp tác ASEAN-Trung Quốc, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)…Ngoài ra, ASEAN và Trung Quốc nhất trí chủ đề hợp tác ASEAN-Trung Quốc năm 2018 là Năm Sáng tạo và ký Biên bản ghi nhớ (MOU) sửa đổi về Trung tâm ASEAN-Trung Quốc. Tại hội nghị, các Bộ trưởng ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua dự thảo khung COC, tạo cơ sở đi vào đàm phán thực chất nội dung COC trong giai đoạn tới. Các nước đồng thời tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, kiềm chế và tránh các hành động đơn phương, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua dự thảo khung COC.
Việc thông qua dự thảo khung COC, sau gần 4 năm bắt đầu khởi động đàm phán, sẽ là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Nguyễn Quốc Dũng cho biết đây là khởi đầu tích cực cho tiến trình thương lượng COC thực chất và hiệu quả sau này. Sau khi được các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc thông qua, văn kiện này sẽ được trình lên các lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao vào tháng 11 tới.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 05-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước chủ nhà Robespierre Bolivar (Rô-bớt-pi-e Bô-li-va) cũng nhấn mạnh rằng bản dự thảo khung COC được coi như là một "phác thảo" định nghĩa bản chất của Bộ quy tắc ứng xử, nêu chi tiết cơ sở pháp lý cũng như "cách hành xử của các nước trong khu vực".
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã đề nghị ASEAN đẩy mạnh trao đổi với Trung Quốc, sớm khởi động đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý đồng thời khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với hòa bình, ổn định của khu vực.
* Với Ấn Độ, trên cương vị là nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Quốc vụ khanh Ấn Độ về đối ngoại V K. Singh đã đồng chủ trì hội nghị. Hai bên cam kết tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động ASEAN-Ấn Độ, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường hợp tác kết nối đường bộ, hàng không, hàng hải, kết nối số và kết nối con người, ứng phó các thách thức an ninh như an ninh hàng hải, khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, an ninh mạng; thúc đẩy việc ký kết MOU thành lập Trung tâm ASEAN-Ấn Độ; đẩy mạnh thực hiện các sáng kiến và cam kết của Lãnh đạo Cấp cao. Các Bộ trưởng hoan nghênh các hoạt động kỷ niệm 25 quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ, đánh giá cao vai trò điều phối của Việt Nam và cam kết cùng đóng góp tích cực tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ vào ngày 25 và 26-01-2018 tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ.
* Với Hoa Kỳ, các Bộ trưởng khẳng định lại các nguyên tắc quan trọng định hướng quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ nêu trong Tuyên bố Sunnylands (02-2016), đồng thời nhấn mạnh cần tích cực phát huy những thành tựu đạt được trong 40 năm qua. Về hợp tác, hai bên đặt trọng tâm vào các lĩnh vực kinh tế-thương mại, phát triển SMSEs, thúc đẩy sáng tạo và kinh tế số, giáo dục, tăng cường kết nối, đẩy mạnh hợp tác biển và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, an ninh mạng … Các nước ASEAN hoan nghênh Hoa Kỳ duy trì cam kết với khu vực và việc Tổng thống Donald Trump cam kết dự các Hội nghị khu vực cuối năm nay.
* Với Nhật Bản, ASEAN đánh giá cao những hỗ trợ của Nhật Bản cho tiến trình xây dựng Cộng đồng, trong đó có cam kết hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển, hiện thực hóa "tăng trưởng có chất lượng" ở tiểu vùng Mekong, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao và phát triển nguồn nhân lực công nghiệp. Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Kế hoạch triển khai sửa đổi thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN - Nhật Bản. Hai bên cũng cam kết triển khai hiệu quả Lộ trình Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản 2016-2025.
* Với Liên minh châu Âu (EU), các nước ghi nhận kết quả triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN - EU giai đoạn 2013-2017; thông qua Tuyên bố kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - EU, Kế hoạch Hành động mới cho giai đoạn 2018-2022, Tuyên bố ASEAN-EU về Hiệp định Paris, tái khẳng định cam kết hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
* Với Nga, các Bộ trưởng ghi nhận những tiến triển tích cực trong việc triển khai kết quả Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Nga tại Sochi (Xô-chi) vào tháng 5-2016 cũng như Kế hoạch Hành động ASEAN-Nga 2016-2020 và nhất trí thông qua Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nga về chống khủng bố quốc tế, Lộ trình thực hiện Báo cáo của Nhóm các Nhân vật nổi tiếng ASEAN-Nga và Tài liệu khái niệm của Nhóm Nghiên cứu Đối tác Chiến lược ASEAN-Nga.
