TCCSĐT - Thiết thực hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30-7), trong những ngày qua, Bộ Công an, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức mit-tinh, hội thảo với sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành của nhiều địa phương trong cả nước nhằm chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tội phạm mua bán người.

Nhức nhối nạn buôn bán người

Từ đầu năm 2011 đến hết năm 2016, cả nước có trên 81 nghìn người Việt Nam kết hôn với công dân của hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó 78,02% tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Tây Nam bộ; kéo theo đó, dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả,... các đối tượng tội phạm mua bán người đã đã lợi dụng thiết lập đường dây tội phạm mua bán người xuyên quốc gia. Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát ( Bộ Công an) cho biết: Trong những năm gần đây, loại tội phạm này hoạt động tinh vi, diễn biến rất phức tạp và có xu hướng tăng. Trung bình mỗi năm, nước ta phát hiện khoảng 500 vụ phạm tội với hơn 700 đối tượng, lừa bán trên 1.000 nạn nhân. Nạn mua bán người không chỉ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, nòi giống, lối sống, thuần phong, mỹ tục, pháp luật của Nhà nước và còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự của đất nước, là mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội.

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phòng chống buôn bán người qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài, Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, cho biết từ đầu năm 2011 đến tháng 6-2017, cả nước xảy ra hơn 2.700 vụ mua bán người, lừa bán gần 6.000 nạn nhân, trong đó có 477 vụ mua bán người vì mục đích hôn nhân (chiếm 16,27%), lừa bán trên 1.140 nạn nhân. Đặc biệt, hơn 80% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và nhất là Trung Quốc (chiếm 70%).

Mit-tinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người

 
 Diễu hành hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống buôn bán người 30-7 tại Đồng Tháp.

Ngày 29-7, tại thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), đã diễn ra lễ mit-tinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30-7). Tham dự buổi lễ có đại diện Bộ Công an, đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại diện các sở, ban, ngành của nhiều địa phương trong cả nước.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Xác định nhiệm vụ phòng chống mua, bán người là một nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chọn năm 2017 là năm để các lực lượng tập trung vào lĩnh vực phòng, chống mua bán người thông qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Trong đó,Hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là công tác phòng ngừa thông qua hỗ trợ phát triển kinh tế, tổ chức tư vấn về ngôn ngữ, văn hoá, pháp luật... cho phụ nữ trước khi kết hôn với người nước ngoài, nhất là những phụ nữ còn khó khăn, phụ nữ vùng nông thôn, miền núi.

Bà Nguyễn Thị Tuyết cho rằng các ban, ngành địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai các giải pháp phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm; tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng ngừa mua bán người ngay từ hộ gia đình, đặc biệt cần có những biện pháp hỗ trợ thiết thực đối với những nạn nhân bị mua bán, phụ nữ có hôn nhân bất hạnh ở nước ngoài trở về Việt Nam an toàn và sớm hoà nhập cộng đồng...

Kinh nghiệm phòng, chống mua bán người thông qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài

 
 Hội thảo Kinh nghiệm phòng, chống mua bán người thông qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Đồng Tháp ngày 28-7.

Ngày 28-7, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống mua bán người thông qua hôn nhân có yếu tố nước nước ngoài.

Trên 100 đại biểu là đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại diện lực lượng Công an, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Tây Ninh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã tham dự Hội thảo.

Tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, theo đánh giá, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ là những điểm nóng về vấn đề này. Nạn nhân của các hoạt động tội phạm mua bán người là phụ nữ, trẻ em và cả trẻ sơ sinh, với nhiều hình thức như môi giới hôn nhân, kết hôn giả... Nhiều nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi kết hôn ở vùng nông thôn, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống còn hạn chế đã bị dụ dỗ, lừa gạt, bị bán ra nước ngoài làm vợ bất hợp pháp, bán vào tụ điểm mại dâm, trở thành nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động và thậm chí mua bán nội tạng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn, thách thức khi bọn tội phạm đã thiết lập đường dây mua bán người xuyên quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Mặt khác, hình thức hoạt động và thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, biến đổi liên tục. Trong khi đó, quy chế quản lý nhà nước chưa theo kịp, thiếu các chế tài hình sự, hành chính để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý triệt để.

Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, cho rằng tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, trong đó môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài sẽ còn diễn biến phức tạp và quốc tế hóa. Vì vậy, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về mua bán người; đồng thời cần đẩy mạnh công tác truyền thông, làm thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi, xóa bỏ trào lưu "thích lấy chồng ngoại".

Các cơ quan cần nhanh chóng thiết lập đường dây nóng để kịp thời nắm bắt thông tin và xử lý vụ việc; tăng cường quản lý cư trú người nước ngoài, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý chặt chẽ các ngành nghề hoạt động. Các địa phương cần đẩy mạnh cuộc vận động "xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư", thanh niên lập nghiệp... để các đối tượng phụ nữ thoát nghèo bền vững, có kiến thức, thông tin về các hiểm họa đối với bản thân. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế với các nước, tổ chức quốc tế trong việc trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh bắt giữ, chuyển giao tội phạm mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân, bảo hộ, giúp đỡ cô dâu Việt Nam kết hôn ở các nước sở tại./.