Đóng góp tích cực của Việt Nam tại các hội nghị
Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã tham gia tích cực và đóng góp ý kiến trên các vấn đề được trao đổi tại các hội nghị. Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ của các Đối tác dành cho ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng nêu các đề xuất cụ thể nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn hợp tác, trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng đối tác, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của ASEAN như liên kết, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức đang nổi lên như tội phạm xuyên quốc gia, an ninh, an toàn hàng hải, quản lý thiên tai, phòng chống dịch bệnh.
Về tình hình khu vực và thế giới, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chia sẻ đánh giá về những thuận lợi cũng như thách thức đặt ra ở khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng về vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN và với các đối tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Phó Thủ tướng đã chia sẻ lo ngại về những diễn biến phức tạp gần đây và hiện nay tại Biển Đông, bao gồm các hành động đơn phương như bồi đắp, cải tạo đất và quân sự hóa, làm xói mòn lòng tin và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đề nghị các nước tiếp tục ủng hộ ASEAN và đóng góp xây dựng cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực; thúc đẩy các bên tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, kiềm chế, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, sớm đi vào đàm phán thực chất và hoàn tất Bộ quy tắc COC hiệu quả trên cơ sở Khung COC đã được thông qua.
Sáng kiến quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson đã đề xuất Sáng kiến Dữ liệu nguồn nước Mekong nhằm hỗ trợ các nước khu vực sông Mekong trong công tác thu thập, chia sẻ thông tin, phục vụ quản lý nguồn nước sông một cách bền vững.
Đây là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) lần thứ 10 diễn ra chiều 06-8 tại thủ đô Manila của Philippines, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 50. Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Hoa Kỳ và Tổng thư ký ASEAN. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Sáng kiến của Hoa Kỳ đã được các nước Mekong hoan nghênh và nhất trí triển khai. Các Bộ trưởng cũng khẳng định tiếp tục hợp tác với Ủy hội sông Mekong vì sự tăng trưởng bền vững, bao trùm và có trách nhiệm với môi trường tại lưu vực sông Mekong. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh những thành tựu quan trọng mà hợp tác LMI đạt được trong thời gian qua và khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước Mekong và Mỹ thúc đẩy hợp tác vì sự phát triển bền vững tại khu vực Mekong. Phó Thủ tướng cho rằng LMI có thể hỗ trợ các nước Mekong thích ứng và nắm bắt cơ hội phát triển mới trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang chuyển đổi nhanh chóng. Để làm được điều này, LMI cần đặt ưu tiên vào giúp các nước Mekong chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ sang phát triển kinh tế dựa trên tri thức, sức sáng tạo và phát huy tinh thần doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại khu vực Mekong. Mặt khác, LMI thúc đẩy kết nối thông suốt trong nội khối các nước Mekong và giữa khu vực Mekong với các quốc gia bên ngoài thông qua các dự án bổ trợ cho Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, LMI cần tiếp tục hỗ trợ các nước Mekong bảo đảm sự cân bằng về an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu; và giảm thiểu các tác động tiêu cực tiềm tàng về môi trường và xã hội của các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Hội nghị cũng tập trung thảo luận về định hướng hợp tác trong thời gian tới và phương thức nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế LMI. Các Bộ trưởng khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác LMI nhằm hỗ trợ các nước Mekong hội nhập kinh tế khu vực và phát triển bền vững. Các Bộ trưởng cũng nhất trí tăng cường hợp tác trên 6 trụ cột ưu tiên (gồm kết nối, môi trường và nước, giáo dục, y tế, an ninh năng lượng, an ninh lượng thực và nông nghiệp) để thực hiện thành công Kế hoạch hành động LMI giai đoạn 2016-2018.
Kết thúc hội nghị, các bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung và nhất trí tổ chức Hội nghị Bộ trưởng LMI lần thứ 11 tại Singapore vào năm 2018./.
Nga và Mỹ nhất trí đối thoại về Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn  (06/08/2017)
Mỹ kêu gọi chấm dứt các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông  (06/08/2017)
Nhật Bản tưởng niệm 72 năm thảm họa bom nguyên tử tại Hiroshima  (06/08/2017)
Tăng cường quảng bá lịch sử, văn hóa Việt Nam qua Mộc bản triều Nguyễn  (06/08/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên